Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam: Truyền thuyết lịch sử chùa bà Núi Sam

Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam có truyền thuyết thế nào? Lịch sử hình thành địa điểm văn hóa tâm tinh nổi tiếng của tỉnh An Giang này ra sao?

Từ lâu Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam tại thành phố Châu Đốc là 1 trong những điểm đến tâm linh được rất nhiều người dân nước ta đổ xô về. Ngoài ra còn thu hút không ít các du khách nước ngoài đến đây tham quan.

Ngay trong bài viết sau đây, bạn hãy cùng Đồ Thờ HƯng Vũ khám phá 1 địa điểm khá nổi tiếng mà bạn không thể bỏ qua khi đi đến tỉnh An Giang.

Giới thiệu về Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam

Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam từ lâu đã gắn liền với vùng Châu Đốc linh thiêng đầy huyền bí. Không ai quy định gì, mặc nhiên, những ai chọn đến du lịch Châu Đốc đều nhất định phải ghé viếng Miếu Bà Chúa Xứ An Giang. Không chỉ là một điểm đến tâm linh thu hút sự chú ý của cộng đồng du lịch, Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam Châu Đốc còn là niềm tự hào của du lịch địa phương nói riêng hay cả tỉnh An Giang nói chung.

Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam Châu Đốc không chỉ là một địa điểm tâm linh mà còn gắn với những câu chuyện mang tính lịch sử về người khai hoang vùng đất cũng như chống giặc ngoại xâm.

Tương truyền, Bà Chúa Xứ Núi Sam là một nhân vật khá linh thiêng, cầu gì được nấy nên hàng năm, lượng người tứ xứ đổ về đây để nguyện cầu mong công việc thuận buồm xuôi gió, gia đạo bình an ngày càng nhiều (có năm lên đến hơn hàng triệu lượt người đến viếng Bà).

Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam Châu Đốc ngày trước vốn chỉ là một ngôi nhà gỗ vách lá đơn sơ để thờ phụng, đến nay đã trở thành một công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn văn hóa Đông phương.

Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam

Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam ở đâu?

Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam tọa lạc nơi chân núi Sam, trước thuộc xã Vĩnh Tế, nay thuộc phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang, Việt Nam.

Vị trí Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam

Truyền thuyết Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam

Truyền thuyết Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam được truyện xưa kể lại rằng:

Những năm 1820 – 1825, Quân Xiêm thường sang nước ta quấy nhiễu, cướp bóc. Mỗi khi giặc đến, người dân quanh vùng lại phải bồng bế nhau chốn chạy lên núi lánh nạn.

Có lần quân giặc đuổi theo lên đến đỉnh núi Sam thì gặp tượng Bà. Chúng hì hục cậy ra, lấy dây buộc lại dùng đòn khiêng xuống núi để mang về xứ. Nhưng khi bọn chúng mới khiêng đi được một đoạn đường ngắn, lạ thay tượng Bà bỗng dưng nặng trĩu không thể nào nhấc lên được nữa.

Khi đó, một tên trong bọn tức giận đập vào cốt tượng làm gãy một phần cánh tay bên trái và ngay tức khắc hắn bị Bà trừng phạt.

Thời gian sau, Bà thường hiện về xưng là Bà Chúa Xứ, dạy dân làng khiêng xuống núi lập miếu thờ cúng.

Bà sẽ phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, tránh được giặc cướp quấy phá, thoát khỏi dịch bệnh hoành hành. Thấy vậy, dân làng họp nhau lên núi khiêng tượng về thờ cúng.

Nhưng lạ thay, dù mấy chục thanh niên trai tráng hò nhau gắng sức vẫn không lay chuyến nổi tượng Bà.

Trong lúc mọi người đang rất thất vọng, có ý định bỏ dở thì một cô gái trong làng bỗng dưng lên đồng cho biết : “Bà chỉ cần 9 cô gái đồng trinh lên khiêng”.

Dân làng làm theo lời dạy ấy và qủa đúng thật 9 cô gái đồng trinh khiêng tượng Bà đi xuống một cách nhẹ nhàng.

Bỗng nhiên khi đi đến chân núi thì tượng Bà trở nên nặng, không thể khiêng nổi thêm một bước nào nữa.

Khi đó mọi người đã hiểu rằng, Bà đã chọn nơi đây để an vị nên đã không cố gắng di chuyển đi nữa mà lập miếu thờ cúng chỗ đó.

Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam

Kiến trúc Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam

Ban đầu miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam được cất đơn sơ bằng tre lá, nằm trên vùng đất trũng phía tây bắc núi Sam, lưng quay về vách núi, chính điện nhìn ra con đường và cánh đồng làng.

  • Năm 1870, ngôi miếu được xây dựng lại bằng gạch hồ ô dước.
  • Năm 1962, ngôi miếu được tu sửa khang trang bằng đá miểng và lợp ngói âm dương.
  • Năm 1965, Hội quý tế cho xây nới rộng nhà khách và làm hàng rào nhà chính điện của ngôi miếu.
  • Năm 1972, ngôi miếu được tái thiết lớn và hoàn thành vào năm 1976, tạo nên dáng vẻ như hiện nay, và người thiết kế là hai kiến trúc sư Huỳnh Kim Mãng và Nguyễn Bá Lăng.

Đến khi ấy, kiến trúc miếu có dạng chữ “quốc”, hình khối tháp dạng hoa sen nở, mái tam cấp ba tầng lầu, lợp ngói đại ống màu xanh, góc mái vút cao như mũi thuyền đang lướt sóng. Bên trong miếu có võ ca, chánh điện, phòng khách, phòng của Ban quý tế…

Các hoa văn ở cổ lầu chính điện, thể hiện đậm nét nghệ thuật Ấn Độ. Phía trên cao, các tượng thần khỏe mạnh, đẹp đẽ giăng tay đỡ những đầu kèo. Các khung bao, cánh cửa đều được chạm trổ, khắc, lộng tinh xảo và nhiều liễn đối, hoành phi ở nơi đây cũng rực rỡ vàng son.

Đặc biệt, bức tường phía sau tượng Bà, bốn cây cột cổ lầu trước chính điện gần như được giữ nguyên như cũ. Ở thời điểm năm 2009, thì miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam là “ngôi miếu lớn nhất Việt Nam.

Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam

Tượng Bà Chúa Xứ Núi Sam

Bên trong Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam. Khi xưa, tượng Bà ngự trên đỉnh núi Sam, gần Pháo Đài. Chứng minh cho điều này là bệ đá Bà ngồi vẫn còn tồn tại (ảnh).

Bệ đá có chiều ngang 1,60m; dài 0,3m, chính giữa có lỗ vuông cạnh 0,34m, loại trầm tích thạch màu xanh đen, hạt nhuyễn, không có ở địa phương.

Theo nhà khảo cổ học người Pháp là Malleret đến nghiên cứu vào năm 1941, thì tượng Bà Chúa Xứ Núi Sam thuộc loại tượng thần Vishnu (nam thần), tạc dáng người nghĩ ngợi, quý phái, có giá trị nghệ thuật cao, được tạc vào cuối thế kỷ 6 bằng đá son, và rất có thể đây một trong số hiện vật cổ của nền văn hóa Óc Eo .

Sau này, nhà văn Sơn Nam cũng đã chép rằng: Tượng của Bà là pho tượng Phật đàn ông của người Khmer, bị bỏ quên lâu đời trên đỉnh núi Sam. Người Việt đưa tượng vào miễu, điểm tô lại với nước sơn, trở thành đàn bà mặc áo lụa, đeo dây chuyền. Và từ đó “Bà Chúa Xứ” là vị thần có quyền thế lớn ở khu vực ấy, xứ ấy…

Cũng theo lời truyền miệng dân gian, thì khi xưa có một nhóm người đến quấy nhiễu nơi đây. Gặp tượng Bà, họ muốn lấy đi nhưng xê dịch không được nên tức giận đập gãy cánh tay trái của pho tượng

Chung quanh tượng Bà (đặt ở giữa chính điện), còn có bàn thờ Hội đồng (phía trước), Tiền hiền và Hậu hiền (hai bên), bàn thờ Cô (bên phải, có thờ một tượng nữ thần nhỏ bằng gỗ), bàn thờ Cậu (bên trái, có thờ một Linga bằng đá rất to, cao khoảng 1,2m)…

Theo sách Kỷ lục An Giang, 2009, thì tượng Bà là “pho tượng bằng đá sa thạch xưa nhất Việt Nam”, và “có áo phụng cúng nhiều nhất”.

Tượng Bà Chúa Xứ Núi Sam

Lễ hội Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam

Hàng năm, lễ hội “Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam” diễn ra từ ngày 23 đến 27-04 âm lịch. Hàng vạn người đổ về dự lễ và tham gia các trò vui như: hát bội, múa võ, ca nhạc ngũ âm, múa lân, đánh cờ…

Phần lễ có những nghi lễ chính như sau:

Lễ “Tắm Bà” (tương tự như lễ mộc dục ở miền Bắc)

Được cử hành vào lúc 0 giờ ngày 24-04 âm lịch. Mở đầu lễ, 2 ngọn nến to được đốt sáng lên trong chánh điện. Ông lễ chánh bái nghi cùng với 2 vị bô lão, ban quản lý miếu niệm hương, dâng rượu và trà.

Bức màn vải có viền ren lộng lẫy kéo ngang bệ thờ, che khuất khu vực đặt tượng, 9 cô gái trẻ được phân công trước bắt đầu vén màn tắm cho tượng Bà. Đầu tiên là cởi mũ, áo, khăn đai từ lớp ngoài vào trong để lộ toàn thân pho tượng.

Những cô gái được phân công việc tắm Bà lần lượt nhúng từng chiếc khăn mới vào chậu nước thơm, vắt ráo rồi lau tượng nhiều lần.Sau đó, họ dùng nước hoa xịt khắp bức tượng rồi chọn bộ đồ mới đẹp nhất khoác lên bức tượng, thắt chặt đai, chít khăn, đội mão, gắn lại những ngọn đèn màu trang trí như cũ.

Lễ tắm Bà thường kéo dài khoảng một giờ, sau đó bức màn ngăn được kéo lên để cho khách tự do chiêm bái, dâng hương, hoặc xin lộc Bà.Phần Lễ Tắm Bà kết thúc…Nước tắm cho Bà còn lại sẽ đem hoà trong 2 thùng nước lớn để phân phát cho du khách trẩy hội.

Lễ tắm Bà chúa núi sam

Lễ Thỉnh sắc

Cử hành vào khoảng 16h chiều ngày 25, một đoàn người gồm các bô lão trong làng quần áo chỉnh tề, tiến từ miếu Bà sang lăng Thoại Ngọc Hầu để thỉnh sắc (thật ra, đây là lễ rước bài vị, vì sắc đã không còn).

Dẫn đầu có đội múa lân, các học trò lễ tay cầm cờ phướn đi hầu phía trước và sau chiếc kiệu sơn son thiếp vàng gọi là long đình. Đến điện thờ, ông chánh bái làm lễ niệm hương, rồi thỉnh bài vị đưa lên kiệu trở về miếu Bà.

Ba chiếc bài vị mang tên Thoại Ngọc Hầu và tên bà vợ chánh Châu Thị Tế, bà vợ thứ Trương Thị Miệt được đặt trên bàn thờ ở chánh điện. Bài vị thứ tư mang tên Hội đồng, ghi công lao các quan quân đã theo Thoại Ngọc Hầu xưa kia, được đặt riêng ở bàn thờ phía trước.

Lễ Túc yết

Được tổ chức lúc 0 giờ đêm 25 rạng 26-04 âm lịch, gồm có hai phần: nghi thức cúng tế và phần xây chầu. Lễ vật dâng cúng gồm có: một con heo trắng, một đĩa huyết heo có kèm theo nhúm lông nhỏ.

Một mâm trái cây, trầu cau, gạo, muối. Sau ba hồi chiêng, trống, nhạc lễ nổi lên, lễ dâng hương, dâng trà bắt đầu. Nghi thức cúng tế kết thúc bằng động tác của ông chánh tế đốt bản văn tế cùng giấy vàng bạc.

Tiếp theo nghi thức cúng tế là phần xây chầu được tiến hành ở nhà võ ca. Sau phần cầu nguyện của ông Chánh bái, xin cho mưa thuận gió hoà, đất đai phì nhiêu, mùa màng bội thu, dân chúng khỏe mạnh, yên vui, các loài quỷ dữ bị tiêu diệt, lễ Xây chầu bắt đầu bằng ba hồi trống lệnh. Sau đó, chiêng trống rộ lên, chương trình hát bội bắt đầu.

Lễ Chánh tế

Lễ Chánh tế được tổ chức vào tờ mờ sáng ngày 27, gần giống như nghi thức cúng Túc yết.

Lễ Hồi sắc

Lễ Hồi sắc cử hành vào khoảng 15h ngày 27-04, đoàn hành lễ sẽ rước bài vị Thoại Ngọc Hầu và nhị vị phu nhân từ miếu trở về Sơn Lăng. Kết thúc lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam.

Miếu Bà chúa Xứ là một trong những danh thắng của núi Sam được nhà nước xếp hạng. Nơi đây đã mang dấu ấn của cả một thời đại hào hùng, thời đại chống giặc ngoại xâm.

Và ngay nay miếu Bà Chúa Xứ vẫn thật sự là điểm đến của du khách bốn phương, là nơi mà con người cầu mong về những điều thiêng liêng, tốt đẹp nhất.

Lễ Hồi sắc

Cách di chuyển tới Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam

Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam Châu Đốc tọa lạc tại phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang. Vì là một trung tâm du lịch của tỉnh nên đường đi đến đây khá dễ dàng và thuận tiện.

  • Nếu bạn đi từ Thành phố Hồ Chí Minh, hãy di chuyển bằng phương tiện xe khách theo hướng cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương – Mỹ Thuận và tìm đường đến Quốc lộ 91 là sẽ đến được trung tâm thành phố Châu Đốc. Quãng đường dài tổng cộng 207 km và mất hơn 5 tiếng để di chuyển. Vì thế, bạn có thể chọn những tuyến xe khách chạy đêm để có thể tiết kiệm thời gian nhé!
  • Nếu bạn di chuyển từ trung tâm thành phố Long Xuyên, bạn có thể chọn phương tiện xe máy để đến đây. Đầu tiên, hãy chạy xe đến với khu vực Vĩnh Thạnh Trung. Sau đó, bạn đi dọc theo Quốc lộ 91 hoặc đường ĐT945 để đến được Kinh 4 thuộc phường Châu Phú B, Thành phố Châu Đốc. Sau đó, bạn đi tiếp đến đường Châu Thị Tế/ Tân Lộ Kiều Lương sẽ đến được khu vực Núi Sam và chiêm ngưỡng sự uy nghi của Miếu Bà. Trên đường đi, bạn có thể tận hưởng vẻ đẹp của Khu du lịch Cáp treo Núi Sam.

Tới miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam thích hợp nhất thời gian nào?

Điều quan trọng nhất khi đến miếu Bà Chúa Xứ khấn nguyện chính là sự thành tâm, mà sự thành tâm thì không phân theo tháng hay thời điểm cụ thể. Vậy nên bạn có thể tới đây vào bất kì lúc nào cũng được.

Nhu cầu hành hương, về viếng miếu Bà Chúa Xứ ngày càng tăng. Thông thường khách hành hương cao nhất là vào tháng 1 đến tháng 3 âm lịch. Nguyên nhân là do trong 3 tháng này trùng rất nhiều ngày lễ lớn của Phật giáo.

Điều này thì không thay đổi được vì chúng nằm ở mặt thời gian. Chắc hẳn đến vào những dịp này tình trạng chen lấn, xô đẩy sẽ thường xuyên diễn ra.

Tuy không thể tránh được hiện tượng trên nhưng bạn vẫn có thể hạn chế chúng bằng việc đi vào những ngày đầu tuần hoặc giữa tuần.

Kinh nghiệm viếng Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam

Sau đây Đồ Thờ Hưng Vũ sẽ chia sẻ tới các bạn kinh nghiệm khi tới viếng thăm địa danh Miếu Bà Chúa Núi Sam như sau:

Hướng dẫn đường đi

Theo kinh nghiệm viếng Bà Chúa Xứ Núi Sam thì Châu Đốc cách Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 250km nên bạn có thể chủ động lựa chọn các phương tiện di chuyển như xe máy, xe ô tô hoặc xe khách sao cho phù hợp với nhu cầu của mình.

Đi bằng ô tô – xe máy

  • Lộ trình số 1: Xuất phát từ Thành phố Hồ Chí Minh, bạn đi dọc Quốc lộ 62 ra Bình Hiệp rồi di chuyển tiếp theo cung đường biên giới hướng từ Hồng Ngự đến Tân Châu để tới được Chùa Bà Châu Đốc.
  • Lộ trình số 2: Xuất phát từ Thành phố Hồ Chí Minh, bạn đi đường Quốc lộ 1A qua khỏi cầu Mỹ Thuận rồi rẽ vào Quốc lộ 80. Sau đó bạn tiếp tục di chuyển đến Sa Đéc qua Phà Vàm Cống và tiến vào thành phố Long Xuyên. Cuối cùng, bạn đi thẳng theo Quốc lộ 90 là sẽ đến Châu Đốc.

Đi bằng xe khách

Kinh nghiệm viếng Bà Chúa Xứ Núi Sam là nếu bạn muốn an toàn hơn và được tranh thủ nghỉ ngơi trong khi di chuyển thì có thể bắt các chuyến xe khách để đến Châu Đốc.

  • Xe khách Phương Trang: Xuất phát từ bến xe Miền Tây, giá vé tham khảo là 175.000 VND/người/lượt.
  • Xe khách Huệ Nghĩa: Xuất phát tại số 11 Lê Đại Hành, phường 4, quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh, giá vé tham khảo là 150.000 VND/người/lượt.
  • Xe khách Kim Mai: Xuất phát từ bến xe Miền Tây, giá vé tham khảo là 120.000 VND/người/lượt.

Chiêm ngưỡng công trình kiến trúc tráng lệ

Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam không chỉ nổi tiếng vì sự linh thiêng mà kiến trúc nơi đây cũng vô cùng ấn tượng. Ngày trước, Chùa Bà Châu Đốc chỉ được xây dựng khá đơn sơ bằng tre lá. Đến năm 1870, người dân địa phương đã góp công sức để sửa chữa và trùng tu lại ngôi chùa bằng gạch hồ ô dước.

Cho đến năm 1972 – 1976 thì hai kiến trúc sư Huỳnh Kim Mảng và Nguyễn Bá Lăng đã có một cuộc tái thiết quy mô lớn cho Miếu Bà Chúa Xứ để ngôi chùa sở hữu dáng vẻ tráng lệ như ngày nay. Toàn bộ kiến trúc chùa được xây theo hình chữ “quốc” và các tháp có hình dáng hoa sen nở. Mái tam cấp của ba tầng lầu có phần góc cong vút, được lợp ngói đại ống màu xanh ngọc bích cực kỳ bắt mắt.

Vẻ đẹp của kiến trúc Miếu Bà Chúa Xứ còn được thể hiện qua những cánh cổng chùa được chạm trổ, điêu khắc tinh xảo cùng với nhiều liễn đối, hoành phi vàng son rực rỡ. Đặc biệt, bức tường ở phía sau tượng Bà và bốn cây cột cổ lầu trước chánh điện được giữ nguyên vẹn như thuở ban đầu. Tượng Bà nằm giữa chánh điện, xung quanh có bàn thờ Hội đồng ở phía trước và Tiền hiền, Hậu hiền đặt hai bên. Tất cả tạo nên một tổ hợp hài hòa những sắc màu lịch sử, văn hoá và nghệ thuật cho Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam.

Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam

Kinh nghiệm dâng lễ viếng Bà

Việc cúng lễ đều là thành tâm và tùy vào điều kiện của mỗi người chứ không có những quy định bắt buộc. Phần lớn người đến hành hương thường sẽ mua heo quay để cúng. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm viếng Bà Chúa Xứ Núi Sam thì bạn không nên mua heo quay bán ở trước cổng chùa vì thường không đảm bảo vệ sinh và giá cũng rất cao.

Đơn giản nhất là bạn có thể chuẩn bị một bó hoa tươi, đĩa hoa quả kèm theo trầu cau, muối và gạo. Ngoài ra, nếu có thời gian thì bạn cũng có thể chuẩn bị thêm một đĩa đồ ăn mặn hoặc bánh chưng cho mâm lễ.

Tham gia lễ hội vía Bà Chúa Xứ Núi Sam Châu Đốc

Lễ hội vía Bà Chúa Xứ Núi Sam (hay lễ hội Chùa Bà Châu Đốc) là một trong những lễ hội lớn của người dân vùng Nam Bộ, được tổ chức từ ngày 23 đến 27 tháng 4 âm lịch và thu hút gần 2 triệu lượt khách hành hương mỗi năm.

Tại đây, bạn sẽ được tham dự các lễ hội dân gian phong phú với mục đích cầu tài lộc, may mắn. Tuy nhiên, trong những ngày hội lớn và đông đúc như thế này thì an ninh tại chùa vẫn chưa được đảm bảo nên kinh nghiệm viếng Bà Chúa Xứ Núi Sam là bạn hãy chọn trang phục đơn giản cũng như chú ý bảo quản tư trang nhé.

Khám phá các đặc sản tại chợ Châu Đốc

Gần Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam là chợ Châu Đốc với rất nhiều đặc sản An Giang hấp dẫn. Nếu muốn mua về làm quà cho người thân thì bạn có thể mua các loại mắm, tép khô nổi tiếng ở đây. Những thương hiệu mắm trứ danh tại Châu Đốc là Bà Giáo Khỏe, Út Cảnh, Tư Ấu…

Ngoài mắm, nơi này còn nức tiếng với đặc sản thốt nốt thanh mát, ngon ngọt. Ngoài quả tươi thì còn có đường thốt nốt, mứt thốt nốt, bánh bò thốt nốt… để bạn thỏa sức lựa chọn đấy.

Trên đây là một số thông tin về Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam mà Đồ Thờ Hưng Vũ muốn chia sẻ với các bạn. Nơi đây là một điểm đến du lịch tâm linh nổi tiếng của Châu Đốc An Giang.

Có thể bạn quan tâm:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *