Hầu đồng là gì? Căn hầu đồng có ý nghĩa thế nào? 36 giá hầu đồng gồm những giá nào? Từ lâu hầu đồng đã là một hoạt động tín ngưỡng và là một nét đẹp văn hoá truyền thống của Việt Nam.
Nó được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia và đang được chuẩn bị hồ sơ để trình UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể nhân loại. Đối với những ai chưa thật sự biết và hiểu rõ về khái niệm hầu đồng là gì, họ sẽ cho rằng đây là những “trò” mê tín, lố lăng, trình diễn những điều không có thật về tâm linh.
Tuy nhiên có thể bạn chưa hiểu rõ về các hoạt động này và ý nghĩa của nó. Vậy sau đây hãy cùng Đồ Thờ Hưng Vũ khám phá nhé!
Hầu đồng là gì?
Hầu đồng hay còn gọi là hầu bóng, đồng bóng là một nghi thức trong hoạt động tín ngưỡng dân gian và tôn giáo thờ nữ thần mẹ Đạo Mẫu dòng Shaman giáo của nhiều dân tộc, trong đó có tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Đây là một nghi lễ thuộc tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ, Đức Thánh Trần… Người ta tin rằng khi các vị thần linh nhập thân xác các tín đồ Shaman (đồng nam, nữ) sẽ có thể trừ tà, chữa bệnh và ban điều phước lành.
Song, người hầu đồng (Thanh Đồng) thường đứng giá hầu đồng để thực hiện nghi lễ hầu. Thanh đồng nam giới được gọi là “cậu” và nữ giới được gọi là “cô”.
Thêm nữa, có hai hoặc bốn phụ đồng (nhị trụ hoặc tứ trụ hầu dâng) đi theo Thanh Đồng để chuẩn bị trang phục, son phấn, và các lễ lạt. Nghi lễ tín ngưỡng thờ Mẫu được công nhận là di sản phi vật thể thứ 11 của dân tộc Việt Nam.
Nhìn chung, tín ngưỡng thờ Mẫu này tạo nên tổng thể hài hòa của nhiều hoạt động đặc sắc, bao gồm các lễ hội dân gian, cuộc hành hương, nghi thức tế lễ hay những buổi tiệc thánh.
Ý nghĩa của hầu đồng trong tín ngưỡng thờ mẫu
Nghi thức hầu đồng như chiếc chìa khóa mở cánh cửa tìm tới chiếc gương phản chiếu để hoàn thiện mình
Hầu đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu, đem lại một ý nghĩa vô cùng sâu sắc, mang đậm tính chất dân tộc Việt Nam. Thanh Đồng là người tiếp xúc trực tiếp với các thần linh cùng ý niệm khẩn cầu đem đến bình an, tài lộc, công việc hanh thông, sức khỏe tốt cho bản thân và nhân dân. Hơn nữa, điều này cũng cho thấy giá trị văn hóa, nghệ thuật được dân gian đúc kết và gìn giữ từ bao đời nay.
Ai mới có thể hầu đồng?
Thông thường, người hầu đồng sẽ là những thanh thiếu niên trẻ tuổi được các vị Thánh Mẫu chọn lựa. Ngoài ra, còn do hoàn cảnh thúc ép, di truyền gia tộc hay bản tính có căn đồng. Khi có “căn” mà không ra trình Thánh thường sẽ gặp vấn đề về sức khỏe, nhưng khó tìm ra và chữa khỏi bệnh. Trừ khi, họ ra hầu đồng thì sức khỏe mới cải thiện và công việc làm ăn thuận lợi hơn.
Quy trình và lễ vật một giá đồng
Đối với mỗi vùng miền, địa phương khác nhau. Việc dâng lễ vật, thực hiện quy trình sẽ mang một ý nghĩa riêng. Do đó, nghi lễ hầu đồng cũng sẽ có những trình tự chung mà chúng ta cần nắm rõ để buổi giá đồng diễn ra suôn sẻ, linh nghiệm hơn.
Công tác chuẩn bị
Trước khi thực hiện một giá đồng, người hầu đồng nên chuẩn bị chu đáo và đầy đủ nhất để tránh tình trạng thiếu sót làm ảnh hưởng không tốt đến quá trình diễn ra nghi lễ.
Điện thờ
Điện thờ là khu vực chính để thờ các Mẫu Tứ Phủ, mỗi vị sẽ được đặt ở một vị trí cố định khác nhau. Mẫu Thượng Thiên (mẹ Trời) đặt ở giữa, Mẫu Ðịa thổ (mẹ Ðất) ở bên phải, Mẫu Thoải (Nước) ở bên trái và đến Mẫu Thượng Ngàn (Núi, Rừng). Khu vực điện thờ cần được đảm bảo lau dọn sạch sẽ, rộng rãi để buổi giá đồng được diễn ra thuận lợi.
Chọn ngày lành – tháng tốt
Người hầu đồng trước tiên phải chú trọng vào việc lựa chọn ngày tốt để thực hiện nghi thức hầu đồng. Thông thường, hầu đồng sẽ có bốn tiết lễ chính là hầu Thượng Nguyên (Tháng Giêng), hầu vào hè (tháng 4), hầu ra hè (tháng 7) và hầu tất niên để tạ ơn Mẫu Thánh.
Hầu đồng vào những ngày này đều mang đến sự bình an và phù trợ cho công việc làm ăn được thuận lợi cả năm.
Đội ngũ cung văn
Để có một buổi hầu đồng thêm đặc sắc và huyền bí hơn, đội ngũ cung văn sẽ chịu trách nhiệm điều khiển âm thanh, nhạc cụ phù hợp với hoàn cảnh hành lễ và địa phương nơi diễn ra buổi giá đồng. Điều này cũng tiếp thêm năng lượng cho Thanh Đồng đẩy lên cao trào và các Thánh sẽ dễ nhập hồn vào xác hơn.
Trang phục hầu đồng
Trang phục hầu đồng rất đa dạng, phong phú. Theo dân gian, sẽ có 36 bộ trang phục tương ứng với hầu đồng 36 giá và đại diện cho 36 vị Thánh khác nhau.
Tất cả phụ kiện thường bao gồm:
- Khăn đỏ phủ diện.
- 5 chiếc áo dài có màu sắc riêng biệt và một quần dài trắng
- Khăn tấu hương.
- Thắt đai lưng phù hợp với mỗi trang phục áo dài.
- Thẻ ngà, kiềng bạc, vòng, hoa tai, chuỗi hạt, xuyến, quạt và đồ trang điểm.
- Vuông vải đỏ.
Song, trang phục cũng đều có màu sắc tương ứng với từng phủ:
- Thiên phủ: màu đỏ.
- Địa phủ: màu vàng.
- Thoải phủ: màu trắng.
- Thượng Ngàn: màu xanh.
Lễ vật cho buổi hầu đồng
Trước khi nghi lễ hầu đồng được thực hiện, người ta sẽ bày trí rất nhiều lễ vật để dâng lên Thánh Mẫu. Mỗi lễ vật sẽ mang một ý nghĩa linh thiêng riêng và có 2 loại lễ vật chính là lễ thông thường và lễ vật Tây Thiên.
Lễ vật hầu đồng thông thường
Trước đây, lễ vật hầu đồng được dâng lên vô cùng đơn giản, gồm xôi, thịt, hoa quả tươi, trầu cau, thuốc lá, vàng mã… Tuy nhiên, với sự phát triển về kinh tế như hiện nay, lễ vật đã trở nên phong phú hơn. Thậm chí có các sản phẩm công nghiệp hóa (chén đũa bạc, cốc pha lê) mang đến giá trị cao về mặt vật chất.
Lễ vật (Mâm lễ sơn trang) hầu đồng được đặt trên kỷ tháp hình chữ nhật kê chính giữa và phủ chiếc khăn thêu màu trùng với Tứ phủ. Không chỉ có một mâm lễ lớn mà xung quanh sẽ có thêm 13 mâm lễ vật nhỏ.
Bên cạnh đó là một mâm hài sơn trang cùng màu với mũi hài có thêu hình chim phượng và xấp giấy vàng xếp thành hình thoi.
Lễ vật hầu đồng ở Tây Thiên
Ở Tây Thiên, người ta sẽ chia thành 2 mâm lễ riêng biệt đó là chay và mặn. Mâm lễ mặn sơn trang sẽ có ốc, tôm, cá khô, cua (13 – 15 con), nếp cẩm… Mặt khác, mâm chay sơn trang chủ yếu là hoa quả gồm khế, sung, gừng, chanh ớt, dứa… được đặt dưới bệ.
Không chỉ dừng lại ở đó, phía trước bàn thờ cúng gồm đầy đủ các loại:
- Vàng mã.
- Chiếc thuyền rồng hình cánh phượng với 12 hình nhân chèo thuyền.
- Một đôi ngựa.
- Một đôi voi có đủ yên cương và hàm thiếc.
- Sau khi buổi giá đồng kết thúc, các vật phẩm này sẽ được mang đi đốt.
Trình tự của một buổi hầu đồng
Quy trình đầy đủ của buổi hầu đồng chuẩn diễn ra như sau:
Bày lễ vật
Buổi hầu đồng sẽ được diễn ra khi các lễ vật đã đặt lên hương án.
- Tiếp đến, Thanh Đồng đặt các vật phẩm cần thiết và bước lên chiếu đồng để lấy hoa xoa lên mặt, quần áo rồi vẩy xung quanh để tẩy uế, rũ bỏ bụi trần. Cùng với đó, đội ngũ cung văn lên dây đàn, dạo nhạc và bắt đầu hát văn công đồng. Ngoài ra, còn có các động tác khởi đầu mà Thanh Đồng cần làm là chắp tay để phủ khăn diên lên đầu.
- Sau đó, đưa tay lên trán rồi bước chân trái lên một bước, chân phải chụm lên với chân trái và lặp lại hai lần mới quỳ xuống.
- Tiếp đến, hai tay chống xuống chiếu, mặt úp sát, vái ba lễ để thực hiện lễ vái dập người. Cuối cùng, Thanh Đồng đứng dậy đi lùi ba bước về vị trí cũ. Như vậy, giá đệ nhất đã được bắt đầu.
- Những giá tiếp theo,Thanh Đồng sẽ thay đổi trang phục và tiếp tục nghi thức hầu cùng với đội ngũ cung văn. Người hầu đồng ngồi xếp bằng và xoa khăn khẩn rồi phủ lên đầu, hai tay cầm mép khăn phủ gọn gàng ở đầu gối.
- Một lúc sau, thần linh nhập vào, đầu Thanh Đồng lắc lư rồi hét lên một tiếng và chỉ ngón trỏ trái lên Trời. Điều này cho thấy giá quan lớn đệ nhất đã nhập vào người hầu đồng.
Thay lễ phục
Sau khi hất khăn phủ, Thanh Đồng được biết là đang ở một giá mới và cần thực hiện theo 4 trình tự sau để phù hợp với giá hầu đồng. Bên cạnh việc thờ cúng trước khi hầu, người hầu đồng cũng nên chú ý những điều sau đây:
- Thay lễ phục: Việc thay lễ phục sẽ thể hiện sự trang nghiêm đối với từng thánh Mẫu. Mỗi vị thánh sẽ có một lễ phục phù hợp với danh hiệu của mình và màu sắc cũng khác nhau để tương xứng với từng Phủ, từng gốc tích sắc tộc… Việc thay lễ phục cũng thể hiện được lòng tôn kính với mỗi vị Thánh Mẫu.
- Dâng hương hành lễ: Dâng hương là một nghi thức thể hiện tấm lòng tôn kính và cần thiết cho mỗi giá đồng. Trên tay trái, người hầu đồng cầm một bó nhang được đốt sẵn, bọc trong một chiếc khăn tẩm hương thơm.
Ngược lại, một nén hương được cầm trên tay phải và huơ lên bó nhang bên tay trái. Đây được gọi là động tác phù phép để xua đuổi tà ma.
Lễ thánh giáng
Lễ thánh giáng sẽ diễn ra, khi thần linh nhập vào Thanh Đồng. Dấu hiệu thể hiện rõ nhất là người hầu đồng sẽ buông các nén hương đang cầm, chắp tay, nghiêng mình ra hiệu thánh thuộc hạng cấp bậc nào.
Đối với các Thánh Mẫu, sẽ thuộc hình thức giáng trùm khăn (hầu tráng mạn) và Mẫu chỉ đến chứng giám rồi đi ngay sau đó. Ngược lại, giáng mở khăn sẽ đại diện cho các hàng quan trở xuống.
Khi thánh nhập vào, người hầu đồng sẽ xuất thần, tự thôi miên giúp họ nhảy múa uyển chuyển, nhịp nhàng hơn mà bình thường họ sẽ không làm được. Đó chính là hứng khởi mang tính tâm linh tôn giáo mà chỉ xuất hiện một số người hầu đồng.
Múa đồng
Múa đồng sẽ có những động tác khác nhau tùy theo từng vị thánh. Nhưng nhìn chung các điệu múa tái hiện lại hình ảnh của chèo và vũ điệu dân gian.Trước khi sử dụng kim khí nghi lễ, hầu đồng vắt chéo hai khí cụ lên trán và cúi đầu hành lễ. Kết thúc điệu múa, hầu đồng vắt chéo hai lễ cụ lên trán để tỏ lòng biết ơn.
Ban Lộc và nghe chầu văn
Sau khi múa xong, các thánh thường ngồi xuống và nghe cung văn hát về sự tích của Thánh Mẫu đang giáng. Trong lúc này, Thánh dùng lễ vật người hầu đồng dâng như: rượu thuốc lá, trầu nước… và thể hiện sự hài lòng bằng cách thưởng tiền cho đội ngũ cung văn Thánh cũng ban lộc cho những người dân ngồi dự xung quanh phủ. Lộc Thánh sẽ gồm nhiều thứ như: hoa quả, bánh trái, tiền bạc, nén nhang cháy.
Thánh thăng
Thánh thăng là trình tự cuối cùng của một giá hầu đồng. Thánh đặt hai tay trước trán, quạt che đầu, hơi run rẩy, lúc này hai người phụ đồng nhanh chóng trùm khăn lên đầu Thanh Đồng, bắt đầu hát điệu Thánh xa giá hồi cung và kết thúc một giá đồng hoàn chỉnh.
Các giá hầu đồng phổ biến hiện nay
Trong nghi lễ hầu đồng, có tất cả 36 giá, mỗi giá đại diện cho một vị Thánh. Tuy nhiên, một buổi hầu đồng sẽ không bao gồm đầy đủ 36 giá, mà thường là 8 – 15 giá và tùy thuộc vào tâm nguyện của người hầu đồng.
Giá hầu thỉnh Tam tòa Thánh Mẫu
Tam Hòa Thánh Mẫu có thể nhìn thấy phổ biến ở các đền, điện, phủ của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam – Tứ phủ. Trên ban thờ sẽ gồm có 3 ngôi của 3 vị Thánh Mẫu sau:
- Mẫu Đệ Nhất Thiên Tiên Liễu Hạnh Công Chúa
- Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn Quế Hoa Mỵ Nương Công Chúa
- Mẫu Đệ Tam Thoải Cung Xích Lân Long Nữ
Giá hầu nhà Trần
Nhà Trần không sắp xếp hàng bậc theo quan tước như trong Tứ Phủ mà nhà Trần sẽ tập trung vào việc sắp xếp gia đình. Hơn nữa, nhà Trần chỉ dâng lên lễ vật vàng mã để hành lễ.
Hiện nay, có thể dễ dàng thấy rằng nhà Trần hầu hết thờ các vị thánh như:
- Đức ông Trần Triều Quốc Công Tiết Chế Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương
- Vương Mẫu Trần Triều
- Đệ Nhất Vương Tử Hưng Vũ Vương
- Đệ Nhị Vương Tử Hưng Hiến Vương
- Đệ Tam Vương Tử Hưng Trí Vương
- Vương Tể Phò Mã Phạm Ngũ Lão
- Đệ Nhất Vương Cô Quyên Thanh Công Chúa
- Đệ Nhị Vương Cô Đại Hoàng Công Chúa
- Ông Tả Yết Kiêu
- Ông Hữu Dã Tượng
- Cô Bé Cửa Suốt
- Cô Bé Cửa Đông
Giá hầu hội đồng Thánh Chúa
Trên hội đồng Thánh Chúa có 18 Chúa Bói, 12 Chúa Chữa, nhưng chỉ thỉnh 3 vị tối thượng gọi là Tam vị Chúa Mường để hầu đồng.
Ba vị này là những người phụ nữ nhân đức, đem đến nhiều điều tốt lành cho chúng sanh và triều đình ngày xưa, nên được người đời nhớ ơn và lập đền thờ phụng.
Tam vị Chúa Mường gồm có:
- Chúa Tây Thiên Đệ Nhất
- Chúa Nguyệt Hồ Đệ Nhị
- Chúa Lâm Thao Đệ Tam
Ngoài ra, còn có thêm các vị Chúa khác như là:
- Chúa Thác Bờ
- Chúa Long Giao
- Chúa Cà Fê
- Chúa Năm Phương
- Chúa Mọi
Giá hầu Tứ Phủ Vương Quan
Vương Quan là các vị Quan lớn trong Tứ Phủ, chuyên cai quản 4 phương và đều là các vị hoàng tử, danh tướng, có công với quốc gia.
Tứ Phủ Vương Quan thường sẽ gồm 5 vị quan lớn, nhưng ở một số địa phương khi hầu đồng người ta thỉnh 6 vị dưới đây:
- Vương Quan Đệ Nhất Thượng Thiên
- Vương Quan Đệ Nhị Giám Sát
- Vương Quan Đệ Tam Thoải Phủ
- Vương Quan Đệ Tứ Khâm Sai
- Vương Quan Đệ Ngũ Tuần Tranh
- Quan Điều Thất (hầu sau các giá Quan lớn)
Giá hầu tứ phủ Chầu Bà
Các vị Chầu Bà cũng là những phụ nữ nhân đức, có công lớn với nhân dân và đất nước. Vì thế, được nhân dân thờ phụng và tôn kính trong Tứ Phủ và được Vua Mẫu giao cho việc trông coi sông núi dưới nhân gian.
Hiện nay, hàng Tứ Phủ Chầu Bà có 12 vị, gồm có:
- Chầu Đệ Nhất Thượng Thiên
- Chầu Đệ Nhị Thượng Ngàn
- Chầu Đệ Tam Thoải Cung
- Chầu Đệ Tứ Khâm Sai
- Chầu Năm Suối Lân
- Chầu Lục Cung Nương
- Chầu Thất Tân La
- Chầu Bát Nàn Đông Dung
- Chầu Cửu Tỉnh Sòng Sơn
- Chầu Mười Đồng Mỏ
- Chầu Bé Thoải Cung
Giá hầu Tứ Phủ ông Hoàng
Tứ Phủ ông Hoàng cũng được xem như các vị Quan Lớn, là người có tài giúp dân giúp nước nên được nhân dân thờ phụng. Hàng Ông Hoàng sẽ bao gồm 10 vị sau đây:
- Ông Hoàng Cả Quận Vân
- Ông Hoàng Đôi Người Mán
- Ông Hoàng Bơ Thoải Cung
- Ông Hoàng Tư
- Ông Hoàng Năm
- Ông Hoàng Lục Thanh Hà
- Ông Hoàng Bảy Bảo Hà
- Ông Hoàng Bát Quốc (Quan Bắc Quốc)
- Ông Hoàng Chín Cờn Môn
- Ông Hoàng Mười Nghệ An
Giá hầu Tứ Phủ Thánh Cô
Tứ Phủ Thánh Cô là một hàng gồm các cô tiên theo hầu cận các Thánh Mẫu, Chúa Mường và Chầu Bà. Các Thánh Cô là những cô gái đoan trang, có công với giang sơn nên cũng được nhân dân quý trọng và lập đền thờ.
- Cô Cả Thượng Thiên
- Cô Đôi Thượng Ngàn
- Cô Bơ Bông
- Cô Bơ Tây Hồ
- Cô Tư Ỷ La
- Cô Năm Suối Lân
- Cô Sáu Lục Cung
- Cô Bảy Kim Giao
- Cô Tám Đồi Chè
- Cô Chín Thượng Ngàn
- Cô Chín Giếng (Cô Chín Sòng)
- Cô Mười Mỏ Ba
- Cô Bé Đông Cuông
- Cô Bé Tân An
- Cô Bé Núi Dùm
- Cô Bé Minh Lương
- Cô Bé Mỏ Than
- Cô Bé Suối Ngang
- Cô Bé Thác Bờ
- Cô Bé Bản Đền
- Cô Đôi Cam Đường
Giá hầu Tứ Phủ Thánh Cậu
Thánh cậu là những thiếu niên mất khi còn trẻ, tinh nghịch, thường phù hộ cho các gia đình buôn bán cũng như những người muốn cầu học hành.
Hàng Thánh Cậu sẽ bao gồm 8 vị sau đây:
- Cậu Hoàng Cả Phủ Giầy
- Cậu Hoàng Cả Sòng Sơn
- Cậu Hoàng Đôi
- Cậu Hoàng Bơ
- Cậu Hoàng Tư
- Cậu Hoàng Năm
- Cậu Hoàng Bé Đồi Ngang
- Cậu Bén Bản Đền (trông coi 2 bên đền)
Giá hầu Quan Hạ Ban
Giá hầu Quan Hạ Ban (Quan Ngũ Hổ) thường sẽ phù hợp với những người có căn Quan lớn mới có thể hầu. Nghi thức và quy trình hầu Quan Ngũ Hổ là không dễ dàng, khi Thần Hổ nhập xác, phải làm động tác như phun lửa, nhai bó hương đang cháy, đập vỡ đĩa…
Đặc biệt, Quan Ngũ Hổ thường được hầu vào những dịp tổ chức tiệc nhà Trần và những dịp cuối năm. Hàng Quan Hạ Ban sẽ gồm có các vị Thần dưới đây:
- Hoàng Hổ Thần Tướng
- Thanh Hổ Thần Tướng
- Xích Hổ thần Tướng
- Bạch Hổ Thần Tướng
- Hắc Hổ Thần Tướng
- Thanh Xà Đại Tướng
- Bạch Xà Đại Tướng
Tác dụng của việc hầu đồng
Hầu đồng không chỉ là cách thể hiện văn hóa tín ngưỡng mà còn mang tới giá trị cho xã hội, thanh đồng, gia tiên và những người ngồi tham dự
Khi biết rõ về nghĩa của hầu đồng là gì. Chúng ta cũng cần hiểu sâu hơn về những tác dụng mà hầu đồng đem đến cho xã hội, gia tiên, người tham dự và đặc biệt hơn là người hầu đồng. Nói cách khác nghi lễ này còn mang nhiều điều bí ẩn, vì thế việc tìm hiểu sẽ giúp chúng ta có lòng tin hơn với nét đẹp văn hóa của người Việt Nam ta.
Đối với xã hội
Đối với một số cá nhân trong xã hội, họ tin rằng Mẫu là hiện thân của Mẹ Thiên Nhiên (mẹ cai quản Trời, Đất, núi rừng). Điều này được hiểu rằng mọi sự tốt lành trong cuộc sống đều là Thánh Mẫu ban cho.
Do đó, con người xem đây là lời chỉ dạy của Mẹ Thiên Nhiên và tự mình nâng cao được ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường. Có thể thấy, tín ngưỡng này giúp con người kết nối và đoàn kết với nhau trong tôn giáo lẫn xã hội bên ngoài.
Đối với các thanh đồng
Như đã đề cập ở trên, các Thanh Đồng đều được lựa chọn bởi Thánh Mẫu. Vì thế, sau khi lên hầu đồng, họ sẽ cảm thấy lòng nhẹ nhàng và bình yên hơn trong tâm hồn.
Hơn thế, người hầu đồng được “hưởng” phúc khí từ các Thánh Mẫu, Quan Lớn nên sức khỏe có phần tốt hơn so với những người khác.
Đối với những người kinh doanh mà có cơ duyên với tín ngưỡng này. Họ sẽ được phát lộc, công việc làm ăn thuận lợi và được chỉ đi những con đường đúng đắn.
Đối với gia tiên
Đối với gia đình có thành viên là Thanh Đồng, sẽ được gia tiên phù hộ, độ trì hướng đến những điều thiện trong cuộc sống. Gia tiên đi theo để hầu hạ các Ngài và xin khấn phù hộ cho con, cháu của mình.
Thêm nữa, Thanh Đồng cũng sẽ tạo được phúc cho gia tiên và dòng họ của mình.
Đối với những người ngồi tham dự
Có thể nói rằng, hầu Thánh là một điều vô cùng thiêng liêng. Những người tham dự hầu đồng sẽ nhận được rất nhiều lời dạy bảo cũng như phước lộc từ các Thánh Mẫu ban cho.
Tuy nhiên, các Thánh Mẫu cũng sẽ thưởng phạt phân minh rõ ràng với cái tốt, xấu của người phàm nếu mắc lỗi.
Hầu đồng hết bao nhiêu tiền?
Ngoài quan tâm hầu đồng là gì, một trong những vấn đề được quan tâm nhất là tốn bao nhiêu tiền để hầu đồng. Trong một buổi hầu, thường phải bỏ ra các chi phí gồm tiền chuẩn bị cỗ, tiền chuẩn bị các giá đồng và tiền ban thánh.
Ngoài ra còn phải quan tâm đến tiền đi lại, ăn ở… nếu hầu đồng ở các địa phương khác.
- Tiền cỗ: Tiền nhang, vàng, hương, hoa quả, rượu chè, bánh trái… và các đồ được bày trên các mâm cỗ của buổi hầu đồng.
- Tiền chuẩn bị các giá đồng: Gồm tiền chuẩn bị quần áo, trang sức đi kèm…
- Tiền ban thánh: Ngoài trả cho những người đi theo hầu, người đánh đàn, kéo sáo thì khi Thánh ban lộc, trước kia thường sẽ thưởng hoa quả, bánh kẹo… và tiền lẻ. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều người quan niệm, giá đồng càng nhiều tiền thì công việc, việc cần cầu sẽ càng trôi chảy… Do đó, số tiền bỏ ra có thể là rất nhiều.
Xu hướng hầu đồng của giới trẻ hiện nay
Trong một vài năm trở lại đây, việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam, Tứ phủ ngày càng phát triển. Điều này khẳng định giá trị bảo tồn Tín ngưỡng đang đi đúng hướng theo quan điểm ưu tiên phát triển Văn hóa, tín ngưỡng của chính quyền sở tại.
Điều này rất đáng được hoan nghênh. NHƯNG nó cũng là dấu hiệu cảnh báo cho việc phát triển KHÔNG CHỌN LỌC và có yếu tố suy thoái của văn hóa. Hiện nay số lượng thanh đồng trẻ tuổi khá nhiều điều này do nhiều yếu tốt.
Cơ bản như: căn số thật sự, ngộ nhận căn số, lợi ích cá nhân, lương tâm của 1 số đồng thày và quan trọng là thói lười học tập, lao động. Nếu giành ra 1 giờ đồng ngồi để lướt facebook thì đếm được vô số các thanh đồng trẻ tuổi livetream hầu đồng, xem bói online, mua bán số má trên mạng….
Điều này nói lên điều gì, chính là nói đến sự suy thoái và bán rẻ giá trị của tín ngưỡng của những thanh đồng này. Tôi có vô tình xem được video của 1 người mà tôi đã từng quen cách đây 2 năm vì đó là bệnh nhân của tôi. Ngày đó cậu này còn đang là sinh viên đang đi học có quen biết và tìm đến tôi để nhờ tôi tư vấn điều trị bệnh xã hội.
Cậu ấy tâm sự rất nhiều với tôi và cũng chia sẻ rằng Cậu ấy mới ra hầu đồng được 6 ngày. Tính đến nay khi tôi vô tình xem được video cậu ta xem bói tạo phúc và Khai hồ mở phủ cho người khác thì thực sự tôi lặng người.
Tôi biết hiện tại Cậu đã bỏ trường bỏ lớp, đi hầu dâng và Lập điện thờ ở NHÀ TRỌ cậu ấy, xem bói, mở phủ vân vân và mây mây. Đây chỉ là cái ví dụ rất ngắn gọn và tôi biết có rất nhiều các thanh đồng trẻ khác cũng thế.
Xu hướng vấn nạn giới trẻ Hầu Đồng giá trị tín ngưỡng bị đem ra trục lợi
Vậy thực trạng hiện nay là gì:
- Đua nhau trình đồng mở phủ trong khi được hỏi thì không hiểu biết về Tín ngưỡng, không hiểu biết Hầu Thánh là gì. Một ngày không biết có đến bao nhiêu người mở phủ. Cái này là đáng vui hay đáng buồn.
- Vay nợ để xây điện thờ. Cái này mới nguy hiểm này. Có những cậu đồng còn không biết hết các vị Thánh tứ phủ nhưng vẫn thì lập điện. Lý do ở đâu? Có căn thờ phụng thật hay vì muốn bằng bạn bằng bè. Và tiền ở đâu ra để xây? Đi vay, xin bố mẹ, kêu gọi CÔNG ĐỨC?
- Bán rẻ tín ngưỡng: Đâu đâu cũng thấy livetream xem bói với những cái tiêu đề rất ngầu “HÔM NAY CẬU HỮU DUYÊN XEM BÓI TẠO PHÚC CHO BÁCH GIA” hoặc “LÁT CẬU LIVETREAM MỌI NGƯỜI VÀO XEM VÀ CHIA SẺ THẬT NHIỀU CẬU SẼ HỮU DUYÊN VỚI NGƯỜI ĐÓ“. Đấy là đang gieo DUYÊN hay gieo NGHIỆP cho bản thân.
Từ bao giờ mà các cậu bán rẻ tín ngưỡng thế
Xưa nay người ta xem bói ít cũng phải lễ ngãi, thẻ nhang cơi trầu đến nhà Thày, thỉnh Thày lên Nhang tấu đối TIÊN THÁNH rồi mới soi bói. Mệt phết đấy.
- Cho số lô đề. Đơn giản thế này để nói này, nếu Cậu được cho số lô đề thì Cậu đã ăn trọn rồi sao phải ngồi rồi gạ gẫm cho số mọi người rồi. Không Ông Thánh nào cho các Cậu số lô đề đâu ạ.
- Sự biến thể và cách điệu trong việc hầu Thánh: Hiện nay tôi thấy rất nhiều giá đồng LẠ như Chúa A, Chúa B, cô A, cô B…không hiểu họ học từ ai mà từ đầu đến cuối cứ phải thêm vài giá lạ lạ vào cho vui mắt. Trang phục lòe loẹt, trang điểm lố lăng mỏng tay móng chân không thể chấp nhận nổi
- Cư xử không đúng chuẩn mực, thuần phong mỹ tục của dân tộc. Vào cửa đền cửa điện mà chua ngoa, ăn nói tục tĩu, chanh chua không ra cái thể thống gì.
Những thứ đáng học hỏi không học chỉ chăm chăm đi bóc phốt. Ví dụ như vừa rồi có ảnh Cậu Kiên hầu Cô Sáu, rất nhiều người không biết đăng bài lên mạng với lời lẽ vô văn hóa.
Thay vì bóc phốt thì nên học tập Đó không phải là bản sắc mà là lỗi ứng xử hơi thiếu học
- Không lo tu dưỡng học tập, rèn luyện và làm việc.
Rất nhiều bạn đã bỏ học để đi theo hầu đồng, làm không lo làm mà chỉ ở nhà xem bói kiếm tiền, dọa được ai mở phủ hay di cung nọ cung kia thì kiếm trác được 1 ít.
Nên nhớ Thanh đồng cũng như người thường, phải lao động, làm ăn chân chính thì Mẫu mới thương.
Còn không làm ăn lao động, ỷ vào Tiên Thánh và lừa đảo Thiên hạ thì thật đáng buồn
Đây là những chia sẻ cá nhân, không nói tất cả, vì bên cạnh những thanh đồng như này vẫn còn nhiều thanh đồng trẻ khác rất cần mẫn phụng sự Tiên Thánh, sống chuẩn mực ham học hỏi.
Câu hỏi thường gặp
Một số câu hỏi thường gặp của bạn đọc về chủ đề hầu đồng là gì như:
Hầu đồng có phải là nghi lễ của Phật giáo không?
Đây là điều mà rất nhiều người đặt câu hỏi và hoài nghi. Thành thật mà nói, hầu đồng là nghi lễ thờ cúng dân gian (thờ Mẫu), hoàn toàn không phải là nghi lễ của Phật giáo.
Ở phủ (nơi hầu đồng), người ta sẽ thờ 4 vị, bao gồm Mẫu Thượng Thiện (mẹ Trời), Mẫu Thượng Ngàn (mẹ cai quản núi rừng), Mẫu Thoải (mẹ cai quản sông nước) và Mẫu Địa phủ (mẹ cai quản đất đai).
Cũng như Phật Mẫu Man nương là vị cai quản chung của tín ngưỡng này. Vì thế, nếu Phật tử tham gia vào những hoạt động hành lễ này sẽ phạm tội nặng với giáo Pháp.
Hơn nữa, Thanh Đồng tuyệt đối không khoác Pháp phục hậu vàng của nhà Phật, vì điều này làm ảnh hưởng đến thanh danh Phật giáo.
Hầu đồng có phải mê tín dị đoan không?
Theo phân tích ở trên, lên đồng phán truyền là hành vi mê tín dị đoan. Tuy nhiên, lên đồng phán truyền và hầu đồng là hai hoạt động riêng biệt và khác biệt hoàn toàn về bản chất.
- Hầu đồng: Đây là một trong những hoạt động tín ngưỡng có từ xa xưa, là nét đẹp văn hoá truyền thống của Việt Nam. Hiện nay, hầu đồng đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia và đang được chuẩn bị hồ sơ để trình UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể nhân loại.
- Lên đồng: Là hoạt động giả thần, giả thánh nhập vào người để phán truyền những thông tin không đúng sự thật nhằm mê hoặc người khác, cầu lợi cho mình và hại người khác.
Có thể thấy, lên đồng là một trong những hành vi lợi dụng nghi lễ hầu đồng để “lừa đảo” vì lợi ích của cá nhân và là hành vi mê tín dị đoan. Trái ngược hoàn toàn với hầu đồng là nghi thức tín ngưỡng tốt đẹp của dân tộc, thực hiện để xin sự an lành cho bản thân.
Hầu đồng có bị phạt không?
Từ những phân tích trên có thể thấy, chỉ có lên đồng – hành vi lợi dụng hầu đồng để trục lợi mới bị coi là mê tín dị đoan và bị cấm cũng như sẽ bị phạt còn hầu đồng thì không.
Theo đó, hành vi lên đồng (mê tín dị đoan) có thể sẽ bị phạt hành chính hoặc phải chịu trách nhiệm hình sự.
- Phạt hành chính: Căn cứ Nghị định 38/2021/NĐ-CP, hoạt động mê tín dị đoan sẽ bị phạt tiền:
- 03 – 05 triệu đồng: Tham gia hoạt động mê tín dị đoan trong lễ hội (điểm b khoản 4 Điều 14).
- 15 – 20 triệu đồng: Tổ chức hoạt động mê tín dị đoan (điểm đ khoản 7 Điều 14).
- 30 – 40 triệu đồng: Lợi dụng việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan (điểm c khoản 6 Điều 20).
- Chịu trách nhiệm hình sự: Căn cứ Điều 320 Bộ luật Hình sự năm 2015, người nào bói toán, đồng bóng hoặc hình thức mê tín dị đoan khác có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội hành nghề mê tín, dị đoan:
- Phạt tiền từ 10 – 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm/phạt tù từ 06 tháng – 03 năm: Đã bị xử phạt hành chính hoặc bị kết án mà chưa được xoá án tích nhưng lại vi phạm.
- Phạt tu từ 03 – 10 năm: Làm chết người/thu lợi bất chính từ 200 triệu đồng trở lên/gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 – 50 triệu đồng.
Trên đây là một số thông tin về Hầu Đồng là gì mà Đồ Thờ Hưng Vũ muốn chia sẻ với các bạn. Hy vọng nội dung trên sẽ giúp các bạn hiểu thêm về lên đồng là gì? và căn đồng trong Tứ Phủ của Việt Nam
Có thể bạn quan tâm: