Văn Miếu Trấn Biên | Di tích “Đại Học” đầu tiên của Đàng Trong

Văn Miếu Trấn Biên phía Nam từ lâu đã nổi tiếng như “Trường Đại Học Đầu Tiên” tương tự như Văn Miếu Quốc Tử Giám tại Hà Nội. Công trình này thể hiện truyền thống hiếu học của người dân Việt.

Cùng với đó là sự coi trọng hiền tài của Quốc Gia. Với vị trí tọa lạc tại Tỉnh Đồng Nai, và không cách quá xa TPHCM. Vì vậy các bạn có thể tự mình tới khám phá địa danh nổi tiếng này.

Còn sau đây hãy cùng Đồ Thờ Hưng Vũ điểm qua về lịch sử, kiến trúc và lễ hội Văn Miếu Trấn Biên qua nội dung sau nhé!

Vị trí Văn Miếu Trấn Biên

Giới thiệu Văn Miếu Trấn Biên

Văn miếu Trấn Biên là “Văn miếu” đầu tiên được xây dựng (xây năm 1715) tại xứ Đàng Trong, để tôn vinh Khổng Tử, các danh nhân văn hóa nước Việt và là nơi đào tạo nhân tài phục vụ cho chế độ. Năm 1861, nơi thờ phụng trên đã bị thực dân Pháp phá bỏ. Mãi đến năm 1998, Văn miếu Trấn Biên mới được khởi công khôi phục lại nơi vị trí cũ, và hoàn thành vào năm 2002. Hiện nay toàn thể khu vực uy nghi đẹp đẽ này tọa lạc tại khu đất rộng thuộc phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai

Văn miếu Trấn Biên là một trong những di tích quốc gia của Việt Nam. Cho đến nay văn miếu đã hơn 300 tuổi. Văn Miếu Trấn Biên ra đời được xem như là một “Văn Miếu Quốc Tử Giám” của vùng Nam Bộ. Một trong những biểu trưng cho truyền thống học tập, hào khí và văn hóa của người Việt phương Nam.

Đường đi tới Văn Miếu Trấn Biên

Tọa lạc trong khuôn viên có tổng diện tích lên tới 15 ha, thuộc phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai.

Nằm cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 33km, du khách có thể tới đây một cách dễ dàng bằng nhiều phương tiện khác nhau như xe máy, ôtô cho đến xe buýt.

Nếu như bạn chưa biết đường đi tới văn miếu Trấn Biên thì có thể tham khảo tuyến đường dưới đây:

  • Đi bằng xe máy:
    • Xuất phát từ thành phố Hồ Chí Minh, các bạn đi dọc theo đường Trường Chinh đến Xa lộ Hà Nội tại Tân Hưng Thuận.
    • Sau đó tiếp tục đến Thạnh Xuân – Hiệp Bình Phước.
    • Đi dọc theo Xa lộ Đại Hàn/Xa lộ Hà Nội/QL1A và Quốc lộ 1K đến Nguyễn Du tại Quang Vinh, thành phố Biên Hòa.
    • Cuối cùng các bạn đi dọc theo Nguyễn Du đến điểm đến văn miếu Trấn Biên.
  • Đi bằng xe buýt:
    • Từ Đinh Tiên Hoàng, các bạn hãy lên tuyến xe buýt số 05 đi từ Bến xe Chợ Lớn – Biên Hòa.
    • Khi đến bến xe Biên Hòa đi bộ khoảng 30 phút là sẽ tới Văn Miếu Trấn Biên.

Văn Miếu Trấn Biên

Lịch sử Văn Miếu Trấn Biên

Cùng khám phá lịch sử Văn Miếu Trấn Biên thông qua các thông tin đưới dây mà Đồ Thờ Hưng Vũ đã tổng hợp:

Qua trình xây dựng Văn Miếu Trấn Biên

Năm 1698, khi Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào đến xứ Đồng Nai, thì vùng đất ấy đã khá trù phú với một thương cảng sầm uất, đó là Cù lao Phố.

Để có nơi bảo tồn, phát huy và tôn vinh các giá trị văn hóa giáo dục xưa và nay của dân tộc Việt ở vùng đất mới, 17 năm sau, tức năm Ất Mùi (1715), chúa Nguyễn Phúc Chu sai trấn thủ Nguyễn Phan Long và ký lục Phạm Khánh Đức xây dựng Văn miếu Trấn Biên.

Đây là “Văn miếu” đầu tiên được xây dựng tại xứ Đàng Trong, có trước cả văn miếu ở Vĩnh Long, Gia Định và Huế. Văn miếu Trấn Biên được xây dựng tại thôn Tân Lai, tổng Phước Dinh, huyện Phước Chánh (nay thuộc phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa).

Và theo mô tả của Đại Nam nhất thống chí, thì Văn miếu Trấn Biên được xây dựng trên thế đất đẹp: Phía nam trông ra sông Phước Giang, phía bắc dựa vào núi Long Sơn, là một nơi cảnh đẹp thanh tú, cỏ cây tươi tốt…Bên trong rường cột chạm trổ, tinh xảo…

Trong thành trăm hoa tươi tốt, có những cây tòng, cam quýt, bưởi, hoa sứ, mít, xoài, chuối và quả hồng xiêm đầy rẫy, sum sê, quả sai lại lớn….

Trước năm 1802, hằng năm, đích thân chúa Nguyễn Phúc Ánh đến Văn miếu Trấn Biên để hành lễ hai lần vào mùa xuân và mùa thu.

Nhưng từ khi chúa Nguyễn lên ngôi ở Huế, thì quan tổng trấn thành Gia Định, thay mặt vua, cùng với trấn quan Biên Hòa và quan đốc học đến hành lễ…

Tương tự Văn miếu Huế, bên cạnh có Quốc tử giám để giảng dạy học trò. ở Biên Hòa, bên cạnh Văn miếu Trấn Biên là Tỉnh học (trường học tỉnh Biên Hòa). Trường học lớn của cả tỉnh này mãi đến đời vua Minh Mạng mới dời về thôn Tân Lại (nay thuộc phường Hòa Bình, Biên Hòa).

Như vậy, ngoài vai trò thờ phụng, Văn miếu Trấn Biên còn đóng vai trò như một trung tâm văn hóa, giáo dục của thành phố Biên Hòa xưa và của cả Nam Bộ trước khi Văn miếu Gia Định ra đời.

Trùng tu Văn Miếu Trấn Biên

Văn miếu Trấn Biên có hai lần được trùng tu lớn: Lần trùng tu thứ nhất vào năm Giáp Dần (1794). Khi ấy, chúa Nguyễn Phúc Ánh sai Lễ bộ Nguyễn Hồng Đô lo việc trùng tu, “giữa làm Đại Thành điện và Đại Thành môn, phía Đông làm Thần miếu, phía Tây làm Dục Thánh từ.

Trước xây tường ngang, phía tả có cửa Kim Thanh, phía hữu có cửa Ngọc Chấn, chính giữa sân trước dựng Khuê Văn các treo trống chuông trên đấy, phía tả có Sùng Văn đường, phía hữu có Duy Lễ đường.

Chu vi bốn mặt ngoài xây thành vuông, mặt tiền làm cửa Văn miếu, phía tả phía hữu có cửa Nghi môn, rường cột chạm trổ, quy chế tinh xảo, đồ thờ có những thần bái, khám vàng, ve chén và đồ phủ quỹ biên đậu đều chỉnh nhã tinh khiết” (theo Trịnh Hoài Đức – Gia Định thành thông chí).

Lần trùng tu thứ hai vào năm Tự Đức thứ 5 (Nhâm Tý, 1852). Sau khi hoàn thành văn miếu có quy mô lớn hơn trước: “Văn miếu chính đường và tiền đường đều 5 gian, lại dựng thêm 2 dãy tả vu và hữu vu, mỗi dãy 5 gian.

Đền Khải Thánh, chính đường và tiền đường đều 3 gian, một tòa cửa giữa 3 gian, một tòa cửa trước 1 gian, một tòa kho đồ thờ 3 gian, một tòa Khuê Văn các 2 tầng, ba gian hai chái; phía trước, biển “Đại Thành điện” đổi làm “Văn miếu điện” và “Khải Thánh điện” đổi làm “Khải Thánh từ”

Văn Miếu Trấn Biên

Văn Miếu Trấn Biên được khôi phục

Ngày 9 tháng 12 năm 1998, một công trình mới mang tên Văn miếu Trấn Biên được khởi công khôi phục lại trên nền văn miếu cũ tại phường Bửu Long, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai; cách trung tâm thành phố khoảng 3 km, và gần Trung tâm Văn hóa Du lịch Bửu Long trong phạm vi khoảng 2 ha, với số tiền đầu tư gần 20 tỷ đồng.

Công trình được khánh thành vào ngày mùng 3 Tết Nhâm Ngọ (nhằm ngày 14 tháng 2 năm 2002) với tổng diện tích gần 5 héc ta, trong đó khu trung tâm rộng khoảng 2 héc ta

Ngày 18 tháng 8 năm 2016, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có quyết định về việc xếp hạng cấp Quốc gia di tích lịch sử Văn miếu Trấn Biên.

Kiến trúc Văn Miếu Trấn Biên

Từ trên gác Khuê Văn Các nhìn được một phần Văn miếu Trấn Biên. Đây là công trình được xây dựng theo kiến trúc Văn Miếu – Quốc Tử Giám ở Hà Nội, gồm các hạng mục: nhà thờ chính, tả vu hữu vu, sân hành lễ… thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo, kính trọng hiền tài.

Nổi bật giữa vùng không gian thoáng đãng, nhiều cây xanh, là những vòm mái cong, lợp ngói lưu ly màu xanh ngọc (gốm tráng men). Từ Văn miếu môn lần lượt là nhà bia truyền thống Trấn Biên – Đồng Nai, Khuê Văn Các, hồ Tịnh Quang, cổng tam quan, nhà bia thứ hai thờ Khổng Tử và sau cùng là nhà thờ chính rộng lớn.

Ở đây có tấm bia lớn có khắc dòng chữ to: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”.Nhà thờ chính xây dựng kiểu nhà ba gian hai chái, theo kiến trúc cổ, sơn son thếp vàng, nền lát gạch tàu, trên các cột nhà treo đôi liễn đối, như:

Nguyễn Hữu Cảnh định nghiệp Trấn Biên,

Lớp lớp anh tài giang lục tỉnh.

Võ Trường Toản mở trường Gia Định,

Đời đời sĩ khí nối tam gia.

Ở gian giữa có bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên tường có biểu tượng trống đồng tượng trưng cho nền văn hóa Việt Nam và Quốc Tổ Hùng Vương.

Bên trái nhà là nơi thờ các danh nhân văn hóa Việt Nam như Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn,… bên phải thờ danh nhân đất Nam Bộ như Võ Trường Toản, Nguyễn Đình Chiểu, Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh, Lê Quang Định, Bùi Hữu Nghĩa, Nguyễn Thông…

Trong gian thờ này, đặc biệt có trưng bày 18 kg đất và 18 lít nước mang về từ đền Hùng, biểu trưng cho 18 đời vua Hùng, cội nguồn của dân tộc Việt.

Phía trước hai bên nhà thờ chính còn có hai ngôi miếu, miếu bên trái thờ Tiên sư, miếu bên phải thờ Tiền hiền-Hậu hiền. Phía trước hai bên nhà thờ chính: Là Văn Vật Khố (nơi trưng bày 4 làng nghề truyền thống của Biên Hòa – Đồng Nai: nghề đồng, nghề mộc, nghề đá, nghề gốm).

Đăng đối hài hòa với Văn Vật khố là Thư khố – nơi trưng bày các thư tịch cổ, các tài liệu, sách báo… viết về lịch sử, văn hóa, con người vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai xưa và nay.

Ngoài ra, nơi Văn miếu Trấn Biên còn có khu sinh hoạt truyền thống gồm có nhà truyền thống, bia truyền thống, và các công trình phụ cận. Bia truyền thống Trấn Biên–Đồng Nai khắc bài văn khái quát về truyền thống văn hóa, giáo dục của Biên Hòa xưa và nay.

Nhà truyền thống chủ yếu dùng để trưng bày và ghi danh những đơn vị, cá nhân đạt được các danh hiệu cấp nhà nước.

Hành trình tồn tại Văn Miếu Trấn Biên

Cách nay hơn 300 năm, Văn miếu Trấn Biên đã được Chúa Nguyễn Phúc Chu cho xây dựng tại thôn Tân Lại, huyện Phước Chánh (nay thuộc phường Bửu Long, TP Biên Hòa) với ý nghĩa nối tiếp, kế thừa truyền thống văn hiến Thăng Long – Hà Nội gắn liền với sự nghiệp mở mang bờ cõi của dân tộc.

Văn miếu Trấn Biên được xem là biểu tượng văn hóa – lịch sử, mạch nguồn kết nối các giá trị văn hóa của vùng đất Trấn Biên xưa – Biên Hòa nay. Kể từ khi xây dựng (năm 1715), Văn miếu Trấn Biên được trùng tu hai lần vào năm 1794 và 1852 với quy mô lần sau lớn hơn lần trước.

  • Năm 1861, sau khi chiếm Nam kỳ, thực dân Pháp đã phá hủy hoàn toàn Văn miếu Trấn Biên nhằm hủy hoại một biểu trưng về văn hóa của xứ Đồng Nai nói riêng và phương Nam nói chung.
  • Đến năm 1998, nhân kỷ niệm 300 năm hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai, Văn Miếu Trấn Biên mới được phục dựng trên nền đất cũ có diện tích khoảng 5ha.

Từ đây khu di tích này trở thành một thiết chế văn hóa tâm linh, nơi báo công, tuyên dương những giá trị văn hóa, khoa học, giáo dục…của Đồng Nai.

Văn miếu Trấn Biên dành nơi trang trọng nhất trong Nhà bái đường thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Gian bên trái là nơi đặt bài vị và thờ tự những danh nhân văn hóa gắn liền với vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai và Nam bộ xưa. Gian bên phải là nơi đặt bài vị và thờ tự danh nhân văn hóa tiêu biểu của Việt Nam.

Đặc biệt, từ năm 2014, tỉnh Đồng Nai có chủ trương xây dựng Vườn tượng Danh nhân văn hóa Trấn Biên. Bằng nguồn xã hội hóa, đã có 13 tượng danh nhân thực hiện, các tượng được chế tác trên chất liệu đá xanh Bửu Long và 1 bức phù điêu của thi tướng Huỳnh Văn Nghệ.

Ông Trần Trung Tuyến, Giám đốc Trung tâm Văn miếu Trấn Biên, cho biết: “Văn miếu đã và đang được vun đắp theo hướng kết tinh và lan tỏa các giá trị văn hóa.

Mỗi hạng mục của công trình Văn miếu Trấn Biên đều thể hiện tâm huyết, tình cảm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đồng Nai đối với truyền thống nhân văn và hiếu học của dân tộc.

Việc thờ phụng các danh nhân, phục dựng và xây dựng Vườn tượng Danh nhân văn hóa góp phần giữ gìn, phát huy giá trị của Văn miếu, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai nói riêng, Nam bộ nói chung”.

Giá trị bảo tồn Văn Miếu Trấn Biên và văn hoá

Với những giá trị văn hóa, lịch sử to lớn, ngày 18-8-2016 Bộ VH-TTDL đã ban hành Quyết định số 2894/QĐ-BVHTTDL công nhận di tích cấp quốc gia Văn miếu Trấn Biên.

Như vậy, tính đến tháng 8-2021, tỉnh Đồng Nai đã có 62 di tích được xếp hạng với nhiều loại hình như lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, khảo cổ, danh lam thắng cảnh. Trong đó có 2 di tích xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, 29 cấp quốc gia và 31 di tích cấp tỉnh.

Trải qua thời gian với sự tác động của thiên nhiên khiến nhiều hạng mục của di tích Quốc gia Văn miếu Trấn Biên hiện đang bị xuống cấp nghiêm trọng cần được trùng tu, tôn tạo.

Trong đó, hạng mục Nhà truyền thống đang bị bong tróc lớp vữa áo, gây nguy hiểm cho người tham quan bên trong. Nền gạch ở Nhà bái đường sụt lún nghiêm trọng, nhiều viên gạch lát nền đã bị vỡ.

Hạng mục Khuê Văn của Văn miếu Trấn Biên hiện cũng bị ngấm nước mưa thấm dột xuống tầng dưới. Tại Nhà đề danh, nền móng có hiện tượng sụt lún, khối ốp móng bị tách rời nền móng.

Theo ông Trần Trung Tuyến, trước thực trạng xuống cấp của một số hạng mục của di tích, thời gian vừa qua Văn miếu đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh và các đơn vị liên quan đã tiến hành khảo sát và lên phương án trùng tu, tôn tạo di tích.

Các đơn vị đã thống nhất đề nghị tu sửa cấp thiết, kịp thời các hạng mục của Văn miếu. Hiện tại, các đơn vị đang hoàn thành hồ sơ, thủ tục theo đúng quy định Luật Di sản để trùng tu, tôn tạo.

Những ngày này, Đồng Nai đang thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Cùng với các thiết chế văn hóa khác, di tích Văn miếu Trấn Biên tạm thời đóng cửa, không tiếp đón du khách nhằm chung tay phòng, chống dịch Covid-19.

Mặc dù không tổ chức các hoạt động tập trung đông người song Văn miếu Trấn Biên đã ứng dụng công nghệ 4.0, chủ động cập nhật các bài viết, sự kiện văn hóa, nguồn phim tư liệu về Văn miếu lên mạng xã hội để người dân.

Nhất là người trẻ có thể tiếp cận với các thông tin chính thống, đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu văn hóa, lịch sử Đồng Nai trong mùa dịch.

Trong thời điểm giãn cách xã hội, các di tích không tổ chức các sinh hoạt để phòng, chống dịch Covid-19 nhưng Văn miếu Trấn Biên duy trì một số hoạt động vệ sinh, chỉnh trang cảnh quan, cây xanh trong khuôn viên.

Chờ khi dịch cơ bản được khống chế, Văn miếu sẽ tiếp tục các hoạt động, sự kiện nhằm gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa, nhất là vào các dịp lễ, Tết; tăng cường kết nối với các khu, điểm du lịch trên địa bàn cũng như áp dụng công nghệ trong việc kể câu chuyện di sản…

Qua đó, giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Du lịch Văn Miếu Trấn Biên

Hiện nay, du khách đến thăm Văn Miếu Trấn Biên ngày càng đông do phong cảnh rộng thoáng, với vẻ đẹp vừa cổ kính vừa trang nhã. Văn Miếu là nơi bảo tồn, gìn giữ và tôn vinh các giá trị văn hóa-giáo dục xưa và nay của dân tộc và của đất Đồng Nai. Nơi đây còn rất gần với Khu du lịch văn hóa Bửu Long.

Tại Văn Miếu Trấn Biên thường tổ chức các lễ viếng các bậc tiền nhân, các lễ báo công, tuyên dương tài năng trên các lĩnh vực, đặc biệt trên lĩnh vực văn hóa-giáo dục, các hoạt động mang tính văn hóa dân gian như lễ hội, biểu diễn nghệ thuật, thả thuyền trên hồ…

Văn Miếu Trấn Biên là nơi đón nhiều đoàn khách trong nước và quốc tế khi đến thăm Đồng Nai.

Các hoạt động du lịch Văn Miếu Trấn Biên có gì?

Hiện nay, khu Văn Miếu Trấn Biên là một trong những địa điểm được rất nhiều du khách lựa chọn làm điểm đến nghỉ ngơi và tham quan.

Cũng bởi phong cảnh thiên nhiên nơi đây rất rộng rãi và thoáng mát kèm theo vẻ đẹp vừa cổ kính vừa trang nhã nên nó được chọn làm điểm dừng chân của nhiều du khách.

Văn Miếu Trấn Biên cũng rất thường xuyên có các hoạt động vui chơi, tổ chức các lễ viếng các bậc tiền nhân, các lễ báo công, các buổi tuyên dương những tài năng trong các lĩnh vực khác nhau.

Đặc biệt là đối với lĩnh vực văn hóa, giáo dục, các hoạt động mang tính văn hóa dân gian như lễ hội, biểu diễn nghệ thuật, thả thuyền trên hồ… vô cùng được coi trọng.

Văn Miếu Trấn Biên vẫn đang và sẽ là một trong những địa điểm lý tưởng được khách du lịch trong nước và quốc tế lựa chọn khi đến tham quan Đồng Nai.

Trên đây là toàn bộ những chia sẻ về thông tin của khu di tích lịch sử Văn Miếu Trấn Biên. Hy vọng những thông tin mà chúng tôi cung cấp đã giúp bạn có thêm được phần nào kiến thức.

Nếu bạn đi du lịch Đồng Nai thì đừng bỏ qua khu di tích Văn Miếu Trấn Biên này nhé. Đảm bảo đây sẽ là điểm đến lý tưởng cho chuyến tham quan của bạn.

Trên đây là một số thông tin về Văn Miếu Trấn Biên mà Đồ Thờ Hưng Vũ muốn chia sẻ với các bạn về một ngôi miếu đây là một trong những điểm du lịch độc đáo và mới lạ mà các bạn không nên bỏ qua.

Hy vọng nội dung trên sẽ giúp các bạn hiểu thêm về Văn Miếu Trấn Biên cũng như giá trị văn hóa ở nơi này nhé!

Nếu các bạn muốn tìm hiểu thêm về các ngôi Miếu khác thì hãy đón đọc những bài viết mới của chúng tôi nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *