Phật giáo Hòa Hảo là gì? Huỳnh Phú Sổ là ai? Bài cúng thế nào?

Phật giáo Hòa Hảo là tôn giáo có số tín đồ đông thứ 4 tại Việt Nam, được phát triển theo Đạo Phật và được coi là một nhánh của Đạo Phật ở Việt Nam.

Cùng đồng hành với Đồ Thờ Hưng Vũ, chúng ra sẽ tìm hiểu về Phật giáo Hòa Hảo cũng như người sáng lập Huỳnh Phú Sổ có cuộc đời thế nào nhé?

Phật giáo Hòa Hảo là gì?

Phật giáo Hòa Hảo là một tông phái của Phật giáo do Huỳnh Phú Sổ khai lập vào năm Kỷ Mão 1939 tại làng Hòa Hảo, tỉnh Châu Đốc nay là tỉnh An Giang. Ông lấy pháp môn “Học Phật – Tu Nhân” làm căn bản và chủ trương tu hành tại gia. Đây được coi là nền tảng của Đạo Phật, kết hợp với những bài sấm kệ do chính Huỳnh Phú Sổ biên soạn. Theo thống kê vào năm 2019 có khoảng 970.000 tín đồ Phật giáo Hòa Hảo và trở thành tôn giáo có số lượng tín đồ đông thứ 4 tại Việt Nam.

Phật giáo Hòa Hảo lấy Pháp Môn là “học Phật – tu Nhân” giúp nhân dân học Phật tu Nhân hành thiện, chủ trương tu hành tại gia, giải trừ mê tín dị đoan.

Bởi vậy, Phật giáo Hòa Hảo được coi là một tôn giáo nội sinh mang đậm tính dân tộc, ảnh hưởng mạnh mẽ tại Nam Bộ, phù hợp với mọi tầng lớp trong xã hội.

Huỳnh Phú Sổ là ai?

Huỳnh Phú Sổ, còn được gọi là “Đức Huỳnh Giáo chủ”, “Thầy Tư Hoà Hảo”, khi đó chưa đầy 18 tuổi, tuyên bố mình là bậc “Sinh nhi tri”, biết được quá khứ nhìn thấu tương lai, được thọ mệnh cùng với Phật A-di-đà và Phật Thích-ca Mâu-ni, xuống hạ giới có nhiệm vụ truyền bá cho dân chúng tư tưởng Bửu Sơn Kỳ Hương để Chấn hưng Phật giáo, cứu độ chúng sinh khỏi sông mê, biển khổ và “đưa nhân loại đi vào vòng hạnh phúc”.

Ông chữa bệnh cho người dân bằng các bài thuốc nam do ông kê toa, đồng thời qua đó ông truyền dạy giáo lý bằng những bài sám giảng (còn gọi là sấm giảng) do ông soạn thảo. Vì vậy chỉ trong vòng 2 năm từ 1937 đến 1939 số người tin theo ông đã khá đông và ông trở nên nổi tiếng khắp vùng.

Ngày 18 tháng 5 năm Kỷ Mão (tức 5 tháng 7 năm 1939), Huỳnh Phú Sổ bắt đầu khai đạo, khi ông chưa tròn 20 tuổi. Nơi tổ chức lễ khai đạo chính là gia đình ông. Ông đã lấy tên ngôi làng Hòa Hảo nơi mình sinh ra để đặt tên cho tôn giáo mới của mình: Phật giáo Hòa Hảo.

Kể từ đó, ông lần lượt làm nhiều bài thơ ca, sau được tập hợp lại thành các bài sấm, nội dung cốt lõi là giáo lý của Đức Phật Thích Ca. Có tất cả 6 tác phẩm sấm được ông để lại, đã có 800.000 bản được xuất bản cho đến năm 1965 và 1 triệu bản cho đến năm 1975.

Huỳnh Phú Sổ

Lịch sử Phật giáo Hòa Hảo

Lịch sử Phật giáo Hòa Hảo được bắt đầu từ giai đoạn 1937, khi diễn ra chiến tranh thế giới thứ 2. Khi đó Việt Nam đang là thuộc địa của Pháp, và các nước Đông Dương đang bị phát xít Nhật chiếm đóng.

Thời bấy giờ, đất nước bị xâm chiếm bởi hai thế lực là Pháp và Nhật. Xã hội loạn lạc, Phật giáo đứng trước áp lực của văn hóa phương Tây. Mọi người dân đều nghiêng về Tây học, nho giáo trở nên lỗi thời, các ông đồ và thầy sư đều tìm lối thoát cho mình. Thời điểm đó, Phật giáo tại chùa bị biến tướng chỉ phục vụ cho ma chay, sư thầy biến thành thầy cúng.

Phật giáo ngày càng chìm đắm trong mê tín dị đoan. Thấy vậy Đức Huỳnh Phú Sở với sứ mệnh Thiên cơ đã đứng ra hành đạo, lập đạo và truyền đạo.

Huỳnh Phú Sổ, là con thứ tư trong một gia đình nhưng là con trai trưởng của ông Huỳnh Công Bộ và bà Lê Thị Nhậm. Sau khi tốt nghiệp tiểu học, ông bỏ học vì mắc nhiều bệnh. Quá trình lên núi chữa bệnh là thời kỳ ông bắt đầu học đạo, học làm thuốc. Khi chưa tròn 18 tuổi ông tuyên bố mình là bậc “sinh nhi tri”, biết được quá khứ và nhìn thấu tương lai.

Ông chữa bệnh cho người dân bằng các bài thuốc Nam do ông kê hoặc nước lã, giấy vàng, lá xoài, lá ổi, hoa mẫu đơn, hoa cúc vạn thọ. Đồng thời, ông còn truyền bá giáo lý bằng những bài sám giảng (còn gọi là sấm giảng) do chính ông soạn thảo. Chỉ trong 2 năm từ 1937 – 1939, số người tin theo ông khá đông và ông nổi tiếng tiếng khắp vùng.

Ngày 18/5 năm Kỷ Mão (tức ngày 04/07/1939) Huỳnh Phú Sổ tổ chức lễ khai đạo tại tư gia, lấy tên ngôi làng Hòa Hảo – nơi mình sống để đặt tên cho tôn giáo ông lập là “Phật giáo Hòa Hảo”. Sau đó, ông được các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo suy tôn là “Thầy tổ” và được gọi là “Đức Tôn Sư”, “Đức Thầy” hay “Đức Huỳnh giáo chủ”.

Nội dung cốt lõi của những bài sấm giảng đó là giáo lý của Đức Phật Thích Ca. Với lối văn dễ hiểu, bình dị, gần gũi nên được mọi người đón nhận tích cực. Đức Huỳnh giáo chủ vừa chữa bệnh vừa truyền giáo nên Phật giáo Hòa Hảo phát triển rộng rãi khắp miền Tây Nam Bộ.

Quan điểm dân tộc cơ bản được Huỳnh Phú Sổ truyền bá là “Ân” nhớ ơn đất nước, nhớ ơn cha ông, trách nhiệm và bổn phận của người con đối với quê hương là bảo vệ và xây dựng tốt đẹp. Đạo Hòa Hảo có thái độ chống Pháp, nhưng cũng có thái độ chống Việt Minh nên được Pháp trang bị quân sự, về sau cũng hoạt động lấn dần sang chính trị.

Hòa Hảo bị chính quyền của Ngô Đình Diệm đàn áp nhưng sau khi tổng thống này bị lật đổ thì Hòa Hảo hoạt động chính trị trở lại. Hòa Hảo bị lực lượng Việt Minh xem xét như một lực lượng tôn giáo-chính trị bất hảo với cuộc kháng chiến của họ.

Phật giáo Hòa Hảo

Quá trình phát triển Phật giáo Hòa Hảo

Phật giáo Hòa Hảo đã được bắt đầu từ 1937, tuy nhiên quy trình phát triển của đạo Hòa Hảo trải qua nhưng giai đoạn như:

1. Giai đoạn 1939 – 1975

Với các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, ông Huỳnh Phú Sở trở thành Đức Phật hóa kiếp, là Phật sống vì những việc làm và lời lẽ “siêu phàm”. Trong khoảng thời gian này, ông đã cho ra 6 tác phẩm trong “Sấm giảng giáo lý”.

Bối cảnh phức tạp của chiến tranh thế giới thứ hai đã ảnh hưởng đến ông và sự phát triển của Phật giáo Hòa Hảo. Có thể nói, đây là thời kỳ phát triển mạnh mẽ nhất, giáo lý tiếp tục được hoàn chỉnh, nghi lễ tôn giáo được hình thành và ổn định đặc biệt là sự phát triển về số lượng tín đồ.

Từ năm 1947, Phật giáo Hòa Hảo chuyển sang một giai đoạn mới – thời kỳ mới phát triển có tổ chức hơn, tổ chức thành chính đạo. Năm 1964, Ban trị sự Phật giáo Hòa Hảo nhiệm kỳ I do ông Lương Trọng Tường là Hội trưởng chính thức hoạt động. Sau 25 năm kể từ khi ra đời, đây là cột mốc mở đầu cho thời kỳ Phật giáo Hòa Hảo có tổ chức chính đạo.

2. Giai đoạn từ 1975 – 1/1999

Sau khi miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, giữa năm 1975 đại diện Tổ đình là bà Huỳnh Thị Kim Biên và ông Huỳnh Văn Quốc đã ra thông báo giải tán Ban Trị sự các cấp của Phật giáo Hòa Hảo.

Từ đó, tổ chức hành chính của giáo hội Hòa Hảo không còn nhưng vẫn tồn tại thông qua hoạt động tôn giáo của từng cá nhân trong cộng đồng tín độ Phật giáo Hòa Hảo.

3. Giai đoạn từ tháng 5/1999 – 2021

Xuất phát từ nguyện vọng, nhu cầu chính đáng của các tín đồ, mong muốn có một tổ chức giáo hội để hướng dẫn, tuyên truyền giáo lý Phật giáo Hòa Hảo cho bà con và có địa điểm hợp pháp để hoạt động, sinh hoạt tôn giáo.

Ngày 11/6/1999, Ban Tôn giáo của Chính phủ ban hành quyết định số 21/QĐ/TGCP về việc công nhận và tổ chức hoạt động của Ban đại diện Phật giáo Hòa Hảo. Đây là sự kiện quan trọng, có ý nghĩa to lớn, thể hiện sự đúng đắn về chủ trương, chính sách tôn tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II tháng 6/2004 đã xây dựng Hiến chương, tiếp tục khẳng định đường hướng hành động của giáo hội Hòa Hảo trong giai đoạn mới là “Vì đạo pháp, vì dân tộc”, kiện toàn tổ chức gồm Ban Trị sự 2 cấp hành chính đạo cấp toàn đạo và cấp cơ sở. Ban Trị sự trung ương giáo hội Hòa Hảo là đại diện hợp pháp duy nhất.

Trải qua 5 kỳ đại hội, Phật giáo Hòa Hảo đã từng bước phát triển, trở thành giáo hội 2 cấp hành chính gồm Ban Trị sự Trung ương và 400 ban Trị sự xã, phường, thị trấn cùng 14 ban đại diện tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Đến nay, giáo hội Hòa Hảo có khoảng 1,5 triệu tín đồ sinh sống ở 22 tỉnh, tập trung chủ yếu ở các tỉnh An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bến Tre, Hậu Giang, Tiền Giang, Long An và Kiên Giang.

Ban Trị sự trung ương Phật giáo Hòa Hảo từng bước củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các ban chuyên môn. Hàng năm tổ chức 2 ngày lễ quan trọng của đạo là ngày khai đạo 18/5 âm lịch và ngày Đản sinh Đức Huỳnh giáo chủ 25/11 âm lịch.

Đặc biệt, giáo hội Hòa Hảo vận động các tín đồ tham gia những hoạt động từ thiện – xã hội như xây mới và sửa chữa cầu nông thôn, sửa chữa và nâng cấp đường bộ, quyên góp gạo, tiền để tổ chức cứu trợ cho vùng lũ,…Kết quả như sau:

  • Nhiệm kỳ I (1999 – 2004) toàn đạo thực hiện được: 22 tỷ đồng;
  • Nhiệm kỳ II (2004 – 2009): 197 tỷ đồng;
  • Nhiệm kỳ III (2009 – 2014): 514 tỷ đồng;
  • Nhiệm kỳ IV (2014 – 2019): 2.000 tỷ đồng.
  • Nhiệm kỳ V (2019-2021) đến nay: trên 1.200 tỷ đồng (trong đó, tiền ủng hộ quỹ Vaccine phòng chống Covid-19 và hoạt động từ thiện xã hội liên quan đến phòng, chống Covid-19 khoảng 500 tỷ đồng).

Trong khoảng thời gian qua, bà con tín đồ Phật giáo Hòa Hảo luôn nêu cao trách nhiệm công dân, sống và làm việc theo pháp luật; luôn đấu tranh chống lại các hoạt động gây chia rẽ đoàn kết dân tộc, góp phần giữ vững sự ổn định chính trị, xây dựng xã hội theo định hướng “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Phật giáo Hòa Hảo

Kinh sách và giáo luật Phật giáo Hòa Hảo

Chi tiết về kinh sách và giáo luật của Đạo Hòa Hảo như:

1. Kinh sách của Phật giáo Hòa Hảo

Kinh sách của Phật giáo Hòa Hảo gồm có 2 phần là sấm giảng giáo lý và phần thi văn giáo lý.

Sấm giảng giáo lý

Bao gồm 6 cuốn:

  • Cuốn 1: “Sấm giảng khuyên người đời tu niệm” được viết theo thể lục bát có 912 câu
  • Cuốn 2: “Kệ dân của người khùng” được viết dưới dạng thơ thất ngôn, gồm 846 câu
  • Cuốn 3: “Sấm giảng” viết năm 1939, theo thể lục bát gồm 612 câu
  • Cuốn 4: “Giác mê tâm kệ” viết năm 1939, thơ 7 chữ, dài 846 câu. Nội dung cuốn 4 đề cập tới các khái niệm Phật giáo như Tứ diệu đế, Bát chính đạo, Ngũ uẩn, Lục trần,…khuyên người đời tu theo Phật cốt lòng thành, không câu nệ hình thức.
  • Cuốn 5: “Khuyến thiện” viết năm 1941, 756 câu kể chuyện Thích Ca ngộ đạo, luận khổ về tịnh độ, diệt ngã trước, trừ thập ác, hành thập thiện.
  • Cuốn 6: “Cách tu hiền và sự ăn ở của người bổn đạo” được viết năm 1945 dưới dạng văn xuôi, bàn về cách tu Phật giáo Hòa Hảo là tu tại gia, tức học Phật tu nhân.

Thi văn giáo lý

Gồm những bài thi văn xướng họa được tập hợp lại từ năm 1939 – 1947, gồm có 253 bài văn vần và văn xuôi.

Phật giáo Hòa Hảo được coi là đạo Phật không thờ cốt Phật, sấm giảng giáo lý chủ yếu dựa vào hình thức tín ngưỡng thần bí, các câu sấm giảng của Trạng Trình. Giáo lý Phật Hòa Hảo gói trọn trong 4 chữ “Học Phật tu nhân” và cốt lõi của học Phật tu nhân là báo đáp tứ ân (ân tổ tiên, cha mẹ; ân đất nước; ân Tam Bảo; ân đồng bào nhân loại).

2. Giáo luật Phật giáo Hòa Hảo

Phật giáo Hòa Hảo có 8 điều ngăn cấm, đó là:

  • Không nên uống rượu, cờ bạc, thuốc phiện, chơi bời, đàng điếm, phải giữ trọng luân lý tam cương, ngũ thường.
  • Không nên lười biếng, phải cần kiệm, sốt sắng lo làm ăn và lo tu hiền chân chất, không nên gây gổ lẫn nhau, hãy tha thứ tội lỗi cho nhau khi nóng giận.
  • Không nên ăn xài chưng diện thái quá và lợi dụng tiền tải mà quên nhân nghĩa đạo, đừng ích kỷ và xua phụng kẻ giàu sang, phụ người nghèo khó.
  • Không nên kêu Trời, Phật, thần, thánh mà sai hay nguyền rủa vì thần thánh không can phạm đến ta.
  • Không ăn thịt trâu, bò, chó, sát hại vật mà cúng thần, hành vi thần thánh không bao giờ dùng hối lộ mà tha tội cho ta vì nếu ta làm sai sẽ chịu tội còn những hạng ăn đồ cúng mà hết bệnh là tà thần. Nếu ta cúng kiếng mãi thì chúng ăn quen sẽ nhiễu hại ta.
  • Không nên đốt giấy, tiền vàng, bạc, giấy quần áo mà tốn tiền vô lý, vì cõi Diêm Vương không bao giờ ăn hối lộ của ta mà cũng không xài được, phải để tiền lãng phí ấy để cứu trợ cho những người đói rách, tàn tật.
  • Đứng trước mọi việc gì về sự đời hay đạo đức thì phải suy xét cho minh lý rồi phán đoán việc ấy.
  • Phải yêu thương lẫn nhau như con một cha, dìu dắt nhau vào con đường đạo đức. Nếu ai giữ được trọn lành, trọn sáng về nơi cõi Tây phương an dưỡng mà học đạo cho hoàn toàn đặng trở lại cứu vớt chúng sinh.

Thủ tục nhập đạo Phật giáo Hòa Hảo

Người muốn gia nhập đạo Phật giáo Hòa Hảo phải tự nguyện, đủ 18 tuổi, có hai người tín đồ cũ tiến cử và bảo lãnh.

Phải xin phép cha mẹ mình, phải nguyện trước bàn thờ ông bà, tổ tiên như sau:

“kể từ ngày … tháng … năm…, con chịu quy y theo đạo”.

Trưởng Ban trị sự cơ sở phát cho cuốn sách “Cách tu hiền và sự ăn ở của một người bổn đạo” của Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ để hướng dẫn cách thờ phượng, cách hành xử của tín đồ.

Tín đồ mới sẽ được giới thiệu với Ban trị sự cơ sở. Sau khi nhập đạo, họ được phát thẻ tín đồ và có trách nhiệm đóng nguyệt liễm, được tham gia các sinh hoạt của đạo… Hai tín đồ giới thiệu có trách nhiệm tiếp tục giúp đỡ người mới nhập đạo.

Nếu muốn ra khỏi đạo, thì báo trước cho người tiến cử và Ban trị sự cơ sở để xoá tên trong danh sách.

Ngày nay, người muốn vào đạo phải đủ 18 tuổi, tự nguyện viết đơn xin nhập đạo, có hai tín đồ giới thiệu. Đến Ban Trị sự cơ sở ghi danh, học giáo lý, giáo luật và phải xin phép cha mẹ mình về tự nguyện quy y theo đạo.

Những ngày lễ trọng Phật giáo Hòa Hảo

Cho đến nay, Hiến chương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo xác định có hai ngày lễ trọng, đó là:

  • Ngày 18/5 âm lịch là ngày khai đạo Phật giáo Hòa Hảo
  • Ngày 25/11 âm lịch là ngày sinh Đức Huỳnh Giáo chủ.

Với tín đồ Phật giáo Hòa Hảo thì điều đó đã trở thành đức tin bền vững. Vì vậy, vào ngày này dù xa xôi tín đồ cũng cố gắng về thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang để viếng Tổ đình Đức Giáo chủ Phật giáo Hòa Hảovà An Hoà tự.

Ngoài ra còn một số ngày lễ khác như:

  • Ngày 7/3 âm lịch giỗ Đức ông (bố ông Huỳnh Phú Sổ)
  • Ngày 26/4 âm lịch giỗ Đức bà (mẹ ông Huỳnh Phú Sổ)
  • Ngày 12/8 âm lịch vía Phật Thầy Tây An (giáo chủ của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương).

Phật giáo Hòa Hảo

Lễ nghi và tổ chức của Phật giáo Hòa Hảo

Chi tiết về lễ nghi và tổ chức của đạo Hòa Hảo như:

1. Lễ nghi

Đạo kỳ của Phật giáo Hòa Hảo màu đỏ đậm (màu dà), chất liệu bằng vải, chiều ngang bằng 2/3 chiều dài, được treo trong khuôn viên chùa Phật giáo Hòa Hảo, Trụ sở Ban Trị sự và những điểm làm lễ vào hai ngày lễ trọng của đạo.

Biểu tượng của Phật giáo Hòa Hảo là một hình tròn, nền màu dà có dòng chữ viền: PHẬT GIÁO HÒA HẢO màu vàng và bông sen trắng nở 4 cánh ở giữa.

Về thờ cúng

Như đã trình bày ở các phần trên, tín đồ Phật giáo Hòa Hảo là cư sỹ tại gia, họ không thờ thần thánh nếu không rõ xuất xứ, chú trọng nghi thức hành lễ cá nhân trước bàn thờ tổ tiên, bàn thờ Phật và bàn thông thiên.

Tại các bàn thờ mỗi tín đồ đều có các hoạt động: xá, lạy, nguyện (bài đọc) và niệm Phật. Mỗi gia đình có 3 bàn thờ: Bàn thờ Phật đặt nơi cao nhất chỉ treo tấm vải Trần Dà; bàn thờ tổ tiên đặt dưới bàn thờ Phật; bàn thờ thông thiên thờ ngoài trời ở trước của nhà.

Sau này tín đồ thờ ảnh ông Huỳnh Phú Sổ đặt dưới tấm Trần Dà. Người đi làm xa nhà đến giờ cúng hướng về phía Tây nguyện rồi xá 4 hướng hoặc nguyện tưởng trong tâm.

Về tang lễ

Bắt nguồn từ quan niệm cho rằng, người thân và anh em đồng đạo thông qua cầu nguyện có thể giúp cho vong linh người chết được siêu linh nơi cõi thọ, nên nghi lễ đối với người chết vẫn thực hành theo truyền thống địa phương kèm theo sự cầu nguyện.

Trong tang lễ, tín đồ Phật giáo Hòa Hảo không sử dụng thầy cúng, không đốt vàng mã. Giáo lý còn khuyên mọi người không nên khóc lóc mà ảnh hưởng đến sự siêu thoát, anh linh của người chết.

Về ăn chay

Ăn chay theo ngày sóc, ngày vọng hoặc ăn chay trường.

Về lễ phục

Không quy định, song trong những ngày lễ hoặc cúng tại chùa, tín đồ đều mặc áo đen, khăn đóng đen.

Về lễ vật thờ cúng

PHẬT GIÁO HÒA HẢO thờ Phật, nhưng không thờ tượng cốt, tranh ảnh mà thờ Phật bằng tấm vải Trần Dà thay cho tấm vải Trần Điều của Bửu Sơn Kỳ Hương, nhưng cùng một quan niệm là “Phật tức tâm, tâm tức Phật”.

Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ giải thích việc đổi thờ Trần Điều thành Trần Dà như sau: “Từ trước, chúng ta thờ Trần Điều là di tích của Phật thầy Tây An để lại. Nhưng gần đây có những kẻ sai phép, sai với tôn chỉ của Đức Phật, nên toàn thể trong đạo đổi lại mầu Dà.

Lại nữa, từ trước đến giờ các Sư dùng mầu Dà để biểu hiện cho sự thoát tục của mình, và mầu ấy là mầu kết hợp của tất cả các mầu sắc khác, nên có thể tượng trưng cho sự hoà hiệp của nhân loại, không phân biệt chủng tộc và cá nhân. Vì vậy, chúng ta dùng nó trong chỗ thờ phượng để tiêu biểu cho tinh thần vô thượng của nhà Phật”.

Đồ thờ cúng Phật, cúng trời đất ở bàn thờ thông thiên thường có nước lạnh, hoa, hương và được giải thích như sau:

  • Nước lạnh thể hiện sự trong sạch.
  • Hoa thể hiện sự tinh thiết.
  • Hương thơm xua đuổi tà khí.

Lễ vật cúng ông bà, tổ tiên là đồ chay hoặc mặn. Không dùng vàng mã trong cúng giỗ, họ cho rằng đó là điều giả tạo, lãng phí không cần thiết.

PHẬT GIÁO HÒA HẢO quy định không lạy người lúc sống, trừ ông bà, cha mẹ. Thông thường, khi tín đồ làm lễ cầm hương vái 3 vái rồi quỳ xuống khấn theo bài quy định, sau đó cầm hương đứng thẳng, chắp tay trước ngực, tiếp tục khấn lời khấn theo quy định của PHẬT GIÁO HÒA HẢO. Kết thúc việc lễ, tín đồ lạy 4 lạy. Khi làm lễ ở bàn thờ thông thiên, lần lượt vái cả 4 hướng.

Về cúng giỗ

Ông Huỳnh Phú Sổ khuyên tín đồ không làm giỗ linh đình tốn kém, vì thánh thần, người chết không ăn được những thứ đó và không dùng vàng mã khi cúng giỗ.

Nơi thờ tự

Nơi thờ tự của PHẬT GIÁO HÒA HẢO được đặt tại gia đình, tại Tổ đình Đức Giáo chủ và tại chùa của PHẬT GIÁO HÒA HẢO.

2. Tổ chức của Phật giáo Hòa Hảo

Sau khi được công nhận tổ chức (1999) đến nay, tại Điều 4 của Hiến chương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo nhiệm kỳ V (2019-2024) quy định hệ thống tổ chức của Giáo hội PHẬT GIÁO HÒA HẢO gồm 2 cấp hành chính đạo:

  • Cấp toàn đạo gọi là Ban Trị sự Trung ương Giáo hội PHẬT GIÁO HÒA HẢO.
  • Cấp cơ sở gọi là Ban Trị sự Giáo hội PHẬT GIÁO HÒA HẢO xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã).
  • Tại những tỉnh, thành phố có đông tín đồ PHẬT GIÁO HÒA HẢO lập Ban Đại diện PHẬT GIÁO HÒA HẢO tỉnh, thành phố.
  • Ban Trị sự các cấp có tư cách pháp nhân, có con dấu tròn để sử dụng và được đăng ký tài khoản ở ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước, Ban Đại diện tỉnh, thành phố và các ban chuyên ngành, văn phòng (trực thuộc Ban Trị sự Trung ương) có con dấu sử dụng lưu hành nội bộ theo quy định của pháp luật.

Giúp việc cho Ban Trị sự Trung ương Giáo hội PHẬT GIÁO HÒA HẢO và nối liên hệ với cơ sở, tại mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có Ban Đại diện PHẬT GIÁO HÒA HẢO tỉnh, thành phố do Ban Trị sự Trung ương Giáo hội PHẬT GIÁO HÒA HẢO bổ nhiệm”

Bài cúng Phật Giáo Hòa Hảo

Sau đây Đồ Thờ Hưng Vũ sẽ gửi tới cá bạn một số bài cúng Phật Giáo Hòa Hảo mà chúng tôi đã tổng hợp:

Bài cúng Phật Giáo Hòa Hảo trước bàn thờ ông bà

Cầm hương xá 3 xá quì xuống chắp tay đưa lên trán nguyện:

Cúi kính dưng hương trước Cửu Huyền.

Cầu trên Thất Tổ chứng lòng thiềng.

Nay con tỉnh ngộ quy y Phật.

Chí dốc tu hiền tạo phước duyên.

Cấm hương rồi đứng ngay thẳng chắp tay vào ngực đọc tiếp:

Cúi đầu lạy tạ Tổ Tông.

Báo ơn sanh dưỡng dày công nhọc nhằn.

Rày con xin giữ Đạo hằng.

Tu cầu Tông Tổ siêu thăng Phật đài.

Nguyện làm cho đẹp mặt mày.

Thoát nơi khổ hải Liên đài được lên.

Mong nhờ Đức Cả bề trên.

Độ con yên ổn vững bền cội tu (lạy 4 lạy).

Bài cúng Phật Giáo Hòa Hảo trước bàn thờ Phật

Cầm hương xá 3 xá, quì xuống chắp tay đưa lên trán đọc bài Quy Y:

Nam Mô Ta bà Giáo chủ Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật (tam niệm).

Nam Mô Thập Phương Phật.

Nam Mô Thập Phương Pháp.

Nam Mô Thập Phương Tăng.

Nam Mô Phật Tổ, Phật Thầy, QuanThượng Đẳng Đại Thần, Chư Quan Cựu Thần, Chư Vị Sơn Thần, Chư Vị Năm Non Bảy Núi, cảm ứng chứng minh, nay con nguyện cải hối ăn năn, làm lành lánh dữ, quy y theo mấy Ngài, tu hiền theo Phật Đạo.

Cắm hương lạy 4 lạy cũng được, hoặc cấm hương đứng ngay thẳng chắp tay vào ngực đọc tiếp:

Nam Mô Tây Phương Cực lạc thế giới Đại từ Đại bi phổ độ chúng sanh A Di Đà Phật.

Nam Mô nhứt nguyện cầu: Thiên Hoàng, Địa Hoàng, Nhơn Hoàng, Liên hoa hải hội, thượng Phật từ bi, Phật Vương độ chúng, thế giới bình an.

Nam Mô nhị nguyện cầu: Cửu Huyền Thất tổ Tịnh độ siêu sanh.

Nam Mô tam nguyện cầu: Phụ mẫu tại đường tăng long phước thọ, phụ mẫu quá khứ trực vãng Tây phương.

Nam Mô tứ nguyện cầu : Bá tánh vạn dân từ tâm bác ái , giải thoát mê ly.

Nam Mô ngũ nguyện cầu: Phật Tổ, Phật Thầy từ bi xá tội đệ tử tiêu tai tịnh sự, trí huệ thông minh giai đắc đạo quả.

Lạy 4 lạy rồi xá: 1 xá chính giữa niệm: Nam Mô A Di Đà Phật.

1 xá bên trái niệm: Nam Mô Đại Thế Chí Bồ Tát.

1 xá mặt niệm: Nam Mô Quan Thế Âm Bồ Tát.

Bài cúng Phật Giáo Hòa Hảo trước bàn thông thiên

Cầu nguyện bàn Phật xong, ra bàn Thông Thiên cầu nguyện 4 hướng (lấy bàn Thông Thiên làm hướng chánh) trước mặt, sau lưng, hai bên vai.

Hướng chánh bàn Thông Thiên có nguyện đọc bài Quy Y, còn ba hướng kia chỉ đọc bài Tây Phương ngũ nguyện (mỗi hướng đọc rồi lạy 4 lạy). (Khi cầu nguyện nếu không thể lạy được thì xá 3 xá).

Lạy đứng hay lạy quỳ tùy theo lúc yếu mạnh.

Các ngày lễ tết của Phật giáo Hòa Hảo

Các ngày Lễ kỷ niệm trong Đạo đều tổ chức vào ngày âm lịch. Trong một năm, theo âm lịch đạo Hòa Hảo có các ngày lễ, Tết chính:

  • Ngày 1 tháng Giêng: Tết Nguyên Đán
  • Ngày Rằm tháng Giêng: Lễ Thượng Nguyên
  • Ngày 25 tháng 2: ngày Đức Huỳnh Giáo chủ vắng mặt
  • Ngày 8 tháng 4: Lễ Phật đản
  • Ngày 18 tháng 5: Lễ Khai sáng Đạo Phật giáo Hoà Hảo
  • Ngày Rằm tháng 7: Lễ Trung Nguyên, Vu Lan Báo Hiếu
  • Ngày 12 tháng 8: Vía Phật Thầy Tây An
  • Ngày Rằm tháng 10: Lễ Hạ Ngươn
  • Ngày 17 tháng 11: Lễ Phật A-di-đà
  • Ngày 25 tháng 11: Lễ Đản Sinh Đức Huỳnh Giáo chủ.
  • Ngày 8 tháng Chạp: Lễ Phật thành đạo

Trên đây là thông tin về Phật giáo Hòa Hảo do Đồ Thờ Hưng Vũ đã tổng hợp và gửi tới bạn đọc. Hy vọng qua nội dung trên sẽ giúp quý độc giả hiểu được Huỳnh Phú Sổ là ai?

Nếu quan tâm tới các thông tin khác về văn hóa truyền thống hãy đón đọc bài viết mới nhất của chúng tôi nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *