Chùa Diệu Pháp Bình Thạnh từ lâu đã là trung tâm văn hoá, giáo dục, xã hội, hoằng pháp, tu học v.v… của nhiều người dân và phật tử tại TPHCM
Nơi đây nổi tiếng với nhiều hoạt động văn hóa và là điểm đến thiện nguyện của thành phố. Vậy chùa Diệu Pháp có lịch sử, kiến trúc ra sao? Hãy cùng Đồ Thờ Hưng Vũ khám phá nhé!
Giới thiệu chùa Diệu Pháp Bình Thạnh
Chùa Diệu Pháp là ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng tại TpHCM. Chùa là nơi được nhiều phật tử tới với mục phóng sinh mong cho gia đình, người thân được phước lành, cũng như là cầu siêu cho người mất
Chùa Diệu Pháp còn là cơ sở bảo trợ xã hội, nơi nương náu của gần 40 người già (từ 65 đến 103 tuổi) có hoàn cảnh khó khăn
Các thông tin tổng quan về chùa Diệu Pháp Bình Thạnh như:
- Điện thoại: 028 35533267
- Hệ Phái: Bắc tông
- Năm thành lập: 1964
- Năm trùng tu: 1968, 1972, 2008
- Người sáng lập: HT.Thích Tâm Khai
- Trụ trì tiền nhiệm: HT.Thích Tâm Khai
- Trụ trì đương nhiệm: ĐĐ.Thích Nguyên Pháp
- Chùa có khoá tu “Một ngày an lạc” 2 tuần một lần, phát quà tết, xây cầu, hiến máu hằng năm.
- Ngày Húy kỵ: 1/6 (ÂL) giỗ HT.Thích Tâm Khai
Chùa Diệu Pháp ở đâu?
Chùa Diệu Pháp có địa chỉ tại 188 đường Nơ Trang Long, phường 13, quận Bình Thạnh, TP.HCM
Vị trí chùa Diệu Pháp Bình Thạnh
Lịch sử chùa Diệp Pháp
Chùa Diệu Pháp được cố Hòa thượng Thích Tâm Khai khai sơn vào năm 1964 khi đất nước vẫn còn chiến tranh. Trong những năm gian khổ đó, Hòa thượng luôn là người ủng hộ tích cực mọi việc Ngài có thể làm để đất nước được thanh bình. Vì thế, chùa Diệu Pháp đã trở thành một nơi nuôi dưỡng những chiến sĩ đã hết mình đấu tranh vì hòa bình cho đất nước.
Ban đầu chùa chỉ có mỗi khu chánh điện nhỏ và nhà ở, còn xung quanh chỉ là sông nước và cây cối um tùm. Những tưởng ngôi chùa có thể đứng vững để che chở cho những người con đất Việt, nhưng vào năm Mậu Thân 1968, đạn pháo chiến tranh đã “san bằng” chùa Diệu Pháp. Rất nhiều người đã hy sinh vào ngày đó và chùa chỉ còn là một đống đổ nát hoang tàn giữa đất trời Sài Gòn.
Không nản lòng, Hòa thượng đã đi gom góp từng viên gạch, từng miếng ngói, từng bao xi măng để xây lại chùa Diệu Pháp. Và cũng nhờ trời Phật phù hộ, không lâu sau ngày bị ném bom, Ngài đã dựng lại được ngôi chùa năm nào đã đổ nát.
Tuy được xây dựng lại kiên cố hơn, nhưng với sự hủy hoại của thế sự, chùa cũng đã bị phá hủy phần nào. Vì thế, vào năm 1972, Hòa thượng đã tiến hành trùng tu ngôi chùa lần đầu tiên.
Chiến tranh qua đi, đất nước trọn niềm vui, nhưng những hậu quả của nó để lại thật to lớn và xót xa. Rất nhiều người đã hy sinh và những người mẹ Việt Nam đã trở nên bơ vơ khi con mình không về nữa. Xót xa trước hoàn cảnh đó, Hòa thượng đã quyết định sửa chữa lại chùa Diệu Pháp và xây thêm nhà để nuôi dưỡng các cụ già không nơi nương tựa vào năm 1992 lấy tên là “Mái Ấm Tình Người”. Thời gian trôi qua, số cụ già được chùa nhận nuôi ngày càng đông, nhưng nhà ở lại quá chật hẹp. Mỗi khi trời mưa bão, nước lớn là Hòa thượng không ngớt lo âu cho sức khỏe cũng như an toàn của các cụ.
Thế nên, Hòa thượng đã dự định sẽ xây dựng lại chùa Diệu Pháp sao cho rộng rãi và kiên cố để có thể chăm sóc thêm được nhiều cụ già nữa. Ngài đã vận động khắp nơi để thực hiện điều đó. Thế nhưng vì sức khỏe đã suy yếu bởi những vết thương của chiến tranh và bệnh tim mạch, Hòa thượng đã viên tịch khi những dự định của Ngài còn dang dở. Trưởng tử của Ngài là Đại đức Thích Nguyên Pháp đã nối tiếp tâm nguyện của Ngài, xây dựng một cơ sở mới rộng rãi và tiện nghi để tiếp tục chăm sóc cho các cụ già neo đơn.
Gần nửa thế kỉ trôi qua, giờ đây, ngoài việc nuôi các cụ già neo đơn, chùa còn là nơi sinh hoạt và giúp đỡ cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn nhưng hiếu học, phát gạo cho đồng bào nghèo hằng tháng và là nơi phục vụ những bữa ăn no dạ mát lòng cho những người nghèo và người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, hiện nay chùa đã xuống cấp trầm trọng. Thầy Nguyên Pháp đã quyết định xây dựng lại chùa thật kiên cố và khang trang hơn để không còn phải lo âu những khi mưa gió bão giông và cũng nhằm phục vụ các công việc Phật sự được thuận lợi hơn.
Chùa Diệu Pháp cho dù là tháng năm nào đi nữa cũng vẫn là nơi che chở cho những người nghèo khổ về vật chất lẫn tinh thần, là nơi trang nghiêm và linh thiêng cho Phật tử thập phương tu tập, lễ bái, cũng là nơi nương tựa cho những ai có duyên lành với Phật, mong cầu sự thanh tịnh nơi thân tâm và an lạc cho nhân loại.
Kiến trúc chùa Diệu Pháp
Chùa nằm cạnh dòng sông Sài Gòn hiền hòa và là một không gian thanh tịnh cho những ai muốn tìm những phút giây thư giãn cho tâm hồn. Với kiến trúc đơn sơ cổ kính, chùa nổi bật lên giữa những dãy nhà hiện đại và nguy nga như sự thanh cao của người tu hành giữa chốn đô thị.
Xung quanh chùa được bố trí rất nhiều cây cảnh nhằm làm đẹp cũng như che mát cho mọi người. Về với chùa như về lại cảnh làng quê đặc trưng của đất Việt mà ở Sài Gòn này không phải ở đâu cũng có được.
Khi vừa bước vào cổng chính của chùa, quý vị sẽ thấy ngay một không gian thật rộng rãi và thoáng mát. Với những hàng cây xanh rập rờn theo gió và dòng sông phía xa xa thong thả chảy về nguồn. Phía bên trái quý vị là Phòng phát hành kinh sách của “Câu lạc bộ Đến Từ Trái Tim” – một câu lạc bộ do quý Thầy,quý Sư Cô cựu sinh viên của Học viện Phật giáo VIệt Nam tại TP.HCM sáng lập nhằm làm các công việc từ thiện cho xã hội. Tại đây, trưng bày rất nhiều kinh sách, băng đĩa thuyết pháp và các loại đá nghệ thuật nhằm phục vụ việc nghiên cứu về Phật Gíao cho tất cả mọi người.
Phía bên phải quý vị là “Quán cơm Cộng đồng” được khai trương vào ngày (01/06 Âl Mậu Tý)nhân lễ Húy kỵ cố Hòa thượng khai sơn. Quán cơm phục vụ miễn phí các buổi cơm chay trưa và chiều cho các đối tượng như học sinh sinh viên nghèo, người lao động khó khăn, những người có hoàn cảnh nghèo khổ .v.v. vào các ngày thứ 6, 7, Chủ nhật và các ngày rằm trong tháng. Nhà chùa đã thực hiện những bữa cơm tuy đạm bạc nhưng vẫn đủ chất và ấm tình người nhằm đem lại những bữa ăn no lòng cho khách thập phương và người có hoàn cảnh khó khăn.
Bước vào bên trong sân chùa, quý vị sẽ dễ dàng nhận ra Tượng mẹ Quan Âm rất lớn, đây là bức tượng có niên đại gần nửa thế kỷ, rất đẹp và rất linh thiêng. Bức tượng ngự ngay chính giữa khuôn viên nhà chùa và hướng thẳng về phía Nam như câu kinh: “Nam mô nhất niệm, tâm vô quái ngại, Quán Thế Âm Như Lai, thường cư Nam hải nguyện”. Hằng năm, rất nhiều Phật tử thập phương về đây để chiêm bái và cầu nguyện Ngài.
Trên đường vào chánh điện, quý vị sẽ có cảm giác như mình đang ở một rừng tre trúc. Hai bên đường, các hàng tre cao cao thi nhau đung đưa trong gió. Ngoài ra còn có cả cây dừa, cây bồ đề, cây da v…v, nhằm mang lại bầu không khí trong lành cho chùa và một không không gian thật sự thanh bình. Mỗi khi tâm hồn thấy mệt mỏi, ngồi dưới một gốc cây, lắng nghe tiếng chuông chùa nhè nhẹ trầm bổng và tiếng sóng dập dìu vỗ bờ, chắc chắn tất cả chúng ta sẽ có được một cảm giác thanh thản nơi thân tâm.
Lúc này, trước mặt quý vị sẽ là khu Chánh điện. Với kiến trúc đơn giản nhưng hài hòa, khu chánh điện là nơi tổ chức các buổi lễ, tụng kinh, ngồi thiền, các phật sự, tiếp đón quý khách .v.v. Hiện nay, chánh điện đã xuống cấp. Nhà chùa quyết định sẽ xây dựng lại một ngôi chánh điện mới khang trang và kiên cố hơn nhưng vẫn giữ tính giản dị và trang nghiêm.
Trước chánh điện có thiết một bàn dài để quý Thầy tiếp khách, đó là nơi quý Thầy nhận các vật phẩm Phật tử cúng dường cho chùa và cũng để chư Phật chứng minh cho người cúng dường. Với chất liệu chủ yếu từ gỗ, chánh điện chùa cổ kính và thanh tịnh, bố trí hợp lý trong một không gian rất hẹp. Khi bước vào cổng chính, trước mắt quý vị sẽ là tượng đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni ngự phía trên cao cùng hai đại đệ tử là A Nan và Ca Diếp. Phía dưới là bảy pho tượng Phật Dược Sư và một pho tượng Phật cổ.
Các hoạt động tại chùa Diệu Pháp
Chùa Diệu Pháp từ lâu đã là nơi nổi tiếng với các hoạt động như:
Khóa tu 1 ngày
Đại đức Thích Tâm Trường, trụ trì chùa Hoằng Pháp (H.Hóc Môn, TP.HCM) cho biết, khoảng 4 – 5 năm về trước, chùa đã bắt đầu tổ chức khóa tu thiếu nhi, khóa tu sinh viên.
Theo Đại đức Thích Tâm Trường, những mầm non trẻ sẽ dễ uốn nắn hơn, đây như một sự đầu tư ngay từ ban đầu để các em nhận thức về những điều hay lẽ phải, trở thành người có ích, tâm an lạc.
“Những người yêu mến đạo Phật cũng như Phật tử thường cho con em mình đến các khóa tu 1 ngày như vậy để hướng các em đến những giá trị đạo đức, nhân cách; hay tìm hiểu về cuộc đời đức Phật, nguyên tắc đạo đức sống để giúp các em ý thức hơn cuộc sống của mình, nhằm làm cho các em có sự an lạc, gia đình cũng an lạc, yên tâm hơn, xã hội cũng có được sự đóng góp chung”, trụ trì chùa Hoằng Pháp nói.
Lễ thả hoa đăng
Chùa Diệu Pháp tọa lạc bên bờ sông Sài Gòn. Vào dịp đại lễ Vu Lan báo hiếu, đại lễ Phật Đản,… chùa thường tổ chức thả hoa đăng, phóng sinh trên sông Sài Gòn thu hút sự tham gia của đông đảo người dân.
Theo đó, Phật tử tham dự đại lễ không trực tiếp thả hoa đăng xuống sông, mà trong đại lễ sẽ có 30 tình nguyện viên đáp ứng các yêu cầu trên hỗ trợ Phật tử thả hoa đăng. Khi đến tham dự lễ, Phật tử phải xuất trình được thư mời được gửi qua email, zalo hoặc sms được ban tổ chức gửi về thông qua hình thức đăng ký từ trước.
Hướng dẫn đường đi đến chùa Diệu Pháp
Nằm ở vị trí ngoài mặt đường nên việc tìm đường đến chùa Diệu Pháp không quá khó khăn. Bạn có thể di chuyển đến đây bằng xe máy, ô tô hay xe bus đều được.
- Nếu di chuyển bằng xe máy, đi theo đường Nơ Trang Long, chạy thẳng sẽ đến đường Bình Lợi, rẽ phải vào hẻm 106 Bình Lợi, đi được 200 mét thì quẹo trái, sẽ thấy mái ấm chùa Diệu Pháp. Đến đây nếu không biết đường bạn cũng có thể hỏi người dân để dược chỉ dẫn thêm.
- Nếu đi bằng xe bus, tìm bắt tuyến xe số 31 Tân Quy – Bến Thành – Khu dân cư Bình Lợi, khi lên xe, mua vé với giá 6000 đồng, sau đó dặn tiếp viên cho dừng ở trạm chùa Diệu Pháp.
Tới chùa Diệu Pháp thời gian nào?
Chùa Diệu Pháp là một điểm đến tâm linh nổi tiếng tại thành phố Hồ Chí Minh. Nếu du khách muốn ghé thăm thì có thể tới bất cứ thời điểm nào trong năm.
Nơi đây còn được rất nhiều bạn tình nguyện viên tới giúp đỡ hàng ngày. Bởi Chùa Diệu Pháp cũng là nơi nuôi dạy rất nhiều trẻ em mồ côi, cùng với đó là “mái nhà” cho nhiều người vô gia cư và có hoàn cảnh bất hành.
Trên đây là một số thông tin về Chùa Diệu Pháp Bình Thạnh mà Đồ Thờ Hưng Vũ muốn chia sẻ với các bạn. Hy vọng nội dung trên sẽ giúp các bạn hiểu thêm hơn về địa danh văn hóa nổi tiếng tại TPHCM.
Có thể bạn quan tâm: