Quy y là gì? Tại sao quy y là con đường theo Đạo Phật?

Quy là trở về, y là nương tựa. Quy y Tam Bảo là trở về nương tựa (saraṇāgamana) nơi Ba ngôi báu Phật, Pháp, Tăng;

lấy Ba ngôi báu ấy làm tôn chỉ, làm mục đích, làm kim chỉ nam cho nếp sống tinh thần của mình

Sở dĩ Tam Bảo được ví với Ba ngôi báu, là ba điều quý báu hoặc ba viên ngọc quý (ratanataya), vì Tam Bảo trân quý hơn tất thảy những cái gọi là quý báu trên thế gian.

  • Vàng, bạc, ngọc ngà… tuy quý nhưng nó sớm còn, tối mất, là nơi dễ phát sanh lòng tham đắm đi theo với tội ác. Ngoài ra, chúng có thể bị tiêu mất do nạn nước, nạn lửa, chiến tranh, đạo tặc… hoặc sự giật giành nồi da xáo thịt của con cái trong nhà.
  • Công danh, địa vị, sự nghiệp, quyền lực là chỗ mơ ước của con người, nhưng chúng không bền vững, lại thăng trầm, bấp bênh! Ngoài ra, chúng đem nhiều âu lo, sợ hãi, lắm ưu tư và sầu muộn.
  • Quê hương, dân tộc, gia đình, vợ con, quyến thuộc… tuy quý, nhưng đấy là cái ổ phiền não, là chỗ tương tranh, là dây trói buộc, là chỗ luyến ái, hệ lụy nhiều khổ, ít vui.

Nương tựa ở đâu trên thế gian cũng không vững bền, không chân thật; nơi nào cũng bị chi phối bởi vô thường, khổ và vô ngã. Chỉ có nương tựa nơi Ba ngôi báu, con người mới thật sự tìm ra chân hạnh phúc và an lạc trên cuộc đời.

Quy y là gì?

Khi còn bé, những lúc sợ hãi chúng ta thường chạy đến cha mẹ để tìm sự che chở. Một khi đã ở trong vòng tay của cha mẹ thì sự sợ hãi chấm dứt.

Những khi chúng ta gặp điều nguy hiểm, chúng ta thường cố gắng chạy đến một nơi nào đó để tránh nguy hiểm. Khi khí hậu bên ngoài quá nóng, chúng ta chạy vào nhà để tìm sự mát mẻ. Ngôi nhà trở thành chỗ trú ẩn của chúng ta để tránh cái nóng bên ngoài. Cũng vậy khi trời lạnh lẽo chúng ta cũng phải vào nhà để tránh cái lạnh giá bên ngoài. Nhà cửa là nơi trú ẩn để chúng ta tránh nóng, lạnh, thú dữ và những hiểm nguy của thời tiết như: mưa, gió, bão bùng.

Trên hành trình dài đăng đẵng của vòng luân hồi, đôi lúc chúng ta cảm thấy sợ hãi, đôi lúc chúng ta cảm thấy nguy hiểm. Khi gặp cảnh sợ hãi hay nguy hiểm, chúng ta cần một nơi nào đó để trú ẩn. Chúng ta cần có một người nào hay một cái gì giúp chúng ta thoát khỏi sự sợ hãi hay hiểm nguy. Quy y cũng có ý nghĩa tương tự.

Thế nào là trú ẩn, Nương Tựa hay Quy y? Theo Chú Giải xưa, chữ Quy y hay Nương Tựa có nghĩa là dựa vào người hay cái gì đó để làm tan biến tình trạng sợ hãi, kinh khiếp, đau khổ, những nghịch cảnh, những sự bất an, nhất là những đau khổ trong vòng luân hồi sinh tử. Trong ý nghĩa này thì Phật, Pháp, Tăng hay Tam bảo được gọi là nơi trú ẩn, nương tựa hay Quy y.

Đức Phật được gọi là Nơi Nương Tựa hay Quy y; bởi vì Ngài xoa dịu nỗi sợ hãi của chúng ta, của chúng sinh. Điều này có nghĩa là Đức Phật giúp chúng ta tránh được nỗi hiểm nguy, bằng cách đưa chúng ta đến chỗ an toàn, lợi ích, tốt đẹp. Đức Phật chẳng khác nào một vị thầy tài ba, giỏi giang.

Đức Phật luôn luôn dạy chúng ta: “Hãy làm điều tốt, tránh xa điều xấu”. Khi Đức Phật nói hãy làm điều tốt nghĩa là Đức Phật cam kết nếu chúng ta làm điều thiện, điều tốt thì chúng ta sẽ đạt được nhiều lợi ích. Khi Đức Phật dạy đừng làm những hành vi bất thiện, xấu xa có nghĩa là Đức Phật đưa chúng ta ra khỏi nơi nguy hiểm, không tốt đẹp.

Pháp cũng là nơi nương tựa. Khi một người thấu hiểu Giáp Pháp thì họ sẽ Giác Ngộ. Khi đã Giác Ngộ thì người này có đủ khả năng để vượt qua biển khổ sinh tử luân hồi, đến bờ bên kia một cách an toàn. Dù chỉ đạt được những tầng mức Giác Ngộ thấp hơn thì người thấu hiểu Giáp Pháp, ít nhất, cũng đã bước một chân ra khỏi vòng luân hồi. Trong ý nghĩa này Pháp bảo được gọi là Nơi Nương Tựa, Pháp bảo cũng xoa dịu nỗi sợ hãi hay hiểm nguy cho chúng sinh.

Tăng bảo cũng được gọi là Nơi Nương Tựa vì Tăng là những bậc đã hoàn toàn loại trừ hay loại trừ một phần phiền não, là gương lành trong sạch, là mẫu mực để chúng ta nương theo. Các bậc Thánh tăng đã đi theo con đường của Đức Phật, đã giải thoát Giác Ngộ, tạo niềm tin cho chúng ta, khiến chúng ta sẵn sàng đi trên con đường Đức Phật đã chỉ dẫn. Bởi vậy, mỗi khi dâng cúng cho chư Tăng, chúng ta gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp từ sự cúng dường này.

Khi chúng ta tỏ lòng tôn kính hay đảnh lễ Chư Tăng, chúng ta cũng gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp do sự tôn kính đảnh lễ đó. Mặc khác, nếu chúng ta cúng dường cho những vị không xứng đáng nhận lãnh vật cúng dường thì chúng ta không gặt hái được kết quả tốt đẹp bằng cúng dường đến Chư Tăng.

Chư Tăng được gọi là ‘Nơi Nương Nhờ’ bởi vì chư Tăng đã làm cho của cúng dường của chúng ta, làm cho hành vi tỏ lòng kính trọng của chúng ta, đem lại kết quả tốt đẹp. Nương nhờ Tăng, Quy y Tăng ở đây, có nghĩa là nương nhờ gương lành trong sạch của các Ngài, lấy các Ngài làm chỗ dựa trên con đường tiến đến Giác Ngộ như các Ngài. Là một người Phật tử, thì Phật, Pháp và Tăng là Nơi Nương Nhờ của chúng ta. Để xác quyết rằng:

Chúng ta là những người con Phật nương nhờ vào Tam bảo nên chúng ta Quy y.

Chắc các bạn đều biết thế nào là Quy y! Làm thế nào để Quy y? Theo Vi Diệu Pháp thì vào lúc Quy y một thiện tâm khởi sinh trong ta. Thiện tâm này (kusala) là tâm thanh tịnh, không có phiền não. Thiện tâm này là trí tuệ hiểu rõ Tam bảo, đặt lòng tin vào Tam bảo. Khi thiện tâm này phát sinh, lấy Tam bảo làm đối tượng ta đặt lòng tin vào Tam bảo.

Như vậy, Quy y Tam bảo thật sự có nghĩa là sự sinh khởi của loại thiện tâm lấy Tam bảo làm đối tượng.

Khi chúng ta nói: “Con xin Quy y Phật, Quy y Pháp, Quy y Tăng” nghĩa là chúng ta xem Phật, Pháp, Tăng là nơi nương tựa tối thượng của mình. Ta chọn Phật, Pháp, Tăng là nơi trú ẩn Nơi Nương Tựa cao thượng nhất. Quy y hay nương nhờ có nghĩa là sự khởi sinh trong tâm loại tâm này. Khi chúng ta nói “Con xin Quy y Phật, Quy y Pháp, Quy y Tăng” thì tâm này khởi sinh trong tâm ta, không bị ô nhiễm bởi phiền não.

Loại tâm này có đặc tính là tôn kính Tam bảo. Đồng thời tâm này chỉ lấy Tam bảo làm nơi nương tựa chứ không nương tựa vào nơi nào khác.

Trong Chú Giải, giải thích ai là người Quy y? Điều này có nghĩa là hạng người nào Quy y. Câu trả lời là người có loại tâm này hay là người có tâm này là kẻ đang Quy y. Muốn Quy y chúng ta chỉ đơn giản xem Phật, Pháp, Tăng là vị thầy, là người hướng dẫn của chúng ta. Quy y không có nghĩa là chỉ có đức tin vào Phật mà chẳng làm gì cả, chỉ nghĩ rằng: chỉ cần dựa vào Phật là đạt được kết quả tốt.

Quy y có nghĩa là nhận Đức Phật làm người hướng dẫn tinh thần cho mình.

Quy Y

Quy y Tam Bảo như thế nào?

Thời kỳ Đức Phật còn tại thế, một người cư sĩ sau khi nghe Đức Phật hoặc Chư Tăng thuyết pháp; quý ngài giảng giải cách sống đúng với đạo lý, hợp với lương tâm và lẽ phải ở đời; và người ấy chấp nhận giáo pháp kia làm lẽ sống hướng thiện và hướng thượng cho mình, thường đọc lên ba lần lời phát nguyện:

  • Buddhaṃ saranaṃ gacchāmi. (Tôi đi đến nương tựa nơi Đức Phật)
  • Dhammaṃ saranaṃ gacchāmi. (Tôi đi đến nương tựa nơi Đức Pháp)
  • Sanghaṃ saranaṃ gacchāmi (Tôi đi đến nương tựa nơi Đức Tăng)

Từ đó, người ấy được gọi là cận sự nam (upāsaka) hoặc cận sự nữ (upāsikā), mà ngày nay gọi là thiện nam, tín nữ (thiện tín).

Sau khi phát nguyện tam quy rồi, người Phật tử tự nguyện noi theo Phật, Pháp, Tăng để sống đời cao đẹp, trong lành và hiền thiện. Họ sống lúc nào, ở đâu, cũng lấy sự chân thật làm trọng, tín nghĩa làm quý, phước đức làm thước đo; và cố gắng xa dần sự tham lam, ích kỷ, ác độc, hận thù!

Tấm lòng họ rộng mở, biết yêu thương mọi người, mọi loài; biết tôn trọng sự sống của chúng sanh, sự sống của cây cỏ; biết bố thí, cúng dường; biết san sẻ vật chất, áo cơm đến người cơ hàn, khốn khổ, bất hạnh. Nói tóm lại, họ chấp nhận nguyên tắc sống: “Không làm điều ác, làm các hạnh lành và giữ tâm trong sạch”.

Như vậy, quy y Tam Bảo không mang nặng màu sắc tôn giáo, tín ngưỡng; nghĩa là không có tính cách cầu khấn, van xin, tế lễ hoặc giao phó đời mình cho một vị thần linh, một Thượng Đế nào đó. Lại càng không phải mê tín, tin càn, tin bậy vào các tà thuyết bá vơ. Đức tin Tam Bảo có được là do suy tư đúng đắn và hiểu biết chơn chánh.

Đây là lối sống tự nguyện, không bị ai ép buộc, cưỡng bức; cũng chẳng phải là lời tuyên thệ gia nhập một tổ chức hay đoàn thể thế tục nào.

Tóm lại, quy y Tam Bảo là tự mình chấp nhận đạo lý chơn chánh làm lẽ sống đích thực và cao cả cho cuộc đời mình vậy. Như các câu Kinh Lời Vàng (Dhammapada). Pháp cú 190:

“- Quy y Phật Bảo quang vinh.

Quy y Pháp Bảo cao minh rạng ngời. Quy y Tăng Chúng ba đời.

Quy y như vậy, chính nơi hướng về!

(Yo ca buddhañca dhammañca saṅghañca saraṇaṃ gato, cattāri ariyasaccāni sammappaññāya passati).

Pháp cú 192:

“- Quy y ấy quả cao dày.

Quy y tối thượng, đâu tày mà so! Quy y tận khổ, vô lo.

Quy y, giải thoát, vẫy đò qua sông!”

(Etaṃ kho saraṇaṃ khemaṃ etaṃ saraṇamuttamaṃ, etaṃ saraṇamāgamma sabbadukkhā pamuccati).

Hai loại quy y theo Đạo Phật

Có hai loại Quy y, Quy y Siêu Thế và Quy y Thế Tục.

Quy y Siêu Thế:

Quy y Siêu Thế xảy ra vào lúc Giác Ngộ hay vào lúc Đạo Tâm khởi sinh. Khi Đạo Tâm khởi sinh, thiền sinh Giác Ngộ Tứ Diệu Đế, lấy Niết Bàn làm đối tượng ngay vào lúc đó. Ngay vào lúc Đạo Tâm phát khởi là lúc

Quy y thành tựu. Và lúc đó sự Quy y được thiết lập một cách vững chắc đối với người này. Đó là Quy y Siêu Thế.

Quy y Thế Tục:

Quy y Thế Tục là Quy y dành cho người thế tục (puthujjana). Người thế tục này đã đè nén phiền não chướng ngại trong khi Quy y. Những chướng ngại trong khi Quy y có nghĩa là: không tin tưởng, không hiểu biết gì về Tam bảo v.v…

Khi Quy y hiểu rõ ràng về Tam bảo, họ có đức tin hay có sự tín nhiệm vào Tam bảo, đồng thời khi Quy y, họ lấy những đặc tính tuyệt diệu của Tam bảo làm đối tượng. Điều này có nghĩa là khi Quy y, người Quy y nghĩ đến những đức tính tốt đẹp của Phật, của Pháp, của Tăng.

Phật Pháp Tăng, đối với người Phật tử, là những đối tượng của đức tin và sự tín nhiệm của họ. Khi chúng ta đạt được đức tin vào Phật Pháp Tăng là chúng ta Quy y.

Đức tin giúp chúng ta có Chánh Kiến; bởi vì nhờ có đức tin nên chúng ta mới học hỏi những lời dạy của Đức Phật. Nhờ học hỏi những lời dạy của Đức Phật nên chúng ta có sự hiểu biết đúng đắn hay có Chánh Kiến. Vào lúc Quy y thì Đức Tin và Chánh Kiến khởi sinh trong tâm chúng ta.

Có mười Thiện Nghiệp mà Thiện Nghiệp cuối cùng là có Chánh Kiến. Chánh Kiến là gốc rễ của Đức Tin hay lòng tin tưởng nhiệt thành vào Tam bảo.

Bốn Loại Quy y Thế Tục

Thứ nhất là cúi mình tuân phục Phật, Pháp, Tăng. Thay vì nói con Quy y Phật, Pháp, Tăng thì nói con cúi đầu tuân phục Phật, Pháp, Tăng. Khi cúi mình tuân phục thì chúng ta nói “bắt đầu từ ngày hôm nay, con tuân phục Phật Pháp Tăng”. Câu “bắt đầu từ ngày hôm nay” là câu tôi dịch sát nghĩa đúng theo văn Pāḷi. Câu này có nghĩa là bắt đầu từ ngày hôm nay trở đi, con hạ mình tuân phục theo Phật, Pháp, Tăng.

Thứ hai là nhận Phật, Pháp, Tăng làm Nơi Nương Tựa Tối Thượng của mình. Câu này có nghĩa là lấy Phật, Pháp, Tăng làm Nơi Trú Ẩn, Nơi Nương Tựa tuyệt hảo nhất. Khi chúng ta dùng nghĩa thứ hai này để Quy y thì lúc Quy y ta nói: “bắt đầu từ ngày hôm nay con nhận Đức Phật, Đức Pháp, Đức Tăng làm Nơi Nương Tựa Tối Thượng của con” hoặc “bắt đầu từ ngày hôm nay con có Nơi Nương Tựa Tối Thượng là Đức Phật, Đức Pháp, Đức Tăng”.

Thứ ba là chấp nhận mình là học trò của Phật, Pháp, Tăng. Đôi lúc bạn không nói: “con cúi đầu tuân phục Phật, Pháp, Tăng” hay “bắt đầu từ ngày hôm nay con nhận Đức Phật, Đức Pháp, Đức Tăng làm Nơi Nương Tựa Tối Thượng của con” mà nói: “con là học trò của Phật, học trò của Pháp, học trò của Tăng”.

Khi nói như vậy thì chúng ta đã Quy y Phật, Pháp, Tăng. Như vậy, cách thứ ba là nhận mình là học trò, là đệ tử của Phật, Pháp, Tăng.

Thứ tư là thành kính đảnh lễ Đức Phật, Pháp, Tăng qua sự tôn kính đảnh lễ. Theo cách này thì khi chúng ta đang ngồi mà thấy Phật hoặc một vị Sư đi ngang qua chúng ta đứng dậy tỏ lòng tôn kính. Đó cũng là hình thức Quy y Thế Tục. Trong thực tế, người Phật tử biểu lộ sự Quy y này bằng cách lễ lạy hoặc chấp tay biểu lộ sự cung kính.

Tất cả những hành vi biểu hiện sự tôn kính trên đều chứng tỏ chúng ta Quy y Phật, Pháp, Tăng. Mặc dù không nói bằng lời, nhưng khi chúng ta cúi xuống lễ lạy Phật, Pháp, Tăng là chúng ta đã Quy y.

hông thường khi Quy y chúng ta đọc những câu theo khuôn mẫu:

“Buddaṁ saraṇaṁ gacchāmi, Dhammaṁ saraṇaṁ gacchāmi, Saṇghaṁ saraṇaṁ gacchāmi”

Quy Y

(Con đem hết lòng thành kính xin Quy y Phật. Con đem hết lòng thành kính xin Quy y Pháp. Con đem hết lòng thành kính xin Quy y Tăng)

Nói những câu như thế là chúng ta đã Quy y Tam bảo theo cách thứ hai. Câu “bắt đầu từ ngày hôm nay trở đi con Quy y Phật, Pháp, Tăng”. Câu này chỉ dùng khi chúng ta Quy y lần đầu. Bây giờ, hằng ngày chúng ta đều đọc Quy y. Thật ra, ngay từ thuở nhỏ chúng ta đã Quy y và hằng ngày ta đều Quy y. Như vậy chúng ta không cần nói câu “bắt đầu từ ngày hôm nay trở đi”. Nếu chúng ta nói câu “bắt đầu từ ngày hôm nay trở đi con Quy y Phật, Pháp, Tăng” thì có nghĩa là hôm qua chúng ta chưa Quy y. Do đó câu này chỉ áp dụng cho người mới Quy y lần đầu. Còn đối với Phật tử chúng ta đã Quy y rồi và hằng ngày đều đọc tam quy, ngũ giới thì khỏi cần đọc câu “bắt đầu từ ngày hôm nay trở đi”.

Về vấn đề khi tôn kính một người nào đó nên chúng ta lễ lạy, khi tỏ vẻ kính trọng hoặc khi sợ hãi chúng ta cũng lễ lạy hoặc khi lễ lạy những người bà con trưởng thượng hơn mình thì đó không có nghĩa là chúng ta Quy y họ.

Khi Đức Phật về kinh thành, các thân quyến thuộc dòng Thích Ca (dòng Koliya) đảnh lễ Đức Phật với tư cách là một người bà con, một người thân quyến đáng kính của mình. Dù đó là đảnh lễ Đức Phật đi nữa, nhưng cũng không phải là Quy y.

Nếu bạn đảnh lễ Đức Phật bởi vì Đức Phật là bà con của bạn thì đó cũng không phải là Quy y. Khi bạn lễ lạy, tỏ lòng tôn kính vì sợ hãi thì đó cũng không phải là Quy y. Chú Giải có giải thích điều này: Nếu một người đảnh lễ Đức Phật với tâm lo sợ

nghĩ rằng: ẩn sĩ Gotama được nhà vua tôn kính và ẩn sĩ có những năng lực vĩ đại nếu ta không tôn kính đảnh lễ thì Ngài sẽ hại ta, hoặc nhà vua hay người khác sẽ hại ta thì đó không phải là Quy y. Nếu đảnh lễ Đức Phật vì lo sợ, vì bắt buộc phải làm hay vì một lý do nào khác mà không phải là biểu hiện lòng tôn kính tin tưởng vào Phật, Pháp,

Tăng như vậy thì không phải là Quy y. Quy y thật sự khi bạn đảnh lễ tỏ lòng tôn kính người đó. Sự tôn kính đó đặt căn bản trên giá trị tinh thần tốt đẹp của người đó. Có nghĩa là tôn kính lễ bái Đức Phật vì chúng ta tin hay hiểu biết rằng: Đức Phật là người có phẩm chất cao thượng nhất, xứng đáng được chúng ta tôn kính, cúng dường.

Chỉ như vậy mới gọi là Quy y theo nghĩa thứ tư.

Bây giờ chúng ta hãy bàn luận rộng thêm về vấn đề Quy y này. Khi bạn đã Quy y Tam bảo, nhưng bạn có một người bà con thuộc Tôn giáo khác, giả sử người đó theo đạo Thiên Chúa, bạn lễ bái, tôn kính người đó vì người đó là thân bằng quyến thuộc của bạn. Khi phải đảnh lễ một người khác Tôn giáo vì người đó là thân bằng quyến thuộc của bạn thì bạn có đứt Tam quy không? Câu trả lời là không.

Vào thời đại quân chủ, trong nước có vua. Bạn phải cung kính lễ lạy nhà vua. Bạn quỳ lạy trước nhà vua bởi vì bạn sợ rằng: nếu không làm như thế bạn sẽ bị trị tội, bạn có thể bị ở tù hay bị đánh đập. Vì sợ hãi nên bạn phải lễ lạy nhà vua thì bạn cũng không đứt Tam Quy.

Theo phong tục của đông phương, vị thầy rất được tôn kính, mọi người cũng như học trò thường lễ lạy những người đó vị họ là người thầy. Những người lễ lạy một người nào đó, tỏ lòng tôn kính vị đó bởi vì vị đó là một vị thầy thì đó không phải là Quy y.

Bạn có một vị thầy dạy học, về sau vị này trở thành một tu sĩ của Tôn giáo khác. Bạn đảnh lễ vị thầy này bởi vì đây là vị thầy dạy học cũ của mình, vậy bạn có đứt Tam Quy không? Câu trả lời là không.

Bạn gặp một tu sĩ của Tôn giáo khác, vị này không phải bà con của bạn, vị này cũng không phải thầy của bạn, bạn cũng chẳng sợ hãi gì vị này, nhưng bạn nghĩ rằng: đây là một người tu hành, dù thuộc Tôn giáo khác đi nữa cũng đáng cho ta kính trọng nên bạn đảnh lễ vị đó. Như vậy bạn có đứt Tam Quy không?

Chú Giải không giải thích điều này, bạn muốn làm sao thì tùy bạn, bạn phải tự quyết định lấy. Tôi nghĩ rằng: bao lâu bạn không xem người này là vị thầy có thể dẫn dắt mình ra khỏi vòng luân hồi sinh tử thì bạn sẽ không đứt Tam Quy, hoặc bạn không xem người này là vị thầy dạy bạn hành thiền, giúp bạn thoát khỏi những phiền não trong tâm thì bạn không đứt Tam Quy.

Tóm lại, khi bạn theo một người nào mà bạn nghĩ rằng: đây là vị thầy có thể giúp cho mình thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi, đây là vị thầy dạy ta hành thiền, đây là vị thầy giúp ta loại trừ phiền não trong tâm thì khi đó bạn đứt Tam Quy.

Giả sử có một người phụ nữ đang mang thai, vị này nói rằng: “Đứa bé trong bụng tôi xin Quy y Phật, Quy y Pháp, Quy y Tăng” hay “tôi Quy y Phật, Pháp, Tăng cho đứa bé này” v.v… Trong trường hợp này thì đứa bé đó có được Quy y chăng?

Vào thời kỳ Đức Phật có một vị hoàng tử tên là Bodhi. Hoàng tử thỉnh Đức Phật đến nhà để trai tăng. Sau lễ trai tăng, Bodhi hỏi Phật về cách thực hành của Ngài trước khi thành đạo: Ngài đã chịu khó khăn và nỗ lực như thế nào để trở thành một vị Phật. Đức Phật kể lại rất nhiều chi tiết về việc thực hành của Ngài, về việc hành Thiền Định theo các vị thầy ngoại đạo, về sáu năm khổ hạnh trong rừng, và sau đó là phương pháp Thực Hành Trung Đạo. Khi Đức Phật giảng giải xong, một người bạn của hoàng tử Bodhi nói:

“Bạn ơi, bạn tôn kính tán dương Đức Phật, nhưng bạn chưa Quy y với Phật”. Hoàng tử Bodhi nghe nói thế trả lời: “Mặc dù từ khi lớn lên tôi chưa Quy y với Phật, nhưng khi tôi còn trong bụng mẹ, mẹ tôi đã cho tôi Quy y với Phật rồi”. Câu nói của hoàng tử Bodhi cho thấy hoàng tử đã xem mình là một người đã Quy y Tam bảo.

Chú Giải giải thích rằng: sẽ không có Quy y nếu không có hiểu biết, không có sự lưu tâm đến việc Quy y. Điều này có nghĩa là mặc dù mẹ của hoàng tử đã Quy y cho ông từ trong bụng mẹ, nhưng thật ra ông chưa Quy y bởi vì lúc đó hoàng tử không biết.

Sau khi hoàng tử được sinh ra, lúc hoàng tử đã có đủ sự hiểu biết, mẹ của hoàng tử nói rằng: bà đã cho hoàng tử Quy y lúc còn trong bào thai. Vào lúc người mẹ nói như thế, hoàng tử biết rằng: mình đã Quy y thì ngay lúc đó hoàng tử đã Quy y.

Đức Phật lúc chưa Giác Ngộ Đạo Quả, còn là một Bodhisatta, vì là người có trí tuệ nên đôi khi Ngài dạy những người khác điều gì, nếu những người đó vì được Bồ Tát hướng dẫn nên tôn kính và đảnh lễ Ngài thì đó cũng không phải là Quy y.

Không những thế, ngay cả khi Bồ Tát đã thành Phật, Đức Phật nhiều khi chỉ dẫn cho những người cư sĩ làm thế nào để việc làm ăn được ngày càng tiến bộ hoặc dạy họ làm thế nào để dùng của cải họ đã kiếm được một cách khôn ngoan, đúng đắn. Khi nghe lời hướng dẫn ấy, họ đảnh lễ Đức Phật vì họ biết ơn Đức Phật đã chỉ dẫn cho họ cách sử dụng tài sản thì đó cũng không phải là Quy y.

Chắc các bạn đã biết Đức Phật dạy cách sử dụng lợi tức của mình một cách tốt đẹp bằng cách phân chia thành nhiều phần. Phần đầu tiên để sử dụng cho cuộc sống của mình, phần thứ hai và thứ ba để dùng làm vốn buôn bán làm ăn. Phần thứ tư để dành phòng khi trái gió trở trời hoặc gặp hoạn nạn.

Như vậy bạn phải chia lợi tức của bạn thành bốn phần. Hai mươi lăm phần trăm để tiêu xài cho mình và gia đình, năm mươi phần trăm để phát triển việc làm ăn. Hai lăm phần trăm còn lại bỏ vào trong ngân hàng để phòng ngừa khi gặp điều gì bất trắc.

Nhiều khi Đức Phật dạy tiền của kiếm được nên chia làm năm phần. Phần đầu tiên để nuôi sống chính mình (bỏ vào lỗ trống), phần thứ hai để phụng dưỡng cha mẹ (trả nợ cũ), phần thứ ba để nuôi dưỡng con cái (cho vay nợ mới), phần thứ tư để dành phòng thân (đào lỗ để dành), phần thứ năm để bố thí cúng dường, giúp đỡ người bị bệnh tật tai nạn, thiên tai (rải trên mặt đất).

Quy y sẽ thành tựu khi có sự hiểu biết hay ý thức rõ ràng.

Khi Quy y hay khi ta nói:

“Buddaṁ saraṇaṁ gacchāmi Dhammaṁ saraṇaṁ gacchāmi Saṇghaṁ saraṇaṁ gacchāmi”

(Con đem hết lòng thành kính xin Quy y Phật. Con đem hết lòng thành kính xin Quy y Pháp.

Con đem hết lòng thành kính xin Quy y Tăng) thì chúng ta phải hiểu là chúng ta đang Quy y Tam bảo.

Chúng ta muốn xác quyết rằng: mình luôn luôn là người con Phật, luôn luôn là đệ tử của Tam bảo. Khi đọc lại Tam quy là chúng ta vun bồi đức tin. Quy y, đọc lại Tam quy là một hành vi thiện lành. Mặc dù, nếu nói theo một cách tuyệt đối thì không cần Quy y hàng ngày, nhưng theo tôi nghĩ đọc lại quy giới là việc nên làm hàng ngày.

Chú Giải có đề cập đến những ô nhiễm trong sự Quy y. Những phiền não, ô nhiễm trong sự Quy y.

Bạn vẫn thường nghe nói về việc “quy y Tam Bảo”, “quy y cửa Phật”, vậy quy y có nghĩa là gì?

“Quy” có nghĩa là trở về, theo về. “Y” có nghĩa là nương tựa, nương nhờ, thuận theo. Đối với Phật tử, quy y có nghĩa là trở về nương tựa giáo pháp của Phật.

Vậy quy y Tam Bảo là gì? Tam Bảo gồm Phật, Pháp, Tăng. “Con về nương tựa Phật, người đưa đường chỉ lối cho con trong cuộc đời. Con về nương tựa Pháp, con đường của tình thương và sự hiểu biết. Con về nương tựa Tăng, đoàn thể của những người nguyện sống cuộc đời tỉnh thức”, đó là điều các Phật tử tâm niệm.

Sau khi thề nguyện xin quy y Phật, Pháp, Tăng, những người muốn đi theo con đường của Đức Phật mới chính thức được xem là Phật tử.

Phật tử sau khi phát nguyện quy y Tam Bảo phải luôn trau dồi đạo đức bằng cách giữ 5 giới (không làm 5 điều cấm) gồm: Không sát sinh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối (và những lời tà ác, độc hại gây tổn thương người khác), không uống rượu (và các chất kích thích, ma túy).

Tuy nhiên trên thực tế, việc giữ trọn vẹn 5 giới trên rất khó. Bởi thế, đức Phật từ bi khuyến khích tất cả Phật tử giữ càng nhiều giới càng tốt và cho phép tùy thuộc vào từng hoàn cảnh, điều kiện mà đưa ra lời phát nguyện giữ được bao nhiêu giới. Đã là Phật tử quy y thì ít nhất cũng cần giữ được 2 trong số 5 giới này.

Việc giữ giới cũng phải rèn từ từ theo thời gian mà tăng dần về số lượng, cấp độ.

Người đã quy y có thể xuất gia theo tăng đoàn hoặc tu tại gia (làm cư sĩ). Quy y không nhất thiết là phải đi tu, từ bỏ mọi chuyện thế tục mà chính là hướng theo con đường đức Phật, từ bỏ tà ác, tu tập tâm thiện. Người đã quy y nhưng là đệ tử tại gia vẫn có thể lập gia đình,tạo dựng sự nghiệp, sản nghiệp riêng như mọi người

Siêu thế quy y có ý nghĩa như thế nào ?

Siêu Thế Quy y có nghĩa là không có phiền não trong sự Quy y bởi vì Siêu Thế Quy y chỉ có được khi người Quy y đó đã Giác Ngộ. Siêu Thế Quy y không có phiền não, nhưng Thế Tục Quy y có thể có phiền não. Khi chúng ta không có sự hiểu biết về Tam bảo hay khi chúng ta có sự nghi ngờ về Tam bảo, hoặc khi chúng ta có sự hiểu biết sai lầm về Tam bảo thì đó là sự Quy y bị ô nhiễm, không thanh tịnh.

Khi Tam quy bị đứt thì chỉ có Thế Tục Quy y mới đứt còn Siêu Thế Quy y không bị đứt. Có hai loại đứt Tam quy: đứt Tam quy đáng chê trách và đứt Tam quy không đáng chê trách. Đáng chê trách có nghĩa là đem lại kết quả đau khổ, phiền muộn.

Không đáng chê trách có nghĩa là không đem lại kết quả đau khổ, phiền muộn. Đứt Tam quy đáng bị chê trách khi chúng ta tự mình khuất phục dưới một vị thầy không phải là Phật, Pháp, Tăng. Có nghĩa là tin tưởng theo những vị thầy không phải ở trong Phật giáo.

Điều này có nghĩa là từ bỏ sự tin tưởng vào Phật, Pháp, Tăng. Đây là loại đứt Tam quy đáng chê trách bởi vì theo quan điểm của Phật giáo điều này đưa đến hậu quả đau khổ thảm hại.

Đứt Tam quy không đáng bị chê trách là khi người có Tam quy chết đi. Khi đứt Tam quy không đáng chê trách khởi sinh thì sẽ không đưa đến kết quả đau khổ bởi vì chết chính nó là quả của Nghiệp trong quá khứ. Vì đó là quả nên nó không có khả năng để tạo ra một quả khác hay không có khả năng đem lại một quả đau khổ v.v…

Trong Phật giáo, những nghi lễ mà vị Sư thực hiện khi có một người chết như sau: Trước tiên thân nhân hay những người cư sĩ đọc Tam Quy và ngũ giới, sau đó họ cúng dường thực phẩm đến chư Tăng, rồi chia phước báu của sự cúng dường này đến những người đã quá vãng.

Ở Miến Điện, người ta gọi các hình thức Quy y trước khi làm phước và chia phước đến người chết là “cúng dường sự Quy y” hay “giúp cho người khác Quy y”. Nhiều người nghĩ rằng: đây là Quy y cho xác chết. Nhưng thật ra, xác chết chỉ là xác chết, thân thể người chết bây giờ chỉ như một khúc gỗ vô tri chẳng biết gì cả. Chúng ta phải hiểu ý nghĩa phía sau nghi lễ đó. Sau khi chết người chết sẽ tái sinh vào một cảnh giới mới, ở cảnh giới mới họ có đời sống mới.

Bà con thân quyến còn sống của người chết muốn trong đời sống mới người này phải được Quy y. Có nghĩa là vị này mới sinh ra trong đời sống mới chưa được Quy y nên phải cho họ Quy y. Theo ý nghĩa này, thân nhân mời người đã mất cùng Quy y với họ, nương theo Tam bảo với họ đồng thời họ thỉnh các vị Sư hướng dẫn cho họ và người đã mất Quy y.

Nghi thức trong tang lễ này để giúp đỡ cho những người đã mất trong đời sống mới được Quy y Tam bảo; nên ở Miến Điện gọi những nghi lễ này là lễ đưa người đã mất đi Quy y.

Không có vấn đề đứt Tam quy trong Siêu Thế Quy y vì đây là sự Quy y của một người vào lúc họ Giác Ngộ. Chú Giải giải thích rằng: một vị thánh đệ tử của Phật dù sinh ra trong cảnh giới mới thì họ cũng không tìm một vị khác ngoài

Phật, Pháp, Tăng để nương nhờ. Giả sử một người đã đắc quả Tu Đà Hoàn chết ở đâu và tái sinh lại trong cõi người thì ngay cả khi vị này sinh trong một gia đình có cha mẹ thuộc Tôn giáo khác họ cũng không đánh mất Tam quy, nương nhờ vào Phật, Pháp, Tăng.

Có nghĩa là mặc dù sinh ra trong gia đình cha mẹ theo Tôn giáo khác họ cũng là một người theo Phật giáo. Không có sự đứt Siêu Thế Quy y dù trong một kiếp sống khác. Nhưng sự Quy y của những người thế tục có thể bị đứt ngay khi họ còn sống.

Thoạt đầu khi giảng loạt bài Phật Pháp Căn Bản này tôi nói rằng: Quy y là việc làm đầu tiên của những người Phật tử. Một người muốn trở thành một Phật tử thì họ phải làm gì? Trước tiên là phải Quy y. Khi Quy y, nương nhờ vào

Phật, Pháp, Tăng chính họ tuyên bố họ trở thành một đệ tử Phật hoặc con Phật; hay theo thời đại bây giờ họ tuyên bố: “Tôi là một Phật tử”. Là một Phật tử chúng ta Quy y, đọc Tam Quy hàng ngày, đó là một việc làm tốt đẹp; nhưng trước khi Đức Phật nhập diệt Ngài nhắn nhủ chúng ta: “Các con hãy là hải đảo của chính mình. Hãy là nơi nương tựa của chính mình. Không nên nương tựa vào kẻ nào khác”.

Chúng ta phải nhớ hai điều sau này. Thứ nhất là Quy y, nương tựa vào Phật, Pháp, Tăng, đây là điều tốt đẹp. Thứ hai là không nương nhờ vào ai khác ngoài mình, chỉ nương tựa vào chính ta. Hai câu trên có gì mâu thuẫn không? Khi chúng ta Quy y hay nương nhờ Tam bảo chúng ta xem Tam bảo là người hướng dẫn, là vị thầy chỉ đạo tinh thần. Điều này không có nghĩa là chúng ta hoàn toàn dựa vào Tam bảo để được thoát khổ mà chẳng cần phải làm gì cả. Khi Đức Phật nói:

“Đừng nương tựa vào một ai khác”, có nghĩa là hãy nương tựa vào chính mình để Giác Ngộ chính mình; không nương tựa vào kẻ khác để được giải thoát.

Đây là điều quan trọng bởi vì không ai có thể giúp ta giải thoát được. Do đó, khi nói rằng: “Tôi nương nhờ nơi Phật, Pháp, Tăng” đó là việc làm đúng đắn. Và khi nói rằng: “Tôi chỉ nương tựa vào chính mình, không nương tựa vào ai khác” cũng là điều đúng đắn. Hai câu này không có mâu thuẫn, vì đây là hai vấn đề khác nhau.

Đức Phật tiếp tục giải thích rằng: “Nương tựa vào mình, có nghĩa là lấy giáo pháp làm nơi nương tựa”.

Lấy giáo pháp làm nơi nương tựa có nghĩa là phải tự mình thực hành Tứ Niệm Xứ – bốn căn bản của chánh niệm. Khi Đức Phật nói: “Hãy lấy mình làm nơi nương tựa của chính mình”, có nghĩa là hãy thực hành Chánh Niệm – bốn căn bản của chánh niệm. Hai câu trên không mâu thuẫn nhau.

Để thể hiện đức tin của mình vào Tam bảo, chúng ta Quy y và đọc quy giới hàng ngày, đồng thời chúng ta theo lời chỉ dạy của Đức Phật để thực hành là chúng ta đã nương tựa vào chính mình. Nương tựa vào chính mình bằng cách thực hành Tứ Niệm Xứ

. Khi thực hành Tứ Niệm Xứ, khi hành Thiền Minh Sát là chúng ta theo lời hướng dẫn của Đức Phật; và chúng ta lấy mình làm nơi nương tựa; chúng ta Quy y Tam bảo, lấy Tam bảo là nơi hướng đạo tinh thần, và chúng ta thực hành theo lời dạy của Đức Phật.

Thực hành Tứ Niệm Xứ là chúng ta đã nương tựa vào chính mình. Do sự Quy y Tam bảo và nương tựa vào chính mình, cầu mong các bạn đạt được mục đích tối hậu của người Phật tử, đó là hoàn toàn loại trừ phiền não, tâm thanh tịnh giải thoát, và Giác Ngộ Niết Bàn.

Trên đây là một số thông tin về Quy YĐồ Thờ Hưng Vũ muốn chia sẻ với các bạn. Hy vọng nội dung trên sẽ giúp các bạn hiểu thêm về Quy Y cũng như tiền thân của Phật  ở nơi này nhé!

Nếu các bạn muốn tìm hiểu thêm về các thông tin khác thì hãy đón đọc những bài viết mới của chúng tôi nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *