Huyền Thiên Trấn Vũ Câu Chuyện Về Pho Tượng Thần Trấn Vũ

Thần Huyền Thiên Trấn Vũ – một trong bốn vị thần trong Tứ Trấn Thăng Long. Đền Quán Thánh hay còn được biết với cái tên Đền Trấn Vũ là một trong bốn Thăng Long Tứ Trấn xưa kia. Đền được xây dựng vào thời nhà Lý, trong đền có tượng thần Huyền Thiên Trấn Vũ một trong bốn vị thần được lập đền thờ trong tứ trấn kinh thành Thăng Long xưa.

Những huyền thoại của lịch sử

Theo truyền thuyết dân gian và các tài liệu viết bằng chữ Hán, Gustave Dumoutier (1850 – 1904), nguyên là Giám đốc Học Chính Trung – Bắc Kỳ, đã thu thập và biên soạn thành cuốn sách “Le Grand-Bouddha de Hanoi; étude historique, archéologique et épigraphique sur la pagode de Tran-vu” được xuất bản vào năm 1888. Trong cuốn sách này, Huyền Thiên Trấn Vũ được cho là có nhiều đóng góp với người dân nên được coi là Thành hoàng phía Bắc của thành Thăng Long.

Huyền Thiên Trấn Vũ có công phù trợ trong ba lần đánh đuổi giặc ngoại xâm. Lần thứ nhất, khi vua Hùng Vương thứ 6 đối mặt với quân địch tấn công từ vùng biển tràn vào cướp phá, gây họa, không tướng nào chống cự lại được.

Huyền Thiên Trấn Vũ đã hóa thân vào một cái gậy đá trong một gia đình ông bà già ở Tiên Lạt, xứ Việt Thường, rồi biến thành một cậu bé 7 tuổi, thông minh nhanh nhẹn. Khi nghe vua cầu người tài giỏi để đánh đuổi quân giặc, cậu bé đã một mình đánh tan đoàn quân giặc và sau đó đến ngọn núi Phượng Hoàng thì hóa.

Lần thứ hai, vào đời vua Hùng Vương thứ 7, quân xâm lược từ phương Bắc do tướng Thạch Linh cầm đầu đã xâm nhập vào đất nước ta. Quân của nhà vua đến đánh trả nhưng không chống giữ được, phải chạy về khu vực Hà Nội ngày nay.

Vua Hùng cho cầu người tài giỏi giúp nước. Huyền Thiên Trấn Vũ đã đầu thai làm con của một bà mẹ thuộc tổng Vũ Ninh. Cậu bé lớn nhanh đột ngột và nói với sứ giả để rèn cho một con ngựa sắt nặng nghìn cân và một roi sắt nặng trăm cân.

Thần cùng ba tướng dẫn 3 vạn quân, đuổi quân ngoại xâm ra khỏi bờ cõi, sau đó đến núi Vệ Linh rồi hóa, bay về trời. Vua Hùng truy phong Huyền Thiên Trấn Vũ là Thiên Vương và cho lập đền thờ thần.

Dân làng ở nơi thần sinh ra cũng lập đền thờ và khắc vào bia đá bảy chữ: “Đổng Thiên Vương Thánh Mẫu cô trạch”. Dựa trên câu chuyện thu thập được bởi Gustave Dumoutier, Huyền Thiên Trấn Vũ cũng được coi là thần Thánh Gióng mà nhân dân ta thờ cúng, với công lao trong việc đánh đuổi quân xâm lược Ân.

Lần thứ ba, khi Hầu Nhân Bảo và Tôn Toàn Hưng, hai tướng của nhà Tống sang xâm lược đất nước ta, thần hóa phép thành một cơn cuồng phong làm cho nước sông dâng cao như biển với sóng lớn, thần hiện ra thành một vị tướng trên trời, cao 10 trượng, mặc áo chiến bào vàng, tay cầm một ngọn giáo bằng vàng. Quân Tống trông thấy kinh sợ và trốn chạy.

Bên cạnh việc giúp dân chống xâm lăng, Huyền Thiên Trấn Vũ còn giúp dân trừ tà ma, yêu quái để bảo vệ cuộc sống yên bình của khu vực xung quanh thành Thăng Long.

Tương truyền, thần đã thực hiện nhiều phép lạ sau khi tu luyện trong một hang động ở Vũ Dương suốt 42 năm khi còn ở phương Bắc. Thần đã được Thượng đế phong ấn với 36 tước hiệu cao quý bắt đầu là Đại Từ, Đại Bi và sau lại được gọi là Huyền Thiên Thượng Đế. Thần đã đem lại bình yên cho người dân, được tôn là một phúc thần nên được gọi là Đế Phúc Thiên Nam.

Vào đời Hùng Vương thứ 14, tại làng Bồ Đề cạnh sông Hồng xuất hiện một con rùa có nhiều phép làm hại dân, Huyền Thiên Trấn Vũ dùng phép thuật để cứu giúp dân làng. Vào cuối thời kỳ của các vị vua Hùng, gần thành Thăng Long có một con cáo chín đuôi rất hung dữ, thần lại hiện thân giao chiến với cáo chín đuôi, đem lại sự yên bình cho nhân dân.

Chỗ giao tranh ngày đó tương truyền sau này trở thành Hồ Tây. Khi vua An Dương Vương xây thành Cổ Loa, theo lời cầu khẩn của thần Kim Quy, Huyền Thiên Trấn Vũ đã hiện lên để giúp An Dương Vương trừ tà. Vua cũng cho lập đền ở phía Bắc thành Cổ Loa, thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội ngày nay.

Trong thời vua Lý Thánh Tông (1023-1072), trên sông Hồng gần kinh thành Thăng Long, có 3 con vật là Hồ tinh, Quy tinh và Xà tinh (cáo, rùa và rắn) đã phá vỡ đê sông Hồng, lũ lụt nghiêm trọng, gây hại cho dân. Huyền Thiên Trấn Vũ đã xuất hiện từ Hồ Tây và biến thành một trận giông bão kèm sấm sét để tiêu diệt chúng. Vua đã xây dựng đền thờ có tên Trấn Vũ, chính tại vị trí của ngôi đền hiện tại.

Đến đời Trần, nhiều quỷ dữ nhiều yêu quái lại xuất hiện ở Châu Yên Phú (Bắc Giang), thần đã hiện thân, xuống đánh đuổi chúng rồi bay lên trời. Trong thời Lê Nhân Tông và Lê Thánh Tông, các vị vua thường đến đây cầu mưa khi gặp hạn hán, và những lời cầu khẩn của các vua được ghi lại trong tập Thiên Nam dư hạ.

Ngôi đền cổ xưa với những giá trị nổi bật, đặc biệt quan trọng

Đền Quán Thánh nằm ở một địa thế rất đẹp cạnh hai hồ trên đường Cổ Ngư là hồ Trúc Bạch và Hồ Tây. Tương truyền, ngôi đền được xây dựng từ thời nhà Lý và qua thời gian đã trải quan nhiều lần tu sửa như năm Vĩnh Trị thứ 2 (1677), năm Cảnh Hưng thứ 29 (1768), năm Thiệu Trị thứ 1 (1841), thời vua Tự Đức (1856), năm Thành Thái thứ 5 (1893)…

Trong đợt trùng tu năm Đinh Tỵ, niên hiệu Vĩnh Trị thứ 2 đời vua Lê Hy Tông (1677), chúa Trịnh Tạc sai đình thần là Nguyễn Đình Luân trùng tu, đúc tượng Huyền Thiên Trấn Vũ bằng đồng, thay cho pho tượng bằng gỗ trước đó.

Tượng Huyền Thiên Trấn Vũ được triều đình cho đúc lại bằng đồng đen, cao 3,07 m và chu vi 8 m. Tượng có khuôn mặt vuông, mắt nhìn thẳng, râu dài, tóc xoã không đội mũ, mặc áo đạo sĩ, ngồi trên bục đá. Tay trái bắt quyết, tay phải chống gươm có rắn quấn lên lưng một con rùa.

Tượng Huyền Thiên Trấn Vũ là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, thể hiện kỹ thuật đúc đồng và tài nghệ của các thợ đúc đồng tài hoa ở làng Ngũ Xã. Tại nhà bái đường còn có một tượng nhỏ hơn, cũng được đúc bằng đồng đen, nhiều người cho rằng đây là tượng ông Trùm Trọng, người thợ cả đã chỉ huy việc đúc pho tượng Trấn Vũ.

Tượng này được các học trò của ông đúc để tưởng nhớ công ơn của thầy. Tuy nhiên, theo nhiều nhà nghiên cứu, dựa trên bài văn khắc trên bia Trấn Vũ Quán bi ký, đây thực ra là tượng của Luân Quận Công Vũ Công Chấn (1618 – 1689). Cùng với tượng, còn có một quả chuông cao gần 1,5 m treo ở gác tam quan. Tiếng chuông này đã trở thành một điểm nhấn trong thi ca xưa:

Gió đưa cành trúc la đà

Tiếng chuông Trấn Vũ canh gà Thọ Xương

Vào năm Cảnh Thịnh 2 (1794) đời vua Quang Toản, viên Đô đốc của nhà Tây Sơn là Lê Văn Ngữ cho đúc chiếc khánh đồng lớn. Vua Minh Mạng của nhà Nguyễn khi ra tuần thú Bắc Thành, nhà vua cho đổi tên đền thành Chân Vũ quán, ba chữ Hán này được tạc trên nóc cổng tam quan. Tuy nhiên, trên bức hoành trong Bái đường vẫn ghi là Trấn Vũ quán.

Các kiến trúc hiện còn tới ngày nay là công trình được tu sửa vào năm 1838. Các bộ phận kiến trúc sau khi trùng tu bao gồm: Tam quan, sân, ba lớp nhà tiền tế, trung tế, hậu cung.

Các mảng chạm, khắc trên gỗ có giá trị nghệ thuật rất cao. Bố cục không gian rất thoáng và hài hòa. Hồ Tây trước mặt tạo cho đền luôn có không khí mát mẻ quanh năm.

Năm 1842, vua Thiệu Trị cũng đến thăm đền và ban tiền đúc vòng vàng để đeo cho tượng Trấn Vũ. Vòng dùng sợi dây bạc xâu để treo ở cổ tay tượng thần. Đằng sau đền lại đắp hòn núi non bộ trong một bể con và dựng một đền nhỏ gọi là Vũ Đương Sơn.

Sửa chữa xong, có dựng bia do Tiến sĩ Lê Hy Vĩnh soạn. Năm 1856, bố chánh Sơn Tây là Phạm Xuân Quế, bố chánh Hà Nội là Tôn Thất Giáo, tri huyện Vĩnh Thuận là Phan Huy Khiêm đã tổ chức quyên góp trùng tu, sửa lại chính điện, đình thiêu hương, bái đường và gác chuông, làm thêm hai dãy hành lang bên phải và bên trái, đắp lại bốn pho tượng đại nguyên soái, tượng thần Đương Niên hành khiển, Văn Xương Đế Quân.

Ngoài nghệ thuật đúc đồng, đền Quán Thánh còn nổi tiếng với vẻ đẹp của nghệ thuật chạm khắc gỗ. Trên các bộ phận kiến trúc bằng gỗ của ngôi đền các đề tài như: Tứ linh, dơi, cá, tùng, trúc, cúc, mai, lẵng hoa, bầu rượu, thanh gươm, cảnh sinh hoạt của trần gian và thượng giới… được chạm khắc một cách tinh xảo mang đậm phong cách nghệ thuật thời Lê.

Không chỉ là một công trình có giá trị về mặt lịch sử và kiến trúc, đền Quán Thánh còn là nơi sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa nổi tiếng của người dân Hà Nội xưa và nay. Đền Quán Thánh tổ chức chính hội vào ngày 3.3 Âm lịch, du khách phương xa nên đến du lịch Hà Nội vào những ngày Tết để được tham gia lễ hội Đền Quán Thánh

Trải qua gần một thiên niên kỷ nhưng ngôi đền Quán Thánh vẫn giữ gìn nguyên vẹn những giá trị văn hóa lịch sử cho con cháu mai sau. Song hành cùng lịch sử, ngôi đền được in dấu bởi nét thời gian tạo nên một vẻ đẹp rất riêng, vẻ đẹp của một Hà Nội những ngày tháng cũ.

Huyền Thiên Trấn Vũ trong sử sách Trung Hoa

Theo nhiều sử sách chép lại thì Thánh Trấn Vũ thờ ở đây là hình ảnh hỗn hợp, vừa mang dấu ấn nhân vật thần thoại Trung Hoa lại vừa là một vị thần của truyền thuyết Việt Nam. Theo thần thoại Trung Hoa, Huyền Thiên Trấn Vũ được Ngọc Hoàng cho coi giữ phương Bắc, có bộ hạ là rắn và rùa. Thần này có tài trị loài hồ tinh quấy nhiễu dân lành.

Sách Nguyên thủy Thiên Tôn thuyết Bắc phương Chân Vũ diệu kinh kể, Chân Vũ Thần Quân (tức Huyền Vũ) vốn là thái tử nước Tịnh Lạc, giỏi giang mà dũng mãnh, nguyện tận diệt yêu ma trong thiên hạ, không nắm ngôi vua. Sau được tiên truyền cho phép màu vô cực, vào núi Thái Hòa để tu đến công thành đức mãn, được Ngọc Hoàng phong cho trấn giữ phương Bắc.

Đời Tống Chân Tông, ông vua này xuống chiếu phong là Chân Vũ Linh Ứng Chân Quân. Năm Đại Đức thứ 7 (năm 1303) nhà Nguyên, được gia phong là Nguyên Thánh Nhân Uy Huyền Thiên Thượng Đế, trở thành vị thần tối cao của phương Bắc.

Đến đầu đời Minh, Kiến Văn Đế bị chú là Yên vương Chu Đệ cướp ngôi. Tương truyền, Đế nhiều lần được Chân Vũ hiện về giúp đỡ nên sau khi xưng đế, Chu Đệ đã đặc cách gia phong Chân Vũ là Bắc Cực Trấn Thiên Chân Vũ Huyền Thiên Thượng Đế.

Nhờ bậc đế vương khởi xướng nên việc tôn thờ Chân Vũ đạt đến mức cực thịnh vào đời Minh. Đền thờ Chân Vũ được xây dựng từ trong triều đình cho đến ngoài dân chúng.

Truyền thuyết cũng cho rằng, Trấn Vũ là hóa thân của Nguyên Thủy Thiên Tôn linh khí của Ngọc Hoàng. Trong đạo kinh chép Trấn Vũ Đại Đế để tóc dài, mặc áo đen, áo được dát vàng, lưng đeo đai ngọc, chân đạp trên rùa và rắn, trên đỉnh có vầng hào quang, tướng mạo uy mãnh.

Nhận sắc lệnh của Nguyên Thủy Thiên Tôn, Trấn Vũ Đại Đế thống lĩnh các thần hạ phàm trừ yêu diệt quỷ, tế thế hộ nhân, có quyền lực xem xét hạ giới. Hạ tướng là thần rắn và thần rùa vốn là hai quỷ (Thủy quỷ và Hỏa quỷ) được Trấn Vũ thu phục mà biến thành.

Ngoài ra còn có 36 thiên tướng, 500 linh quan, kim đồng, ngọc nữ thị vệ, dân gian thường gọi là Chu Công và Đào Hoa Nữ. Chu Công giỏi xem bốc quái (dự đoán theo Bát Quái). Đào Hoa Nữ giỏi việc giải quẻ. Dân gian gọi Chu Công là tổ sư của thuật toán mệnh, Đào Hoa nương nương là tổ sư của pháp thuật trú thắng, nên nơi nào có đền miếu hoặc hình tượng của Trấn Vũ Đại Đế, khu đó tránh được tai ương và long mạch hưng thịnh, tà khí không thể đến gần.

Quan Trấn Vũ của người Việt

Theo nhiều sử sách để lại, Trấn Vũ là tên gọi tại Việt Nam của thần Chân Vũ, người Việt còn gọi là Trấn Võ, là một trong những vị thần được thờ phụng phổ biến tại Trung Quốc và các nước Á Đông. Vị thần này tượng trưng cho sao Bắc cực, và là một vị thần lớn của đạo Giáo thống trị phương Bắc, kiêm quản lý các loài thủy tộc nên cũng được coi là thủy thần hay hải thần. Theo hầu Chân Vũ là hai tướng Quy, Xà (tượng trưng cho sự trường tồn và sức mạnh) và Ngũ long thần tướng.

Theo tài liệu của Ban Quản lý đền Quán Thánh, tương truyền Huyền Thiên Trấn Vũ là vị thiên thần trấn cửa Bắc môn thiên phủ vào thời nhà Tùy (năm 589-600) giáng sinh đầu thai làm con vua nước Tĩnh Lạc (Trung Quốc).

Lớn lên, Huyền Thiên bỏ ngôi hoàng tử, vào tu ở núi Vũ Dương (Trung Quốc). Sau 42 năm tu luyện, Huyền Thiên đắc đạo, sang du ngoạn nước ta, đến sông Nhị Hà, làng Long Đỗ (Hà Nội ngày nay) vào tu đạo tại một ngôi đền bên Hồ Tây, dùng đạo pháp khử trừ các loại yêu quái để cứu dân rồi hóa. Do đó, người dân nhớ ơn nên lập đền thờ tại phường Đồng Xuân, huyện Thọ Xương gọi là Huyền Thiên Quan.

Cũng có sách cho rằng, vào đời nhà Đường, mở đầu triều đại đã tôn Lão Tử là Thái Thượng Huyền Nguyên hoàng đế là thủy tổ của mình. Có thể thấy Huyền Nguyên và Huyền Thiên chỉ là một. Huyền Thiên Trấn Vũ của Thăng Long cũng chính là Lão Tử, là tên xưng khi nhà Đường tôn lập vị tổ sư này của Đạo Giáo.

Do đó, Huyền Thiên Trấn Vũ không phải là vị thần “ngoại quốc” chen chân vào truyền thuyết Việt mà ông chính là người Việt.
Truyền thuyết về Huyền Thiên tại làng Ngọc Trì – Gia Lâm kể rằng: “Ngài giáng sinh vào vương quốc Tĩnh Lạc, Hoàng hậu đặt tên là Huyền Nguyên, năm 14 tuổi vào núi Vũ Đương tu hành, tới năm 42 tuổi thì đắc đạo”. Như vậy, truyền thuyết này cũng có nét tương đồng với câu chuyện về Huyền Vũ ở nước Trung Hoa.

Một nhà sử học phân tích, ở truyền thuyết này, gọi rõ tên thần là Huyền Nguyên, là tên nhà Đường tôn cho Lão Tử. Vương quốc Tĩnh Lạc theo sách Tử Quang Kính “là nơi tiên ở, nằm giữa biển phía Tây nước Nguyệt Chí…”. Thời Đường, vương quốc ở phía Tây biển thì chỉ có… đất Tĩnh Hải Lạc Việt mà thôi. Lại một lần nữa cho thấy Huyền Thiên – Lão Tử là người Lạc Việt.

Trấn Vũ và những công trạng với nước Việt

Theo truyền thuyết Việt Nam, Trấn Vũ là vị thần ở núi Sái (nay thuộc làng Thụy Lôi, huyện Đông Anh) có công giúp An Dương Vương trừ tà ma quấy rối việc xây thành Cổ Loa. Ông từng du ngoạn Hồ Tây và trừ hồ tinh 9 đuôi lẩn quất ở núi đá bên cạnh Hồ Tây.

Truyền thuyết xưa cũng kể rằng: Huyền Thiên Trấn Vũ là thần cai quản phương Bắc giúp dân trừ tà ma, yêu quái; trừ rùa thành tinh (đời Hùng Vương 14); trừ cáo chín đuôi ở Tây Hồ; diệt hồ ly tinh trên sông Hồng đời Vua Lý Thánh Tông…

Cũng theo tài liệu của Ban Quản lý đền, còn một truyền thuyết nữa liên quan đến Huyền Thiên Trấn Vũ. Theo tài liệu này, vào đời Hùng Vương, tại rừng Thiết Lâm, làng Long Đỗ có hồ tinh 9 đuôi làm hại dân. Ngọc Hoàng sai thần Huyền Thiên hạ giáng, dùng phép thuật giết hồ tinh rồi cả khu Thiết Lâm sụp xuống thành hồ (tức là Hồ Tây ngày nay). Vì thế, Vua Lý Thái Tổ sau khi xây thành Thăng Long cho lập đền thờ Huyền Thiên ở phía tây bắc thành để trấn yêu quái.

Ngoài ra, câu chuyện tương truyền về việc Vua An Dương Vương xây thành cứ ngày đắp, đêm lại bị đổ vì yêu ma Bạch Kê Tinh (Tinh Gà Trắng) phá hoại đã không còn xa lạ với mỗi người Việt chúng ta.

Trong câu chuyện này, sử sách chép rằng: “Ngày Tinh Gà Trắng trú ẩn ở núi Thất Diệu, đêm lại xuất hiện. Vua không có cách nào trừ khử bèn lập đàn cầu khẩn, được Huyền Thiên Trấn Vũ sai thần Kim Quy (tức sứ Thanh Giang) hiện ra mách bảo kế giết Bạch Kê Tinh nên thành ốc mới xây xong”.

Tưởng nhớ công đức của Huyền Thiên, Vua đã cho xây đền trên đỉnh núi Thất Diệu để thờ. Đây cũng là nơi Huyền Thiên đã tu luyện và cũng được gọi là Vũ Đương Sơn.

Lý Thái Tổ sau khi dời đô ra Thăng Long đã đến núi Sái cầu Huyền Thiên và sinh được hoàng tử. Thấy công đức của Huyền Thiên rất to lớn, Nhà Vua đã cho xây đền Trấn Vũ (tức đền Quán Thánh) ở phía bắc kinh thành, xin rước hiệu duệ Huyền Thiên về ở đó để thờ. Đền Quán Thánh được coi như trấn Bắc Thăng Long từ đó.

Huyền Thiên Trấn Vũ

Chuyện ít biết về pho tượng thần Trấn Vũ

Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi đã trả thù nhà Tây Sơn, các cụ già làng Ngọc Trì lo sợ tượng bị hủy hoại nên mang bộ khuôn đúc đi giấu và dựng lên chuyện tượng đồng đưa từ nơi khác đến thờ.

Huyền Thiên Trấn Vũ là vị thần có nguồn gốc từ tín ngưỡng và đạo giáo Trung Hoa. Thần được hợp bởi khí thiêng của trời đất nên có khả năng trừ tà ma. Nhưng khi du nhập vào Việt Nam, kết hợp với văn hóa bản địa, thần ngoài trừ yêu ma quỷ quái, còn trị thủy, bảo hộ cuộc sống an bình cho cư dân nông nghiệp.

Nhiều người thường nhắc đến tượng Trấn Vũ ở đền Quán Thánh (Ba Đình, Hà Nội), ít ai biết được ở thôn Ngọc Trì, xã Thạch Bàn (Long Biên) còn có pho tượng đồng nặng 4 tấn được thờ trong đền Trấn Vũ. Tượng được công nhận là bảo vật quốc gia vào tháng 12/2015.

Trong đền, tượng bằng đồng được an vị ở giữa hậu cung, cao khoảng 3,9 m. Trên tay tượng cầm kiếm chống lên mai rùa, thân kiếm có rắn quấn quanh. Tương truyền, Quy (rùa) và Xà (rắn) là hai vị đại tướng và hóa thân của thần Trấn Vũ. Trong truyền thuyết, Trấn Vũ cũng là vị thần giúp An Dương Vương xây thành Cổ Loa.

Đền Trấn Vũ – nơi đặt tượng được dựng trên thế đất linh quy xà hội tụ, quay mặt về phương Bắc. Trên cánh đồng Ngọc Trì có gò đất hình con rùa nổi lên. Sau đền là đê sông Hồng, tượng trưng cho con cự xà (rắn lớn) quấn quanh. “Vì vậy, tượng Trấn Vũ và ngôi đền được cho là linh thiêng nhất vùng này, người dân thờ kính”, ông Ngô Quang Khải, Trưởng ban Quản lý di tích đền Trấn Vũ cho hay.

Trên bia Trấn Vũ điện bia ký lưu giữ trong đền ghi rõ, ban đầu tượng thần được dựng bằng gỗ. Khi ấy, vua Lê Thánh Tông (1442-1497) đưa quân đi dẹp giặc Chiêm Thành đã dừng chân nghỉ tại xã Thạch Bàn (tên cũ là Cự Linh). Vua được thần báo mộng và phù trợ nên khi thắng lợi trở về đã ban sắc cho dân địa phương lập đền thờ đức thánh Trấn Vũ.

Ngoài ra, vua còn ban tặng bài vị có 5 chữ Hiển linh Trấn Vũ quán và ban một số ruộng đất để phục vụ hương hỏa. Bài vị cổ xưa đó hiện nay vẫn còn trong hậu cung, được thờ cùng với pho tượng thần.

Đến năm 1747, tượng gỗ bị hư hại nên quan viên và nhân dân trong vùng góp công sức, tiền của đúc tượng bằng đồng. Nhưng khi chiêm bái thì vẫn chưa thấy xứng nên năm 1788 dưới thời Tây Sơn, tượng đồng được đúc lại lần nữa. Năm 1802, tượng hoàn thành và giữ nguyên hình dạng đến ngày nay.

Trải qua biến cố lịch sử, pho tượng đồng được nhân dân tìm mọi cách gìn giữ nên hầu như không đổi khác so với ban đầu. Các cụ già thôn Ngọc Trì kể lại, sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi đã có những hành động trả thù nhà Tây Sơn.

Tượng vừa đúc xong, các cụ mang bộ khuôn đúc đi giấu ngay và dựng lên điển tích tượng đồng được đưa từ nơi khác đến vì sợ bị hủy hoại.

Đến thời kỳ Pháp xâm lược, chúng nhiều lần định phá hủy tượng thần, hun nóng cho chảy ra đồng nhưng vấp phải sự kháng cự của nhân dân, quân lính cũng liên tục bị bệnh ốm chết, phải bỏ chạy. “Có lần địch càn, cán bộ cách mạng còn chui vào trong đền, nằm gọn dưới chân tượng thần Trấn Vũ. Địch vào sục sạo một hồi nhưng không phát hiện được, sau cũng không dám làm càn chốn uy nghiêm nên cán bộ thoát”, ông Khải kể.

Những năm chống Mỹ, đền trở thành nơi cất giấu vũ khí của bộ đội phòng không, nơi hoạt động của cán bộ. Khi quân Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, kho xăng Đức Giang, cánh đồng Ngọc Trì đều bị rải bom, thậm chí có lần bom rơi trước cửa nhưng cả ngôi đền và pho tượng đều không bị hư hại.

“Ngôi đền lẫn pho tượng vài trăm năm rồi nhưng hầu như không bị hư hại, chỉ phải sơn lại hai lần. Năm 1916, tượng bị rỉ do đồng có lẫn nhiều tạp chất. Các cụ đã thuê thợ dùng sơn ta, pha thành sơn đen bảo vệ cho con cháu thờ phụng muôn đời.

Năm 2014, sơn bị bong tróc nhiều nên chúng tôi làm đơn gửi Bộ Văn hóa xin được tu tạo màu sơn đen trước đó”, ông Khải thông tin.

Ngoài đền Trấn Vũ ở thôn Ngọc Trì, thần Trấn Vũ còn được người dân thờ phụng ở nhiều nơi như đền Quán Thánh (Ba Đình), chùa Huyền Thiên (Hoàn Kiếm), quán Thụy Lôi (Đông Anh). Trong đó, tượng thần ở đền Trấn Vũ có nhiều nét tương đồng với tượng ở đền Quán Thánh từ chất liệu, thần thái đến tay chống kiếm.

Nhà nghiên cứu di sản văn hóa Trần Lâm Biền nhận định, từ cách thức tạo hình có thể thấy tượng Trấn Vũ ở hai ngôi đền ngoài trấn giữ phương Bắc, trừ tà còn thể hiện thêm chức năng trị thủy của cư dân nông nghiệp.

Xưa kia, Ngọc Trì là làng nông ven đê sông Hồng, nay dần chuyển sang buôn bán, đời sống nhân dân khấm khá. Trải qua thời gian, khát vọng tâm linh của người dân không còn đơn thuần ở cầu cho mùa màng tươi tốt mà chuyển dần sang cầu buôn bán thuận buồm xuôi gió.

“Ước nguyện đó được hiện thực một phần nên tình cảm của người dân dành cho thần Trấn Vũ rất trân trọng”, ông Khải nói và cho hay vào mùng 1, ngày rằm, đền lúc nào cũng nghi ngút khói hương của nhân dân trong vùng và khách thập phương về lễ bái. Vào ngày Tết, người dân đến còn đông hơn.

Vào ngày 3/3 âm lịch hàng năm, dân thôn Ngọc Trì tổ chức lễ hội, hay còn gọi là ngày Thánh Đản. Đây là lễ hội cầu mùa, mong no ấm. Trong lễ hội có trò kéo co ngồi, tượng trưng cho ước muốn phồn thực, sinh sôi và thể hiện sức mạnh trần gian trị thủy. Thần Trấn Vũ khi ấy trở thành niềm tin tinh thần giúp cộng đồng có mùa màng bội thu, phù trợ con người chống lại tai ương.

Trên đây là một số thông tin về Huyền Thiên Trấn Vũ Đồ Thờ Hưng Vũ muốn chia sẻ với các bạn đó là một trong bốn vị thần trong Tứ Trấn Thăng Long . Hy vọng nội dung trên sẽ giúp các bạn hiểu thêm về Huyền Thiên Trấn Vũ cũng như những huyền thoại lịch sử, sự linh thiêng ở nơi này nhé!

Nếu các bạn muốn tìm hiểu thêm về Huyền Thiên Trấn Vũ  khác thì hãy đón đọc những bài viết mới của chúng tôi nhé!

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *