Chùa Phước Hải Ở Đâu ? Đến Chùa Phước Hải Nên Cầu Gì ?

Chùa Phước Hải, còn được gọi là Điện Ngọc Hoàng hay chùa Ngọc Hoàng, là một ngôi chùa cổ tọa lạc tại số 73 đường Mai Thị Lựu, phường Đa Kao, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Chùa được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ 20 bởi một người tên Lưu Minh, người Quảng Đông, Trung Quốc. Kiến trúc của chùa theo phong cách đền chùa Trung Hoa, với nhiều tác phẩm nghệ thuật điêu khắc gỗ đẹp. Chùa Ngọc Hoàng là một điểm tham quan phổ biến, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước. Lễ hội lớn nhất của chùa là Vía Ngọc Hoàng, diễn ra vào ngày 9 tháng Giêng hàng năm. Chùa Ngọc Hoàng cũng đã được công nhận là một di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia từ ngày 15 tháng 10 năm 1994.

Địa chỉ chùa Ngọc Hoàng quận 1

Chùa có địa chỉ tại 73 đường Mai Thị Lựu, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh. Vì chùa ở giữa trung tâm thành phố nên di chuyển tới nơi này cũng khá dễ dàng, bạn có thể sử dụng xe buýt, phương tiện cá nhân như xe máy, ô tô hoặc grab hay taxi đều được.

Đối với du khách sử dụng phương tiện cá nhân là xe máy thì có thể gửi sân trước của chùa Ngọc Hoàng thành phố Hồ Chí Minh, còn đối với ô tô thì bạn cần đi xa một chút, cụ thể:

  • Bãi giữ xe công viên Lê Văn Tám cách đó 850m với 11 phút đi bộ, giá gửi xe từ 20.000 VNĐ
  • Bãi giữ xe Sở thú Thảo Cầm Viên cách Chùa Phước Hải quận 1 950m với 12 phút đi bộ, giá gửi xe từ 20.000 VNĐ
  • Đối với du khách di chuyển bằng  xe buýt tới chùa có thể tham khảo các tuyến xe sau: 18, 91, 93, 150
    • Tuyến xe 91, 93, 150 xuống trạm 87 đường Điện Biên Phủ cách chùa 350m mất khoảng 5 phút đi bộ.
    • Tuyến xe 18 xuống trạm 40 đường Đinh Tiên Hoàng cách chùa 450m mất 7 phút đi bộ.

Thời điểm thích hợp ghé thăm chùa Ngọc Hoàng

Du khách thường đến viếng chùa Ngọc Hoàng đông nhất vào khoảng thời gian đầu năm đến giữa tháng giêng. Nếu bạn không muốn chen chúc, đông người thì không nên đi vào đầu năm.

Thời gian chùa Ngọc Hoàng mở cửa

Để chuyến đi được thuận lợi hơn, bạn nên tìm hiểu thời gian mở cửa của chùa Ngọc Hoàng.

Chùa mở cửa mỗi ngày nên bạn có thể đến tham quan, cầu phúc bất cứ lúc nào từ 7h đến 18h, riêng mùng 1 và rằm là từ 5h đến 19h.

Chùa Phước Hải

Chùa Ngọc Hoàng thờ ai?

Chùa Ngọc Hoàng gồm 3 tòa điện là Tiền điện, Trung điện và Chánh điện. Tín ngưỡng tổng quan tại ngôi chùa Phước Hải quận 1 theo thờ Đạo Giáo với tâm hướng về Ngọc Hoàng Đại Đế. Tượng thờ Ngọc Hoàng cùng Huyền Thiên Bắc Đến và các thiên binh, thiên tướng được đặt tại Chánh điện của chùa.

Ngoài ra, Chùa Ngọc Hoàng quận 1 ở Sài Gòn còn thờ Kim Hoa Thánh Mẫu cùng 12 bà mụ coi sóc việc sinh con để cái. Đó là lý do vì sao ngôi chùa này nổi tiếng cầu con cái vô cùng linh nghiệm.

Tại các điện, chùa cũng thờ những vị thần linh khác nổi tiếng trong đời sống tâm linh. Khi đến chùa Ngọc Hoàng, bạn có thể hướng tâm cầu con (chùa cầu con), cầu bình an cho gia đình. Ngoài ra, người trẻ còn có thể cầu tình duyên với tượng thờ Thánh Mẫu và ông Tơ, bà Nguyệt.

Đến chùa Ngọc Hoàng cầu gì?

Chùa Ngọc Hoàng cầu con, chùa cầu con ở Sài Gòn

Đôi khi, bạn chỉ cần hỏi đến ngồi chùa cầu con ở Sài Gòn là sẽ được hướng dẫn ngay đến chùa Ngọc Hoàng. Chính vì thế nơi này còn có tên gọi chùa cầu con ở Sài Gòn.

Là một ngôi chùa cổ thờ Kim Hoa Thánh Mẫu và 12 bà mụ coi sóc việc sinh nở, chùa Ngọc Hoàng luôn là nơi được nhiều vợ chồng hiếm muộn gửi gắm mong ước con cái

Bên cạnh chánh điện thờ Ngọc Hoàng, điện thờ Thánh Mẫu là nơi được ghé thăm nhiều nhất mỗi dịp lễ lớn nhỏ và cả ngày thường.

 Ngôi chùa cũng nổi danh bởi sự linh nghiệm khi người dâng thật lòng thành tâm và sống thiện lành.

Chùa Ngọc Hoàng cầu duyên

Từ trước đến nay, cầu duyên chùa Ngọc Hoàng đã đáp ứng nhiều nguyện vọng và được viên mãn.

Các đôi bạn trẻ khi đã có người mong muốn kết duyên vợ chồng có thể đến đây thành tâm cầu nguyện.

Để cầu duyên, người đến cầu sau khi thắp hương, thành tâm khấn tên mình và tên người ấy, người khấn chỉ cần sờ vào tượng ông Tơ bà Nguyệt để xin tình duyên viên mãn. Thánh Mẫu sẽ thỏa ước nguyện, để ông Tơ, bà Nguyệt kết duyên tơ hồng.

Đến chùa Ngọc Hoàng cầu bình an sức khỏe

Bên cạnh đường con cái và tình duyên, chùa Ngọc Hoàng còn nổi tiếng linh nghiệm trong việc cầu sức khỏe, bình an.

Hằng năm, vào ngày 9 tháng Giêng âm lịch, chùa vẫn thường lệ tổ chức lễ vía Ngọc Hoàng – ngày đại lễ, được cho là dịp ban phúc lành lớn.

Chùa Phước Hải

Lịch sử chùa Ngọc Hoàng Sài Gòn

Chùa Ngọc Hoàng ở Sài Gòn được xây dựng vào đầu thế kỷ XX, bởi một người Trung Quốc tên là Lưu Minh, tự Lưu Đạo Nguyên. Ban đầu, đây là ngôi điện thờ Ngọc Hoàng Thượng đế, đồng thời được Lưu Minh dùng làm nơi họp kín kế hoạch lật đổ Mãn Thanh.

Sau này, vào năm 1982, ngôi chùa được tiếp quản bởi hòa thượng Thích Vĩnh Khương và chính thức thuộc về Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đến năm 1984 thì điện được đổi tên thành Phước Hải Tự.

Sau khoảng thời gian dài, chùa Ngọc Hoàng Mai Thị Lựu hiện nay đã trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng gần sông Sài Gòn. Người dân thành phố và khách du lịch vẫn luôn biết đến ngôi chùa với sự linh thiêng, cầu con, cầu duyên và cầu bình an.

Kiến trúc của chùa Ngọc Hoàng – Phước Hải Tự

Ngôi chùa có nét kiến trúc mang đậm dấu ấn của người Trung Hoa. Trải qua bao sự kiện thăng trầm của lịch sử, nó lại khoác lên mình thêm một lớp áo cổ kính và nhuốm màu thời gian. Có lẽ bởi vậy, Phước Hải Tự có vẻ đẹp riêng, hiếm thấy ở những đền chùa khác.

Mái lợp ngói âm dương

Chùa Ngọc Hoàng nổi bật giữa trung tâm quận 1 với phần mái lợp ngói âm dương. Các góc mái đều được trang trí bằng tượng gốm nhiều màu và linh vật được chạm khắc công phu. Toàn bộ ngôi chùa được làm bằng gạch đỏ, pha lẫn một chút màu sắc cổ xưa. Trải qua nhiều lần trùng tu, chùa Ngọc Hoàng vẫn giữ được nét cổ kính và phong cách thiết kế độc đáo của ngôi chùa cổ.

Điều đặc biệt nhất khi đến đây, bạn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật giá trị, được làm bằng các vật liệu cổ xưa như gốm, bồi và gỗ. Ngoài ra, những bức tượng bằng giấy bồi được sắp xếp ngay ngắn giống như các vị thần tụ hội về chầu Ngọc Hoàng cũng là một điểm nhấn không thể bỏ qua.

Phối cảnh thờ tự

Nhìn từ bên ngoài, ngôi chùa không điểm nào đặc biệt nổi bật, nhưng ngay khi bước chân vào cổng, bạn sẽ phải ngỡ ngàng bởi sự bề thế bên trong. Đầu tiên là cổng tam quan, nơi có gắn hai con rồng uốn lượn, mang vẻ bệ vệ, uy nghi. Đi sâu vào phía trong, bạn sẽ thấy một khuôn viên rộng lớn hơn với một ngôi miếu nhỏ thờ thần Hộ Pháp và bể cá, bể rùa.

Tổng thể công trình chùa Ngọc Hoàng bao gồm 3 gian chính. Ở gian chính có tiền điện là nơi thờ thần Thổ Địa và thần Môn Quan, Trung điện được dùng để thờ Thanh Long Đại Tướng, Phật Dược Sư và Phục Hổ Đại Tướng. Còn tượng Ngọc Hoàng Thượng Đế được đặt uy nghiêm tại Chính điện, với phía bên trái là tượng Huyền Thiên Bắc Đế và bên phải là tượng thờ Phật Chuẩn Đề.

Ở gian bên trái cũng gồm 3 điện thờ, một nơi thờ nhị vị Song Án, Thành Hoàng Lỗ Ban, tượng Mã Tướng Quân, Thái Tuế; một nơi thờ Thập Điện Diêm Vương và điện thứ ba thờ Ông Tơ Bà Nguyệt cùng 12 bà mụ và 13 đức thầy. Đặc biệt ở điện thờ thứ 2 có đặt 10 bức chạm gỗ tương ứng với 10 cửa ải ở địa ngục thu hút sự chú ý của du khách. Gian cuối cùng ở phía bên phải là điện thờ Phật Bà và nơi nghỉ chân cho khách du lịch.

Di sản Hán Nôm

Chùa Ngọc Hoàng là nơi lưu giữ nhiều câu đối, hoành phi, bài vị, biển ngạch và bảng chữ viết tiếng Hán. Trong đó, câu đối là loại hình di sản Hán Nôm chiếm số lượng nhiều nhất ở ngôi chùa này. Ngoài ra, các bức hoành phi và câu đối ở đây đều được chạm khắc tinh xảo trên chất liệu gỗ quý nên mang giá trị nghệ thuật cao. Qua các hiện vật này, bạn sẽ hiểu thêm về tư tưởng tôn giáo và tín ngưỡng của đạo Minh.

Chùa Phước Hải

Không gian phía sau chùa

Ở phía sau chùa Ngọc Hoàng còn có một ngôi miếu thờ Ông Đá. Theo lời người dân kể lại, nơi đây từng có một ngôi miếu cổ của người Khmer. Sau khi ngôi chùa được xây dựng, ngôi miếu cổ này mới được cải tạo thành miếu thờ Ông Đá như hiện nay. Phía bên trong miếu có một viên đá hình chữ nhật dựng đứng được lấy từ núi Thái Sơn, thuộc tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Phía trước viên đá thờ có đặt lư hương, bên phải đặt đá Thanh long và bên trái là đá Bạch hổ. Ngoài ra, trong chùa có đến 300 bức tượng thờ Phật và các vị Bồ Tát, đều được điêu khắc vô cùng tinh xảo, chân thực.

Những lưu ý khi đến chùa Ngọc Hoàng quận 1

  • Chùa là nơi linh thiêng nên khi đến đây bạn không nên ăn mặc những trang phục quá màu mè và gây phản cảm làm mất đi tính trang nghiêm vốn có của chùa.
  • Đến chùa Ngọc Hoàng, bạn nên thành tâm cầu bình an và tận hưởng vẻ đẹp an lạc, linh thiêng thay vì mải mê chụp ảnh.
  • Không tùy ý đụng, chạm hay lấy bất cứ đồ vật nào trong chùa khi không được sự cho phép của nhà chùa.
  • Không dẫm đạp lên cây cối, hoa cỏ hay bàn ghế trong chùa. Vứt rác đúng nơi quy định để tránh làm ô nhiễm môi trường.
  • Nên xin phép trước với ban quản lý nhà chùa để được sự đồng ý nếu muốn quay phim, chụp hình.

Trên đây là một số thông tin về Chùa Phước Hải (Chùa Ngọc Hoàng) mà Đồ thờ Hưng Vũ muốn chia sẻ với các bạn về một ngôi chùa nằm ở Quận 1, HCM. Hy vọng nội dung trên sẽ giúp các bạn hiểu thêm về ngôi chùa này nhé!

Nếu các bạn muốn tìm hiểu thêm về các ngôi chùa khác thì hãy đón đọc những bài viết mới của chúng tớ nhé.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *