Chùa Côn Sơn Kiếp Bạc Hải Dương: Ở đâu, thờ ai, văn khấn

Chùa Côn Sơn Kiếp Bạc Hải Dương từ lâu đã là địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng được nhiều người biết tới. Với nguồn gốc gắn liền với lịch sử của Việt Nam ta. Đây là nơi từng diễn ra trận hỏa công hun lửa để vây bắt Phạm Bạch Hổ thời loạn 12 sứ quân của Đinh Bộ Lĩnh.

Ngoài ra, chùa còn có các công trình như tam quan, phòng oản và bia ghi tên họ những người đã công đức. Vậy nơi đây hiện nay thờ ai? Chùa Côn Sơn ở đâu? Văn khấn khi tới đây thế nào?

Sau đây hãy cùng Đồ Thờ Hưng Vũ khám phá nhé!

Giới thiệu Chùa Côn Sơn

Chùa Côn Sơn (tên chữ là Thiên Tư Phúc tự hay Côn Sơn Tự), còn gọi là chùa Hun, là một ngôi chùa nằm bên ngọn núi Côn Sơn (hay còn gọi là núi Hun) ở phường Cộng Hoà, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương, Việt Nam.

Chùa đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa Việt Nam Dân chủ cộng hòa xếp hạng di tích quốc gia ngay trong đợt I năm 1962. Đây là di tích quan trọng thuộc khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt năm 2012

Vẻ đẹp của dãy núi Côn Sơn từng đi vào thơ ca rằng:

“Côn Sơn có suối rì rầm

Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai

Côn Sơn có đá rêu phơi

Ta ngồi trên đá như ngồi đệm êm…”

Giải thích về cái tên núi Hun, vào thế kỉ thứ 10 khi Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, vùng núi Côn Sơn khi xưa từng là nơi diễn ra trận hỏa công hun lửa tạo khói để vây bắt Phạm Bạch Hổ. Bởi vậy, dân gian thường hay gọi tên nơi này là núi Hun để ghi nhớ sự kiện lịch sử này.

Một vài thông tin về chùa Côn Sơn như sau:

  • Tôn giáo: Phật giáo
  • Tông phái: Thiền phái Trúc Lâm
  • Khởi lập: 1304
  • Người sáng lập: Pháp Loa
  • Quản lý: Nguyễn Thị Thùy Liên
  • Trụ trì: Thượng tọa Thích Thanh Viễn
  • Trang web: https://consonkiepbac.org.vn/

Chùa Côn Sơn Kiếp Bạc Hải Dương

Chùa Côn Sơn ở đâu?

Chùa Côn Sơn có địa chỉ tại phường Cộng Hòa, Chí Linh, tỉnh Hải Dương

 

Vị trí chùa Côn Sơn

Chùa Côn Sơn thờ ai?

Kiến trúc chùa được xây theo kiểu chữ công bao gồm Tiền đường, Thiêu lương, Thượng điện, nhà thờ Tổ.

Chùa Côn Sơn thờ Phật tại Thượng Điện, trong đó có những tượng Phật từ thời Lê cao tới 3 mét. Phía sau chùa là nhà Tổ, có tượng Trúc Lâm tam tổ (Trần Nhân Tông – Pháp Loa – Huyền Quang), tượng ông bà Trần Nguyên Đán, hai pho tượng Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ.

Lịch sử của chùa Côn Sơn

Tên chữ của chùa là Thiên Tư Phúc tự hay Tư Phúc Tự, trong dân gian quen gọi theo tên núi là chùa Côn Sơn hay còn gọi là Chùa Hun. Chùa nằm dưới chân núi Côn Sơn, thuộc thôn Chúc Đình, xã Chi Ngại, huyện Phượng Nhãn (sau là xã Chúc Thôn, tổng Chi Ngại, huyện Chí Linh).

Tương truyền đây là nơi từng diễn ra trận hỏa công hun lửa tạo khói để vây bắt Phạm Bạch Hổ thời loạn 12 sứ quân của Đinh Bộ Lĩnh ở thế kỷ 10. Nên ngoài tên gọi Côn Sơn, núi còn có tên là Kỳ Lân hay núi Hun

Năm Hưng Long thứ 12 (1304) nhà sư Pháp Loa cho xây dựng một chùa nhỏ gọi là Kỳ Lân. Đến năm Khai Hựu thứ nhất (1329) chùa được xây dựng mở rộng thành Côn Sơn Thiên Tư Phúc tự, giao cho Huyền Quang chủ trì. Ngay từ thời nhà Trần, chùa Côn Sơn là một trong ba trung tâm của thiền phái Trúc Lâm cùng với Yên Tử và Quỳnh Lâm, Quảng Ninh.

Ca dao có câu:

“Côn Sơn, Yên Tử, Quỳnh Lâm

Nếu ai chưa đến thiền tâm chưa đành”

Chùa là nơi tu hành của Quốc sư Huyền Quang – vị tổ thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm. Sau khi Huyền Quang mất, vua Trần Minh Tông đã cho xây Đăng Minh bảo tháp chứa xá lị của ông và từ đó đến nay, ngày mất của Huyền Quang dần trở thành Hội Xuân Côn Sơn.

Sang thời Lê Sơ, chùa là nơi Nguyễn Trãi lui về ở ẩn theo gót ông ngoại mình là Trần Nguyên Đán cũng đã về Côn Sơn lánh đời cuối thời Trần. Năm 1439, vua Lê Thái Tông khôi phục lại các chức tước cho Nguyễn Trãi, trong đó ông có một chức danh là Đề cử Côn Sơn Tư Phúc tự tức là “Quản lý chùa Tư Phúc” (chùa Côn Sơn).

Vào thời Lê trung hưng, giai đoạn Thiền sư Mai Trí Bản hiệu Pháp Nhẫn trụ trì, chùa được trùng tu và mở rộng đến quy mô đồ sộ. Theo bia tạc năm Hoằng Định thứ 15 (1614), khi đó chùa có đến 83 gian, bao gồm các công trình như: tam quan, tòa Cửu phẩm liên hoa gắn 385 tượng chư Phật, nhà thiêu hương, tiền đường, thượng điện, hành lang trái phải, tạc mới tượng Quan Âm Bồ Tát nghìn mắt nghìn tay, 18 tượng Phật sơn son trên thượng điện, thếp vàng lại ba tượng tam thế… Sau nhiều năm chiến tranh tàn phá, chùa Côn Sơn chỉ còn quy mô vừa phải nhưng kiến trúc vẫn hài hòa với cảnh quan

Chùa Côn Sơn

Kiến trúc của chùa Côn Sơn

Chùa Côn Sơn sau đợt tôn tạo thời Lê trung hưng là một công trình kiến trúc hoàn thiện. Sang thời Nguyễn, chùa còn khá tốt, cảnh quan vẫn tươi đẹp tuy quy mô đã nhỏ hơn nhiều. Chùa Côn Sơn ngày nay vẫn còn tầng tầng lớp lớp kiến trúc theo lối chùa cung đình gồm: hồ bán nguyệt, tam quan, sân trước. gác chuông, tiền đường (5 gian, 2 chái), thiêu hương (3 gian), thượng điện (3 gian), tổ đường, điện Mẫu, nhà bia. Hai dãy tả hữu hâu hành lang dài 75,13m, rộng 3,86m, mỗi bên có 29 gian.

Trước sân tiền đường chùa Côn Sơn có những cây đại cổ, làm tăng cảnh đẹp và tôn nghiêm của chùa. Trong quần thể chùa có rất nhiều những cây thông lâu năm, đặc biệt là hai hàng thông cổ thụ trong sân chùa tạo thành con đường thông.

Phía sau chùa Côn Sơn là khu mộ tháp, lớn nhất là Đăng Minh bảo tháp được dựng bằng đá xanh, cao 3 tầng, trong đặt xá lợi và tượng Thiền sư Huyền Quang. Nằm ở sườn núi Kỳ Lân, bên phải là lối lên Bàn Cờ Tiên, dưới chân Đăng Minh bảo tháp là Giếng Ngọc. Người xưa cho rằng Giếng Ngọc chính là mắt của con Kỳ Lân.

Giếng Ngọc cũng có thời gian bị cỏ cây che lấp. Năm 1995, ban Quản lý di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc đã cho khơi lại, kè đá, xây bờ, lát sân xung quanh giếng. Đỉnh Côn Sơn là một khu vực khá bằng phẳng. Tương truyền, từ thời Trần, Pháp Loa Tôn giả đã lập một bàn cờ tại vị trí này, tục gọi là Bàn Cờ Tiên. Hiện nay, tại khu vực này mới dựng thêm một nhà bia, theo kiểu vọng lâu, với 2 tầng, 8 mái.

Chùa Côn Sơn

Lễ hội chùa Côn Sơn

Hội xuân của chùa được kết hợp với lễ hội đền Kiếp Bạc thành lễ hội Côn Sơn – Kiếp Bạc diễn ra từ ngày 10 tháng Giêng tới hết ngày 23 tháng Giêng Âm lịch. Cứ vào khoảng thời gian nay, chùa Côn Sơn Hải Dương lại tổ chức long trọng và trang nghiêm để tưởng nhớ Đệ tam tổ Trúc Lâm Huyền Quang Tôn giả.

Lễ hội mùa xuân gồm phần lễ với các hoạt động đặc sắc như lễ Liên Hoa Hội Thượng phát đại nguyện của đức Phật; lễ rước bánh chưng, bánh dày tại chùa Côn Sơn; lễ giỗ Đệ tam tổ Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả; nghi lễ Nhiễu phật ở tòa Cửu phẩm liên hoa,… Phần hội được đầu tư lớn, gồm các hoạt động thể thao như đấu vật, cờ tướng; hội thi gói bánh chưng, giã bánh dày; Liên hoan Pháo đất tỉnh Hải Dương,…

Bên cạnh đó, chùa còn tổ chức lễ hội mùa thu từ ngày 16 đến ngày 20 tháng 8 Âm lịch để tưởng niệm Nguyễn Trãi. Tại đây, du khách và người dân sẽ được chứng kiến lễ cúng Phật Thánh; Hội đồng Trần Triều; Lễ giỗ Đức Thánh Trần; Lễ khai ấn và ban ấn đền Kiếp Bạc; Lễ tưởng niệm và tế tại đền Nguyễn Trãi,… Phần hội linh đình các hoạt động như Liên hoan diễn xướng hầu Thánh, đua thuyền truyền thống, múa rối nước, hội hoa đăng… và các hoạt động văn hóa, thể thao khác.

Lễ hội chùa Côn Sơn là lúc để con cháu tôn vinh các bậc tiền nhân có công xây dựng Thiền phái Trúc Lâm, biết ơn người đã xây dựng đất nước và chống giặc ngoại xâm. Chùa Côn Sơn và lễ hội chùa không chỉ chứa đựng những giá trị về lịch sử, văn hóa dân tộc Việt Nam mà còn là cơ sở để giúp các nhà khoa học tìm hiểu về đời sống, tín ngưỡng, phong tục tập quán gắn liền với khu di tích đặc biệt quan trọng này. Để góp phần gìn giữ và phát huy những di sản văn hóa của cha ông ta để lại cho các thế hệ mai sau.

Cách di chuyển tới chùa Côn SƠn

Chùa Côn Sơn nằm tại chân núi Côn Sơn thuộc phường Cộng Hòa, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Vị trí chùa cách Hà Nội khoảng 80km về phía đông.

Từ Hà Nội quý khách có thể tham khảo lộ trình di chuyển tới chùa là: Trung Tâm Hà Nội – Cầu Vĩnh Tuy – cầu vượt QL5 hướng về phía sông Đuống – ĐCT Hà Nội/Bắc Giang qua tỉnh Bắc Ninh – ĐCT Nội Bài/Hạ Long qua cầu Phả Lại tới TX. Chí Linh – QL37 tới đừng Côn Sơn – chùa Côn Sơn.

Sắm lễ khi dâng hương chùa Côn Sơn

Là một Tổ đình của Thiền phái Trúc Lâm, ngôi chùa Côn Sơn luôn thu hút hàng ngàn nhân dân địa phương cùng du khách gần xa nô nức đến tham quan vãn cảnh và chiêm bái.

Không chỉ ngày lễ mà còn trong những dịp đặc biệt như lễ các ngày hội Phật giáo, chùa đón tiếp rất nhiều du khách tới chiêm ngưỡng kiến trúc cổ xưa, vãn cảnh và lễ bái các vị chư Phật cùng lòng hướng thiện tới cầu bình an, sức khỏe. Ngay cả ngày thường, người dân và du khách cũng tìm đến đây để vãn cảnh chiêm bái chùa chiền cho lòng thanh thản, thoát khỏi những âu lo.

Tới chùa Côn Sơn lễ bái, mọi người nên sắm sửa lễ vật thành tâm để bái yết nơi cửa chùa. Cũng như những ngôi chùa khác, con hương đệ tử đến chùa không cần sắm sửa lễ vật mâm cao cỗ đầy mà chỉ cần đơn giản nhưng thành tâm là đủ. Ta chỉ nên dâng đặt hương án Phật những đồ chay, tịnh như hương hoa, quả tươi chín, trầu cau, xôi chè hay phẩm oản. Nếu lễ đền Mẫu, Thánh ra có thể sắm lễ vật chay mặn tùy tâm nhưng đồ mặn nên là những thức đồ đơn giản như gà, giò.

Trong những vật lễ dâng lên hương án nhà chùa, Oản Tài Lộc là Ngọc thực được nhiều người lựa chọn để thêm phần trang trọng, linh thiêng và chỉn chu. Oản Tài Lộc cô Tâm là vật lễ thiết kế độc lạ, ý nghĩa, có thể trưng lễ trong thời gian dài mà không bị hỏng, mốc.

Văn khấn chùa Côn Sơn

Mẫu văn khấn chùa Côn Sơn Kiếp Bạc như sau:

Nam mô A di đà phật

Nam mô A di đà phật

Nam mô A di đà phật

Con kính lạy Tam phủ Công Đồng Trần Triều

Con kính lạy Thánh phụ An Sinh Đại Vương Trần Quốc Liễu, Thánh mẫu Thiện Đạo quốc mẫu Ngọc bệ hạ.

Con kính lạy Nguyên Từ Quốc Mẫu Thiên Thành Thái Trưởng Công Chúa,

Con kính lạy Đức Trần Triều hiển thánh Thái Sư Thượng Phụ Thượng Quốc Công Tiết Chế Nhân vũ Hưng Đạo Đại Vương Đại Nguyên soái, Tổng quốc chính. Lịch triều tấn tặng khai quốc an chính hồng đồ tá trị hiện linh trác vĩ, Minh đức trĩ nhân, Phong huân hiên liệt, Chí trung đại nghĩa, Dực bảo trung hưng, Thượng đẳng tôn thần, Ngọc bệ tiền.

Con kính lạy tứ vị Thánh tử , Hưng Vũ Vương Trần Quốc Nghiễn, Hưng Trí Vương Trần Quốc Hiện, Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng, Hưng Hiển Vương Trần Quốc Uất.

Con kính lạy cung thỉnh Nhị vị vương cô Hoàng Thánh, Đệ Nhất Quyên thanh Khâm Từ Bảo Thánh Hoàng Hậu, Đệ nhị Đại Hoàng Anh Nguyên Quận Chúa

Con kính lạy Đức ông phạm điện suý Nguyên Soái tôn thần,

Con kính lạy cô bé cửa suốt cậu Bé biển đông, tả quan Nam Tào, Hữu quan Bắc Đẩu, Dã Tượng Yết Kiêu, Cao Mang, Đại Hành, Nguyễn Địa Lô tướng quân. Lục bộ thượng từ, chư vị bách quan.
Hương tử con ………. Ngụ tại Việt Nam Quốc………..

Ông Hương tử chúng con sắm sửa lễ bạc tâm thành xin các vị phù hộ độ trì cho hương tử con cùng toàn thể bách gia trăm họ con dân nước Việt được mưa thuận gió Hoà Dân An quốc thái núi liền núi sông liền sông, Biển đảo quê hương bốn phương yên bình, đồng gia quyến được luôn mạnh khoẻ. Đầu năm chí giữa, nửa năm chí cuối, chín tháng đông, ba tháng hè được tai quan nạn khỏi, điều lành mang đến, điều giữ giải đi, cầu tài đắc tài, cầu lộc đắc lốc, cầu bình an đắc bình an. Xin cho con được có người có của được nhân an vật thịnh đi đến nơi về đến chốn, làm ăn được thuận buồn xuôi gió, vạn sự như ý.

Hương tử con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì, chứng minh công đức.

Nam mô A di đà phật

Nam mô A di đà phật

Nam mô A di đà phật

Trên đây là một số thông tin về Chùa Côn Sơn mà Đồ thờ Hưng Vũ muốn chia sẻ với các bạn về một ngôi chùa nằm ở Hải Dương. Hy vọng nội dung trên sẽ giúp các bạn hiểu thêm về ngôi chùa này nhé!

Nếu các bạn muốn tìm hiểu thêm về các địa danh văn hóa nổi tiếng thì hãy đón đọc bài viết mới của chúng tôi nhé!

Có thể bạn quan tâm:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *