Đền Bia Hải Dương từ lâu đã là di tích sử đặc biệt của quốc gia gắn liền với văn hóa Việt Nam ta. Nơi đây thờ Đại danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh, được người đời phong là ông Thánh thuốc Nam, có công đặt nền tảng cho nền y dược học cổ truyền của nước nhà.
Sinh thời, cụ Tuệ Tĩnh là người học giỏi, đỗ đạt cao nhưng không ra làm quan mà chỉ theo đuổi chí hướng chữa bệnh cứu người bằng thuốc Nam. Vậy ngoài thông tin đó ra thì Đền Bia còn gì nổi bật? Sau đây hãy cùng Đồ Thờ Hưng Vũ khám phá nhé!
Giới thiệu đền Bia Hải Dương
Đền Bia một ngôi đền tại xã Cẩm Văn, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, Việt Nam. Đây là một trong 3 di tích quốc gia đặc biệt thờ Đại danh y – Thiền sư Tuệ Tĩnh tại huyện Cẩm Giàng (cùng với Đền Xưa và Chùa Giám).
Đền Bia nằm trên cánh đồng phía tây thôn Văn Thai, xã Cẩm Văn. Trong đền có tấm bia đá từ thời Hậu Lê, là di vật kỷ niệm của danh y Tuệ Tĩnh nên đền có tên là Đền Bia.
Đền được xây dựng từ thời Lê, xây dựng lại vào năm 1936, theo kiểu tiền nhất Hậu chữ Đinh (丁) mặt tiền quay về hướng Bắc. Ngày nay đền Bia là một công trình khang trang bề thế tọa lạc trên một diện tích rộng 4 ha, được phân làm 3 khu vực với đầy đủ các hạng mục công trình chính và phụ trợ:
- Khu thờ tự gồm 5 công trình: nghi môn, thủy lăng, bức bình phong bằng đá, hai bên là hai dãy tả vu, hữu vu
- Khu y xá gồm ba công trình: nhà bắt mạch kê đơn thuốc, nhà bốc thuốc và nhà chẩn trị
- Khu vườn thuốc: đây là một vườn thuốc Nam rộng 1.200 m², được chia làm 9 ô tương ứng với 9 bài thuốc là 9 nhóm bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế gồm: cảm sốt, mụn nhọt, điều kinh, đau nhức xương khớp, ho, kiết lỵ, tiêu chảy, sốt xuất huyết và viêm gan siêu vi trùng
Đền Bia vị trí ở đâu?
Ở thôn Văn Thai xã Cẩm Văn, huyện Cẩm Giàng tỉnh Hải Dương có một ngôi đền mang tên: Đền Bia. Tấm bia đá được người dân ở đây coi như bảo vật thờ phụng suốt mấy trăm năm là câu chuyện xúc động liên quan đến cuộc đời của vị đại danh y được người đời xưng tụng – “vị thánh thuốc nam”, đó chính là thiền sư Tuệ Tĩnh.
Đền Bia thuộc thôn Văn Thai xã Cẩm Văn, huyện Cẩm Giàng. Đền Bia được xây dựng để thờ Tuệ Tĩnh và tấm bia thời Lê là di vật kỷ niệm của Tuệ Tĩnh nên có tên là Đền Bia.
Theo tư liệu lịch sử đang lưu hành thì khi Tuệ Tĩnh 55 tuổi đi sứ Trung Quốc và mất tại Giang Nam.
Vị trí đền Bia Hải Dương
Lịch sử đền Bia
Đền Bia được xây dựng dưới thời Lê (vào năm 1636). Đền Bia được lập lên để thờ đại danh y Tuệ Tĩnh và tấm bia đá có từ thời Hậu Lê. Hiện Nay, tấm bia đá đang được lưu giữ tại hậu cung của đền, do đích thân tiến sĩ Nguyễn Danh Nho (1638 – 1699) bàn việc hoạch định địa giới.
Tấm Bia trên mộ in rõ dòng chữ: “Đời sau có ai bên nước Nam sang, nhớ cho hài cốt tôi về với”. Vì đang trên đường đi kinh lý, nên Tiến sĩ Nguyễn Danh Nho không thể đưa hài cốt cụ Tuệ Tĩnh về, ông bèn lấy tờ giấy bản ốp vào tấm Bia in lại dòng chữ đó và gửi về nước để mọi người biết nguyện vọng của cụ Tuệ Tĩnh.
Về đến đất Nam, Tiến sĩ Nguyễn Danh Nho làm một tấm Bia đá và khắc lại dòng chữ đó lên Bia, sau đó chuyển về quê. Khi thuyền chở bia về đến địa phận đền Bia ngày nay.Lúc đó cả vùng quê bị ngập nước, do sóng to gió lớn nổi lên thuyền bị lật, tấm Bia rơi xuống lòng sông. Ít lâu sau nước cạn nhân dân tìm được Bia, thấy doi đất ở đây có hình con dao cầu (dao thái thuốc) nên đã dựng Miếu nhỏ để thờ Bia.
Đến năm 1936, nhân dân nơi đây dựng lại ngôi đền theo kiến trúc hiện giờ còn lưu giữ. Từ ngày dựng Bia người khắp nơi kéo về lấy thuốc, hái là, xin nước đền Bia ngày một đông. Vào năm Thiệu Trị thứ 5 (1845) “Thánh ứng” lần thứ nhất một ngày có tới hàng ngàn người đến đền Bia xin thuốc, nên Vua đã hạ lễ cấm việc cúng lễ và xin thuốc mang màu sắc mê tín, mất vệ sinh.
Đồng thời sai người cùm và bắt giam tại nhà giam của tỉnh Hải Dương. Sau một thời gian, có một người của làng Văn Thai (xã Cẩm Văn) làm chức thủ kho đã lấy lại tấm Bia đá và bí mật đem về nhưng rất đáng tiếc tấm Bia đã bị đục hết chữ không còn đọc được nữa.
Kiến trúc Đền Bia
Đền Bia được xây dựng theo kiểu tiền nhất Hậu chữ Đinh, mặt tiền quay ra hướng Bắc. Đền mang một công trình khang trang bề thế với diện tích 4 hecta, được phân thành 3 khu vực như:
Khu thờ tự bao gồm 5 công trình: Nghi môn, thủy lăng, bức bình phong bằng đá, hai bên là hai dãy tả vu, hữu vu.
Khu y xá bao gồm 3 công trình: nhà bắt mạch, nhà bốc thuốc và nhà chẩn trị.
Khu vườn thuốc: là nơi hội tụ thuốc Nam rộng 1200 m², được chia thành 9 ô tương ứng với 9 nhóm bênh như: cảm sốt, mụn nhọt, điều kinh, đau nhức xương khớp, ho, kiết lỵ, tiêu chảy, viêm gan siêu vi trùng và sốt xuất huyết.
Ở Hậu cung, trong khám thờ tượng Tuệ Tĩnh, đó là một bức tượng đúc bằng đồng ngồi trên ngai nhỏ, đầu đội khay, mắt sáng, râu dài, hai tay chắp trước ngực, mặc áo thêu hình rồng. Theo tư liệu sử sách, trong chùa viết lại thì bức tượng này do nhân dân trong làng Văn Thai tự tay đúc để thờ từ những ngày đầu xây dựng đền.
Tiểu sử danh y Tuệ Tĩnh
Theo sử liệu, Danh y Tuệ Tĩnh tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh, sinh năm 1330 tại làng Nghĩa Phú, tổng Văn Thai, phủ Thượng Hồng (nay là thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương). Ông có pháp hiệu là Tuệ Tĩnh thiền sư, biệt danh là Hồng Nghĩa.
Danh y Tuệ Tĩnh mồ côi cha, mẹ từ lúc 6 tuổi, được sư trụ trì chùa Nghiêm Quang (chùa Giám ngày nay, ở xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Giàng) nuôi ăn học, sau đó được sư cụ chùa Giao Thủy ở Sơn Nam (nay là chùa Keo thuộc tỉnh Nam Định) cho tu học.
Vốn là người thông minh, ham học, năm 22 tuổi, Tuệ Tĩnh thi đỗ Thái học sinh đời vua Trần Dụ Tông, niên hiệu Thiệu Phong thứ 12 (1351). Nhưng ông không ra làm quan mà tu ở chùa Nghiêm Quang chuyên tâm nghiên cứu y học giáo lý, lấy vườn chùa làm cơ sở trồng thuốc chữa bệnh.
Trước tình cảnh nhân dân đói nghèo, bệnh tật, ông đã chế tạo được nhiều dược liệu, chữa bệnh không lấy tiền, huấn luyện tăng ni trong chùa trở thành thầy thuốc. Với phương châm “Nam dược trị Nam nhân”, ông chủ động đi tìm nhiều cây thuốc về trồng tại vườn chùa, gây dựng phong trào trồng thuốc trong nhân dân, thu trữ thuốc để kịp thời chữa bệnh.
Bằng việc truyền bá các phương thuốc đơn giản và dược tính bằng thơ chữ Nôm dễ nhớ, dễ hiểu, Danh y Tuệ Tĩnh đã thúc đẩy nguồn dược liệu phát triển, xây dựng quan điểm y học dân tộc.
Năm Giáp Tý (1384), vua nhà Trần phái Danh y Tuệ Tĩnh đi sứ nhà Minh. Theo sử sách Trung Quốc, khi đó Hoàng Hậu nhà Minh đang mắc trọng bệnh, các thầy thuốc đều “lực bất tòng tâm”, nhưng Danh y Tuệ Tĩnh đã dùng thuốc Nam chữa khỏi. Trước tài năng của ông, vua Minh đã phong ông làm “Đại y Thiền sư” và giữ ông ở lại. Sau này, ông mất tại đất Giang Nam (Trung Quốc).
Ngoài y dược phục vụ con người, Danh y Tuệ Tĩnh còn tập hợp những bài thuốc chữa bệnh cho gia súc, phục vụ sản xuất, đặt cơ sở cho ngành thú y dân tộc. Những tác phẩm y dược lớn và giá trị, tiêu biểu mà ông để lại là hai cuốn: Nam dược thần hiệu và Hồng Nghĩa giác tư y thư.
Mỗi tác phẩm của ông đều có ảnh hưởng trong giới y học nước nhà. Cho đến ngày nay, những tác phẩm đó vẫn là những di sản quý báu đang được kế thừa và phát huy trong việc xây dựng nền y học dân tộc hiện đại. Nhân dân suy tôn Tuệ Tĩnh là “vị thánh thuốc Nam”.
Lịch sử về tấm bia thời Lê tại Đền Bia
Nhân dân địa phương cho biết tấm bia này do tiến sĩ Nguyễn Danh Nho (1638-1699) là người cùng làng với Tuệ Tĩnh soạn khắc vào năm 1699 khi ông đi sứ Trung Quốc đã đến viếng mộ Tuệ Tĩnh tại Giang Nam, đọc mặt sau tấm bia trên mộ thấy có ghi chữ :
“Về sau có ai bên nước sang, nhớ cho hài cốt tôi về với”, Nguyễn Danh Nho đã vô cùng xúc động trước tình cảm luôn hướng về quê hương đất nước của Tuệ Tĩnh nên đã cho dập mẫu tấm bia mang về nước, thuê thợ làm lại và chở về quê.
Khi đó cả vùng quê ông bị ngập nước, xuôi thuyền đến địa phận đền hiện nay thì thuyền bị lật, tấm bia rơi xuống nước không lấy lên được, ít lâu sau nước cạn, nhân dân tìm thấy bia, thấy doi đất ở đây có hình con dao cầu (dao thái thuốc nam) nên đã dựng miếu thờ bia.
Từ ngày dựng bia, người khắp nơi kéo về lấy thuốc, hái lá, xin nước đền Bia về uống với hy vọng mọi bệnh sẽ khỏi. Tương truyền vào năm Thiệu Trị thứ 5 (1845) mỗi ngày có tới hàng nghìn người đến Đền Bia, nên vua đã hạ chiếu cấm việc cúng lễ và xin thuốc mang mầu sắc mê tín và mất vệ sinh, và sai người đem tấm bia về cất tại kho ở Hải Dương.
Sau này có một người làng Văn Thai làm chức thủ kho đã bí mật lấy lại bia đem về đền thờ.Đền Bia nguyên được xây dựng từ thời Lê, trùng tu vào năm 1936, kiến trúc kiểu tiền nhất hậu đinh, mặt tiền quay hướng bắc, xung quanh cây cối xanh tươi và nằm giữa cánh đồng thuộc hai xã Cẩm Văn và Cẩm Vũ của huyện Cẩm Giàng,
Đền có vườn thuốc nam rộng lớn, phong phú các loại dược liệu, toà tiền tế trùng tu năm 1993 phỏng theo kiến trúc thời Nguyễn khá đẹp gồm 5 gian với diện tích 120 m2, trung từ và hậu cung nhỏ nhưng còn chắc chắn và đồng bộ từ kiến trúc đến các đồ thờ tự, nhà kiểu lòng thuyền tứ trụ, vì con chồng đấu sen, bức cốn chạm long cuốn thuỷ và hoa lá, chính giữa treo bức đại tự sơn son thiếp vàng ghi 4 chữ:
” Thánh cung vạn tuế” nghĩa là: ” Đức thánh muôn tuổi”. Hai cột treo đôi câu đối ca ngợi Tuệ Tĩnh:
” Hoàng giáp phương danh đằng bắc địa
Thánh sư dược diệu trấn Nam bang”
Nghĩa là:
“Thi đậu hoàng giáp tiếng lừng đất bắc
Chữa bệnh thần diệu tài quán nước Nam”.
Di tích còn nhiều cổ vật có giá trị từ các triều đại phong kiến như bệ đá thời Nguyễn chạm khắc tứ linh, tứ quý, cỗ khám sơn son thiếp vàng, tượng Tuệ Tĩnh, đặc biệt là tấm bia thời Lê là di vật kỷ niệm của Tuệ Tĩnh, được nhân dân địa phương coi như báu vật bảo quản tại hậu cung của đền
Năm 2003 dự án trùng tu lớn đền Bia đã được phê duyệt, sau hơn 3 năm xây dựng công trình được khánh thành vào năm 2006 với tổng kinh phí là 14 tỷ 8 trăm triệu đồng. Tổng diện tích khu di tích là 3 ha, 7 mẫu gồm hai khu là: Khu thờ tự và khu y xá.
Khu thờ tự gồm 5 công trình: Tam quan, nhà thuỷ đình, nhà tả vu và hữu vu, tiền tế và hậu cung, tổng số 23 gian, còn lại là sân vườn, tường bao và cổng. Kiến trúc phỏng theo thời Nguyễn, với chất lượng gỗ lim toàn phần, gạch Bát Tràng.
Khu y xá gồm 3 công trình: Nhà bắt mạch kê đơn thuốc, nhà bốc thuốc và nhà chẩn trị, mỗi công trình 5 gian. Ngoài ra còn có nhà từ tâm dùng đón tiếp khách. Khu di tích đền Bia nằm ở cánh đồng nơi tiếp giáp giữa làng Văn Thai và làng Nghĩa Phú, tạo nên một không gian hoành tráng, cổ kính hài hoà với thiên nhiên.
Lễ hội đền Bia
Trước khi có Đền Bia, nơi đây chỉ là một đống đất cao, nhưng vì khu đất có hình con dao cầu nên nhân dân vẫn thường tự đến cắm hương lễ bái, sau khi tấm bia được dựng nên thì mới dựng đền thờ tấm bia, ban đầu đền làm bằng gianh, tre, nhưng năm nào cũng bị cháy, vì thế dân làng mới cho lập một ngôi đền gọi là Đền Trung ở gần vị trí làng Văn Thai để thờ vọng lên đền Bia, sau đó mới xây dựng đền Bia bằng vật liệu gạch, gỗ lim chắc chắn hơn, từ đó dân làng lễ tại hai đền và gọi là đền Trung và đền Thượng.
Theo nhân dân địa phương cho biết lễ hội đền Bia được bắt đầu từ năm 1830, đó là vào đời vua Minh Mạng thứ 11, tương truyền có thánh ứng vào ngày mùng 1 tháng 4 (âm lịch) và lễ hội diễn ra từ ngày 1 tháng 4 đến ngày 4 tháng 4, trong 4 ngày đó nhân dân gọi là Hội thánh ứng lần thứ nhất và chính là ngày giỗ của thiền sư Tuệ Tĩnh.
Lễ hội do lý trưởng, hội đồng tộc biểu và các vị chức sắc của làng và các giáp đứng ra tổ chức, diễn biến của lễ hội thánh ứng lần thứ nhất có thể miêu tả như sau:
Thánh ứng lần thứ nhất (năm 1830)
Khi đó lễ hội đền Bia được tổ chức vào:
Ngày mùng 1 tháng 4
Nhân dân tổ chức lễ rước bát hương và hòm sắc từ đền Trung ra đền Bia (đền Thượng), lễ rước gồm hai kiệu, kiệu thứ nhất rước bát hương gồm 12 thanh niên khoẻ mạnh mặc áo màu đỏ khiêng, những người khiêng kiệu được chọn từ các giáp của làng tuổi từ 18 đến 30. Kiệu thứ hai rước hòm sắc bố trí 4 người khiêng, trên kiệu có long đình đặt hòm sắc, đoàn rước bố trí như sau:
Đi đầu là những thanh niên cầm cờ, bát biểu, sau đó đến đội chiêng, trống, tiếp đến là kiệu bát hương, đi theo sau kiệu là các vị chức sắc của làng, xã, mặc áo lương, khăn xếp, kiệu được hai người cầm tàn lọng che hai bên, sau đó đến kiệu hòm sắc, theo sau là các vị trong hội đồng tộc biểu của làng, giáp trong xã, tiếp đến là đoàn các cụ, dân làng mặc áo dài, vấn khăn đội lễ vật và nhân dân đi theo.
Lễ vật gồm lợn luộc để cả con, mâm xôi, trầu, rượu và hoa quả, đèn hương… nói chung đều là sản vật của quê hương. Đoàn rước đi trong tiếng chiêng, trống rộn ràng, không khí lễ hội tưng bừng hoà với quần áo đủ sắc màu. Khi đoàn rước đến đền bia, kiệu được đặt tại vị trí trang trọng và tổ chức tế thánh, đội tế nam gồm 15 người, chủ tế phải là tiên chỉ của làng.
Ngày mùng 2 tháng 4
Tại đền Trung và đền Thượng (đền Bia) nhân dân đến tự do lễ bái và xin thuốc, gọi là hội thánh vì nơi đây thờ tấm bia kỷ niệm Tuệ Tĩnh, người được tôn là thánh thuốc nam, tương truyền trong những ngày diễn ra lễ hội ai vào đền Bia đều bứt lá đặt lên lễ thánh sau đó mang về sắc uống đều khỏi bệnh (bách bệnh), người nọ truyền người kia cho nên dân các nơi kéo về đền Bia rất đông, nhân dân trong làng đem ra đền đủ các loại lá để làm lễ bán, như lá tre dây, lá ngải cứu, lá cúc tần, lá mít, lá bưởi… ai mua lá xong đều phải đặt vào lễ thánh thì lá đó sắc uống mới khỏi bệnh vì lá đó đã được Thánh ứng.
Năm 1830 có hàng vạn người đến lễ và xin thuốc thánh, nhân dân địa phương phải làm nhà sàn xung quanh đền để phục vụ. Không khí lễ hội nhộn nhịp suốt ngày đêm, cuốn hút tất cả mọi người trong làng xã, trong các làng chỉ còn các cụ già và trẻ con còn bé còn tất cả đều ra đền phục vụ lễ hội thánh.
Ngày mùng 3 tháng 4
Nhân dân địa phương và các nơi vẫn đến đặt lễ thánh và xin thuốc. Để có không khí lễ hội, làng có tổ chức một số trò chơi dân gian như đánh cờ, bịt mắt bắt dê, đi cầu kiều, có treo giải thưởng. Buổi tối tổ chức hát chèo đến khuya.
Ngày mùng 4 tháng 4
Tổ chức rước kiệu bát hương và hòm sắc trở lại đền Trung và làm lễ tạ thánh, diễn biến của đoàn rước cũng diễn ra như khi rước ngày mùng 1 tháng 4, sau đó kết thúc hội đóng cửa đền.
Từ năm 1830 đến năm 1950 lễ hội hàng năm vẫn được hội đồng tộc biểu duy trì và tổ chức đầy đủ lệ bộ nhưng người đến dự Hội không đông bằng năm 1830. Lễ hội ở đây có lệ kiêng: Nhà ai có đại tang không được vào rước kiệu, ai ăn thịt chó thì không được vào đền làm lễ, mọi người đều phải kiêng đúng như quy định nếu ai làm sai sẽ bị làng phạt.
Thánh ứng lần thứ hai (năm 1936)
Hơn 100 năm, sau Thánh ứng lần thứ nhất năm 1830, vào năm Bảo Đại thứ 11 (1936) tương truyền có Thánh ứng lần thứ hai, lễ hội Thánh cũng được tổ chức 4 ngày, từ mùng 1 tháng 4 đến ngày mùng 4 tháng 4 (âm lịch) như dịp Thánh ứng lần thứ nhất. Nhưng lần này người đến lễ và xin thuốc đông hơn lần một rất nhiều, mỗi ngày có tới hàng vạn người từ các nơi đổ về xin lá thuốc, tất cả những thứ lá gì trong đền cũng đều được coi là thuốc quý chữa bách bệnh.
Nhân dân từ khắp các tỉnh thành trong Nam, ngoài Bắc đều kéo nhau về đền để lễ và xin thuốc, nhân dân địa phương gọi là hiện tượng ” hiển thánh”.
Từ đó đến nay lễ hội vẫn diễn ra bình thường nhưng không đông như năm 1936 nữa, vào năm 1962 đền Trung bị giải hạ, từ đó lễ hội tập trung vào đền Bia là chính.
Xét quy mô lễ hội cổ truyền Đền Bia đó là một lễ hội với quy mô rộng lớn hầu như trong cả nước, nhân dân từ khắp ba miền đất nước kéo về lễ hội như một hiện tượng đặc biệt vì sự “hiển thánh” ở Đền Bia truyền đi rất nhanh, nhân dân rất tin vào vị Thánh thuốc nam Tuệ Tĩnh.
Từ năm 1992 xã Cẩm Văn thành lập Chi hội đông y, chuyên sản xuất, kê đơn bốc thuốc nam, bắc, số hội viên khá đông, địa điểm đặt tại đền Bia, xung quanh đền trồng nhiều cây thuốc, vào những ngày hội nhân dân đến dự hội, lễ Thánh và vẫn xin thuốc chữa bệnh, mặt khác còn có thày thuốc bắt mạch lấy thuốc tại đền.
Chi hội đông y đền Bia là chi hội mạnh của Chi hội đông y huyện Cẩm Giàng và tỉnh Hải Dương, hoạt động có hiệu quả tốt, phát huy truyền thống của thuốc nam Tuệ Tĩnh.
Ngày nay di tích đền Bia vẫn được chính quyền địa phương đứng ra tổ chức, những hình thức cổ truyền trong dịp hội vẫn được kế thừa có chọn lọc, tiếp tục duy trì được những phong tục hay và loại trừ những biểu hiện, những hành động chưa tốt, cùng nhau xây dựng quê hương.
Sau một năm lao động vất vả, những ngày hội vui vẻ đem đến cho người dân sự thoải mái, đồng thời thắt chặt thêm tình đoàn kết xóm làng, dòng tộc trong những dịp lễ hội thiêng liêng. Số tiền công đức của thập phương được công khai để xây dựng di tích.
Nhân dân địa phương có dịp được giao lưu với nhân dân các tỉnh khác về dự lễ hội. Song lễ hội cũng cần khắc phục một số hạn chế hiện tượng một số người lợi dụng lễ hội để kinh doanh, có như vậy việc tổ chức lễ hội mới thực sự có ý nghĩa trong đời sống tinh thần của nhân dân.
Những câu chuyện và sự tích khác về đền Bia
Theo điển tích lưu truyền tại địa phương, khoảng gần 300 năm sau khi Danh y Tuệ Tĩnh mất, Tiến sĩ Nguyễn Danh Nho (1638-1699), người cùng làng với Danh y Tuệ Tĩnh đi sứ sang Trung Quốc.
Trên đường đi, ông đã tìm thấy mộ cụ Tuệ Tĩnh. Vì đang trên đường đi kinh lý, nên không thể đưa hài cốt cụ Tuệ Tĩnh về nên sứ thần Nguyễn Danh Nho đã lấy tờ giấy bản ốp vào tấm bia mộ mang về.
Cũng theo điển tích, khi về nước, sứ thần Nguyễn Danh Nho cho khắc lại dòng chữ lên bia đá rồi cho chuyển về quê. Tương truyền khi vận chuyển, đến chỗ bây giờ là Đền Bia, lúc này cả vùng quê đang bị ngập nước, bỗng dưng thuyền lật, tấm bia rơi xuống không lấy lên được.
Ít lâu sau, nước cạn, nhân dân tìm lại được bia, thấy doi đất ở đây có hình con dao cầu (dao thái thuốc) nên đã dựng ngôi đền nhỏ để thờ tấm bia, thu hút nhiều người đến thờ cúng xin thuốc.
Đặc biệt, vào năm Thiệu Trị thứ 5 (1845), nhà Vua đã phải hạ lễ cấm việc cúng lễ và xin thuốc mang màu sắc mê tín, mất vệ sinh. Đồng thời, sai người mang tấm bia trong đền cất giữ vào kho của tỉnh Hải Dương.
Thời gian sau đó, có một người của làng Văn Thai (xã Cẩm Văn) làm chức thủ kho đã lấy lại tấm bia đá và bí mật đem về, nhưng rất đáng tiếc tấm bia đã bị đục hết chữ không còn đọc được nữa.
Ngoài ra, tương truyền vào năm Thiệu Trị thứ 6 (1846), ngày mồng 1 tháng 4 Âm lịch xảy ra hiện tượng “Thánh ứng”, người dân khắp nơi tấp nập về Đền Bia lễ bái, xin thuốc rất đông.
Từ đó người dân địa phương lấy ngày mồng 1 tháng 4 Âm lịch hằng năm làm ngày tổ chức lễ hội Đền Bia. Tới năm 1936, nhân dân dựng lên một ngôi đền mới khang trang hơn tại đây như kiến trúc còn lại hiện nay.
Duy trì truyền thống tại Đền Bia
Ông Hà Quang Thành, Trưởng Ban quản lý di tích huyện Cẩm Giàng cho biết, hiện nay, tại một số làng thuộc các xã Cẩm Văn, Cẩm Vũ (huyện Cẩm Giàng) có trên 30 lương y hành nghề cắt thuốc, chẩn trị, chữa bệnh bằng thuốc Nam. Đặc biệt, tại quê hương của cụ Tuệ Tĩnh, một số gia đình còn lưu giữ được bí quyết chữa các bệnh về thận, rắn cắn, hen suyễn, bệnh dại… từ nhiều đời nay.
Bên cạnh đó, trong khu vực Đền Bia còn có vườn thuốc Nam được chia làm 9 ô, trồng 9 nhóm thuốc. Các nhóm cây thuốc chữa bệnh gồm: viêm gan, sốt xuất huyết, mụn nhọt, cảm sốt, chữa ho…
Xung quanh đền, Ban quản lý di tích cũng tận dụng các khu đất trống trồng cây thuốc, để vừa tạo nguồn thuốc vừa tạo cảnh quan.
Cũng theo ông Hà Quang Thành, từ năm 2016, tại lễ hội truyền thống Đền Bia (1/4 Âm lịch), người dân và du khách khi đến được tư vấn, khám bệnh, bắt mạch, bốc thuốc miễn phí (thuốc chữa đau nhức, xương khớp, tiêu hóa, thanh nhiệt, giải độc…) do một số doanh nghiệp dược thực hiện.
Trước đó, trong quá trình lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Đền Xưa – Chùa Giám – Đền Bia, ngoài việc khoanh vùng bảo vệ di tích khu vực 1, tỉnh Hải Dương cũng quan tâm đến quy hoạch khu vực 2 với diện tích trên 20 ha để phát triển vùng dược liệu tại Đền Bia. Đây được coi là trung tâm bảo tồn vùng thuốc Nam, nhằm phát huy hơn nữa những giá trị văn hóa, lịch sử của ngôi đền.
Trên đây là một số thông tin về Đền Bia mà Đồ Thờ Hưng Vũ muốn chia sẻ với các bạn về một ngôi đền nằm ở thôn Văn Thai xã Cẩm Văn, huyện Cẩm Giàng.
Hy vọng nội dung trên sẽ giúp các bạn hiểu thêm về ngôi đền này nhé!
Có thể bạn quan tâm:
- Chùa Côn Sơn Kiếp Bạc Hải Dương
- Đền Quan Lớn Tuần Tranh
- Đền Cao An Phụ
- Đồ thờ Hải Dương chất lượng cao