Miếu Ngũ Hành Nơi Thờ Tín Ngưỡng Ở Nam Bộ

Miếu Bà Ngũ Hành thờ Ngũ Hành Nương Nương, là vị thần được thờ rất nhiều ở các đình tại Nam Bộ, giúp cho mưa thuận gió hòa, thịnh vượng. Theo Tân từ điển Việt Nam (Nhà xuất bản TP. Hồ chí Minh, 1991): Miếu là cái đền thờ, Ngũ hành là 5 yếu tố vật chất: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ luôn vận động, chuyển dịch.

Theo thuyết âm dương ngũ hành, 5 yếu tố trên thuộc âm nên trong dân gian gọi chung là Bà. Ra đời trong công cuộc khai hoang lập làng của cộng đồng địa phương,Miếu Bà Ngũ hành ở xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An thờ 5 vị phúc thần được triều đình sắc phong (năm Duy Tân thứ 8) là: Kim Đức Thánh Phi, Mộc Đức Thánh Phi, Thủy Đức Thánh Phi, Hỏa Đức Thánh Phi, Thổ Đức Thánh Phi.

Ngoài ra, trong miếu còn thờ Thần Thành Hoàng Bổn Cảnh, Quan Thánh Đế Quân, các vị Tiền Hiền, Hậu Hiền, Tả Ban, Hữu Ban,…

Lược sử

Ở Long Thượng ngày nay không ai xác định được miếu Ngũ Hành xuất hiện vào lúc nào, nhưng như chúng ta biết, miếu là một thiết chế văn hóa tín ngưỡng dân gian phục vụ cho nhu cầu tinh thần cơ bản của làng, ắt hẳn nó xuất hiện trong quá trình khai hoang lập ấp.

Miếu Bà Ngũ hành  thờ 5 vị phúc thần được triều đình sắc phong (năm Duy Tân thứ 8) là: Kim Đức Thánh Phi, Mộc Đức Thánh Phi, Thủy Đức Thánh Phi, Hỏa Đức Thánh Phi, Thổ Đức Thánh Phi.

Ngoài ra, trong miếu còn thờ Thần Thành Hoàng Bổn Cảnh, Quan Thánh Đế Quân, các vị Tiền Hiền, Hậu Hiền, Tả Ban, Hữu Ban,…Miếu Bà Ngũ Hành đã được Ủy Ban nhân dân tỉnh Long An ra Quyết định số 400/QĐ.UB công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh ngày 22 tháng 02 năm 1997.

Miếu Ngũ Hành

 

Tục thờ Bà Ngũ Hành ở Nam Bộ

Bà Ngũ Hành hay còn gọi Ngũ Hành Nương Nương là năm vị thần biểu trưng cho Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Ðây không phải là vật chất theo nghĩa đen của tên gọi, mà là quy ước của người xưa để xem xét mối tương quan của vạn vật.

Tục thờ bà Ngũ Hành ở Nam Bộ cho thấy quá trình người Việt tiếp nhận thuyết Ngũ Hành của phương Bắc thành những giá trị tín ngưỡng riêng.

Trong thuyết Ngũ Hành, các yếu tố Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ luôn tương sinh và tương khắc, theo quy luật không độc lập với nhau. Trong tương khắc luôn có mầm mống của tương sinh, trong tương sinh luôn có mầm mống của tương khắc. Nhờ đó vạn vật luôn luôn tồn tại và phát triển.

Tiếp nhận thuyết Ngũ Hành rồi hòa quyện vào tín ngưỡng dân gian bản địa, cùng các yếu tố tự nhiên gắn liền với cuộc sống như Ðất, Nước, Lửa, Cây, Kim loại, người Việt cổ đã thần hóa các yếu tố này và thờ phụng qua hình tượng năm vị nữ thần với những nhận định thực tiễn, giản dị.

Chẳng hạn như ở vùng nóng bức quanh năm, thường xảy ra hỏa hoạn, thì hành Hỏa được lập miếu thờ; vùng duyên hải, sông rạch thì thờ Thủy thần; vùng rừng núi thì thờ Bà Chúa Thượng Ngàn; vùng trồng lúa, làm vườn, làm rẫy thì thờ Thổ thần…

Năm loại vật chất này được thần hóa thành các nữ thần xuất phát từ tư duy sơ khai của các dân tộc trồng lúa nước, sống phụ thuộc vào các yếu tố thiên nhiên, với ước mong vạn vật sinh sôi phong phú, tất phải phụ thuộc vào yếu tố âm – nữ tính của tự nhiên.

Năm vị nữ thần Ngũ Hành được tôn thờ với niềm xác tín các Bà có những quyền năng nhất định liên quan đến đất đai, củi lửa, kim khí, nước nôi và cây trái. Ðây là nhóm nữ thần phù hộ cho mọi sinh hoạt của chúng sinh trong xã hội nông nghiệp, rất phù hợp đối với cư dân trên bước đường khai hoang mở cõi

Chính vì vậy mà dân gian cho rằng, các Bà là những vị thần giáng trần để giúp đỡ cho dân chúng, nên được dân chúng nhớ ơn và thờ phụng. Ðể chính thống hóa tục thờ Bà Ngũ Hành, năm Duy Tân thứ 5 (tức năm 1911), triều đình nhà Nguyễn đã sắc phong chung cho năm Bà là Ðức Thánh Nương, Trứ Phong Dực Bảo Trung Hưng Thượng Ðẳng Thần.

Ðồng thời phân ra: Thổ Ðức Thánh Phi Tặng Hoằng Ðại Hậu Trung Ðẳng Thần, Hỏa Ðức Thánh Phi Tôn Thần Gia Tặng Ôn Hậu Quang Trung Ðẳng Thần, Kim Ðức Thánh Phi Tặng Chiếu Hiền Hậu Ứng Trung Ðẳng Thần, Thủy Ðức Thánh Phi Tôn Thần Gia Tặng Ôn Hậu Quang Trung và Mộc Ðức Thánh Phi Tặng Thanh Tú Khởi Trực Trung Ðẳng Thần.

Nhìn chung, việc dân gian thờ Bà Ngũ Hành là bởi vì năm Bà có liên quan đến các nghề từ đất đai (nông nghiệp), củi lửa (tiểu thủ công nghiệp), kim khí (công nghiệp), sông nước (ngư nghiệp) và cây gỗ (lâm nghiệp).

Miếu thờ Bà Ngũ Hành thường là những ngôi miếu nhỏ, được cất đơn sơ bằng tre lá, có nơi được xây cất bằng bê tông cốt thép. Bên trong có bài vị ghi bằng chữ Nho hoặc chữ Quốc ngữ “Ngũ hành” hay “Ngũ hành nương nương”, một bình hoa, một bình hương và năm chung nước.

Có nơi bài vị được thay bằng tượng tô, đúc bằng thạch cao hoặc xi măng, tô màu sơn thân tượng cho đến y áo, khăn choàng khoác ngoài, mỗi Ðức Bà đều có màu riêng biệt. Kim Bà thì mặc áo trắng, Mộc Bà áo xanh, Hỏa Bà áo đỏ, Thủy Bà áo đen (hoặc tím) và Thổ Bà thì áo vàng.

Theo đúng tục lệ thì lễ vía Bà Ngũ Hành vào ngày 19 tháng 3 âm lịch hằng năm, nhưng có vài nơi cúng muộn hơn, vào ngày 23 tháng 3. Cũng theo tục lệ thì vào kỳ lễ vía, các miếu Bà phải mời bóng rỗi đến hát, tế, múa dâng bông…

Trước đó, bà con thường cùng nhau đắp y cho Bà, là nghi thức lau chùi, sơn sửa, thay áo, mũ mới cho các pho tượng Bà. Tuy nhiên, nếu có nhu cầu, người ta vẫn có lệ riêng là hễ lúc nào có ai phát tâm cúng Bà thì cứ nhờ người trông miếu tổ chức mâm lễ, chứ không cần chờ đến kỳ lễ vía tháng 3 âm lịch.

Ngày xưa, mỗi khi đến lễ vía Bà là những ngày vui của cả xóm. Ngoài việc bận rộn lo việc cúng kiếng, người dân còn háo hức xem múa bóng rỗi và diễn các trò tạp kỹ(5).

Như vậy tục thờ Bà Ngũ Hành ở Nam Bộ là một dạng tín ngưỡng dân gian trên cơ sở tiếp thu triết lý Ngũ Hành. Dân gian thờ phụng nhằm cầu mong cho các Bà phù hộ độ trì cho gia đạo được bình an, làm ăn thuận lợi, cuộc sống hạnh phúc.

Miếu Ngũ Hành

Kiến trúc

Tọa lạc tên diện tích 520m2, mặt tiền đối diện với chợ Long Thượng, miếu Bà Ngũ Hành ngày nay lợp bằng ngói âm dương vách và hệ thống cột bằng bê tông. Miếu được xây theo kiểu kiến trúc đình làng Nam bộ gồm 2 nhà vuông nối nhau, trong miếu có bàn thờ chánh đặt ở giữa. Miếu Bà Ngũ Hành còn lưu giữ nhiều cổ vật có giá trị như bao lam, hoành phi, liễn đối, khánh thờ chạm trổ tinh vi, thếp vàng rực rỡ.

Qua nhiều lần trùng tu, Miếu vẫn giữ được kiến trúc tứ trụ, nghệ thuật chạm trổ  tinh xảo, đặc biệt là những tư liệu phong phú và quý hiếm, là đối tượng phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học.

Trên đây là một số thông tin về Miếu Bà Ngũ Hành mà Đồ Thờ Hưng Vũ muốn chia sẻ với các bạn về một ngôi miếu có đủ 5 yếu tố vật chất: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ luôn vận động, chuyển dịch.. Hy vọng nội dung trên sẽ giúp các bạn hiểu thêm về Miếu Bà Ngũ Hành cũng như sự linh thiêng ở nơi này nhé!

Nếu các bạn muốn tìm hiểu thêm về các ngôi Miếu khác thì hãy đón đọc những bài viết mới của chúng tôi nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *