Đền Hùng – Tìm về chốn linh thiêng cội nguồn của dân tộc

Đền Hùng là một di tích lịch sử quan trọng ở Phú Thọ, Việt Nam. Đền Hùng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào ngày 6 tháng 12 năm 2012. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tại đền Hùng đã tồn tại từ hàng nghìn năm nay và thể hiện nền tảng tinh thần đại đoàn kết dân tộc và gắn kết cộng đồng. Đền Hùng bao gồm các di tích như Đền Hạ, Nhà bia, Chùa Thiên Quang, Đền Trung, Đền Thượng, Đền Giếng, Đền Mẫu Âu Cơ và Đền thờ Lạc Long Quân. Khu di tích lịch sử Đền Hùng thu hút nhiều du khách và là nơi diễn ra Lễ hội đền Hùng. Hôm nay hãy cùng mình tìm hiểu thêm về ngôi đền này nhé!

Đôi nét về Đền Hùng

Khi giới thiệu về Đền Hùng, điều đầu tiên cần phải được đề cập chính là “Đền Hùng ở đâu?”. Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng thuộc địa phận xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Đền Hùng là nơi thờ cúng 18 đời vua Hùng Vương và tôn thất của nhà vua, những người đã có công dựng nước, được xem là Tổ tiên của dân tộc Việt Nam.

Xưa kia vùng đất này là kinh đô của nước Văn Lang, được bao bọc bởi hai dòng sông và những dãy núi non trùng điệp. Chính địa thế đó đã khiến nơi đây có nhiều sông ngòi, ao hồ, núi đồi và phù sa màu mỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho con người định canh định cư, đồng thời cũng dễ dàng phòng thủ, hoặc rút lui trong trường hợp xảy ra xung đột.

Theo các tài liệu khoa học, quần thể Đền Hùng bắt đầu được xây dựng trên núi Hùng từ thời vua Đinh Tiên Hoàng (năm 968 – 979). Sau đó, đến khoảng thế kỷ XV, dưới thời Hậu Lê, toàn bộ khu di tích được xây dựng hoàn chỉnh theo quy mô như hiện nay.

Đền Hùng có tổng diện tích 845 ha với 4 ngôi đền, 1 ngôi chùa, 1 lăng cùng nhiều hạng mục kiến trúc khác, phân bố từ chân núi lên đến đỉnh núi, hài hòa với tổng thể cảnh quan hùng vĩ. Qua thời gian, nhiều di tích trong quần thể Đền Hùng đã được tôn tạo và xây dựng bổ sung nhưng vẫn giữ được nét cổ kính, nghiêm trang.

Suốt hàng ngàn năm qua, Đền Hùng Phú Thọ là biểu tượng linh nghiêm, tôn kính, gắn liền với đời sống văn hóa tín ngưỡng của dân tộc. Lễ Giỗ tổ Hùng Vương được tổ chức vào mùng 10 tháng 3 Âm lịch hàng năm đã đi vào tiềm thức mỗi người Việt Nam với câu ca dao “Dù ai đi ngược về xuôi – Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba”.

Hàng năm đến ngày này, hàng triệu người Việt Nam thuộc các thế hệ “con Rồng cháu Tiên” lại nô nức về với đất Tổ để dâng hương tại Đền Hùng nhằm bày tỏ lòng thành kính tri ân đến Tổ tiên, nhớ về cội nguồn dân tộc và cầu mong bình an, sức khỏe cùng những điều tốt đẹp.

Đền Hùng

Đền Hùng ở đâu?

Đền Hùng được dựng trên núi Nghĩa Lĩnh, giữa đất Phong Châu, ngày nay là xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Quần thể di tích đền Hùng nằm từ chân núi đến đỉnh ngọn núi Nghĩa Lĩnh cao 175 mét (núi này từng có những tên gọi như Hùng Vương sơn, Núi Cả, Nghĩa Lĩnh, Nghĩa Cương, Hy Cương, Hy Sơn, Bảo Thiếu Lĩnh, Bảo Thiếu Sơn), thuộc địa phận xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, trong khu rừng được bảo vệ nghiêm ngặt giáp giới với những xã thuộc huyện Lâm Thao, Phù Ninh và vùng ngoại ô thành phố Việt Trì, cách trung tâm thành phố Việt Trì khoảng 10km.

Khu vực đền Hùng ngày nay nằm trong địa phận của kinh đô Phong Châu của quốc gia Văn Lang xưa. Theo cuốn Ngọc phả Hùng Vương, đương thời các Vua Hùng đã cho xây dựng điện Kính Thiên tại khu vực núi Nghĩa Lĩnh này.

Các cách di chuyển

Để đến Đền Hùng bạn có thể lựa chọn một trong những cách di chuyển sau đây:

  • Xe máy, ô tô tự lái:

Nếu đi phương tiện cá nhân tới Đền Hùng, có 2 cung đường để bạn lựa chọn:

  • Cung đường 1: Từ trung tâm Hà Nội, bạn đi đường quốc lộ 32C đến Ba Vì, đi qua cầu Trung Hà. Sau đó, bạn di chuyển tiếp đến cầu Phong Châu và đi thêm khoảng 20km nữa là đến.
  • Cung đường 2: Bạn đi theo tuyến đường ra sân bay Nội Bài, qua cầu Thăng Long, đến Quốc lộ 2 thì đi tiếp đến cầu Việt Trì. Sau khi đi qua trung tâm thành phố, bạn rẽ trái và đi thêm 10km nữa sẽ đến Đền Hùng.
  • Xe khách: Để đi xe khách đến Đền Hùng, bạn bắt chuyến xe Hà Nội – Phú Thọ từ Bến xe Mỹ Đình và báo nhà xe cho xuống ở Đền Hùng. Tổng thời gian di chuyển khoảng chừng 2 tiếng.
  • Tàu hỏa: Từ ga Hà Nội, bạn chọn đi một trong hai chuyến tàu Hà Nội – Việt Trì là YB3 và SP3.
    • YB3: Tàu xuất phát từ ga Hà Nội lúc 6h10, dừng tại ga Việt Trì lúc 8h20.
    • SP3: Tàu xuất phát từ ga Hà Nội lúc 22h, dừng tại ga Việt Trì lúc 23h50.

Từ ga Việt Trì bạn đi bộ ra đường Hùng Vương đón xe buýt số 19 hoặc đi xe ôm, taxi để đến Đền Hùng.

Quá trình phát triển của đền Hùng

Đền Hùng được Bộ Văn hóa thông tin xếp hạng là khu di tích đặc biệt của quốc gia vào năm 1962. Đến năm 1967, Chính phủ Việt Nam đã quyết định khoanh vùng xây dựng khu rừng cấm Đền Hùng. Ngày 8 tháng 2 năm 1994, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt dự án quy hoạch tổng thể Khu di tích lịch sử Đền Hùng lần thứ nhất, tạo tiền đề cho việc đầu tư xây dựng nhiều công trình hạng mục trong khu di tích

Ngày 6 tháng 1 năm 2001, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 82/2001/NĐ-CP, quy định về quy mô, nghi lễ tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương và lễ hội Đền Hùng hàng năm. Ngày 10 tháng 3 âm lịch trở thành ngày quốc lễ, ngày giỗ Tổ Hùng Vương

Khu di tích lịch sử Đền Hùng đã không ngừng phát triển, được thể hiện sâu sắc và rõ nét hơn qua hàng loạt công trình kiến trúc văn hóa được đầu tư xây dựng. Nổi bật nhất là từ sau Quyết định số 84/2004/QĐ-TTg ngày 30 tháng 3 năm 2004 về việc phê duyệt quy hoạch phát triển Khu di tích lịch sử Đền Hùng đến năm 2015[7].

Nhiều công trình tiếp tục được xây dựng tại khu di tích Đền Hùng như Đền thờ Lạc Long Quân, đường hành lễ tại trung tâm lễ hội, trụ sở làm việc và nhà tiếp đón khách của khu di tích, đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ…Trước sự phát triển và quy mô ngày càng lớn, đòi hỏi phải có một bộ máy quản lý tương xứng. Ngày 23 tháng 2 năm 2005, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành Quyết định số 525/2005/QĐ-UB về việc nâng cấp Ban quản lý Khu di tích Đền Hùng thuộc Sở Văn hóa thông tin Phú Thọ thành Khu di tích lịch sử Đền Hùng trực thuộc UBND tỉnh.

Ngày 6 tháng 12 năm 2012, UNESCO công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại với những yếu tố thuộc đời sống tâm linh của người Việt Nam đã tồn tại từ hàng nghìn năm nay, thể hiện nền tảng tinh thần đại đoàn kết dân tộc và gắn kết cộng đồng. Tính độc đáo của tín ngưỡng này thể hiện rất rõ ở yếu tố thờ Hùng Vương chính là thờ Quốc tổ. Đây là hiện tượng văn hóa không phải dân tộc nào cũng có.

Đền Hùng

Ý nghĩa, giá trị lịch sử, văn hóa của Đền Hùng

Với giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học đặc biệt, Đền Hùng được xếp hạng là khu di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 1272/QĐ-TTg, ngày 12/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ.

Có thể nói, Đền Hùng là nơi hội tụ những giá trị văn hóa tâm linh sâu sắc của cộng đồng dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử. Điều này thể hiện hết sức cụ thể, sinh động thông qua tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và lễ hội Đền Hùng.

Lễ hội Đền Hùng là lễ hội lớn ở Việt Nam mang tầm vóc quốc gia, thu hút sự quan tâm của tất cả những người Việt Nam chảy trong mình dòng máu “con Rồng cháu Tiên”, dù đang sống trong nước hay ở nước ngoài.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương từ năm 2012 chính thức được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại nhờ những giá trị độc đáo và riêng biệt. Đây là dấu mốc quan trọng và vinh dự to lớn không chỉ với người dân đất Tổ mà còn với cả dân tộc.

Hành trình tham quan di tích lịch sử Đền Hùng

Từ chân núi Hùng lên đỉnh núi Hùng, bạn sẽ được tham quan, khám phá hệ thống các đền, chùa, lăng cùng nhiều hạng mục kiến trúc khác trong quần thể di tích lịch sử Đền Hùng.

Cổng đền

Cổng đền của Đền Hùng được xây dựng vào năm 1917, tức năm Khải Định thứ 2. Cổng có hình vòm cuốn cao 8,5m, bao gồm hai tầng tám mái, lợp giả ngói ống. 4 góc tầng mái trang trí hình Rồng và đắp nổi hai con Nghê. Giữa tầng 1 bức đại tự đề 4 chữ “Cao sơn cảnh hành”, tạm dịch là “lên núi cao nhìn xa rộng”. Mặt sau cổng đền có đắp hai con hổ mang ý nghĩa là hiện thân của vật canh giữ thần.

Đền Hạ gắn với truyền thuyết “Con Rồng Cháu Tiên”

Tương truyền Đền Hạ là nơi mẹ Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng. Phía sau đền ngày nay vẫn còn dấu tích của giếng “Mắt Rồng” nơi mẹ Âu Cơ ấp trứng khi xưa.

Đền Hạ được xây dựng khoảng thế kỷ XVII – XVIII trên nền đất cũ. Kiến trúc của đền theo hình chữ “nhị”, gồm hai tòa tiền bái và hậu cung, nằm cách nhau 1,5m, mỗi tòa có 3 gian. Kiến trúc đền khá đơn sơ không có nhiều họa tiết mỹ thuật trang trí cầu kỳ.

Ngay chân đền là nhà bia hình lục giác có 6 mái. Bên trong mái lợp gạch bìa, bên ngoài láng xi măng. Trong nhà bia hiện nay đặt tấm bia đá ghi lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Bác thăm Đền Hùng ngày 19/09/1945: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước – Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”

Nằm cạnh Đền Hạ là Thiên quang thiền tự, trước đây gọi là Sơn cảnh thừa long tự. Đây là chùa thờ Phật theo hệ phái Đại thừa. Trước sân chùa có tháp sư hình trụ cao 4 tầng thờ cúng các vị hòa thượng đã tu hành và viên tịch tại chùa. Trong chùa còn có một gác chuông, ở đó treo quả chuông được đoán là đúc vào thời Hậu Lê.

Đền Trung

Đền Trung ở Đền Hùng còn gọi là Hùng Vương Tổ miếu được tương truyền là nơi các Vua Hùng ngắm cảnh và luận bàn việc nước cùng chư vị Lạc hầu, Lạc tướng. Đây cũng chính là nơi gắn liền với sự tích vua Hùng thứ 6 truyền ngôi cho Lang Liêu – vị hoàng tử đã làm ra bánh chưng bánh dày.

Đền có kiến trúc kiểu chữ “nhất” với 3 gian tường hồi bít đốc, không có cột kèo, mở 3 cửa trước nhìn về hướng Nam. Chiều dài 7,2m, chiều rộng 3,7m, phần mái hiên cao 1,8m.

Đền Thượng

Đền Thượng là đền cao nhất trong quần thể Đền Hùng, nằm trên đỉnh núi, có tên chữ là Kính Thiên Lĩnh điện (Điện cầu trời) hoặc Cửu trùng thiên điện (Điện giữa chín tầng mây). Tương truyền rằng khi xưa đây là nơi các vua Hùng tổ chức lễ tế trời đất và thần lúa để cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhân khang vật thịnh.

Đồng thời, đây cũng là nơi gắn với sự tích Hùng Vương thứ 6 lập đàn cầu trời ban cho người tài ra giúp nước đánh thắng giặc Ân. Sau khi Thánh Gióng dẹp giặc và bay về trời, vua cho lập đền thờ vọng trên đỉnh núi. Về sau, nhân dân đặt bài vị vua Hùng vào để thờ cúng.

Kiến trúc đền Thượng theo kiểu chữ “vương”, trang trí đơn giản, không chạm trổ cầu kỳ và gồm có 4 cấp: cấp I – nhà chuông trống, cấp II – đại bái, cấp III – tiền tế và cấp IV – hậu cung.

Bên trái đền có một cột đá thề hình vuông, cao 1,3m, rộng 0,3m. Tương truyền cột đá này do An Dương Vương Thục Phán dựng lên để thề nguyện bảo vệ non sông đất nước và đời đời trông nom miếu vũ họ Vương khi được Hùng Vương thứ 18 truyền ngôi.

Phía đông Đền Thượng Đền Hùng là Lăng Hùng Vương có địa thế đầu đội sơn, chân đạp thủy, mặt hướng về phía Đông Nam. Tương truyền đây là mộ của vua Hùng thứ 6. Ban đầu đây là mộ đất, đến năm Tự Đức thứ 27 (1870) được xây mộ dựng lăng và trùng tu lại vào năm Khải Định thứ 7 (1922).

Đền Giếng

Đền Giếng ở Đền Hùng có tên chữ là Ngọc Tỉnh, tương truyền là nơi hai vị công chúa của Hùng Vương thứ 18 là Tiên Dung và Ngọc Hoa thường soi gương, vấn tóc. Hai bà có công lớn trong việc dạy dân trồng lúa nước và trị thủy nên được lập đền thờ phụng muôn đời tại đây.

Đền được xây dựng khoảng thế kỷ XVIII, có kiến trúc kiểu chữ “công”, mặt hướng về phía Đông Nam với ba nhà: tiền bái (3 gian), hậu cung (3 gian), 1 chuôi vồ và 2 nhà oản (4 gian). Nhà tiền bái và nhà hậu cung được nối liền bởi phương đình. Ngoài ra, cổng đền có kiểu cách gần giống cổng chính nhưng nhỏ hơn và thấp hơn.

Đền Tổ mẫu Âu Cơ

Đền Tổ mẫu Âu Cơ là công trình được xây dựng năm 2001 và khánh thành cuối năm 2004. Trong đền đặt tượng thờ Mẹ Âu Cơ và các Lạc hầu, Lạc tường. Đường lên đền được xây bằng 553 bậc đá Hải Lựu.

Đền được xây dựng trên núi Vặn với kiến trúc kiểu truyền thống. Các cột, xà, hoành, dui làm bằng gỗ lim, mái lợp ngói mũi hài, tường xây bằng gạch bát. Đền chính kiến trúc kiểu chữ “đinh”, diện tích 137m2. Bên cạnh đó là nhà Tả vũ, nhà Hữu vũ, nhà bia, trụ biểu, tứ trụ, cổng Tam quan, nhà tiếp khách và hoa viên.

Đền thờ Lạc Long Quân

Đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân trong quần thể di tích Đền Hùng được khởi công năm 2006 và khánh thành năm 2009 tại núi Sim. Đây là vị trí đắc địa với thế “sơn chầu thủy tụ”, cảnh quan hùng vĩ, uy linh. Đền đặt tượng đồng của Quốc Tổ Lạc Long Quân, và các Lạc hầu, Lạc tướng để nhân dân thờ cúng.

Đền có kiến trúc kiểu chữ “đinh” sử dụng vật liệu chính là gỗ lim, sơn son thếp vàng. Phần tường bao dùng gạch chỉ màu đỏ. Phần mái lợp ngói mũi hài. Các công trình trong đền thờ Lạc Long Quân bao gồm Cổng đền, Phương đình, Tả Vũ, Hữu Vũ, trụ biểu, đền thờ.

Bảo tàng Hùng Vương

Quá trình xây dựng Bảo tàng Hùng Vương ở Đền Hùng kéo dài trong 7 năm, từ 1996 đến 2003. Kiến trúc bảo tàng được Hội kiến trúc sư Việt Nam thiết kế với quan niệm trời tròn, đất vuông phỏng theo truyền thuyết bánh Chưng bánh Dày.

Bảo tàng trưng bày các hiện vật, tranh ảnh… khắc họa một chủ đề xuyên suốt là “Các Vua Hùng dựng nước Văn Lang trên mảnh đất Phong Châu lịch sử”. Tại bảo tàng hiện lưu giữ 700 hiện vật gốc trên tổng số 4000 hiện vật. Ngoài ra còn có 162 bức ảnh, 4 bức tranh bằng gốm, 5 bức tranh chất liệu sơn mài, 9 chiếc gò đồng, 5 hộp đựng hình ảnh, một bộ sưu tập tượng lớn…

Tìm hiểu về lễ hội Đền Hùng

  • Địa điểm diễn ra lễ hội: Khu di tích lịch sử Đền Hùng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ
  • Thời gian tổ chức: Ngày 10 tháng 3 Âm lịch hàng năm

Lễ hội Đền Hùng được công nhận là một trong những ngày quốc giỗ của nước Việt Nam. Từ năm 2007, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 Âm lịch là ngày nghỉ lễ chính thức.

Theo quy định, những năm kỷ niệm chẵn (chữ số cuối cùng là 0) hoặc năm tròn (chữ số cuối cùng là 5), lễ hội sẽ được tổ chức tại Đền Hùng với quy mô cấp trung ương. Các năm còn lại sẽ tổ chức quy mô cấp tỉnh, do tỉnh Phú Thọ chủ trì.

Các hoạt động chính trong Lễ hội Đền Hùng bao gồm phần Lễ và phần Hội.

Phần Lễ bao gồm lễ rước kiệu và lễ dâng hương tại đền Thượng. Hai lễ sẽ được cử hành đồng thời trong ngày chính hội mùng 10 tháng 3 Âm lịch:

  • Lễ rước kiệu vua: Đám rước kiệu sẽ mặc trang phục truyền thống sẽ rước lọng, kiệu với cờ hội, vòng hoa rực rỡ, theo nhịp trống trong suốt hành trình sẽ xuất phát từ dưới chân núi, ghé lần lượt các đền trước khi lên tới Đền Thượng Đền Hùng làm lễ dâng hương.
  • Lễ dâng hương: Lễ này sẽ được thực hiện bởi một vị lãnh đạo đại diện để cầu mong các vị Thánh Tổ phù hộ cho quốc thái, dân an, mưa thuận gió hòa, bách gia trăm họ, vạn đại trường tồn, mạnh khỏe, bình an, vui hưởng thái hòa…

Phần Hội của lễ hội Đền Hùng bao gồm nhiều trò chơi dân gian thú vị, đặc sắc được tổ chức nhằm thể hiện và tôn vinh những giá trị truyền thống văn hóa lâu đời của dân tộc. Các hoạt động nổi bật có thể kể đến như hát xoan – hình thức dân ca đặc trưng của vùng Phú Thọ, đấu vật, kèo co, bơi trải ở ngã ba sông Bạch Hạc – nơi Vua Hùng luyện tập các đoàn thủy binh khi xưa, thi gói bánh chưng bánh dày…

Kinh nghiệm du lịch Đền Hùng cần biết

Nếu đang có dự định du lịch Đền Hùng, hãy bỏ túi ngay những thông tin quan trọng cần biết dưới đây để có chuyến đi thuận lợi:

Thời gian nên đi

Thời điểm lý tưởng để đi Đền Hùng là dịp đầu năm, khoảng tháng 2 đến tháng 5. Lúc này thời tiết đặc biệt mát mẻ, dễ chịu, việc di chuyển nhiều sẽ không bất tiện và khó chịu như trong mùa hè nắng nóng.

Đặc biệt, nếu đi vào đúng dịp Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 Âm lịch, bạn sẽ được chứng kiến lễ hội vô cùng quy mô, hoành tráng và cảm nhận không khí hân hoan, nhộn nhịp.

Vào ngày này, đông đảo người dân cả nước sẽ nô nức, tấp nập đi trẩy hội Đền Hùng để dâng hương bày tỏ sự tri ân thành kính đến các vị Tổ tiên và tham gia vào những hoạt động đặc sắc trong lễ hội.

Đền Hùng

Một số lưu ý khác

  • Quần áo: Khi đi Đền Hùng bạn nên mặc trang phục gọn nhẹ, thoải mái để thuận tiện di chuyển nhưng phải đảm bảo lịch sự, đứng đắn, không hở hang.
  • Giày dép: Nên đi giày thể thao, loại có đế bám tốt vì di chuyển và leo núi nhiều. Trong mùa hè có thể mang theo cả dép tổ ong để đi cho thoải mái.
  • Bảo vệ tài sản cá nhân: Trong tình trạng đông người tập trung ở Đền Hùng, bạn hãy luôn chú ý bảo vệ tài sản cá nhân như điện thoại, ví tiền… Bạn hãy quay balo, túi về phía trước để trông được tài sản của bản thân.
  • Luôn mặc cả để tránh bị “chặt chém”: Bạn hãy luôn hỏi giá trước khi mua đồ hay sử dụng bất cứ dịch vụ gì tại Đền Hùng và trả giá hợp lý rồi mới thanh toán.

Trên đây là một số thông tin về Đền HùngĐồ thờ Hưng Vũ muốn chia sẻ với các bạn về một ngôi chùa nằm ở Phú Thọ. Hy vọng nội dung trên sẽ giúp các bạn hiểu thêm về ngôi đền này nhé!

Nếu các bạn muốn tìm hiểu thêm về các ngôi chùa khác thì hãy đón đọc những bài viết mới của chúng tớ nhé.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *