Chùa Minh Thành là điểm đến cho những ai muốn tìm kiếm một không gian an yên và sâu lắng khi du lịch Gia Lai. Phố núi Gia Lai ngày càng trở thành địa điểm du lịch yêu thích của những tín đồ mê xê dịch. Nổi tiếng với những rừng cà phê bạt ngàn, những đồi chè xanh ngát, biển hồ nên thơ hùng vĩ, mà còn sở hữu những công trình kiến trúc độc đáo ấn tượng.
Trong đó, nổi bật là ngôi chùa mang tên Minh Thành, phảng phất hơi thở của xứ sở mặt trời mọc Nhật Bản toát lên vẻ đẹp huyền ảo cổ kính, làm bao nhiêu du khách phải mê mẩn đắm say. Hôm nay, hãy cùng theo chân chúng tớ để tìm hiểu rõ hơn về ngôi chùa Minh Thành này nhé!
Địa chỉ và hướng đi của chùa Minh Thành
Chùa Minh Thành tọa lạc tại số 348 đường Nguyễn Viết Xuân, phường Hội Phú, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai.
Nằm cách trung tâm thành phố Pleiku khoảng 2km về hướng Tây Nam, tổng thể diện tích ngôi tự viện bao quát trong khuôn viên rộng 2 héc ta.
Từ trung tâm thành phố, du khách đi theo hướng Đông đến đường Hùng Vương, tiếp theo rẽ trái vào đường Nguyễn Viết Xuân đi thẳng khoảng 800m sẽ thấy chùa Minh Thành nằm phía tay phải.
Chùa Minh Thành có gì đặc sắc?
Lịch sử xây dựng chùa Minh Thành
Không thua kém gì Thiền Đường Giác Sơn, Chùa Minh Thành cũng có một lịch sử xây dựng khá thú vị. Được xây nên từ năm 1964 bởi Hòa thượng Thích Giác Đạo. Trải qua biết bao thăng trầm và các biến động của lịch sử, Chùa Minh Thành dần xuống cấp và phải trùng tu lại vào năm 1997.
Trong quá trình trùng tu, Chùa Minh Thành đã được xây dựng thêm một số công trình kiến trúc khác nhau trong khuôn viên xinh đẹp. Sau hơn 10 năm trùng tu, Chùa Minh Thành hoàn toàn lột bỏ đi lớp áo cũ và khoác lên một diện mạo hoàn toàn mới, đẹp hơn, khang trang hơn rất nhiều.
Ngày nay, khi ghé lại Chùa Minh Thành, nhiều cô chú vẫn không thể giấu nổi niềm xúc động và vẻ mặt ngạc nhiên vì khung cảnh chùa đã hoàn toàn thay đổi. Tuy nhiên, nét đẹp cổ kính, trang nghiêm vốn có vẫn ở đó và đủ sức hấp dẫn bất kỳ ai đam mê du lịch tâm linh.
Nét kiến trúc mang đậm bản sắc văn hóa Á Đông
Nổi tiếng không thua kém gì Khu di tích Tây Sơn Thượng Đạo hay những điểm tham quan khác tại Gia Lai, Chùa Minh Thành được xây dựng với lối kiến trúc mang đậm màu sắc Á Đông. Tại chùa có rất nhiều công trình kiến trúc cổ của Phật giáo được giao thoa giữa lối thiết kế theo hướng thiền tông đến từ các nước như Ấn Độ và Đông Á.
Chánh điện của Chùa Minh Thành là nơi thờ tự chính cũng như là địa điểm mà các Phật tử, chư tăng vào lễ Phật, đọc kinh. Bên trong chính điện được đặt những pho tượng độc đáo, chạm khắc tinh xảo, công phu.
Một trong những điểm nhấn đặc sắc của Chùa Minh Thành chính là ngôi bảo tháp độc đáo cao tới 9 tầng. Tháp Xá Lợi được thiết kế vô cùng ấn tượng với màu sắc sa chu khác lạ. Đây chính là sắc màu mang ý nghĩa tôn kính thường được sử dụng trong nhà Phật.
Bên cạnh đó, ngôi bảo tháp này còn là nơi lưu giữ hơn 10.000 bộ kinh Phật vô cùng quý giá. Có thể nói, Chùa Minh Thành chính là địa điểm gìn giữ những giá trị văn hóa quý giá có từ lâu đời mà bất cứ ai yêu mến lịch sử, đam mê du lịch tâm linh có thể ghé qua khám phá.
Chắc chắn rằng sau một ngày tham quan nơi đây, bạn sẽ học hỏi được rất nhiều điều bổ ích và có được một trải nghiệm vô cùng thú vị.
Khuôn viên chùa Minh Thành
Ngay khi bước vào chùa bạn sẽ thấy ngay tượng Phật bà Quan Âm được đặt ở chính giữa cửa ra vào và được trang trí cây xanh, cột đá, tượng kỳ lân một cách đối xứng trông rất hài hòa. Thắp một nén nhang thơm, kính lễ rồi chúng mình đi vào đại sảnh. Đường đến đại sảnh bạn sẽ được bắt gặp những bức tranh lớn viết về những điều răn dạy của Phật pháp dành cho các phật tử, chúng sinh.
Sân chùa khá rộng và được trang trí bằng những tiểu cảnh, tượng đá, vật liệu gỗ được chạm khắc một cách rất tinh xảo. Ngoài ra, chùa còn có không gian xanh được các nhà sư thiết kế khá hợp lý bằng cây cối và tiểu cảnh làm cho bầu không khí trở nên rất trong lành, thanh tịnh.
Những cây liễu nhỏ rủ xuống quanh hồ, cả bầu trời in bóng xuống mặt nước tạo thành một khung cảnh rất nên thơ khiến nhiều người phải bồi hồi, xao xuyến – thật đẹp! Bạn sẽ dễ bắt gặp trong những lối đi nhỏ của chùa là những bức tường rêu phong do đã được xây dựng từ lâu, những bức tường cây leo chằng chịt như một minh chứng cho sự lâu đời của ngôi chùa như bao ngôi chùa cổ kính của Việt Nam.
Kiến trúc của Chùa Minh Thành
Kiến trúc chùa ngay tại chánh điện được xây dựng theo một hình thức đơn giản của mạn-đà-la. Vòng tròn tượng trưng như một đóa hoa sen nở trọn – là căn bản của vũ trụ luận Mật giáo. Kiến trúc mái nhà được sử dụng kết cấu đấu-củng theo phong cách kiến trúc thời Lý-Trần của Việt Nam.
Đây là một công trình tiêu biểu cho việc phục dựng hình ảnh kiến trúc cổ Việt Nam đặc biệt là thời điểm huy hoàng trong thời Lý, Trần của Việt Nam. Với đặc điểm phức tạp và hoa mỹ mang tính nghệ thuật cao, kết cấu bền vững tỉ mỉ từng chi tiết như con sơn, khớp mộng đòi hỏi những người thợ lành nghề nhất nắm được những kỹ thuật xưa cũ mới có thể thực hiện được.
Có thể nói đây là công trình phục dựng kiến trúc cổ Việt Nam có tâm có tầm nhất hiện nay tại Việt Nam vì hầu hết các công trình kiến trúc cổ Việt Nam hiện nay đều là công trình dân gian làm theo kiểu bắt cóc bõ dĩa thực hiện những kỹ thuật đơn giản thời vụ ít đầu tư tâm và lực.
Thông thường, có hai bộ mạn-đà-la là: Kim cang giới mạn-đà-la và Thai tạng giới mạn-đà-la, là đại biểu tượng trưng cho trí tuệ sở chứng của Phật và biểu tượng cho phương tiện độ sinh của Ngài. Mỗi mạn-đà-la đều dựa trên một số chủ điểm tư tưởng của Đại thừa giáo.
Những tác phẩm nghệ thuật chạm khắc tượng ở nơi đây, dựa trên nền tảng của triết học Mật giáo. Nó bao hàm cả hai khía cạnh văn chương và triết lý, gần như tất cả tinh hoa của tư tưởng và văn học Phật giáo Đại thừa Mật tông.
Cửa chánh điện chiều cao 6m, khung cửa dày 4 tấc với 6 cánh cửa dày 2 tấc, được chạm khắc 6 vị đại Bồ Tát trên hệ thống cửa. Bộ lư và đèn được làm bằng chất liệu gốm, phục chế theo phong cách đời Lê mạt. Bàn thờ Phật tại chánh điện lớn nhất, với chiều dài 6m và cao 1,2m. Bộ chuông mõ lớn nhất. Kế đến là cặp bảo cái, cặp tràng phan, bệ hoa sen được đưa từ Nhật về. Các tượng Phật và Bồ tát thì được đưa từ Đài Loan về.
Chánh điện chùa cao 16m, trần nhà làm bằng gỗ pơ-mu, và sập gụ, bên trong chánh giữa điện tôn trí tượng Tỳ Lô Giá Na Phật, cao 6m, nặng 16 tấn, mỗi cách sen có chạm khắc nổi những vị Phật, và vách phía sau là bát thập bát Phật (88 vị Phật).
Ngũ phương Phật (5 vị Phật) Đông, Tây, Nam, Bắc, bát bộ kim cang (8 vị Hộ pháp), tượng Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, ngoài ra còn có các tượng Văn Thù, Phổ Hiền, Hai bên tả hữu, tôn trí tượng Thập nhị Duyên Giác (12 vị đại bồ tát), mỗi tượng cao ba mét làm bằng gỗ mít, sơn son thiếp vàng. Hai bên vách chánh điện có 30 ngàn vị Phật. Tất cả các bức tượng này được chạm nổi vào tường rất công phu.
Đại Bi đường thờ Quan Thế Âm Bồ Tát Thiên Thủ Thiên Nhãn, mà theo cách gọi dân dã đó là Phật nghìn mắt nghìn tay, theo phong cách Việt Nam, cao 7,5m, thờ hai bên tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn là 2 tượng Hộ pháp cao 3m, ba pho tượng được chạm khắc bằng gỗ thờ tại tầng dưới theo hướng tây của chánh điện.
Tháp Từ Ân thờ tổ khai sơn, tháp có ba tầng mái, lợp ngói âm dương, trang trí rồng và hoa sen cách điệu. Bên trái chánh điện là tháp chuông, tôn trí đại hồng chung nặng 4 tấn thờ bên trái chánh điện.
Trước sân chùa Tượng đức Phật A Di Đà bằng đá, cao 7,5m, nặng 40 tấn được tôn trí uy nghiêm giữa hồ nước Liên Trì ao sen với hoa nở ánh hồng cả mặt nước.
Một công trình khác đang được thi công và sắp hoàn thành đó là ngôi bảo tháp thờ Xá Lợi 9 tầng cao 72m, được tôn trí bên trong bảo tháp là 4 vị Thiên thủ Thiên nhãn, cao 8m và ngang 3,5m, được chạm khắc rất tinh tế sống động từng chi tiết bằng gỗ mít.
Tầng 1 và các tầng khác sẽ là nơi thờ thất Phật và Xá lợi của đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Trước ao Liên Trì là lư hương bằng đồng lớn nhất, cao 4m, nặng 4 tấn. Bên phải chánh điện là khu tăng phường (gồm trai đường, giảng đường, thiền đường và tàng kinh các) có diện tích hàng ngàn mét vuông, và những công trình khác như; phương trượng đường; khách đường.
Những công trình đang sắp hoàn thành, xây cổng tam quan; nhà Tổ; nhà tăng; Điện thờ 500 vị La hán được làm bằng gỗ mít. Giới đường, đang chuẩn bị thi công, điện thờ Tứ Đại Thiên Vương.
Tòa tháp độc đáo của chùa Minh Thành
Ngôi bảo tháp độc đáo nhất Việt Nam – bảo tháp xá lợi cao tới 9 tầng cao 72 m, và nằm phía bên trái chánh điện. Theo lời kể của một sư thầy bảo tháp này được xây dựng từ trên đỉnh tháp xuống chân tháp, đi ngược lại cách xây dựng thông thường.
Khi các nhóm thợ được trụ trì mời đến nhận thầu mọi người đều lắc đầu bảo khó, sao mà làm được, nhưng cuối cùng cũng có đội ông Sáu – người từng xây dựng nhiều ngôi chùa ở đây dũng cảm nhận thầu.
Đặt bên trong bảo tháp là 4 vị Thiên Thủ Thiên Nhãn cao tới 8 m và ngang 3.5 m được chạm khắc rất tinh tế bằng gỗ Mít. Tầng 1 và các tầng khác là nơi thờ thất Phật và Xá Lợi của đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Bảo tháp với gam màu chủ đạo là đỏ và vàng sặc sỡ, trông rất bắt mắt. Đây là một công trình được nằm trong top công trình kiến trúc cao nhất của thành phố Pleiku.
Từ xa nhìn vào, với nền trời xanh trong, ánh sáng mặt trời phản chiếu bảo tháp hiện ra như một biểu tượng cho sự uy nghiêm, tôn kính. Cũng chính nhờ lối kiến trúc độc đáo của bảo tháp mà khiến nhiều du khách cứ ngỡ như mình đang đi lạc vào một ngôi đền của đất nước Mặt trời mọc Nhật Bản.
Lưu ý khi tham quan Chùa Minh Thành
Chùa là địa điểm du lịch mang đậm các nét tín ngưỡng, tôn giáo nên bạn cần lựa chọn trang phục thanh lịch, kín đáo phù hợp với cảnh quan nơi đây.
- Tránh làm ồn, nên đi nhẹ, nói khẽ và không nói tục, chửi thề.
- Không tự ý chạm tay vào đồ vật hoặc thay đổi những vật dụng được dùng để trưng bày trong Chùa.
- Khi tham quan, bạn nên lưu ý có một số nơi không được tùy tiện vào tận nơi. Bạn có thể hỏi cái sư trụ trì trong chùa để được hướng dẫn.
Trên đây là một số thông tin về Chùa Minh Thành mà Đồ thờ Hưng Vũ muốn chia sẻ với các bạn về một ngôi chùa nằm ở Gia Lai. Hy vọng nôi dung trên sẽ giúp các bạn hiểu thêm về ngôi chùa Minh Thành này nhé!
Nếu các bạn muốn tìm hiểu thêm về các ngôi chùa khác thì hãy đón đọc những bài viết mới của chúng tớ nhé!