Cụm Đình Hương Canh, Ngọc Canh và Tiên Canh, nơi thờ phụng nhị vua Hậu Ngô. Ba đình Hương Canh, Ngọc Canh và Tiên Canh cùng thờ chung 6 vị thành hoàng là vua Ngô Xương Ngập; vua Ngô Xương Văn, tướng Đổ Cảnh Thạc cùng 3 thánh mẫu là Linh Quang Thái Hậu, hoàng hậu Thiên Sách vương; Khả/A Lã Nương Nương (hoàng hậu Nam Tấn vương và Thị Tùng Phu Nhân (phu nhân tướng Đỗ Cảnh Thạc).
GIỚI THIỆU ĐÌNH HƯƠNG CANH
Đình Hương Canh xưa thuộc huyện xã Hương Canh, huyện An Lãng, Phủ Tam Đái, Trấn Sơn Tây (xứ Đoài), nay là thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên, Tỉnh Vĩnh Phúc, chỉ cách Hà Nội chừng 40km về phía Tây Bắc.
Từ xa xưa Hương Canh đã nổi danh xứ Đoài về sự trù phú và danh giá, từng có câu ca dao cổ đời Lê ca ngợi vùng đất này:
Xứ Nam nhất chợ Bằng Gồi
Xứ Bắc Vân Khám, xứ Đoài Hương Canh
Cũng chính bởi thế tại Hương Canh đã có rất nhiều công trình văn hóa với quy mô to lớn dầy về kiến trúc, dầy đặc về mật độ còn được gìn giữ nguyên vẹn đến ngày nay. Cho đến những năm cuối thế kỷ XX vẫn còn lại 3 đình lớn và 3 ngôi chùa cổ.
Nhưng có lẽ trong các công trình ấy được nhắc tới nhiều và ca ngợi hơn cả là Đình Hương Canh.
Hiện nay tại đình không còn niên biểu ghi lại chính xác niên đại , tuy nhiên căn cứ vào nghệ thuật kiến trúc và những khảo tá trong dân gian lại thì đình được xây vào cuối thế kỷ 17- đầu thế kỷ 18 thời Hậu Lê.
Đình Hương Canh có kiến trúc hình chữ Vương, gồm ba toàn Tiền Tế, Trung Tế (Đại đình) và Hậu cung đây cũng là kiểu kiến trúc chung của cụm di tích 3 đình Hương Canh, Ngọc Canh, Tiên Canh tạo thành cụm đình Tam Canh độc đáo.
Phần tiền tế của đình gồm 3 gian, có mái được xây dựng theo kiểu chồng diêm 2 tầng 8 mái. Các bờ nóc, đầu đao được các nghệ nhân trang trí rất công phu tinh xảo.
Tòa Đại đình dài 26m, rộng 13,5m có rất nhiều bức chạm trổ hết sức tinh vi đặc biệt nhất là những bức chạm trên ván gió. Với 15 bức chạm lớn nhỏ được ghép thành 6 mảng lớn ở trong đình, các bức chạm toát lên tinh thần miêu tả không khí vui tươi của ngày hội làng, nhiều bức đã đạt tới đỉnh cao nghệ thuật điêu khắc đình làng Việt Nam. Như các bức: “Bơi chải”, “Đi săn” “Đánh vật”., “Cưỡi long dự hội”…
Đình Hương Canh thờ sáu vị thành hoàng là những nhân thần triều nhà Ngô, gọi là Lục vị thành hoàng trong đó có con cả của Ngô Quyền là Ngô Xương Ngập phong là Thiên Sách Hoàng Đế, con thứ Ngô Xương Văn được phong là Quốc Vương Thiên Tử và Đỗ Cảnh Thạc là tướng của Ngô Quyền, cùng 3 nhân vật khác được phối thờ là Linh Quang Thái Hậu, Khả Lã Nương Nương và Thị Tùng Phu Nhân.
Căn cứ vào tài liệu thống kê của Viện Viễn Đông Bác Cổ (1938), đình Hương Canh có 26 đạo sắc phong được phong từ đời Hậu Lê tới cuối đời Nguyễn nhưng do những biến cố lịch sử trong thời gian kháng chiến chống Pháp (1949-1954) nên tất cả những sắc phong nay đã không còn và đáng tiếc không còn bản sao ở các thư viện lưu trữ quốc gia.
Không chỉ thờ thành hoàng làng, hai gian cạnh của đình có hai ban thờ khác. Bên tả thờ những bậc tiên hiền của làng gọi là ban ‘Tiên Hiền Quan’. Bên hữu thờ các nghĩa sĩ của làng đã hy sinh trong hai lần chống giặc Thằng Què (Nguyễn Danh Phương) năm 1750 và quân Cờ Đen Lưu Vĩnh Phúc năm 1884. Ban thờ bên hữu đó gọi là “Ban Trung Hồn Quan”
Theo tư liệu sưu tầm tại địa phương, và lời kể bậc cao niên trong làng, xưa kia đình Hương Canh vẫn ở vị trí hiện nay nhưng nền thấp, đình lại ở gần bờ sông Cánh hơn cả so với các công trình khác vì thế nhiều năm nước to đều ngập sàn đình.
Chính vì thế, năm 1925, cụ trùm nước ba làng Cánh là cụ Nguyễn Khắc Lâm (1884-1944) đã huy động nhân dân lên táng ngôi đình và đổ đất nền lên cao tới 1.5m vì thế đình có địa thế cao như hiện nay . Trong lần trùng tu này người làng đã sửa gọn tòa tiền tế thành phương đình hai tầng tám mái nguy nga lỗng lẫy.
Ngày 14, 15 tháng Hai hàng năm là ngày lễ hội tế thành hoàng tại được tổ chức cùng ngày với các đình tại ba làng Tam Canh .Ngoài ngày đại tế các kỳ tế lễ khác như Rằm Tháng 7 , Hạ Điền và hai kỳ giỗ trận đều được tế lễ các đình với quy mô nhỏ hơn nhưng đều nay đều thất truyền hết cả.
Ngay từ những năm đầu thế kỷ XX, nghệ thuật kiến trúc đình Hương Canh đã được người Pháp đánh giá là một trong những công trình văn hóa có giá trị. Viện Viễn Đông Bác Cổ đã tiến hành nghiên cứu và chụp ảnh tư liệu tại nơi đây.
Hiện còn lưu trữ ở thư viện viện Thông Tin Khoa Học Xã Hội nhưng chưa được sưu tầm hết.Ngày 18-10-1964, đình Hương Canh được Bộ Văn Hóa xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia, riêng phần chạm khắc được liệt vào loại A
Từ năm 2007 đến 2010 đình đã được được Bộ VHTT & Du lịch tiến hành trùng tu với quy mô lớn từ nguồn ngân sách quốc gia đã cơ bản cải tạo vấn đề xuống cấp do thời gian và phục dựng được tòa hậu cung đã bị dỡ bỏ năm 1964.
Đại đình
Đại đình nằm trên bệ cao 6 bậc so với mặt sân, gồm 3 tòa đặt song song với nhau: Tiền đường, Trung đường và Hậu đường, được nối với nhau bằng một tòa đặt dọc, còn gọi là Ống muống.
Tiền đường gồm 3 gian; mái được xây dựng theo kiểu chồng diêm 2 tầng 8 mái. Một phần kết cấu chịu lực và mái của Tiền đường hợp khối với tòa Trung đường. Tòa Tiền đường như một hiên hay sảnh của tòa Trung đường, 3 mặt để thoáng.
Tòa Trung đường có quy mô lớn nhất trong đình, gồm 5 gian, 2 chái, dài 26m, rộng 13,5m, 4 mái. Kết cấu đỡ mái gồm 6 hàng cột với 48 cột. Cột cái chu vi 2,40m, cao 6m; cột con chu vi 1,80m, cao 4m. Các bờ nóc, đầu đao được trang trí công phu; mái lợp ngói mũi hài.
Trung đường là nơi hội họp của cộng đồng dân cư trong làng và đặt các ban thờ hướng vào Hậu đường. Cách tổ chức ban thờ tại Trung đường tương tự như của các ngôi đình không có Hậu cung (hay Hậu đường) là đặt trên một tầng lửng (như gác xép) với thang nhỏ leo lên.
Tòa Trung đường hiện tại không có sàn gỗ như các ngôi đình truyền thống khác. Có thể sàn gỗ xưa hư hỏng và bị dỡ bỏ. Tòa Hậu đường gồm 3 gian, 2 chái; mái được dựng theo kiểu chồng diêm 2 tầng 8 mái.
Kết cấu đỡ mái gồm 4 hàng cột với 24 cột. Bên trong Hậu đường là các ban thờ đặt bài vị của 6 vị thành hoàng làng. Hai gian bên của tòa Hậu đường còn có các ban thờ khác. Bên tả thờ những bậc tiên hiền của làng gọi là ban “Tiên Hiền Quan. Bên hữu thờ các nghĩa sĩ của làng đã hy sinh vì nước, gọi là “Ban Trung Hồn Quan”.
Cụm đình Hương Canh được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt
Xây dựng) – Sáng 5/3, huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) công bố quyết định công nhận Di tích quốc gia đặc biệt – Di tích kiến trúc nghệ thuật cụm đình Hương Canh.
Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Minh Trung – Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện cho biết: Bình Xuyên là vùng đất cổ có từ lâu đời, đã được quốc sử nêu danh từ thời nhà Trần, thế kỷ XIII. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, con người và vùng đất Bình Xuyên vẫn luôn thể hiện sức sống mãnh liệt của mình cùng với sự trường tồn của dân tộc.
Nơi đây, từng có một Bình Lệ Nguyên (vùng Hương Canh – Đạo Đức ngày nay), nổi danh ngàn đời với trận chiến do Vua Trần Thái Tông đích thân chỉ huy quan quân chiến đấu chống quân xâm lược Nguyên – Mông vào năm 1258.
Nơi đây cũng chứa đựng những giá trị văn hóa đặc sắc mãi lưu truyền cho hậu thế. Bình Xuyên ngày nay đang vươn lên mạnh mẽ, xứng danh là Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân mà Đảng và Nhà nước đã phong tặng.
Lịch sử đã sang trang, nhưng di sản văn hóa mãi được kết tinh trong đời sống, trong các công trình kiến trúc, các di tích lịch sử văn hóa cộng đồng đã trở thành truyền thống quý báu của con người, là niềm tự hào, niềm động viên khích lệ để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện, phấn đấu vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của huyện.
Trên địa bàn huyện hiện nay có 203 di tích, trong đó có 12 di tích cấp quốc gia, 46 di tích cấp tỉnh được xếp hạng. Đặc biệt ba ngôi đình của ba làng Hương Canh, Ngọc Canh và Tiên Canh đều được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia.
Các đình tọa lạc tại vị trí cách nhau từ 100-300m, tạo thành quần thể di tích hoành tráng, kề sát Quốc lộ 2A, thuận lợi cho tham quan du lịch và hành hương.Hàng năm, cứ vào dịp Tết đến xuân về, lễ tế đình ngày 14/2 âm lịch được tổ chức tại cụm di tích lịch sử văn hóa đình làng nhằm lưu giữ những tinh hoa văn hóa của dân tộc, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.
Bằng sức sáng tạo, các thế hệ nhân dân thị trấn Hương Canh đã nối tiếp nhau xây đắp, giữ gìn một di sản văn hóa được kết tinh bởi trí tuệ, bản lĩnh, tâm hồn và nhân cách Việt Nam, in đậm dấu ấn, bản sắc văn hóa dân tộc.
Khi xưa, Hương Canh được xác định là cái nôi của văn hóa lễ hội, thể thao cổ truyền như các trò diễn dân gian, đặc sắc hơn cả là trò chơi kéo song nổi tiếng diễn tả lại việc thao luyện thủy quân của Ngô Vương Quyền trên khúc sông Cà Lồ
Llàm tiền đề cho chiến công hiển hách đánh thắng quân Nam Hán tại sông Bạch Đằng năm 938 còn tồn tại và phát huy giá trị nhân văn tới ngày nay.
Đặc biệt, Hương Canh còn được biết đến với sự nổi tiếng của ba ngôi đình làng thờ các vị thành hoàng làng. Ba ngôi đình: Hương Canh, Ngọc Canh, Tiên Canh là các công trình kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu cho hệ thống đình làng Bắc bộ
Không chỉ là niềm tự hào của người dân Hương Canh, mà còn là Di sản văn hóa vật thể vô cùng quý giá của huyện Bình Xuyên và của tỉnh Vĩnh Phúc.
Có thể thấy, trong tiến trình phát triển, huyện Bình Xuyên nói chung và thị trấn Hương Canh nói riêng, đã luôn quan tâm đến công tác xây dựng đời sống văn hóa đi đôi với phát triển kinh tế – xã hội; Bảo tồn phát huy và gìn giữ các giá trị văn hóa lịch sử từ ngàn đời của cha ông để lại.
Những kết quả này minh chứng bằng thành tích, cụm đình Hương Canh được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1649/QĐ-TTg, ngày 29/12/2022 công nhận Di tích quốc gia đặc biệt.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch UBND huyện Bình Xuyên chia sẻ: Ba ngôi đình của ba làng Hương Canh, Ngọc Canh và Tiên Canh đều được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia và đến nay rất vinh dự được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận Di tích quốc gia đặc biệt.
Đình Hương Canh được gia công, thể hiện nhiều hơn về trang trí, chạm trổ. Đình tọa lạc ở phía Nam thị trấn Hương Canh, mặt tiền hướng Tây Nam, nhìn ra hồ Điếm Lang, đấu trường kéo song và sông Cầu Treo.
Trải qua thời gian và những biến cố thăng trầm của lịch sử, gần 300 năm nay, đình Hương Canh vẫn đứng đó như thách thức với nắng mưa, chống chọi với thiên nhiên về bộ mái đồ sộ.
Lợp bằng ngói mũi hài, mái đình được xếp đặt một cách thứ tự theo kiểu đóng ốc vảy rồng, rất chặt chẽ, phẳng đẹp. Bờ nóc đình được đắp thẳng ke, các đầu đao cong vút.
Toàn bộ mái đình trông như một cánh diều khổng lồ đang động đậy, sắp sửa bay lên không trung. Về mặt bằng, đình Hương Canh có bố cục 3 tòa kiến trúc, gồm phương đình, đại bái và hậu cung. Phương đình 2 tầng 8 mái.
Lớp mái trên cách mái dưới khoảng 1m, tạo khoảng trống cho không khí thoát ra. Phương đình có chiều ngang 8m20, sâu 4m, chia làm 3 gian. Tòa đại bái có 5 gian 2 dĩ, chiều ngang 26m, chiều dọc 14m, gồm 48 cột.
Được xây dựng với kỹ thuật điêu luyện, kiến trúc độc đáo, mỹ thuật trang trí nội thất có nội dung sâu sắc, sinh động, đình Hương Canh là nơi gửi gắm những tình cảm thiêng liêng, những ước mơ cao đẹp, những nguyện vọng chính đáng của nhân dân ta.
Góp phần tạo nên cụm di tích là đình Ngọc Canh, được kiến tạo vào thời Hậu Lê. Theo nhiều nhà nghiên cứu, xây dựng đình Ngọc Canh không thể sớm hơn đời Cảnh Hưng (1740-1786). Còn việc trùng tu đều diễn ra vào đầu triều Nguyễn.
Nếu như kiến trúc, mỹ thuật ở đình Hương Canh tả nhiều về ngày hội làng, những trò chơi dân gian, tạo nên không khí vui nhộn, thì ở đình Ngọc Canh lại thiên về đặc tả những cảnh lao động, những thú vui dân dã của người lao động ở thôn quê. Tiêu biểu là các bức chạm “dựng cột buồm”, “uống rượu”, “chơi cờ”,“đến hát nhà quan”.
Đình Tiên Canh có quy mô lớn hơn hai đình Ngọc Canh và Hương Canh. Bố cục mặt bằng hình chữ ‘Vương”, gồm 3 tòa kiến trúc: Tiền tế, đại bái và nhà hậu.
Thể thức kiến trúc của đình Tiên Canh cũng giống như Hương Canh và Ngọc Canh, cột xà có kích thước lớn tạo cho đình một bộ khung hết sức đồ sộ. Bên trái đình có một hồ rộng, diện tích 2.160m2. Hồ được đào vào đầu thời Nguyễn để lấy đất đắp nền đình.
Di tích kiến trúc nghệ thuật cụm đình Hương Canh trở thành Di tích quốc gia đặc biệt vừa là niềm tự hào của nhân dân địa phương nhưng cũng đặt ra trách nhiệm bảo tồn, phát huy giá trị của di tích này, từ đó góp phần vào phát triển kinh tế – xã hội của huyện.
Trên đây là một số thông tin về Đình Hương Canh mà Đồ Thờ Hưng Vũ muốn chia sẻ với các bạn về một nơi cùng thờ chung 6 vị thành hoàng là vua Ngô Xương Ngập; vua Ngô Xương Văn, tướng Đổ Cảnh Thạc cùng 3 thánh mẫu là Linh Quang Thái Hậu, hoàng hậu Thiên Sách vương. Hy vọng nội dung trên sẽ giúp các bạn hiểu thêm về Đình Hương Canh cũng như nghệ thuật chạm khắc độc đáo ở nơi này nhé!
Nếu các bạn muốn tìm hiểu thêm về các ngôi Đình khác thì hãy đón đọc những bài viết mới của chúng tôi nhé!