Chùa Sủi Gia Lâm Hà Nội | Đại Dương Sùng Phúc tự nguồn gốc thế nào?

Chùa Sủi Gia Lâm Hà Nội từ lâu đã gắn liền với lịch sử thời là Lý – Trần và thờ Ỷ Lan nguyên phi. Với kiến trúc cổ kính, lâu đời và với nhiều lần trung tu để có thể giữ gìn được đến ngày hôm nay.

Vậy sau đây hãy cùng Đồ Thờ Hưng Vũ tìm hiểu chi tiết về nguồn gốc, kiến trúc, lễ hội và di sản mà Chùa Sủi vẫn còn đến ngày nay nhé!

Giới thiệu Chùa Sủi Gia Lâm

Chùa Sủi có tên là Đại Dương Sùng Phúc tự, là một ngôi chùa cổ tại xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Thời Lý – Trần, các vua thường qua đây ngủ đêm để ngóng mộng, chờ thông điệp của thánh thần. Hiện tại ở chùa còn 1 chiếc khánh đá hơn nghìn năm tuổi. Sư trụ trì hiện nay là Thượng Toạ Thích Thanh Phương. Chùa vừa được trùng tu lại năm 2006, nằm trong cụm đình-chùa-đền (thờ Ỷ Lan nguyên phi).

Trong báo cáo của Sở Văn hoá Hà Nội năm 1988 đề nghị Bộ Văn hoá xếp hạng di tích lịch sử chùa Sủi có nói: “Ngay từ khi mới ra đời, chùa Đại Dương đã nổi tiếng là ngôi chùa đẹp, sau lần bà Ỷ Lan về chùa, chùa càng nức tiếng. Suốt từ đó về sau, nhiều Vương Hầu, Vương Phi thường về thăm và công đức…”

Chùa Sủi ở đâu?

Chùa Sủi tọa lạc tại xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Từ trung tâm Hà Nội đi qua cầu Chương Dương, cầu Vĩnh Tuy hoặc cầu Thanh Trì xuôi theo quốc lộ 5, qua thị trấn Trâu Quỳ 3km thì rẽ trái, đi tiếp khoảng 1,5km nữa theo tỉnh lộ 282 về hướng Bắc Ninh, chúng ta sẽ gặp cụm di tích đình – đền – chùa Phú Thị, hay còn gọi là chùa Sủi, một công trình kiến trúc cổ thuộc làng Sủi, xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, TP.Hà Nội ngày nay, tức trang Thổ Lỗi, thuộc đất Kinh Bắc xưa.

Vị trí chùa Sủi Gia Lâm

Lịch sử chùa Sủi Gia Lâm

Chùa Phú Thị có tên chữ là Đại Dương tự hay Đại Dương Sùng Phúc tự, dân gian gọi nôm là chùa Sủi được xây dựng từ rất sớm, có thuyết nói chùa ra đời từ thế kỷ thứ 2 khi Phật giáo du nhập qua Luy Lâu, nhưng không rõ năm nào.

  • Còn theo sử sách lưu lại thì ghi rằng: vua Lý Thánh Tông (1054-1072) về đây cầu tự đã gặp cô gái Lê Thị Khiết (1044-1117), lập làm Nguyên phi Ỷ Lan, năm 1066 sinh ngay Thái tử Càn Đức. Cha mất sớm, thái tử 7 tuổi trở thành Lý Nhân Tông (1072-1127), Ỷ Lan làm thái hậu nhiếp chính. Về già, bà cho xây lại chùa Sủi, hoàn thành năm 1115. Hai năm sau bà qua đời, vua lập đền bên chùa để thờ thái hậu.

Chùa được xây dựng theo hướng phía trước có hình chim Chu Tước, có đường thiên lý thông xuống phía Nam, phía sau có hình chim Huyền vũ, có thôn gồm muôn nhà trấn bên ngoài, bên trái có hình rồng xanh trùng trùng hướng về, bên ngoài có hình hổ cuồn cuộn chầu tới.

Chùa xây theo kiểu chữ Đinh, gồm 7 gian tiền đường, 3 gian hậu cung và hai dãy hành lang (mỗi bên 7 gian), đầu hai hành lang giáp với tiền đường là 2 lầu tám mái treo chuông đồng, khánh đá.

Chùa có số lượng tượng lớn và có niên đại tạo tác từ thế kỷ 17, 18 và 19. Trong số 73 pho tượng cổ có nhiều tượng có giá trị thẩm mỹ cao, tiêu biểu cho nền nghệ thuật điêu khắc Việt Nam thời Lê, Nguyễn. Phong cách tạc tượng mang nhiều nét dân gian, có vẻ đẹp dung dị của nền nghệ thuật dân gian cực thịnh vào thế kỷ 17, 18.

Khánh đá lớn có từ năm Vĩnh Thịnh thứ 21 (1725), chuông đồng lớn treo trên lầu tám mái phía Tây mang niên hiệu Cảnh Thịnh (1800) thời Tây Sơn.

Chùa được trùng tu vào các năm: 1633, 1636, 1701, 1821, được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật ngày 21 tháng 1 năm 1989

Chùa Sủi Gia Lâm

Kiến trúc chùa Sủi

Cụm di tích toạ lạc trên địa thế cao ráo, rộng rãi và bằng phẳng. Ngõ chùa cùng các cửa của ngôi đền và đình làng đều mở ra sân chung, các gian nhà chính bên trong cũng thông nhau bằng những ngách nhỏ.

Năm 2010 – 2011, khu tưởng niệm danh nhân Cao Bá Quát đã được xây trên một khoảnh đất khá lớn ở giữa chùa và chợ. Đầu năm 2014 đền và đình lại được trùng tu.

Chùa được xây dựng theo hướng phía trước có hình chim Chu Tước, có đường thiên lý thông xuống phía Nam, phía sau có hình chim Huyền Vũ, có thôn gồm muôn nhà trấn bên ngoài, bên trái có hình rồng xanh trùng trùng hướng về, bên ngoài có hình hổ cuồn cuộn chầu tới.

Chùa chính gồm hai tòa nhà liền kề, xây theo kiểu chữ Đinh, cùng quay mặt về hướng nam. Toà Tam bảo có kết cấu hình chuôi vồ nối 7 gian tiền đường với 3 gian hậu cung; các cột gỗ đều cao và thon tròn rất đẹp. Dọc sân nhỏ phía sau đình là hai hành lang đối xứng nhìn nhau, ở hai đầu giáp tiền đường lại có hai lầu tám mái, nơi treo chuông đồng và khánh đá. Mỗi hành lang dài 7 gian, bên trong bày tượng các La hán.

Toà nhà Tổ cũng kết cấu theo hình chuôi vồ, hiên thông với cửa ngách mé tây toà Tam bảo nhưng mái thấp hơn, tương xứng với bề rộng chỉ gồm 3 gian 2 dĩ. Các tượng Tổ nhìn ra một sân lớn, có phương đình, tượng đài và cổ thụ che chắn. Bên trái sân này lại có dãy nhà khách và trai phòng, tổng cộng dài 12 gian; phía sau là khu phụ và một hội trường khá hiện đại, nơi tổ chức các buổi lễ hoặc lớp học theo pháp môn Tịnh độ.

Chùa Sủi Gia Lâm

Di sản của chùa Sủi

Chùa Sủi lưu giữ được 73 pho tượng cổ có niên đại tạo tác từ thế kỷ XVII đến XIX. Nhiều pho mang đậm chất dân gian, tiêu biểu cho nền nghệ thuật điêu khắc Việt Nam với phong cách thời Lê, Nguyễn, v.v.. Đáng chú ý là phần trang trí với các mảng chạm rồng tinh tế ở vì kèo. Hiện trong đền ngoài hai bức hoành phi đề chữ Hán “Khôn đức hóa sinh” và “Mẫu nghi thiên hạ” lại có hai vương miện quý hiếm làm bằng đồng.

Chùa có một khánh đá cổ từ đời Vĩnh Thịnh thứ 21 (1725) và một quả chuông đồng lớn treo trên lầu tám mái phía tây mang niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 8 (1800) thời Tây Sơn, do tri huyện Nguyễn Huy Quynh là người làng đứng ra lo việc đúc. Trang trí trên chuông khá độc đáo, khắc nhiều bài ký bằng chữ Hán, miêu tả cảnh đẹp của chùa và ý nghĩa của việc đúc chuông cùng sự phát tâm công đức.

Trong cụm di tích Phú Thị còn có một nhà bia xây năm 2001, hiện quy tụ được 14 tấm bia (ngoài 2 tấm dựng trước cổng và một tấm ở sau chùa), phần lớn ghi việc công đức. Văn bia “Cúng Phật Sản Bi” ghi niên hiệu Đức Long thứ 5 (1633) viết về chùa Sủi như sau: “Thực là thắng cảnh bậc nhất của nước Nam vậy, khách vãng lai không ai là không yêu mến”.

Chùa đã được trùng tu vào các năm 1633, 1636, 1701, 1821 với nhiều tăng ni, phật tử trực tiếp tham gia. Văn bia “Thiền sư Huệ Không điền bi” niên hiệu Dương Hoà thứ 7 (1641) chép việc sửa chùa tô tượng của sư trụ trì Nguyễn Văn Quế, giữ chức Tiến công lang Tăng thống ở Ty Tăng Lục. Văn bia “Đại Dương Sùng Phúc Tự Ký” niên hiệu Tân Mão (1711) ghi công sư trụ trì Trần Khánh Thuận hiệu Huệ Lâm,…

Lễ hội chùa Sủi Gia Lâm

Trong dịp hội đền Sủi hàng năm vào ngày mồng 3 tháng Ba âm lịch có diễn lại lễ Bông Sòng, tức lễ chúc rượu sứ giả của vua về làng giải oan cho thái giám Nguyễn Bông, người do lời tố cáo vì có mặt tại khu vực nguyên phi tắm mà bị chém đầu ở chợ Sủi.

Khi đó Lý Thánh Tông tuổi đã cao mà chưa có con nối ngôi. Vua nhân đến chùa Lỗi Hương cầu đảo đã gặp Ỷ Lan và đón về phong làm phi.

  • Theo truyền thuyết, vua cùng bà đến Thổ Lỗi vào tiết xuân lập đàn cầu tự ở chùa Đại Dương Sùng Phúc Tự, nơi có sư Đại Điên trụ trì đã đắc đạo. Sư thấy viên quan nội giám Nguyễn Bông có căn mệnh làm vua liền bày cho cách đầu thai làm thái tử.
  • Do lộ chuyện, Nguyễn Bông bị chém nhưng trước đó đã được sư viết chữ “Càn” lên người. Rồi bà Ỷ Lan sinh một bé trai, trên mình có chữ “Càn”, Lý Thánh Tông đặt tên là Càn Đức. Sau lên ngôi xưng là Lý Nhân Tông, vua đã cử sứ giả về hương Thổ Lỗi đọc chiếu xá tội cho Nguyễn Bông.

Chùa Sủi Gia Lâm

Lưu giữ giá trị truyền thống chùa Sủi

Hồi tưởng lại mối duyên với chùa Sủi, thượng tọa Thích Thanh Phương kể: Từ nhỏ, thầy thường được bà nội cho đi lễ chùa Sùng Phúc ở quê nhà (Kiên Lao, Xuân Kiên, Xuân Trường, Nam Định). Nhà gần chùa nên thầy hay vào đó dọn dẹp, trợ giúp các sư sãi việc lễ.

Và năm 12 tuổi, thầy quyết định rời nhà vào chùa chấp tác. Sau khi vào chùa, thầy vẫn đi học phổ thông rồi theo học Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Học xong thầy định về chùa quê nhưng cái duyên đã níu chân thầy ở lại Thủ đô. Lúc đầu thầy chấp tác tại chùa Phúc Khánh, chùa Vệ Hồ và cuối cùng là chùa Sủi.

Năm 1992, trong một lần thầy cùng đoàn hành hương dải chùa Dâu, Keo, Bút Tháp…, khi đi ngang qua chùa Sủi, thầy thấy người dân đang chăm sóc một cây đa cổ thụ bị héo. Thầy cũng vào tỉa cây, tưới nước, đổ thêm đất, chăm bón cho cây. Một thời gian sau, cây đa tươi tốt lại. Quãng thời gian qua lại chăm sóc cây ngắn ngủi đó đã kéo thầy gần hơn với ngôi chùa cổ gắn liền với tên tuổi của Linh nhâm Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan.

Không chỉ tâm huyết phục dựng lại ngôi chùa mình trụ trì, thượng tọa Thích Thanh Phương còn “lao tâm khổ tứ”, bỏ rất nhiều công sức tôn tạo lại chùa Báo Ân, xã Dương Quang, Gia Lâm, Hà Nội. Nơi đây còn lưu giữ lại rất nhiều di tích đặc biệt gắn với Hoàng Thành Thăng Long và Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Tuy nhiên, trong khi rất nhiều ngôi chùa lớn liên quan đến Phật Hoàng Trần Nhân Tông như: chùa Yên Tử, chùa Quỳnh Lâm (Quảng Ninh); Thanh Mai; Vĩnh Nghiêm; Hoàng Thành Thăng Long… đã được phục dựng thì ngôi chùa lại bị hoang phế, bỏ quên…

Khi thầy đến, diện tích ngôi chùa đã bị người dân lấn chiếm gần hết để trồng táo. Để phục dựng chùa, thầy Phương đã phải bỏ tiền ra mua đất của dân, nhiều người đồn đại nhà chùa kinh doanh đất. Oan uổng là vậy nhưng thầy vẫn âm thầm nhất tâm phục dựng những giá trị truyền thống quý báu đó. Để rồi nay, di tích cổ xưa dần hiện lên trong thực tế.

Song song với việc phục dựng, tôn tạo chùa Báo Ân, thượng tọa Thích Thanh Phương cũng khởi công xây dựng tịnh viện Vân Sơn trên Tam Đảo (năm 2006). Tuy chưa hoàn thiện nhưng nơi đây hứa hẹn sẽ trở thành điểm du lịch nổi tiếng của đất nước, cũng như Tam Đảo. Sau khi khánh thành, tịnh viện không chỉ đáp ứng nhu cầu tham quan, lễ Phật của người dân mà còn là nơi giáo dục các thế hệ về giáo lý nhà Phật, bài học làm người…

Tương tự như vậy, chùa Sủi cũng khơi nguồn giáo lý Phật pháp, nhắc nhở con cháu trong làng cũng như khu vực lân cận về giá trị của Phật giáo, của truyền thống dân tộc đối với đời sống. Bởi, theo thượng tọa Thích Thanh Phương:

“Phật pháp, Đức Phật gắn liền với đời sống của người Việt. Vì vậy, thông qua các di tích lịch sử, nhà chùa mong muốn họ hiểu được những giá trị lịch sử của cha ông. Thông qua đó, tuyên truyền giáo lý của Đức Phật, dạy cho các thế hệ những bài học đạo đức, bài học làm người…, hướng về thiện lành, phát huy giá trị di tích, lịch sử, truyền thống của cha ông”.

Trên đây là một số thông tin về Chùa Sủi Gia Lâm mà Đồ thờ Hưng Vũ muốn chia sẻ với các bạn về một ngôi chùa nằm ở Hà Nội. Hy vọng nội dung trên sẽ giúp các bạn hiểu thêm về ngôi chùa này nhé!

Nếu các bạn muốn tìm hiểu thêm về các ngôi chùa khác thì hãy đón đọc những bài viết mới của chúng tôi nhé.

Xem thêm sản phẩm của chúng tôi:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *