Chùa ông thất phủ cổ miếu? Thất phủ cổ miếu hay còn gọi là Chùa Ông Cù Lao Phố – cơ sở tín ngưỡng đầu tiên của người Hoa trên vùng đất Nam bộ. Hơn 300 năm qua, chùa Ông đã trở thành nơi lưu giữ và bảo tồn 2 nền văn hoá Việt – Hoa; là điểm đến tâm linh không thể thiếu của nhiều người dân…
Cơ sở văn hoá của người Hoa đầu tiên trên đất Đồng Nai
Theo Ban trị sự, Chùa Ông Cù Lao Phố – tục danh của Miếu Quan Đế, được khai tạo năm 1684. Sau này đổi tên thành Thất phủ cổ miếu.
Sở dĩ, đây được xem là ngôi chùa của người Hoa đầu tiên ở xứ Nam Bộ là vì chùa được tạo dựng sau 6 năm – ngày tướng quân Trần Thượng Xuyên dẫn đoàn người Hoa đến Đại Việt xin thuần phục.
Vào năm 1679, sau khi được chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) chấp thuận, tướng quân Trần Thượng Xuyên đã dẫn theo 3.000 quân thân tín, cùng với gia quyến tiến vào Bàn Lân (nay thuộc TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) để lập nghiệp.
Trần Thượng Xuyên đã kết hợp với cộng đồng người Việt đến vùng đất này trước đó, khai khẩn, mở mang đất đai và tạo lập Nông Nại Đại Phố – một thương cảng đô hội, phồn thịnh bậc nhất phương Nam lúc bấy giờ.
Sau 6 năm an cư trên đất Việt, tướng quân Trần Thượng Xuyên đã cùng cộng đồng người Hoa tạo dựng nên cơ sở tín ngưỡng Thất phủ cổ miếu.
Được biết, Thất phủ cổ miếu này do bảy phủ người Hoa đóng góp để tạo dựng, bao gồm: Phúc Châu, Chương Châu, Tuyền Châu, Quảng Châu, Triều Châu, Quỳnh Châu và Ninh Ba.
Thất phủ cổ miếu là cơ sở văn hoá đầu tiên của cộng đồng người Hoa ở Đồng Nai nói riêng và cả khu vực Nam bộ nói chung.
Ngôi chùa này là nhân chứng đánh dấu cột mốc lịch sử về thời kỳ khẩn hoang, lập nghiệp và cùng bảo vệ, phát triển vùng đất phương Nam của cộng đồng người Hoa.
Hơn 300 năm hiện hữu, Thất phủ cổ miếu trở thành địa điểm giao lưu của hai nền văn hóa Việt – Hoa trên vùng đất Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Nghệ thuật điêu khắc độc đáo
Ngày xưa, Thất phủ cổ miếu được xây dựng ngay trung tâm thương cảng Cù Lao Phố, nay thuộc xã Hiệp Hòa, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Chùa nằm ở một địa thế rất đẹp, mặt tiền quay về hướng Tây – Nam nhìn ra sông Đồng Nai, trước cửa tam quan là một cây si cổ thụ lớn, quanh năm toả bóng rợp cả vùng sân.
Kể từ khi tạo dựng đến nay, Thất phủ cổ miếu được trùng kiến và trùng tu nhiều lần vào các năm 1743, 1817, 1894…
Năm 2009-2010 là đợt trùng tu lớn nhất của Thất phủ cổ miếu. Tuy nhiên, vẫn tuân thủ nguyên tắc phục chế theo nguyên mẫu, có tôn tạo nhưng không làm thay đổi kiểu trúc vốn có của chùa. Chính vì vậy, dù hơn 300 năm tuổi và trải qua nhiều biến cố cùng thời gian, ngôi chùa này vẫn giữ được những nét đặc sắc riêng của cộng đồng người Hoa.
Chùa có quy mô kiến trúc “tứ hợp viện” theo truyền thống chùa chiền Trung Hoa, với các thành tố chính: tiền điện, phương đình và chính điện. Kiến trúc và sự bài trí ở đây thể hiện được trình độ kĩ thuật điêu luyện, khiếu thẩm mỹ tinh tế của nghệ nhân dân gian của người Việt và người Hoa.
Có thể thấy, dù đã trải qua nhiều lần tu sửa, các thước gỗ tại chùa vẫn được liên kết bài bản, đảm bảo sự chắc chắn, bền vững với nhau.
Đặc biệt, các đề tài trang trí như rồng chầu mặt trời, tứ linh, hoa điểu, cửu long, bát tiên, bách suốt, múa hát cung đình, rồng – mây, phù dung – phụng, dây hoa lá, sóng nước… được điêu khắc rất tinh vi, sắc sảo, toát lên vẻ đẹp điển hình của nghệ thuật dân tộc Trung Hoa.
Ngoài ra, đây cũng là nơi giao thoa văn hoá đất Việt, khi lưu giữ những thành tựu nghệ thuật của các nghệ nhận thuộc làng nghề chạm khắc đá Bửu Long ngày xưa. Trong đó, những di vật bằng đá granit vẫn trường tồn đến tận ngày nay.
Ban trị sự Thất Phủ cổ miếu cho biết, chùa thờ Quan Thánh Đế Quân, Thiên Hậu Thánh Mẫu, Bà Mẹ Sanh Kim Hoa Nương Nương…
Phía trước sân chùa có miếu thờ Năm Bà Ngũ Hành và phía sau thờ Quan Thế Âm Bồ Tát cùng các phối linh tự Ngũ điện Diêm La Thiên Tử Bao (Bao Công), Thái Tuế Tinh Quân, Huyền Đàn Triệu Nguyên Soái, Thần Tài Âm Phủ/Bạch Vô Thường…
Bảo tồn văn hoá, lo sợ mai một
Ban trị sự Thất phủ cổ miếu cho biết, trong 2 năm gần đây, vì dịch Covid-19 nên lễ hội lớn nhất của chùa – lễ hội Chùa Ông không thể tổ chức rầm rộ, quy mô lớn như trước.
Tuy nhiên, đây vẫn là hoạt động văn hoá điển hình để tri ân những công thần khai phá vùng đất Biên Hòa cũng như gìn giữ, thắt chặt mối quan hệ giữa cộng đồng Việt – Hoa.
Thông thường, lễ hội Chùa Ông được tổ chức từ ngày 6 – 9/2 (tức mùng 10 đến 13 tháng Giêng) hàng năm, thu hút rất đông khách từ trong và ngoài tỉnh tới chiêm bái, dâng hương, dâng lễ.
Nghi thức quan trọng nhất trong lễ hội là Lễ nghinh thần, rước các Đức Ông tuần du theo đường thủy và đường bộ (thuộc TP.Biên Hòa) để tôn vinh, tri ân công lao mở cõi, cũng như gợi nhớ, nhắc nhở người dân về lịch sử vùng đất của mình.
Ngoài ra, lễ hội còn có hoạt động văn hóa, tín ngưỡng đặc sắc khác như biểu diễn võ thuật, múa lân, viết chữ thư pháp, thư họa truyền thống, biểu diễn các vở tuồng cổ, thả đèn hoa đăng… thu hút đông đảo nhân dân, du khách thập phương và các hội quán người Hoa.
Tất cả các hoạt động này đều có sự đan xen văn hóa, tín ngưỡng giữa hai dân tộc Việt-Hoa, tạo nên nét độc đáo, sinh động, hấp dẫn.
Mặc dù nhận được sự quan tâm, đồng hành của hàng ngàn người trong và ngoài tỉnh, nhưng Ban trị sự vẫn còn nỗi lo canh cánh trong lòng. Đó chính là tình trạng báo động khi thế hệ trẻ người Hoa hiện nay không thể sử dụng ngôn ngữ dân tộc, nhất là chữ viết.
Theo Ban trị sự, để bảo tồn, lưu giữ và phát huy tốt nhất văn hoá dân tộc người Hoa, Ban trị sự đã vạch ra kế hoạch khôi phục lại ngôi trường Dục Đức (trường dạy tiếng Hoa ngày xưa). Dự kiến, ngôi trường sẽ được đặt ở phường Bửu Long, là nơi không chỉ dạy chữ viết mà còn dạy cả lịch sử – văn hoá, cội nguồn dân tộc.
Với bề dày lịch sử và những giá trị kiến trúc nghệ thuật của mình, Thất phủ cổ miếu được Bộ Văn hoá – Thông tin cấp bằng công nhận di tích lịch sử – văn hoá cấp quốc gia năm 2001.
Trên đây là thông tin về chùa ông thất phủ cổ miếu mà Đồ Thờ Hưng Vũ đã tổng hợp. Hy vọng qua nội dung trên các bạn sẽ hiểu hơn về chùa ông thất phủ cổ miếu hiện nay
Nếu có nhu cầu đặt bộ chấp kích hãy liên hệ cho chúng tôi để được tư vấn và hỗ trợ sớm nhất nhé!
Thông tin liên hệ
Đồ Thờ Hưng Vũ
Địa chỉ: 36 Xóm Ngã Tư – Xã Sơn Đồng – Huyện Hoài Đức – Tp. Hà Nội
Hotline – Zalo: 0908.867.888
Số điện thoại: 0907.200.988