Chùa Liên Phái thường tổ chức các hoạt động tôn giáo, văn hóa và xã hội chung, nhằm góp phần vào sự phát triển và lan tỏa giáo lý Phật giáo. Các chùa Liên Phái thường có sự đa dạng về phong cách kiến trúc và phương pháp tu học, tạo nên một môi trường đa văn hóa và đa phái trong Phật giáo. Hôm nay, hãy cùng mình tìm hiểu thêm về ngôi chùa này nhé!
Chùa Liên Phái ở đâu?
Chùa Liên Phái Hà Nội nằm tại địa chỉ Ngõ Chùa Liên Phái, Phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Với vị trí trung tâm, từ các điểm đến chùa bạn có thể di chuyển bằng nhiều phương tiện như xe máy, ô tô hoặc xe buýt.
- Nếu di chuyển bằng xe máy hoặc ô tô, bạn có thể theo đường Tạ Quang Bửu, Bạch Mai, Đại Cồ Việt hoặc Trần Đại Nghĩa để đến ngõ Chùa Liên Phái.
- Ngoài ra, nếu bạn chọn di chuyển bằng xe buýt, bạn có thể lựa chọn các tuyến xe buýt số 09, 32, 43, 62, 80, 88, 103, 106, 115, 203, 213, 219, 302 hoặc 601 để đến chùa.
Ngồi chùa này sở hữu vị trí trung tâm quận Hai Bà Trưng, đây là quận nội thành có mật độ dân số cao. Do đó vào các dịp lễ tết, cuối tuần thì nơi đây được rất đông người đến đây lễ chùa
Lịch sử hình thành của chùa Liên Phái
Theo kể lại, chùa Liên Hoa được dựng lên sau khi ông hoàng Trịnh Thập (có tài liệu ghi là Trịnh Hợp) (sinh năm 1696, mất năm 1733) con Tấn Quang Vương Trịnh Bính, là cháu nội Chúa Trịnh Căn và là Phò mã vua Lê Hy Tông (Trịnh Thập lấy người công chúa thứ 4) phát hiện một ngó sen sau khi đào đất ở gò cao sau phủ (phường Hồng Mai, sau đổi tên thành Bạch Mai)) để xây bể cạn.
Trịnh Thập cho rằng đây là dấu hiệu của Phật và tin rằng mình có duyên với đạo. Vì vậy, Trịnh Thập quyết định chuyển phủ của mình thành chùa Liên Hoa, đồng thời theo đạo Phật, trở thành Lân Giác Thượng Sĩ trụ trì trong chính ngôi chùa này. Theo tấm bia đá khắc năm Tự Đức thứ 10 (1857) hiện còn ở chùa, chùa được xây dựng vào năm Bảo Thái thứ 7 (tức 1726). Năm 1733, Trịnh Thập (lúc đó mới 37 tuổi) mất và được chôn cất trong Tháp Cứu Sinh xây ở chính nơi tìm thấy ngó sen.
Sau đó, chùa được đổi tên thành chùa Liên Tông. Đến năm 1840, chùa được đổi tên thành Liên Phái như hiện nay vì kiêng huý vua Thiệu Trị.
Kiến trúc của chùa Liên Phái
Chùa xưa có hình chữ “đinh”. Sau cổng đến vườn và sân trước rồi vào tiền đường và khu Tam bảo thờ Phật. Dãy nhà ngang nằm song song, nối với tiền đường bằng hệ thống vì kèo kiểu “vỏ cua”, một kiểu kết cấu thường thấy trong kiến trúc cung đình Huế. Toà tiền đường rộng 5 gian, bộ khung nhà bằng gỗ với 6 vì kèo đỡ mái, được làm theo kiểu “chồng rường” và “quá giang cột trốn”. Trên các kiến trúc gỗ, ở đầu các thanh rường, quá giang có các hoa văn thực vật được chạm nổi.
Thượng điện nối với gian giữa tiền đường bằng một nếp nhà dọc ba gian. Các bộ vì kèo ở đây có kết cấu tương tự như ở tiền đường, các cột cái được kê trên trụ đá xanh hình tròn. Trang trí chủ yếu gồm các đề tài tứ linh và tứ quý. Nhiều cửa võng được sơn son thếp vàng lộng lẫy, bài trí từ gian giữa tiền đường đến tận vì hậu của thượng điện. Những nghệ nhân ngày xưa đã thực hiện các cửa võng rất công phu, tỉ mỉ bằng kỹ thuật chạm lộng, chạm thủng…
Tam quan
Xưa cổng tam quan của chùa là một ngôi nhà kẻ chuyền ba gian, đợt trùng tu gần đây đổi thành cổng tam quan như hiện tại. Cổng được dựng theo kiến trúc giả cổ, bộ vì được thiết kế theo kiểu “giả thủ” như những ngón tay dài dần ra, đỡ lấy kèo phía trên, mái lợp ngói. Tam quan ghi 4 đại tự “Liên Tông cổ tự”, hai lối nhỏ 2 bên là “từ bi”, “hỷ xả” bằng quốc ngữ.
Theo tư tưởng của Phật giáo. Mỗi lối đi đại diện cho một cách nhìn của nhà Phật; gồm “Không quan”, “Hữu quan” và “Trung quan”.
Không quan biểu trưng cho cái không / vô thường.
Hữu quan biểu trưng cho sắc / giả.
Trung quan biểu trưng cho sự dung hòa giữa không và sắc.
Bên cạnh đó, theo triết lý nhà Phật, tam quan môn còn liên quan đến ý niệm “tam giải thoát môn”. Mỗi cửa sẽ đại diện cho sự vô tác, vô không và vô tướng. Nếu thấu hiểu được hết ý nghĩa của ba cửa này thì người tu hành mới có thể thoát “xuất trần, thoát tục”. Từ bỏ tất bỏ tất cả những sân si, hỷ, nộ, ái, ố để bước vào cõi tịnh không.
Tháp Diệu Quang
Tháp Diệu Quang được dựng năm 1890, đặt xá lợi của tổ Diệu Quang, và 10 nhà sư từng tu hành tại chùa. Tháp 10 tầng, cao khoảng 20m, được làm phỏng theo toà cửu phẩm nên còn gọi là tháp Cửu Phẩm Liên Hoa. Chân mỗi tâng được phù điêu hoa văn, mái vẩy rồng vút cong những đầu đao nhỏ. Tháp hình lục giác theo kiểu tháp cửu phẩm liên hoa hiện còn ở một số ngôi chùa lớn như chùa Bút Tháp ở Thuận Thành (Bắc Ninh), chùa Đồng Ngọ ở Tứ Kỳ (Hải Dương).
Tầng 1 cao hơn tầng đế, bắt đầu từ tầng này có 6 cửa tò vò đi sâu vào lòng tháp. Từ tầng 2 đến tầng 6 kiến trúc giống nhau theo hướng đi lên, vẫn kiểu cửa cuốn tò vò. Tầng 7 có cửa hình vuông. Tầng 8 lại có kiểu cửa tò vò. Tầng 9 có cửa hình vuông. Tháp có tên là Diệu Quang, ý chỉ đón nhận ánh sáng huyền diệu của đức Giáo chủ để soi sáng cho chúng sinh ở cõi Sa bà cực khổ này. Do thời gian lâu ngày nên tháp đã bị nghiêng, gần đây sư thầy trụ trì được sự hỗ trợ của các Phật tử ở Hà Nội đã tiến hành tu bổ lại. Tháp Diệu Quang đã trở lại quy mô vốn có, sừng sững trước cửa chùa Liên Phái, có thể xem là bảo vật tiêu biểu cho Phật giáo ở đất Hà Thành hiện nay.
Đình Thích Ca
Xưa kia nơi đây là nhà bia, bây giờ là nơi thờ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Toà nhà hình chữ nhật, xây hai tầng tám mái, đặt ngay trước sân chùa. Mái đắp theo kiểu giả ngói ống. Toà nhà xây kiểu vòm cuốn, bốn mặt đều có cửa thông thoáng.
Tòa Tiền Đường
Gồm 5 gian tường hồi bít đốc, ba hàng cột liên tiếp theo kiểu lòng thuyền chắc chắn. Phía trước tiền đường là ba chiếc cửa lớn thông ra các gian bên ngoài. Theo bố cục phổ biến thì toà Tiền đường là khu nhà ngoài cùng trong khu Tam Bảo. Bên ngoài Tiền đường là sân chùa, ngoài nữa là Tam quan, gác chuông,….Nhưng tổ đình Liên Phái là chốn danh lam của đất Hà thành nên bên ngoài Tiền đường còn hai dãy nhà Tiền đường nhỏ nữa (nhà nối giữa tiền đường trong với tiền đường ngoài là nhà vòm hình vỏ cua). Điều đó cho thấy do nhu cầu tín ngưỡng, nên nhà chùa phải mở rộng quy mô để tiếp đón các Phật tử đến chiêm bái. Hai đầu hồi nhà Tiền đường là nơi đặt bia thờ, bia kỷ niệm, bia hậu Phật. Toà nhà giữa có mái hình vỏ cua, tương đối độc đáo. Nhà này được cải tạo năm 1941 do một người dân làng Bạch Mai bỏ tiền công đức xây dựng theo kiến trúc Huế gọi là “Trùng thiềm điệp ốc”.
Tháp tổ chùa Bà Đá
Đây là tháp tổ chùa Bà Đá (Linh Quang tự), tức là Linh Quang Đệ Nhất Tổ: sư tổ pháp danh Thiện Chúng, đạo hiệu Khoan Giai thiền sư.
Tòa Thượng Điện
Dài hơn 8 mét, rộng 4 mét rưỡi, chia làm ba gian chạy dọc phía sau tường hồi bít đốc. Kết cấu bộ vì cũng làm theo kiểu giá chiêng chồng rường con nhị kết hợp với kẻ chuyền giống như ở Tiền đường. Hai hàng cột cái chạy dọc theo nhà, kết hợp với tường bao tạo ra hệ thống chịu lực chính cho khu vực này. Cột cái đặt trên chân đá tảng hình con tiên cao 50 cm.
Cả ba gian Thượng điện đều có các bức của võng, hoành phi trang trí nối giữa hai cây cột cái, không chỉ làm đẹp thêm kiến trúc mà còn giúp cho cảnh chùa thêm trang nghiêm kín đáo, dễ tưởng bụi trần khôn bề xâm nhập. Gian giữa là hệ thống tượng Phật rất trang nghiêm, kích thước của các pho tượng không lớn lắm, song được điêu khắc cực kỳ tinh tế.
Từ ngoài vào bên phải khu Tiền đường là tượng Đức ông Trưởng giả Cấp Cô Độc và hai vị thị giả giúp việc rất đắc lực là Già Lam và Chân Tể. Bên trái Tiền đường là tượng thánh Tăng A Nan, tiếp đến là hai thị giả Diệm Nhiên và Đại Sĩ, sẵn sàng truyền bảo giáo pháp cho chúng sinh ngộ đạo. Liền kề hai bên là hai vị Hộ pháp cao to, oai vệ với kích cỡ 210 cm x 65 cm. Khu chính giữa là hệ thông tượng Phật thể hiện quá trình tu tập thành đạo của đức Phật.
Ngoài cùng là tượng Đức Thích Ca sơ sinh, đặt trên một bệ vuông cao 40 cm của tòa Cửu Long (khi Ngài đản sinh có 9 con rồng xuống phun nước tắm cho Ngài). Đằng sau toà Cửu Long có khắc niên đại tạo dựng năm Quý Mão (1903) niên hiệu Thành Thái nhà Nguyễn. Tượng Thích Ca sơ sinh thể hiện bằng một cậu bé bụ bẫm xinh đẹp, mặt tròn tai lớn, đi chân đất đứng trên đài sen, tay trái chỉ lên trời, tay phải chỉ xuống đất.
Sau toà Cửu Long này là tượng đức Thích Ca thuyết pháp, hai bên là tượng hai vị thị giả Văn Thù Bồ tát và Phổ Hiền Bồ tát. Trên tượng Thích Ca là tượng Phật A Di Đà, hai bên có hai vị thị giả là Quán Thế Âm Bồ tát và Đại Thế Chí Bồ tát.
Phương tiện môn
Chữ phương tiện có hai nghĩa rộng và hẹp. “Về nghĩa hẹp: phương là phương pháp, tiện là thuận tiện, thích đáng. Phương pháp thích đáng để dẫn đến mục đích, một ý muốn đó là phương tiện. Về nghĩa rộng: tất cả các cách thức trình bày thuyết giảng dùng đến ngôn ngữ sắc tướng,…thậm chí cả đến sự ra đời của Phật cũng đều là phương tiện”.
Tòa Tam Bảo
Toà Tam bảo nối với thượng điện theo kiểu Chuôi vồ, hay còn gọi là nội công, ngoại quốc, một dải nhà kẻ truyền mái đứng, kết cấu theo lối giá chiêng.Tam bảo là ba ngôi báu gồm Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo.
Phật bảo: Phật là “ngôi báu thứ nhất” hay Phật bảo, vì Ngài là người tìm ra nguồn Đạo giải thoát, đã vượt ra khỏi vòng Sanh tử Luân hồi dứt Khổ trọn Vui, là đấng giác ngộ đầu tiên.
Pháp bảo: Chân lý giác ngộ và phương pháp tu tập do Phật truyền dạy được gọi là Pháp. Trong ý nghĩa đó, Pháp là phương tiện để chúng ta có thể thực hành theo đúng và đạt đến sự giác ngộ, đạt đến sự giải thoát giống như Phật.
Tăng bảo: Những người rời bỏ đời sống gia đình để dành trọn cuộc đời thực hành theo giáo pháp của đức Phật, hướng đến sự giải thoát, sự giác ngộ, được gọi là chư tăng. Các vị này cùng nhau tu tập trong một tập thể gọi là Tăng-già (do tiếng Phạn là Sangha) hay Tăng đoàn.
Trong chính điện thờ Phật hay còn gọi là Phật điện, Đại hùng bảo điện, ban Tam Bảo, triết lý vô thường của Phật giáo được đặt lên hàng đầu thể hiện qua tam thân Phật là “Pháp thân”, “Báo thân” và “Ứng thân”. Cách bài trí các tượng Phật ở chính điện theo đúng ý nghĩa ấy.
- Lớp 1: Pháp thân
- Lớp 2: Báo thân
- Lớp 3: Ứng thân
- Lớp 4: Tượng Tuyết Sơn (tả những năm tu hành khổ hạnh của đức Phật mà chưa tìm thấy chân lý)
- Lớp 5: Bộ tượng Hoa Nghiêm tam thánh
- Lớp 6: Tòa Cửu Long ở giữa, bên trái là Đế Thiên (Indra – Ngọc hoàng: vua của cõi trời sắc giới, cõi có hình tướng) và bên phải là Đế Thích (Brama: vua của cõi trời dục giới, cõi không còn hình tướng nhưng vẫn còn dục vọng, ham muốn).
Tháp Cứu Sinh
Tháp của tổ Cứu Sinh, tức là tháp mộ chứa xá lợi của tổ Như Trừng Lân Giác, được dựng trên đỉnh của gò đất nơi đã từng đào được ngó sen thời ngài còn tại thế. Ngài viên tịch năm 1733, tháp được dựng trong khoảng thời gian từ 1733 đến 1740, tính tới nay đã có niên đại gần 300 năm, được xây bằng đá xanh, bốn mặt, cao 5 tầng, khoảng 6m.
Tầng một là chân đế, thu hẹp dần từ dưới lên trên, tầng 2 có viền là hoa văn cánh sẽ khắc nổi, giữa tầng là hoạ hình lân đắp nổi, chầu vào giữa bông sen, hình tượng lân đa dạng, không trùng lặp; hình tượng sen mềm mại, sắc nét, tinh xảo. Tầng 3 của tháp có vòm cửa, bên trong đặt bài vị của tổ Lân Giác. Hệ thống những hoạ tiết tạo hình mang đặc sắc nghệ thuật điêu khắc dân gian thời Hậu Lê.
Trên đây là một số thông tin về Chùa Liên Phái mà Đồ thờ Hưng Vũ muốn chia sẻ với các bạn về một ngôi chùa nằm ở Hà Nội. Hy vọng nội dung trên sẽ giúp các bạn hiểu thêm về ngôi chùa này nhé!
Nếu các bạn muốn tìm hiểu thêm về các ngôi chùa khác thì hãy đón đọc những bài viết mới của chúng tớ nhé.