Chùa Hà địa chỉ ở đâu? Kinh nghiệm khám phá Thánh Đức tự

Chùa Hà từ lâu đã được nhiều bạn trẻ biết tới là địa điểm cầu duyên khá “tín” tại Hà Nội. Hơn nữa đây còn là một ngôi chùa thiêng liêng và có lịch sử lâu đời và là một điểm đến tâm linh hấp dẫn không chỉ với người dân địa phương mà còn thu hút hàng ngàn khách du lịch ở trong và ngoài nước ghé thăm.

Với kiến trúc độc đáo, không gian yên bình và thiêng liêng, chùa Hà đã trở thành một nơi để mọi người tìm kiếm sự bình an và tinh thần thanh tịnh.

Vậy bạn đã biết về lịch sử hình thành của chùa Hà chưa? Kinh nghiệm tới đây cầu duyên, cầu tài lộc thế nào? Sau đây hãy cùng Đồ Thờ Hưng Vũ khám phá nhé!

Giới thiệu chùa Hà

Chùa Hà (Chữ Hán: 河寺) có tên chữ là Thánh Đức tự (Chữ Hán: 聖德寺), cùng với Đình Bối Hà, lập thành cụm di tích Đình – Chùa Hà nằm trên một mảnh đất, trước kia thuộc xóm Hà (nằm đối diện qua đường Cầu Giấy) – thôn Trung – xã Dịch Vọng, huyện Từ Liêm, nay là số nhà 86 phố Chùa Hà, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.

Chùa Hà cùng với chùa Duyên Ninh là 2 ngôi chùa cầu duyên ở miền Bắc.

Chùa Hà

Địa chỉ chùa Hà

Địa chỉ chùa Hà tại Phố Chùa Hà, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội

Vị trí chùa Hà

Lịch sử chùa Hà

Về thời điểm có chùa Hà có hai truyền thuyết.

Truyền thuyết thứ nhất:

Vào thời Lý vùng Dịch Vọng đã có nhiều danh thắng nổi tiếng. Vua Lý Thánh Tông (trị vì 1054 – 1072) lúc 42 tuổi vẫn chưa có con nên đã cầu tự ở một ngôi chùa mà sinh ra Thái tử Lý Càn Đức (Lý Nhân Tông), do đó ngôi chùa này gọi là chùa Thánh Chúa để kỷ niệm sự kiện này. Trên đường đi vua còn ghé qua một ngôi chùa khác và ban tiền bạc cho chùa để trùng tu lại, vì vậy chùa này còn có tên là Thánh Đức tự. Vua Lý Thánh Tông đột ngột mất năm 50 tuổi, thái tử Càn Đức lên ngôi lúc 7 tuổi, tức là Lý Nhân Tông.

Truyền thuyết thứ hai:

Chùa Hà được xây dựng lên để vua Lê Thánh Tông (trị vì 1460-1497) bày tỏ lòng nhớ ơn các đại thần Nguyễn Trãi, Nguyễn Xí, Đinh Liệt đã cưu mang mình và phế bỏ Lê Nghi Dân để đưa mình lên ngôi vua vào năm 1460.

Trải qua bao phen binh hỏa, chùa Thánh Đức đã bị phá hủy nhiều lần.

  • Đến năm 1680 chùa vẫn còn lợp lá gồi, tường xây bằng gạch vồ nên người dân gọi là chùa Vồi.
  • Đến đời vua Lê Hy Tông (1675-1705) có hai người quê làng Thổ Hà tỉnh Bắc Giang sang ở chùa để bán các đồ gốm sứ ở chợ trong và ngoài thành Thăng Long. Nhờ buôn bán phát đạt, hai gia đình này tình nguyện công đức số tiền lớn cùng nhân dân trong xóm xây dựng lại chùa với quy mô lớn bằng gạch ngói vào năm Chính Hòa (1680).

Từ đó hai làng Thổ Hà và Dịch Vọng Trung kết nghĩa, đặt tên xóm có ngôi chùa là Bối Hà và chùa có tên nôm là chùa Hà. Đến ngày kỵ hàng tháng, hàng năm ở Thổ Hà, nhân dân xóm Bối Hà cử đoàn đại biểu sang lễ và ngược lại. Diện mạo của chùa hiện nay chính là kết quả của lần trùng tu lớn đó và những lần trùng tu sau này.

Phường Dịch Vọng và ban quản lý di tích chùa triển khai nâng cấp, xây dựng lại chùa Hà và đình Bối Hà rất khang trang, bề thế từ năm 1995 – 2003, tam quan được giữ nguyên vẹn.

Chùa Hà

Kiến trúc chùa Hà

Các công trình kiến trúc của chùa được quy hoạch tập trung trong một khoảng không gian rộng thoáng. Ngoài cùng là cổng Tam quan xây hai tầng có hệ thống cầu thang lên ở phía trái. Tầng trên xây kiểu chồng diêm, giữa bờ đinh mái thượng đắp nổi hình mặt trời lửa đặt trên hình hổ phù, hai đầu kìm đắp hình rồng đuôi xoắn, miệng ngậm bờ nóc, mái lợp giả ngói ống. Tầng dưới chia làm ba gian, với 12 cột trụ xây nổi trên mặt tường. Tam quan có ba vòm cửa, cửa giữa rộng hơn.

Tầng hai Tam quan treo chuông đồng Thánh Đức tự chung niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 7 (1799), một di vật thời Tây Sơn còn bảo quản nguyên vẹn. Chuông cao 1m20, chu vi đáy 1m80 được đúc tinh tế, phần trên bốn múi chuông được khắc nội dung văn chuông, phần dưới được khắc tứ linh: long ly quy phượng cách điệu mà rất sống động. Phía trên là hai con bồ lao đầu nhìn về hai phía, bốn chân gắn chặt vào chuông.

Sau cổng tam quan là vườn cây xanh, hồ nước hình bán nguyệt, cây đa và sân chùa. Bên cạnh hồ nước là bia đá bốn mặt Thánh Đức tự bi mới được phục chế gần đây. Ba mặt bia khắc chữ Hán theo nội dung lưu tại Thư viện Viện nghiên cứu Hán nôm, một mặt bia khắc chữ quốc ngữ. Bia chùa tạo năm Chính Hòa thứ 16 (1695), Tri huyện Nguyễn Đình Trạch soạn văn bia. Ở bên phải trước cửa chùa đặt 18 tấm bia hậu được tạo vào cuối thời Nguyễn ghi việc tu sửa và gửi hậu tại chùa

Chùa Hà nhìn ra hướng tây, chùa chính kết cấu kiểu chữ Đinh có Tiền đường và Thượng điện, tam bảo năm gian rộng. Tòa phật điện của chùa được bố trí theo nhiều lớp. Lớp cao nhất là ba pho Tam thế thường trụ diệu pháp thân, đại diện cho Đức Phật ở thì hiện tại, quá khứ và tương lai. Lớp thứ hai: tượng A Di Đà có kích thước lớn, Quan Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát. Phía dưới tượng A Di Đà: tượng A Nan Đà, Đức Ông. Đức Ông chùa Hà rất linh thiêng nên dân quanh vùng có câu Đức Ông chùa Hà, Đức Bà chùa Hương. Phía ngoài chính điện giáp với đại bái là tượng Thích Ca sơ sinh. Lớp tượng ở nhà bái đường nổi bật nhất là tượng Thiên Tướng Hộ pháp cao lớn mặc áo giáp vàng ngồi trên con sấu. Hai bên đầu hồi còn đặt 8 vị Thần Vương Hộ pháp.

Phía sau chính điện của chùa là Điện Mẫu. Kiến trúc Điện Mẫu bao gồm phía trước là phương đình, phía sau là Thần điện. Trong phương đình có đặt đỉnh hương và đôi hạc lớn. Phía sau phương đình là nhà bái đường gồm 5 gian làm theo kiến trúc cổ. Gian chính giữa đặt Mẫu Thượng Thiên trang phục màu đỏ, bên trái là tượng Mẫu Thượng Ngàn trang phục màu xanh, bên phải là tượng Mẫu Thủy trang phục màu trắng, ngoài ra còn có tượng các ông hoàng, bà chúa, tượng cô cậu khác. Đặc biệt là bức phù điêu Bát Tiên treo bên trái hồi rất sống động. Bàn thờ phía dưới cùng của Điện Mẫu là Ngũ Hổ thần quan, hay gọi nôm là Quan Năm Dinh, biểu tượng bằng 5 mãnh hổ với màu sắc khác nhau.

Ở chùa Hà cách đây vài năm còn lưu giữ nhiều hiện vật cổ bằng gốm như bát hương, chĩnh, ang, vại đựng nước thể hiện sự tôn kính và tín ngưỡng của người Thổ Hà xứ Kinh Bắc xưa kia. Hiện nay (2009) những hiện vật này đã bị bỏ đi hết, bát hương gốm cổ được thay thế bằng đồ đồng có khắc tên người công đức, đồ sành đựng nước thay bằng vòi nước máy. Chùa không những là chùa cầu duyên mà còn là khu du lịch cho những ai chưa đặt chân đến miền đất Hà Nội và nhất là đặt chân đến chùa.

Chùa Hà

Chùa Hà thờ ai?

Chùa Hà Hà Nội được chia thành từng khu riêng biệt, có các ban thờ Thánh Mẫu riêng. Hiện nay, chùa Hà thờ rất nhiều vị Phật như Đức Ông, Đức Thánh Hiền, tam hòa Thánh Mẫu,….Sau khi thăm quan và dâng hương chùa Hà thì bạn có thể sang Đình Bối Hà ở bên cạnh.

Trong đình có một ban thờ Thành Hoàng làng Triệu Chí Thành – một vị tướng có công lớn trong việc đánh đuổi giặc Lương ra khỏi nước ta dưới thời Triệu Việt Vương (năm 550 thế kỷ VI).

Cách di chuyển tới chùa Hà

Chùa Hà mở cửa từ 8:00 – 18:00 hàng ngày, với các ngày mùng một, ngày rằm và các ngày lễ thì sẽ mở cửa sớm và đóng cửa muộn hơn.

Bạn có thể tới chùa Hà bằng xe máy, xe ô tô hoặc xe bus.

Có rất nhiều tuyến xe bus có điểm dừng gần chùa Hà, phải kể đến như:

  • Tuyến 07: Cầu Giấy – Nội Bài
  • Tuyến 16: Bến xe Giáp Bát – Bến xe Mỹ Đình
  • Tuyến 20B: Cầu Giấy – Tam Hiệp
  • Tuyến 20C: Cầu Giấy – Võng Xuyên
  • Tuyến 26: Mai Động – SVĐ Mỹ Đình
  • Tuyến 27: Bến xe Yên Nghĩa – Nam Thăng Long
  • Tuyến 28: Bến xe Giáp Bát – Đông Ngạc
  • Tuyến 32: Bến xe Giáp Bát – Nhổn
  • Tuyến 34: Bến xe Mỹ Đình – Bến xe Gia Lâm
  • Tuyến 35: Trần Khánh Dư – Mê Linh
  • Tuyến 49: Trần Khánh Dư – KĐT Mỹ Đình II

Chùa Hà

Kinh nghiệm đi chùa Hà

Một vài kinh nghiệm đi Chùa Hà mà các bạn có thể tham khảo như sau:

Lễ đi chùa Gà

Khi đi lễ đi chùa Hà, bạn cần sửa soạn đồ lễ chia đủ làm 3 mâm:

  • Mâm lễ tại ban Tam Bảo: Bao gồm 1 thẻ hương, hoa tươi, bánh kẹo, 1 vỉ nến, hoa quả tươi, sớ ban Tam Bảo. Ban Tam Bảo thờ Phật nên cần phải nhớ không cúng những món mặn như thịt, rượu… và đặc biệt là không cúng tiền vàng.
  • Mâm lễ tại ban Đức Ông: Bao gồm tiền vàng, rượu, chè, thuốc, đồ mặn (xôi trắng, giò, 1 cút rượu nhỏ), sớ ban Đức Ông. Hoặc bạn cũng có thể soạn lễ tại ban Đức Ông như lễ tại ban Tam Bảo, nhưng ban Đức Ông nên có thêm tiền vàng.
  • Mâm lễ tại ban thờ Mẫu: Bao gồm hoa tươi (5 bông hồng), tiền vàng, trầu cau, bánh kẹo, tiền lẻ. Và đừng quên viết sớ, đặt ở mâm lễ này và cầu duyên tại Điện Mẫu.

Thứ tự thắp hương và khấn lễ chùa Hà

Thứ tự thắp hương và khấn lễ chùa Hà như sau:

  • Sắp lễ ở gian nhỏ bên cạnh gian thờ chính để dâng lễ lên từng ban. Bạn dâng lên 3 ban là Tam Bảo, Đức Ông và ban thờ Thánh Mẫu ở Điện Mẫu.
  • Sau khi dâng xong, bạn thắp 5 nén nhang rồi cắm 1 nén ở lư hương, 1 nén ở ban thờ Đức Ông, 1 nén ở ban thờ Tam Bảo, 1 nén ở ban thờ Đức Thánh Hiền, 1 nén ở ban thờ Mẫu. Mỗi ban thờ bạn vái 3 vái.
  • Tiếp đó, bạn bắt đầu khấn lễ như sau: Đầu tiên, khấn tại ban Đức Ông cầu công danh tài lộc; tiếp đó ban Tam Bảo cầu bình an và ban thờ Đức Thánh. Sau đó vái hai Đức Hộ Pháp ở hai bên trái – phải và hai vị Thập Nhị Diêm Vương ở hai bên 3 vái.
  • Sau khi lễ ở gian thờ chính thì bạn sẽ lễ Mẫu cầu duyên ở ban thờ Tam Tòa Thánh Mẫu. Hãy bỏ giày dép, quỳ lạy trước ban thờ Mẫu, chắp tay và hướng mặt về phía ban thờ Mẫu và khấn theo bài. Bài khấn có thể học thuộc hoặc chép tay ra giấy để đọc. Khi làm lễ xong thì hãy hóa luôn tờ giấy ghi bài khấn.

Chùa Hà Hà Nội

Văn khấn cầu duyên chùa Hà

Mẫu văn khấu cầu duyên tại chùa Hà như sau:

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Kính lạy đức Ngọc Hoàng Thượng Đế

Kính lạy đức Cửu trùng Thanh Vân lục cung Công chúa

Kính lạy đức Thiên tiên Quỳnh Hoa Mẫu Liễu Hạnh

Kính lạy đức Đệ Nhị Bà Chúa Sơn Lâm Mẫu Thượng Ngàn

Kính lạy đức Đệ Tam Mẫu Thoải

Con tên là:… Sinh ngày:… (Âm lịch) Trú tại:…

Hôm nay ngày… (Âm lịch), con đến Thánh Đức Tự thành kính lễ đội ơn Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thoải đã phù hộ độ trì cho gia đình con trong suốt thời gian qua (tạ).

Cầu xin các Mẫu xót thương cho con vì nay nhân duyên cho hôn nhân trăm năm chưa đến mà ban cho con duyên lành như ý nguyện, cho con gặp được người có tâm có đức, có tài có chí, tâm đầu ý hợp, chung thủy bao dung, cho con sớm nên duyên vợ chồng (hoặc cho con sớm có người nên duyên đôi lứa cùng chia buồn, vui trong cuộc sống này).

Con nay lễ bạc tâm thành trước các Mẫu, cúi xin được phù hộ độ trì để có nhân duyên như sở nguyện.

Chúng con người trần mắt thịt, nếu có điều gì lầm lỡ, kính mong các Mẫu tha thứ bỏ qua đại xá cho (sám hối).

Con xin hứa sẽ cố gắng sửa đổi bản thân tốt đẹp hơn, nguyện làm việc thiện, tránh làm việc ác (hứa).

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Cẩn cáo! (vái 3 vái)

Văn khấn các vị Phật, thần thánh ở chùa Hà

Mẫu văn khấn thần – phật – thánh ở chùa như sau:

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.

Hôm nay là ngày… tháng… năm…

Tín chủ con là:…

Ngụ tại:…

Cùng toàn thể gia đình thành tâm trước Đại Hùng Bảo Điện, nơi Chùa… dâng nén tâm hương, dốc lòng kính lạy:

Đức Phật Thích Ca, Đức Phật Di Đà, Mười phương Chư Phật, Vô thượng Phật pháp, Quan âm Đại sỹ, và Thánh hiền Tăng.

Đệ tử lâu đời lâu kiếp, nghiệp chướng nặng nề, si mê lầm lạc.

Ngày nay đến trước Phật đài, thành tâm sám hối, không làm điều dữ, nguyện làm việc lành, nguyện trông ơn Phật, Quan âm Đại sỹ chư Thánh hiền Tăng, Thiên Long bát bộ, Hộ pháp Thiên thần, từ bi gia hộ. Khiến cho chúng con và cả gia đình tâm không phiền não, thân không bệnh tật, hàng ngày an qui làm việc theo pháp Phật nhiệm màu, để cho vận đáo hanh thông, muôn thuở nhuần ơn Phật pháp.

Đặng mà cứu độ cho các bậc Tôn trưởng cha mẹ, anh em, thân bằng quyến thuộc, cùng cả chúng sinh đều thành Phật đạo.

Tâm nguyện lòng thành kính bái thỉnh cúi xin chứng giám.

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Cầu duyên ở chùa Hà có thiêng không?

Chẳng phải tự nhiên mà chùa Hà được mọi người truyền tai nhau là nơi cầu duyên linh nghiệm ở Hà Nội. Người Hà Nội vẫn thường nói với nhau rằng muốn cầu công danh tài lộc thì đến phủ Tây Hồ, muốn cầu bình an thì tới chùa Trấn Quốc còn muốn cầu duyên thì phải tới chùa Hà.

Đã có rất nhiều câu chuyện kể về chuyện cầu tình duyên ở chùa Hà của các đôi nam nữ được toại nguyện, cả hai đều hạnh phúc bên nhau. Có những người sau khi đi lễ ở chùa Hà một tháng sau là đã có người yêu. Cũng có người kể rằng sau khi đi chùa Hà làm lễ cầu duyên thì nửa năm sau họ đã cưới được người như ý,…

Nhiều trường hợp thì éo le hơn như đã chia tay nhưng vẫn còn vương vấn, nhớ nhung tới đối phương sau khi làm lễ ở chùa Hà một thời gian sau quay về bên nhau nên duyên vợ chồng. Ngoài ra, nếu như bản thân chưa tìm được đối tượng ưng ý nhưng khi đến chùa Hà cầu duyên thì đường tình duyên vô cùng thuận lợi, bớt đi những nỗi buồn, sớm mở lòng và tìm được ý chung nhân phù hợp.

Những câu chuyện ấy cứ được lan truyền từ người này đến người khác nên có rất nhiều người đến chùa Hà để cầu tình duyên.

Các lễ hội tại Chùa Hà

Chùa Hà được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa năm 1996. Hiện nay đình và chùa Hà thường tổ chức các lễ hội:

  • Ngày 11 tháng 1 âm lịch kỷ niệm ngày sinh của Thành hoàng Triệu Chí Thành.
  • Ngày 12 tháng 8 âm lịch kỷ niệm ngày hóa của Thành hoàng.
  • Ngày 12 tháng 2 âm lịch là ngày vào đám cầu phúc, cầu mưa thuận gió hòa, người khỏe của nhiều. Trong lễ hội thường diễn ra các tiết mục như đánh cờ người, đánh đu, kéo co, hát cửa đình, múa sư tử…

Đình – chùa Hà thu hút ngày càng đông khách tham quan du lịch gần xa. Nhất là cứ đến ngày sóc vọng (mùng 1 và 15 âm lịch) hàng tháng, đình chùa Hà chật ních người đến thắp hương lễ Phật cầu Thánh, trong ngoài chùa mù mịt khói hương (Ảnh 3, Ảnh 12).

Họ cầu mong Phật, Thánh giải bỏ tất cả tai ách, đem đến cho họ nhiều phúc lộc. Đặc biệt, trai gái Hà Nội hay đến chùa Hà để cầu tình duyên: trai gái đang yêu nhau thì đến cầu thành vợ thành chồng, chưa có người yêu thì đến cầu cho chóng có người yêu.

Lưu ý khi tới chùa Hà lễ

Một số lưu ý bạn cần nhớ khi làm lễ cầu duyên, cầu bình an, may mắn tại chùa Hà:

  • Khi làm lễ hoặc khấn xin, hãy thành tâm mong cầu gặp được người tâm đầu ý hợp, tài đức, chung thủy, vị tha, thấu hiểu;
  • Khi đi lễ ở chùa Hà, bạn nên đi 1 mình, soạn lễ đơn giản, không cần cầu kỳ nhưng phải thành tâm. Hãy mặc trang phục nghiêm túc với áo kín cổ, quần dài khi làm lễ ở chốn linh thiêng;
  • Không nói những lời báng bổ tại chùa chiền;
  • Tắt chuông điện thoại, không khấn quá to, không làm ồn tại chùa;
  • Chọn ngày lành để đi lễ cầu duyên. Đi lễ vào ngày mùng 1 và ngày rằm là tốt nhất nhưng những ngày này chùa Hà rất đông nên cũng hơi khó khăn khi bạn làm lễ;
  • Đi lễ cầu duyên ở chùa Hà quan trọng nhất là sự thành tâm. Khi bạn gửi gắm ước nguyện của mình tới những đấng tối cao, các ngài sẽ chứng giám cho lòng thành của bạn, ban may mắn, se duyên cho người đang mong cầu.

Trên đây là thông tin về chùa HàĐồ Thờ Hưng Vũ đã tổng hợp và gửi tới bạn đọc. Hy vọng qua nội dung trên các bạn đã hiểu rõ hơn về ngôi chùa cổ kính và cầu duyên mà giới trẻ đang rất quan tâm hiện nay.

Nếu muốn tìm các thông tin về lễ hội và ngôi chùa khác hãy đón đọc bài viết mới nhất của chúng tôi nhé!

Có thể bạn quan tâm:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *