Lời phật dạy rằng: “Xây chùa tạc tượng đúc chuông ba công đức ấy thập phương nên làm“. Tại sao những công việc này lại mang công đức vô lượng như vậy. Cùng Đồ Thờ Hưng Vũ tìm hiểu chi tiết sau đây nhé!
Công đức xây chùa tạc tượng đúc chuông là gì?
Ý nghĩa của công đức xây chùa tạc tượng đúc chuông theo dân gian như sau:
Kinh Chánh pháp niệm xứ dạy
Nếu chúng sanh nào nhìn thấy chùa chiền, tháp miếu hư hỏng liền ra sức tu sửa, lại khuyên dạy người khác cùng làm việc tu sửa, thì sau khi mạng chung được sinh về cõi trời, thân thể tươi sáng đẹp đẽ, vào rừng san hô quý cùng các thiên nữ vui hưởng năm món dục lạc. Khi nghiệp cõi trời đã hết, liền được sinh làm người, thân thể cũng được tươi sáng đẹp đẽ.
Theo kinh pháp diệt tận
Về sau, khi thế giới khởi sinh tai kiếp lửa thiêu, nơi nào đã từng xây dựng chùa chiền, tháp Phật sẽ không bị thiêu đốt
Đức Phật dạy
Ví như có người bỏ ra trăm ngàn lượng vàng để xây dựng một ngôi chùa, lại được một vị tỳ kheo giữ giới từng trụ trì nơi đó, thì cho dù ngôi chùa ấy về sau có bị lửa cháy, nước lụt mà hủy hoại mất đi, công đức của người xây dựng chùa ấy cũng không bị mất.
Theo đó mà xét thì việc xây dựng chùa chiền, tu viện nếu được thành tựu, trở thành ruộng tốt để chúng sinh gieo trồng phước đức, công đức sẽ lớn lao biết đến dường nào!
Theo kinh Ưu Điền Vương Tác Phật Hình Tượng
Xưa kia thời đức Phật tại thế, có Quốc vương Bạt Kì, tên gọi Ưu Điền, đi đến trú xứ đức Phật đầu mặt đảnh lễ Ngài, chắp tay thưa với đức Phật rằng:
Thưa Đức Thế tôn! Nếu sau khi đức Phật diệt độ, có chúng sinh làm hình tượng đức Phật, thì sẽ được phước thế nào?
Đức Phật bảo với nhà vua rằng:
Nếu như sau này có người làm hình tượng đức Phật, thì công đức vô lượng không thể tính được, đời đời sanh ra không rơi vào đường ác, ở trên cõi Trời và trong loài người được phước lành vui sướng, thân thể thường có màu sáng ngời như Tử Ma Kim, ánh mắt trong sáng-dung mạo đoan chánh, thân thể tay chân kỳ diệu tuyệt vời, luôn luôn được mọi người kính mến.
Nếu sanh trong loài người, thì thường sanh làm con trong nhà Đế Vương-Đại thần-Trưởng giả-Hiền thiện, nơi sanh ra tôn quý giàu có, tài sản châu báu không thể kể hết, thường được cha mẹ anh em họ hàng thân thích quý trọng.
Nếu làm Đế Vương thì đặc biệt tôn quý trong hàng Đế Vương, được các bậc vua chúa các nước cùng quay về nương nhờ. Cho đến được làm Chuyển luân thánh vương cai quản các bậc vua chúa khắp nơi, bảy báu tự nhiên-ngàn người con đầy đủ, bay lên trên cõi Trời không có nơi nào không đến được.
Nếu sanh trên cõi Trời thì thù thắng nhất trong các vị Trời, thậm chí được làm Thiên vương sáu tầng Trời cõi Dục, ở trong sáu cõi Trời là vị Thiên vương tôn quý bậc nhất.
Nếu sanh vào cõi Phạm Thiên thì làm Đại Phạm vương, đoan chánh không gì sánh được-hơn hẳn các vị Phạm Thiên, thường được các Phạm Thiên tôn trọng cung kính, sau đó đều được sanh vào quốc độ Vô Lượng Thọ, làm bậc đại Bồ-tát tôn quý bậc nhất, trải qua vô số kiếp sẽ được thành Phật, đi vào đạo quả Niết-bàn. Nếu như tương lai có người làm ra hình tượng đức Phật thì sẽ đạt được phước thiện như vậy”.
Công đức xây chùa tạc tượng đúc chuông trong kinh pháp Hoa
Nếu như người vốn có niềm tin
Xây dựng các hình tượng đức Phật
Thậm chí trẻ thơ chỉ vui đùa
Hoặc dùng cỏ cây và bút mực.
Hoặc có khi dùng móng tay chân
Mà vẽ thành hình tượng đức Phật
Tất cả những người làm như vậy
Đều đã thành tựu trong Phật đạo”.
Theo kinh Tạo Lập Hình Tượng Phước Báo nói
Đức Phật đi đến nước Câu la cù, lúc ấy Quốc vương tên gọi là Ưu Điền, nhà vua tuổi mới mười bốn. nghe tin đức Phật đang đến, liền truyền cho cận thần tả hữu thảy đều nghênh đón đức Phật.
Khi đức Phật đã đến liền cúi đầu đảnh lễ đức Phật, vòng tay quỳ thẳng thưa với đức Phật rằng:
Trên cõi Trời giữa cõi người không có ai có thể bằng đức Phật, ánh sáng rạng ngời uy nghiêm sừng sững mới có năng lực như vậy, sợ rằng đức Phật đi xa sau này e khó được gặp, nay con muốn làm thành hình tượng đức Phật để cung kính tiếp tục mãi được hầu hạ, có được phước báo thế nào, nguyện đức Phật thương xót giảng giải điều ấy cho con!
Bấy giờ Đức Thế tôn thuyết kệ trả lời rằng:
Nhà vua hãy lắng nghe Ta nói,
Phước như tro bụi trên mặt đất,
Không có phước đức nào hơn được,
Phước báo làm hình tượng đức Phật.
Luôn luôn sanh vào nhà giàu có,
Tôn quý vô cùng nhiều châu báu,
Thân thích quyến thuộc thường cung kính,
Phước báo làm hình tượng đức Phật,
Thường có được phước báo Thiên nhãn,
Sắc xanh biếc không gì sánh
Phước báo làm hình tượng đức Phật,
Cha mẹ trông thấy lòng hoan hỷ,
Đoan chánh uy đức thật tôn trọng,
Yêu mến luôn luôn không thỏa mãn.
Phước báo làm hình tương đức Phật,
Thân sắc vàng sáng ngời rực rỡ,
Giống như hình tượng Diêu Sư tử,
Chúng sinh trông thấy lòng hoan hỷ.
*Phước báo làm hình tượng đức Phật,
Sanh trong loài người Diêm-phù-đề,
Làm người phước thiện dòng họ lớn,
Trong hàng Sát-lợi-Bà-la-môn
Phước báo làm hình tượng đức Phật,
Không sanh vào quốc độ biên địa,
Không mù lòa không hề xấu xí,
Sáu căn tâm tình thường đầy đủ.
Phước báo làm hình tượng đức Phật,
Lâm chung biết thân mạng đời trước,
Thấy đức Phật ở trước mắt mình,
Không cảm thấy nỗi khổ lúc chết.
Phước báo làm hình tượng đức Phật,
Am bậc Đại vương danh tiếng nhất,
Là Chúa tể cai quản khắp nơi,
Đi lại bằng vòng vàng lượt nhanh.
Phước báo làm hình tượng đức Phật,
Gọi là nhân làm Thiên Đế Thích,
Thần túc chủ quản đứng thứ hai,
Ba mươi ba cõi Trời tôn trọng.
Phước báo làm hình tượng đức Phật,
Nhờ đây vượt qua khỏi Dục Giới,
Làm bậc Phạm vương cõi Phạm Thiên,
Ca di-Phạm Thiên đều cung kính.
Phước báo làm hình tượng đức Phật,
Thọ tưởng phước báo đúng như vậy.
Nếu có thể thực hiện khắc vẽ,
Trời đất còn có thể tính được,
Phước báo này không thể suy lường,
Vì thế cho nên cúng dường Phật,
Hoa hương và các loại hương xoa,
Hương đốt-hương xông cùng tâm hương,
Cúng dường Đại Sĩ tâm thành kính,
Được phước thiện lậu tận vô tri”.
Thuyết khác về công đức xây chùa tạc tượng đúc chuông
Trong thành Xá-vệ có vị đại trưởng giả tên là Tu-đạt-đa, muốn tìm một nơi thắng địa thích hợp để xây dựng tinh xá dâng lên cúng Phật. Cuối cùng chỉ tìm được khu vườn cây của thái tử Kỳ-đà, rộng tám mươi khoảnh, cây cối um tùm xanh tốt, thật là một nơi thắng địa thích hợp nhất.
Tu-đạt-đa liền đến thưa với thái tử xin mua, thái tử nói: “Nếu đem vàng trải kín khắp vườn, ta sẽ bán cho ông.”
Tu Đạt-đa mừng nói: “Nếu vậy thì vườn này sẽ là của tôi.”
Ông lập tức cho người chở vàng đến trải, không bao lâu đã sắp kín hết khắp vườn. Thái tử thấy vậy liền nói: “Ta chỉ nói đùa thôi.”
Tu Đạt đáp: “Ngài là thái tử cao quý, không nên có lời đùa cợt.”
Liền quyết lòng mua cho bằng được, thái tử cuối cùng phải thuận ý bán. Thái tử khi ấy cũng không nhận vàng, mà dùng số vàng ấy để tạo dựng trong tinh xá một ngàn hai trăm phòng ốc. Ngay trong lúc chuẩn bị nền móng xây dựng, tôn giả Xá lợi-phất bỗng nhiên mỉm cười.
Tu-đạt-đa thưa hỏi nguyên nhân, tôn giả đáp: “Nay tuy ông chỉ vừa khởi công xây dựng tinh xá ở đây để dâng cúng lên Phật và chư tăng, nhưng phước báu đời sau sẽ được thọ hưởng cung điện nơi cõi trời đã được định rồi.”
Tôn giả nói xong liền dùng thần thông, khiến cho Tu-đạt-đa nhất thời có được thiên nhãn, cùng quan sát cung điện nơi cõi trời. Tu-đạt-đa được thấy như vậy rồi, trong lòng vô cùng hoan hỷ, liền thưa hỏi tôn giả xem cõi trời nào là an lạc nhất
Tôn giả Xá-lợi-phất dạy: “Tầng trời thứ tư của cõi Dục là cung trời Đâu-suất, hiện có Bồ Tát Di-lặc đang thuyết pháp, chính là nơi an lạc nhất.”
Trưởng giả Tu-đạt-đa liền nói: “Con xin phát nguyện sinh về cõi trời ấy.”
Lúc tinh xá xây dựng hoàn thành, đức vua cùng các quan đại thần, nhân dân, cả thảy hơn một trăm tám mươi vạn người, cùng đến thành Vương Xá cung thỉnh đức Phật và chư tăng. Khi đức Thế Tôn quang lâm, hào quang chiếu sáng khắp nơi, nhạc trời tự nhiên vang lên, nơi thế gian trống không người đánh cũng tự nhiên vang tiếng, bao nhiêu người mù, điếc, câm, ngọng đều tự nhiên được sáu căn đầy đủ như người bình thường.
(Trong Kinh điển thường nói đến “Kỳ thọ Cấp Cô Độc viên” (Vườn ông Cấp Cô Độc, cây của thái tử Kỳ-đà), chính là nơi này. Do khi bán vườn cho trưởng giả Tu-đạt-đa, thái tử có giao ước chỉ bán đất vườn, không bán cây cối, rồi lại mang tất cả cây cối trong vườn ấy dâng lên cúng dường Phật, nên gọi là “Kỳ thọ” (cây của thái tử Kỳ-đà). Trưởng giả Tu-đạt-đa vốn thường chu cấp cho những người nghèo khổ, cô độc, nên được người đời xưng tụng là Cấp Cô Độc. Nhân đó mà khu vườn do ông dâng cúng được gọi là “vườn Cấp Cô Độc”.)
Như vậy qua nội dung trên hy vọng các bạn đã hiểu được công đức xây chùa tạc tượng đúc chuông mà thường được nhắc tới trong đạo Phật là gì rồi.
Nếu quan tâm tới các thông tin khác về phật giáo hãy theo dõi các bài viết mới nhất của chúng tôi nhé!