Đền thờ Hai Bà Trưng Mê Linh | Lịch sử – kiến trúc – lễ hội

Đền Hai Bà Trưng còn gọi là đền Hạ Lôi, thuộc thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội. Đền thờ Hai Bà Trưng là thờ hai vị liệt nữ – anh hùng dân tộc là Trưng Trắc và Trưng Nhị – những người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa đánh đổ ách thống trị của nhà Đông Hán vào năm 40 – 43 (sau Công nguyên), giành lại nền độc lập, tự chủ dân tộc.

Vậy chi tiết về lịch sử, kiến trúc và lễ hội đền thờ Hai Bà Trưng thế nào? Cùng Đồ Thờ Hưng Vũ tìm hiểu chi tiết nhé!

Giới thiệu về đền thờ Hai Bà Trưng

Đền Hai Bà Trưng còn gọi là đền Hạ Lôi ở thôn Hạ Lôi xã Mê Linh, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội. Đền thờ hai vị liệt nữ – anh hùng dân tộc là Trưng Trắc và Trưng Nhị.

Để tưởng nhớ công đức của Hai Bà, nhân dân đã lập đền thờ tại thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, hàng năm tổ chức lễ hội tưởng nhớ công đức của Hai Bà và các tướng lĩnh từ ngày mùng 4 đến mùng 10 tháng Giêng.

Đền thờ Hai Bà Trưng được công nhận di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia năm 1980.

Đền thờ Hai Bà Trưng nằm trên một khu đất cao, rộng, nhìn ra đê sông Hồng, với diện tích 129.824.0m2, đền gồm các hạng mục:

  • Cổng đền
  • Nhà khách
  • Nghi môn ngoại
  • Nghi môn nội
  • Gác trống
  • Gác chuông
  • Nhà tả – hữu mạc
  • Đền thờ Hai Bà Trưng
  • Đền thờ thân phụ
  • Thân mẫu Hai Bà
  • Đền thờ thân phụ
  • Thân mẫu ông Thi Sách
  • Đền thờ các nữ tướng triều Hai Bà Trưng
  • Đền thờ các nam tướng triều Hai Bà Trưng
  • Nhà bia lưu niệm Hộp thư bí mật của đồng chí Trường Chinh
  • Hồ bán nguyệt
  • Hồ mắt voi
  • Suối vòi voi
  • Hồ tắm voi
  • Thành cổ Mê Linh…

Sơ đồ Đền Hai Bà Trưng

Lịch sử đền thờ Hai Bà Trưng

Theo truyền thuyết trong dân gian và thần tích tại đền thờ Hai Bà Trưng ở Mê Linh, Hát Môn và một số di tích thờ Hai Bà trên cả nước, hai chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị có cha là quan Lạc tướng huyện Mê Linh nhưng mất sớm, mẹ là bà Nguyễn Thị Đoan (tên tục gọi là bà Man Thiện).

Sống ở làng quê có nghề trồng dâu nuôi tằm, hai bà là chị em sinh đôi, bà chị có tên là Trưng Trắc (Trưng Trắc ý nói trứng lứa đầu), em gái có tên Trưng Nhị (ý nói trứng lứa sau). Hai bà được nuôi dạy trong tinh thần yêu nước, được dạy binh thư võ nghệ, rất can đảm, dũng lược. Lớn lên, Trưng Trắc kết duyên cùng Thi Sách – con trai Lạc tướng huyện Chu Diên.

Thời kỳ đó, đất nước ta bị nhà Hán đô hộ. Với chính sách thống trị vô cùng tàn bạo và các chế độ cống nạp hà khắc của nhà Hán, nhân dân ta phải sống lầm than, khổ cực, sục sôi ý chí nổi dậy chống lại sự thống trị tàn bạo của chính quyền phong kiến phương Bắc.

Thái thú Tô Định, biết được ý định chuẩn bị khởi nghĩa của Thi Sách và Trưng Trắc, đã lập mưu kế hãm hại Thi Sách nhằm lung lạc ý chí của Bà Trưng Trắc và tinh thần đấu tranh của nhân dân ta. Song hành động tàn bạo của Tô Định không làm cho Bà Trưng Trắc sờn lòng, trái lại, càng làm cho Bà thêm quyết tâm khởi nghĩa “Đền nợ nước, trả thù nhà”.

Năm 40 (sau Công nguyên), Hai Bà Trưng đã giương cao ngọn cờ tụ nghĩa, kêu gọi hào kiệt bốn phương, nhân dân cả nước đứng lên đánh đuổi giặc ngoại xâm.

Trong ngày xuất quân, “cờ xí dậy đất, chiêng trống vang trời, tướng nam lẫm liệt, tướng nữ lạnh lùng”, nghĩa quân khí thế sục sôi với lời thề: “Một xin rửa sạch nước thù. Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng. Ba kẻo oan ức lòng chồng. Bốn xin vẻn vẹn sở công lênh này”.

Cuộc khởi nghĩa được nhân dân khắp nơi ủng hộ, hưởng ứng, tạo thành sức mạnh như vũ bão. Nghĩa quân của Hai Bà Trưng đi đến đâu quân nhà Hán tan vỡ đến đó. Chỉ trong một thời gian ngắn, nghĩa quân đã thu lại 65 huyện, thành, là toàn bộ lãnh thổ nước Việt hồi đó; Tô Định phải bỏ chạy về nước, chấm dứt ách đô hộ hà khắc của nhà Đông Hán.

Sau khi khởi nghĩa thắng lợi, đất nước được giải phóng, Bà Trưng Trắc được tướng sĩ và nhân dân suy tôn lên ngôi Vua, lấy hiệu là Trưng Nữ Vương, định đô tại Mê Linh. “… Đô kỳ đóng cõi Mê Linh, Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta”.

Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng tuy chỉ đưa lại nền độc lập cho đất nước trong gần ba năm, nhưng có ý nghĩa vô cùng to lớn, còn lưu mãi sử xanh.

Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng là cuộc khởi nghĩa đầu tiên trong lịch sử đấu tranh oanh liệt chống ách thống trị của ngoại bang của nhân dân ta, là biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước, ý chí hiên ngang, khí phách quật cường của dân tộc ta.

Quân xâm lược có thể đánh bại chính quyền của Hai Bà Trưng, nhưng tinh thần yêu nước, ý chí quật cường của dân tộc ta thì không bao giờ bị dập tắt. Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng là trang sử vàng trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Dân tộc ta đời đời ghi nhớ công ơn và mãi mãi tự hào về hai vị liệt nữ anh hùng.

Đền thờ Hai Bà Trưng

Quy trình dựng đền thờ Hai Bà Trưng và tôn tạo

Theo tài liệu của ban quản lý Khu di tích, ngay sau khi Hai Bà tuẫn tiết trên sông Hát (năm 43 sau Công nguyên), để tỏ lòng biết ơn công đức của Hai Bà Trưng, nhân dân Mê Linh đã lập đền thờ trên chính nơi Hai Bà Trưng sinh ra, lớn lên, phất cờ khởi nghĩa giành thắng lợi, xưng Vương và định đô. Đền ngự trên một khu đất cao, rộng, thoáng giữa cánh đồng, nhìn ra đê sông Hồng.

Ban đầu ngôi đền được dựng bằng tre, lá, đến triều Đinh (968-980), đền được xây lại bằng gạch và lợp ngói. Đền đã trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo. Năm 1881-1889, đền được trùng tu lớn và đổi hướng lại ban đầu như hướng ngày nay.

Đền thờ Hai Bà Trưng được xếp hạng là di tích cấp Quốc gia năm 1980. Để xứng đáng với vị thế của Hai Bà Trưng trong lịch sử dân tộc và tiến tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, ngày 29/8/2002, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ra Quyết định số 3196/QĐ-UB phê duyệt dự án đầu tư, quy hoạch tôn tạo và xây dựng Khu di tích đền thờ Hai Bà Trưng Mê Linh trên diện tích gần 13ha.

Theo quy hoạch Dự án bao gồm việc trùng tu, tôn tạo đền chính (Tam toà chính điện), đồng thời xây dựng một cách đồng bộ, hoàn chỉnh các công trình phù trợ, tạo thành Khu di tích Đền thờ Hai Bà Trưng Mê Linh, với quy mô kiến trúc bề thế khang trang.

Tháng 5/2003, Dự án trên đã được Thủ tướng Chính phủ đưa vào danh mục dự án quan trọng cấp Quốc gia.

Trong giai đoạn 2002-2005 đã tu bổ, tôn tạo 3 toà đền chính; sơn son thếp bạc các cấu kiện gỗ của 3 tòa và tu bổ toàn bộ nội thất. Dịch chuyển nhà tả mạc, hữu mạc để nới rộng không gian; cải tạo hồ bán nguyệt và sân trước tiền tế; xây dựng đền thờ cha mẹ của Hai Bà và của ông Thi Sách; đền thờ các tướng lĩnh của Hai Bà; khôi phục lại thành ống và hộp thư bí mật…

Trong giai đoạn 2005-2010 đã xây dựng các công trình phục vụ du khách và hệ thống đường giao thông liên quan.

Đền thờ Hai Bà Trưng Mê Linh có ý nghĩa lịch sử và tâm linh sâu sắc, ngày 09/12/2013, di tích đã được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 2383/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Sau đợt đại trùng tu, ngôi đền có quy mô thuộc hàng đầu trong số các di tích của cả nước, xứng đáng với công lao vĩ đại của Hai Bà Trưng đối với dân tộc Việt Nam.

Đền thờ Hai Bà Trưng

Thông tin về Đền Đồng Nhân (Hai Bà Trưng)

Tại nội thành Hà Nội hiện có môi ngôi Đền Đồng Nhân thuộc quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) là nơi thờ Nhị vị nữ vương Trưng Trắc, Trưng Nhị (Cũng được nhiều người gọi là đền thờ Hai Bà Trưng).

Địa điểm này gắn với huyền tích về sự tuẫn tiết của hai vị nữ tướng.

Huyền tích về tảng đá phát sáng

Trong lịch sử dân tộc, Hai Bà Trưng là nhân vật đặc biệt, mở ra nền độc lập cho nước ta sau hàng nghìn năm Bắc thuộc. Hai bà quê ở Phong Châu, Mê Linh. Chị là Trưng Trắc, em là Trưng Nhị. Lúc bấy giờ Thái thú nhà Hán là Tô Định tàn bạo, giết hại Thi Sách, là chồng của bà Trưng Trắc. Hai bà phất cờ nổi dậy và được dân chúng ở các nơi cùng hưởng ứng đánh đuổi quân Tô Định lấy được 65 thành trì ở Lĩnh Nam, tự xưng làm vua.

Đáng tiếc, do thế cô lực yếu, khi nhà Hán sai tướng là Mã Viện sang đàn áp, hai bà chống không nổi phải rút về giữ đất Cẩm Khê, sau cùng lên núi Thường Sơn và tự vẫn. Một thuyết khác nói rằng Hai Bà cùng nhảy xuống sông Hát Giang tự vẫn, sau đó khi thiêng hóa thành hai tảng đá trắng trôi trên sông Hồng về bến bãi Đồng Nhân, đêm thường phát sáng rực rỡ. Dân làng thấy vậy, bèn lấy vải đỏ rước tượng bà và lập đền thờ Hai Bà ở ngay bãi Đồng Nhân ven sông.

Theo sử liệu, đền Đồng Nhân – thờ Hai Bà Trưng được xây dựng vào đời vua Lý Anh Tông, niên hiệu Đại Định thứ ba (1142), tại khu vực bãi sông của làng Đồng Nhân. Sau đó, do vùng đất này bị xói lở nên dân làng đã di dời ngôi đền tới thôn Hương Viên (vị trí ngày nay). Đền là trung tâm của quần thể di tích: Chùa Viên Minh, đình thờ thần Cao Sơn Đại vương, Quốc vương Thiên tử, thần Đô Hồ Đại vương và các vị thủy thần có công phù trợ cho cư dân sống ở ven sông.

Dấu tích nghìn năm

Xưa kia, đền Đồng Nhân ở bãi sông Hồng. Ngày nay, đền Đồng Nhân tọa lạc tại số 12 phố Hương Viên (phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Đây là một trong những ngôi đền thiêng thờ bà Trưng Trắc, Trưng Nhị. Với những giá trị đặc sắc về văn hóa, lịch sử và kiến trúc, đền Đồng Nhân cùng với đình, chùa là quần thể di tích đã được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt (năm 2020).

Theo các nhà nghiên cứu, đền Đồng Nhân được xây trên khuôn viên rộng 4.000m2, theo lối kiến trúc “nội công ngoại quốc”. Trước cổng có một hồ bán nguyệt. Qua một con đường là tới khoảng sân rộng cùng nghi môn gồm 4 trụ. Bên trái là tấm bia lớn cưỡi lưng rùa, bên phải là phương đình kiểu hai tầng tám mái. Đi vào trong là nhà tiền tế 7 gian với tượng hai con voi bằng gỗ sơn đen, được gắn đôi ngà thật. Tượng 2 con voi tượng trưng cho voi của Hai Bà cầm quân ra trận.

Trong đền Đồng Nhân hiện còn giữ được nhiều đồ tế khí sơn son thếp vàng có giá trị như: Bát bửu, hoành phi, câu đối có niên đại thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Đền Đồng Nhân còn có tấm bia “Trưng Vương sự tích bi ký” đặt ở sân trước bái đường, do tiến sĩ Vũ Tông Phan soạn năm 1840 với nội dung ca ngợi Hai Bà là bậc “Nam bang tiết liệt”.

Hàng năm, tri ân công ơn của Hai Bà Trưng, người dân phường Đồng Nhân tổ chức lễ hội từ mồng 4 đến mồng 7 tháng Hai. Mồng 6 là chính hội với nét đặc sắc là chương trình biểu diễn nghệ thuật tái hiện cảnh Hai Bà Trưng cưỡi voi đánh giặc. Phần hội sôi nổi với các trò chơi dân gian.

Đúng 12h là lễ rước cỗ ông chủ và tế hội đồng của 4 xã kết chạ cùng thờ Hai Bà Trưng gồm làng Phụng Công (xã Phụng Công, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên), làng Hạ Lôi (xã Mê Linh, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội) và làng Hát Môn (xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội). Lễ hội ở đền Đồng Nhân thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tri ân những anh hùng dân tộc, những người có công với nước với dân.

Cách di chuyển tới đền Hai Bà Trưng – Mê Linh

Đền thờ Hai Bà Trưng tại thôn Hạ Lôi xã Mê Linh, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 30km. Vì vậy việc di chuyển từ nội thành tới đây cũng khá dễ dàng. Các bạn có thể mất khoảng 40 – 60 phút là đã có thể tới được đền Hai Bà Trưng

Lộ trình từ trung tâm thành phố Hà Nội tới Đền thờ Hai Bà Trưng các bạn có thể tham khảo như sau:

  • Trung tâm Hà Nội – Cầu Thăng Long/Cầu Nhật Tân – Khu CN Thăng Long – TL 23 – Đền Hai Bà Trưng

Địa điểm Đền Hai Bà Trưng trên Google 

Kiến trúc Đền thờ Hai Bà Trưng

Đền Hai Bà Trưng được xây dựng theo hình chữ “tam”, gồm: Tiền tế, Trung tế, Hậu cung, xung quanh là tường gạch; hai bên là Tả mạc và Hữu mạc.

Hiện đền thờ Hai Bà Trưng nằm trên một khu đất cao, rộng, nhìn ra đê sông Hồng, với diện tích 129.824.0m2, đền gồm các hạng mục như:

Cổng đền

Cổng đền thờ Hai Bà Trưng được xây 2 tầng, tầng dưới tạo 3 cửa vòm cuốn, tầng trên xây kiểu chồng diêm, với 2 tầng 8 mái.

Bờ nóc đắp hình đôi rồng chầu mặt trời, phần cổ diêm trang trí hình hoa 4 cánh, các góc đao đắp hình lá hỏa, góc cột đắp hình hoa cúc dây, thân cột hình hoa lá.

Nhà khách

Nhà khách đền được thiết kế và xây gồm 7 gian, xây kiểu tường hồi bít đốc.

Nghi môn ngoại

Nghi môn ngoại đền Hai Bà Trưng xây kiểu cột đồng trụ hay còn gọi là tứ trụ. Đỉnh trụ trang trí tứ phượng theo kiểu lá lật, các ô lồng đèn phía dưới trang trí tứ linh.

Hệ thống tứ trụ phân cách thành một cổng chính và hai cổng phụ.

Nghi môn nội

Nghi môn nội đền gồm một gian, hai dĩ, với bờ nóc, bờ dải đắp hình hoa chanh, hai bên đầu hồi đắp hai đầu rồng, phần khúc khuỷu đắp hai con nghê gắn sứ trong tư thế chầu vào nhau, bốn góc đao uốn cong, bộ vì đỡ mái làm kiểu “thượng chồng rường, hạ kẻ chuyền”.

Gác chuông – gác trống

Gác trống – gác chiêng đều được làm theo kiểu bốn mái uốn cong, bờ dải đắp hình hoa chanh, hai bên đầu hồi đắp hình hổ phù, tầng trên mở bốn cánh cửa quay về bốn hướng,…

Đền thờ Hai Bà Trưng

Đền thờ Hai Bà Trưng có tòa tiền tế gồm 7 gian, 2 dĩ, xây theo kiểu tường hồi bít đốc, bờ nóc đắp kiểu bờ đinh, hai đầu đắp hình con đấu, đầu hai bờ dải đắp hình phượng vũ.

Phía trước tiền tế có đôi voi đá trong tư thế quỳ chầu vào nhau. Hai cổng nhỏ với mái làm theo kiểu “chồng diêm”, mái uốn cong.

Nối hai cổng nhỏ là hai bức “cánh phong”, phía trước có cột trụ biểu, đỉnh trụ hình trái giành, các ô lồng đèn đắp nổi tứ linh.

  • Nhà trung tế gồm 5 gian, 2 dĩ, xây kiểu tường hồi bít đốc, bờ nóc đắp hình hoa chanh, chính giữa đắp hổ phù, hai mái kiểu chồng diêm… phía trước trung tế có lư hương đá,…
  • Nối với gian giữa trung tế là hậu cung – một nếp nhà ba gian, một dĩ, được xây dọc, hợp với trung tế tạo thành một kiến trúc tổng thể dạng chữ Đinh.

Bộ khung đỡ mái hậu cung gồm bốn bộ vì mang kết cấu “thượng giá chiêng hạ chồng rường, và “thượng giá chiêng hạ cột”.

Các hàng cột có đường kính 35cm, trên cột nách chạm hình chữ Thọ, hoa lá.

Đền thờ Hai Bà Trưng Huyện Mê Linh Hà Nội

Đền thờ thân phụ – thân mẫu Hai Bà Trưng

Đền thờ thân phụ – thân mẫu có mặt bằng dạng chữ Đinh, gồm tiền tế và hậu cung.

Tiền tế gồm nhà 5 gian, xây theo kiểu tường hồi bít đốc, bờ nóc đắp lưỡng long chầu nguyệt, bờ dải kiểu bờ đinh. Hậu cung gồm 1 gian, 2 dĩ.

Đền thờ thân phụ – thân mẫu ông Thi Sách

Đền thờ thân phụ – thân mẫu ông Thi Sách tọa lạc về phía bên trái đền thờ Hai Bà Trưng.

Đền quay hướng Tây Nam, có mặt bằng kiến trúc dạng chữ Đinh, gồm tiền tế và hậu cung.

Đền thờ các Nữ tướng thời Hai Bà Trưng

Đền thờ các Nữ tướng thời Hai Bà Trưng có mặt bằng dạng chữ nhất, gồm 5 gian, xây kiểu tường hồi bít đốc.

Hai gian bên trổ cửa hình chữ Thọ để lấy ánh sáng cho di tích. Hệ khung đỡ mái gồm 6 bộ vì được kết cấu theo dạng “thượng giá chiêng, trung kẻ truyền, hạ bẩy hiên, hậu gối tường”. 

Chính giữa ban thờ xây bệ cao bài trí ngai và bài vị, phía trước bài trí hương án.

Đền thờ các tướng Nam thời Hai Bà Trưng

Đền thờ các tướng Nam thời Hai Bà Trưng quay hướng Đông Bắc, có mặt bằng kiến trúc dạng chữ Nhất, gồm 5 gian, tường hồi bít đốc, với 6 bộ vì được kết cấu theo dạng “thượng giá chiêng, trung kẻ truyền, hạ bẩy hiên, hậu gối tường”. 

Chính giữa ban thờ xây bệ cao bài trí khám thờ và bài vị.

Nhà tả – hữu mạc

Nhà tả – hữu mạc là nếp nhà 7 gian, xây kiểu tường hồi bít đốc, bờ nóc, bờ dải đắp hình hoa chanh, hệ vì đỡ mái được kết cấu theo dạng “thượng giá chiêng chồng rường, trung kẻ, hạ bẩy”.

Phía trước hiên dãy nhà bên phải đền bài trí 8 con voi, ngựa, sư tử, bên trong trưng bày một số di vật khai quật tại thành cổ Mê Linh.

Thành cổ Mê Linh

Thành cổ Mê Linh hiện vẫn còn dấu vết thành cổ đắp đất, hình “con rắn uốn mình”, dài 1.750m, với chỗ rộng nhất là 500m, chỗ hẹp nhất là 200m, đắp bằng đất luyện, dày khoảng 1 ngũ (khoảng 2m), cao 1 trượng (khoảng 4m).

Bao ngoài bờ thành là quách dày 2 ngũ (khoảng 4m), cao 1 trượng (khoảng 4m). Khoảng cách giữa thành và quách là đường “thông cù” rộng 2 ngũ (khoảng 4m).

Do có con đường “thông cù” này mà thành có tên là “thành Ống”. Vòng ngoài cùng là hào cắm chông tre.

Tương truyền, xưa kia trong thành có cung điện của Trưng Vương, ngoài thành có các trại quân bộ, quân thủy. Hiện nay còn di tích các đồn quân của nữ tướng Lự Nương và nam tướng Bạch Trạch ở phía trước đền Hạ Lôi, thuộc xã Tráng Việt.

Đây chính là đất Phấn Lộ, huyện Chu Diên, nơi Hai Bà Trưng cho đắp đô thành. Thành cổ đã được khai quật khảo cổ và thu được nhiều hiện vật có giá trị.

Nhà bia lưu niệm Hộp thư bí mật của đồng chí Trường Chinh

Nhà bia lưu niệm được xây kiểu bốn mái, các góc mái uốn cong, chính giữa gắn tấm bia lưu niệm có nội dung:

‘‘Nơi đây có cây lụa già thân rỗng là hộp thư bí mật của đồng chí Trường Chinh – Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam những năm 1943 – 1945, đồng chí Trường Chinh đã lấy đền thờ Hai Bà Trưng là một trong những nơi hội họp bí mật để chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa giành chính quyền Thủ đô Hà Nội ngày 19/8/1945’’.

Mắt voi – vòi voi – hồ tắm voi – hồ bán nguyệt

Tương truyền khu đền này được xây trên mảnh đất có thế (hình) đầu con voi nên có các tên gọi trên. Khu vực này hiện nay được kè đá, gạch, xung quanh trang trí hoa sen bằng đá xanh tạo cảnh quan cho khu di tích.

Đền Hai Bà Trưng còn là nơi lưu giữ nhiều di vật quý, đa dạng, phong phú về cả chủng loại và chất liệu như: gỗ, đá, đồng, sứ, giấy,… trong đó di vật gỗ chiếm đa số.

Các di vật có niên đại tập trung vào triều Nguyễn như hoành phi,  hương án, đại tự, câu đối, khám, kiệu, tượng thờ…được chạm khắc công phu, tinh xảo, với các đề tài trang trí: rồng mây, hoa lá, văn triện, hổ phù…

Đây là những tác phẩm nghệ thuật thể hiện bàn tay tài hoa, khéo léo và tinh tế của ông cha ta trong nghệ thuật tạo tác, phản ánh nhiều mặt của đời sống xã hội và những ước vọng về cuộc sống tốt đẹp hơn.

Đền Hai Bà Trưng là nơi sinh hoạt văn hóa, tâm linh của nhân dân địa phương, qua đó những giá trị văn hóa phi vật thể đã được kết tinh và biểu hiện ở lễ hội và các trò diễn dân gian.

Voi nghựa tại đền thờ Hai Bà Trưng

Lễ hội đền Hai Bà Trưng

Lễ hội đền Hai Bà Trưng được tổ chức hang năm, từ ngày 4 đến ngày mồng 10 tháng Giêng (Âm lịch). Trong đó, chính hội là ngày mồng 6, tương truyền, đây là ngày Hai Bà Trưng mở tiệc khao quân, cho nên sau này dân làng mở hội để kỷ niệm sự kiện đó, nhằm ôn lại truyền thống hào hung của các bậc tiền nhân trong buổi đầu dựng nước và giữ nước.

Cứ năm năm một lần, nhân dân trong làng lại tổ chức rước kiệu Hai Bà Trưng, kiệu Thành hoàng làng Hạ Lôi.

Di tích Hai Bà Trưng chứa đựng những giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật, kiến trúc,….

Đây là nơi gắn bó mật thiết với đời sống cộng đồng trong sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tự hào dân tộc, sự cố kết cộng đồng… của cư dân Hạ Lôi.

Di tích đã được Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (Quyết định số  2383/QĐ -TTg , ngày 09 tháng 12 năm 2013)

Đền thờ Hai Bà Trưng

Đồ Thờ Hưng Vũ tự hào thi công đồ thờ cho Đền Hai Bà Trưng

Thời gian vừa qua thì Đồ Thờ Hưng Vũ tự hào là đơn vị thi công đồ thờ Đền Hai Bà Trưng. Nhận được sự tin tưởng của chính quyền và bà con tại xã Hạ Lôi, thì Đồ Thờ Hưng Vũ đã cung cấp – nâng cấp và thi công các đồ thờ cúng tại đền.

Qua nghiên cứu và đưa ra giải pháp, các sản phẩm của chúng tôi đã được sự hài lòng lớn nhất từ chính quyền và bà con tại đây.

Để được ban quản lý đền thờ Hai Bà Trưng lựa chọn thì Đồ Thờ Hưng Vũ đã tạo được sự tin tưởng bởi:

  • Sản xuất đồ thờ cúng đa dạng mẫu mã
  • Sản phẩm chất lượng với tay nghề cao
  • Tư vấn thiết kế đình, chùa, nhà thờ, gian thờ tại nhà riêng…
  • Nhận làm mới, tu sửa đồ thờ cúng, tượng phật,…
  • Cung cấp sản phẩm tượng phật trưng bày tại cửa hàng.
  • Nhận đồ cung tiến vào đình, chùa, nhà thờ theo yêu cầu

Trên đây là thông tin về đền Hai Bà TrưngĐồ Thờ Hưng Vũ đã tổng hợp và thông tin tới bạn đọc. Hy vọng qua nội dung trên các bạn đã hiểu rõ được lịch sử, ý nghĩa, và lễ hội của đền Thờ Hai Bà Trưng

Nếu có nhu cầu tìm hiểu về đồ thờ cúng hãy liên hệ cho chúng tôi để được tư vấn và hỗ trợ sớm nhất nhé!

Thông tin liên hệ

Đồ Thờ Hưng Vũ

Địa chỉ: 36 Xóm Ngã Tư – Xã Sơn Đồng – Huyện Hoài Đức – Tp. Hà Nội

Hotline – Zalo: 0908.867.888

Số điện thoại: 0907.200.988

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *